Theo Bộ Tài chính, do xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, nên việc thay đổi ngay và căn bản công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cần có đánh giá cụ thể để xác định thời điểm, lộ trình phù hợp.
Thị trường xăng dầu biến động là do nguồn cung.
Tại văn bản gửi Bộ Công thương tham gia ý kiến về đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã nêu quan điểm về nội dung sửa đổi liên quan đến công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu.
Theo đó, tại dự thảo Tờ trình Thủ tướng, Bộ Công thương có nhận định: “Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh”. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác nêu trên trong dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh: Minh họa
Sở dĩ, nhận định nêu trên chưa chính xác là do: Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới (hiện chiếm tỷ trọng từ 60% đến 80% tùy từng chủng loại trong công thức tính giá cơ sở), vì vậy với những biến động đột biến của giá thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại kỳ điều hành giá lại giảm sâu so với giá nhập mua. Mặt khác, những biến động về cung cầu, cạnh tranh thị trường, chiến lược tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.
"Thị trường xăng dầu biến động do chi phí kinh doanh chưa được tính đúng, tính đủ" là nhận định chủ quan, không chính xác.
Bộ Công thương cho rằng: Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác nêu trên trong dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở đã được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 3 lần theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu: Lần 1 vào ngày 10/1/2022, lần 2 vào ngày 10/7/2022 và lần 3 vào ngày 8/11/2022. Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh 2 lần theo thực tế báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP: Lần 1 vào ngày 10/1/2022; lần 2 vào ngày 7/10/2022. Như vậy, vấn đề này không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Về các phương án nêu tại dự thảo Tờ trình, để có cơ sở lựa chọn phương án, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương: Đối với phương án 1 tại dự thảo (tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành): Bộ Tài chính đề nghị rà soát đánh giá để xác định rõ các khoản chi phí cần bổ sung trong giá cơ sở và tổ chức lấy ý kiến để có cơ sở báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.
Phương án 2 dự thảo quy định: Sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá Platts, các loại thuế, trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG), lợi nhuận định mức; các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.
Theo Bộ Tài chính, do xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, việc thay đổi ngay và căn bản cơ chế cần phải có đánh giá cụ thể để xác định thời điểm, lộ trình phù hợp.
Đánh giá tác động đa chiều khi tính toán giá xăng dầu
Để có cơ sở báo cáo Chính phủ xem xét, Bộ Tài chính đề nghị đánh giá, làm rõ thêm những vấn đề sau: Tình hình thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay; tác động của việc thay đổi cơ chế điều hành giá xăng dầu đến hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu, đến việc đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong nước; đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và điều hành kinh tế vĩ mô.
Khi giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế - xã hội, công cụ quản lý của Nhà nước là gì? Chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, người dân tại vùng sâu vùng xa nơi ít cây xăng, thị trường cạnh tranh thấp, chi phí kinh doanh tăng.
Ngoài ra, cần làm rõ kinh nghiệm quốc tế của các nước về giá xăng dầu; bổ sung kinh nghiệm của các nước ứng phó với biến động tăng của giá xăng dầu như trong nửa đầu năm 2022.
Tình hình thị trường xăng dầu bất ổn thời gian qua là do nguồn cung
Trong bối cảnh quy mô của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không đồng đều và khi được giao quyền chủ động trong quyết định giá bán lẻ của doanh nghiệp thì cần có các phương án cụ thể về kiểm soát và chế tài để hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý.
Khi chuyển đổi từ giá cơ sở sang việc công bố 4 yếu tố gồm chi phí định mức, thuế, quỹ, lợi nhuận định mức, đề nghị nghiên cứu cơ sở để làm căn cứ tính toán trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG; đồng thời nghiên cứu cơ chế kiểm soát chi phí của các doanh nghiệp để bảo đảm công khai minh bạch, tránh lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Theo phương án trên, cơ quan nhà nước cho phép doanh nghiệp được tự xác định chi phí trong giá bán nhưng lại khống chế lợi nhuận định mức; đồng thời khống chế các loại thuế. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương đánh giá kỹ vấn đề này để đề xuất phương án cho phù hợp.
Làm rõ giá xăng dầu công bố để trích lập, chi sử dụng quỹ
Về quỹ BOG xăng dầu, theo Bộ Tài chính, để có cơ sở báo cáo Chính phủ xem xét, đối với phương án này, đề nghị Bộ Công thương bổ sung ý kiến của Bộ Tài chính về thống nhất đầu mối thống nhất thực hiện các nhiệm vụ điều hành giá cơ sở xăng dầu (bao gồm các nhiệm vụ về tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở); điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ BOG để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại phương án 2 (tiếp tục giữ công cụ Quỹ BOG để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ BOG), cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi Quỹ BOG khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. Bộ Tài chính đề nghị làm rõ thêm giá xăng dầu công bố là giá nào để làm căn cứ trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG.
Ngoài ra, liên quan đến Quỹ BOG, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 8 Nghị định giao cơ quan cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu xử lý đồng bộ Quỹ BOG trong trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, hoặc không làm thủ tục cấp mới khi Giấy xác nhận hết hạn; hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động đăng ký không tiếp tục làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, hay phá sản, giải thể...
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)