Đó là nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khi nói về chuyện nên giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo các vướng mắc, khó khăn liên quan đến Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó VINPA đề nghị Chính phủ bỏ quỹ bình ổn xăng dầu vì quỹ này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi hơn là có lợi. Thứ nữa, chính việc cho lập và sử dụng quỹ bình ổn khiến thị trường xăng dầu bị “méo mó”, mang đậm tính can thiệp hành chính và không bảo đảm tính cạnh tranh đúng theo cơ chế thị trường.
Đề xuất của VINPA một lần nữa khơi dậy câu chuyện nên hay không nên bỏ quỹ bình ổn xăng dầu, vốn đã được thảo luận nhiều lần trong các năm qua. VietnamFinance đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh về chủ đề này.
- Ông cho rằng việc sử dụng quỹ bình ổn trong điều hành xăng dầu là một can thiệp hành chính hay là một biện pháp kinh tế?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho đây vừa là can thiệp hành chính vừa là biện pháp kinh tế. Hiện, xăng dầu vẫn được xem là mặt hàng chiến lược. Đã là mặt hàng chiến lược thì phải quản lý, do đó không có lí do gì nhà nước không sử dụng mọi biện pháp, kể cả can thiệp hành chính, để đem lại hiệu quả trong quản lý kinh doanh.
- Quỹ bình ổn xăng dầu đã tồn tại được 10 năm và trong 8/10 năm đó đã liên tiếp xuất hiện các ý kiến cho rằng nên bỏ quỹ, quan điểm của ông về việc này?
Trước hết phải nhìn nhận công bằng rằng quỹ bình ổn xăng dầu đã góp phần tạo ra sự ổn định cho thị trường xăng dầu Việt Nam trong nhiều năm qua. Quỹ giúp chúng ta đã giảm được sự phụ thuộc gần như tuyệt đối về biến động giá trên thị trường xăng dầu thế giới.
Chúng ta biết rằng giá xăng dầu trên thị trường thế giới được mua bán theo giá kì hạn, thông thường từ 3 – 6 tháng. Giá xăng dầu lên xuống có khi đến từ nguyên nhân đầu cơ hoặc do các yếu tố tâm lý. Do đó, quỹ bình ổn có tác dụng như một tấm đệm làm giảm những cú sốc cho thị trường trong nước trong giai đoạn ta chưa xác định được giá xăng dầu vì sao lên xuống.
Trong thời gian gần đây, giá xăng dầu có nhiều biến động mạnh, do đó vấn đề nên hay không nên bỏ quỹ bình ổn lại được đưa ra. Theo quan điểm của tôi, chúng ta vẫn nên giữ lại quỹ bình ổn xăng dầu.
- Vì sao, thưa ông?
Một là khả năng dự báo biến động giá xăng dầu trên thị trường thế giới của các doanh nghiệp chưa tốt.
Hai là ta chưa có thị trường cạnh tranh đối với mặt hàng xăng dầu. Dù ta đã kêu gọi giảm độc quyền và tiến tới thị trường xăng dầu thực sự nhưng việc này chưa làm được. Thị trường xăng dầu của ta vẫn còn mang tính chỉ đạo, độc quyền như trước đây thôi, chả khá hơn đâu.
Nói rõ hơn thì như thế này: về đầu mối nhập khẩu, đầu mối của ta rất ít, chỉ dăm ba đầu mối được Bộ Công Thương chỉ định nhập khẩu xăng dầu. Năng lực dự báo biến động giá cả trên thị trường thế giới để đặt mua được giá theo kì hạn có lợi cho nền kinh tế của các đầu mối này, nói thật là chưa được như mong muốn.
Còn về thị trường bán lẻ, số doanh nghiệp tham gia vào thị trường bán lẻ vẫn còn hạn chế và tính cạnh tranh không cao. Tính độc quyền vẫn còn và vẫn cần nhà nước điều tiết một cách riết róng. Như vậy, việc bỏ quỹ bình ổn là chưa nên.
- Như ông nói thì quỹ bình ổn chỉ có lợi cho việc điều hành của Chính phủ chứ người tiêu dùng chẳng có lợi gì?
Lợi cho nền kinh tế và người tiêu dùng cũng được lợi.
Như tôi nói, thị trường xăng dầu chưa hoàn toàn là thị trường. Nó vẫn cần bàn tay điều hành của nhà nước. Nhà nước phải dùng nhiều biện pháp khác nhau để điều hành giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng bền vững thì dứt khoát giá xăng dầu trong nước cũng phải tăng theo. Nhưng trong giai đoạn giá xăng dầu tăng do đầu cơ, do các yếu tố tâm lý thì rõ ràng việc dùng quỹ sẽ giảm thiểu các tín hiệu giả của thị trường.
Quỹ góp phần bình ổn giá xăng dầu và giảm các thiệt hại không đáng có của ngành sản xuất khi giá xăng dầu tăng lên bởi các yếu tố mang tính tâm lý hoặc do đầu cơ. Đó là cái tốt chứ.
- Nhưng quỹ bình ổn bị phê phán là gây cản trở cho các doanh nghiệp và làm méo mó thị trường xăng dầu?
Chúng ta đã nhìn thấy các tác động không tốt của quỹ này trong thời gian qua. Thừa nhận rằng việc trích lập hiện nay cứng nhắc và bị động; việc sử dụng thế nào cũng không rõ ràng, do đó việc sử dụng quỹ thời gian qua khá bị động. Một số ý kiến cho rằng nhà nước đang trao quyền quá lớn cho các doanh nghiệp trong việc trích lập và chi sử dụng quỹ. Một số ý kiến khác thậm chí nói quỹ bình ổn vô nguyên tắc.
Tuy nhiên, cũng phải thấy quỹ bình ổn đã giúp ta qua được những giai đoạn khó khăn để đạt được hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô. Vấn đề chỉ là cần phải có sự thay đổi trong việc quản lí quỹ. Người dân đòi hỏi tính minh bạch, công khai hơn trong việc quản lý, sử dụng quỹ này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)