Việc có thêm kho dự trữ sẽ góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước mỗi khi thị trường dầu thế giới biến động.
Công ty CP Kho cảng ngoại quan và thương mại dầu khí Nam Sông Hậu Nha Trang có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa và Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, đề xuất được thực hiện dự án Kho xăng dầu ngoại quan tại Khu kinh tế Vân Phong.
Mục tiêu của dự án là đầu tư một kho cảng ngoại quan kết hợp nội địa xăng dầu, hàng hóa tổng hợp, trong đó kho ngoại quan xăng dầu có sức chứa 150.000m3, kho nội địa xăng dầu có sức chứa 80.000m3, kho hàng hóa tổng hợp có công suất 1 triệu tấn/năm, cảng hàng hóa tổng hợp có thể nhận tàu có công suất 150.000 tấn cùng hệ thống 4 cầu cảng.
Dự kiến tổng diện tích quy hoạch xây dựng dự án khoảng 100ha với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi được đồng ý chủ trương, Công ty sẽ khảo sát địa hình, địa chất và lập báo cáo trình Chính phủ xin bổ sung quy hoạch kho xăng dầu ngoại quan; đồng thời hoàn thành các thủ tục về thuê đất, cấp giấy phép đầu tư.
Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đều bày tỏ ủng hộ xây dựng kho ngoại quan xăng dầu và cho rằng nó sẽ có ý nghĩa lớn trong cung cấp xăng, dầu vào Việt Nam và các thị trường khác, tăng thêm một kho dự trữ với khối lượng tương đối lớn góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước mỗi khi thị trường xăng dầu thế giới biến động.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cách đây vài tháng, giá xăng dầu thế giới xuống rất thấp, có thời điểm rơi về mức âm, các quốc gia đều tận dụng cơ hội này để mua xăng dầu tích trữ. Tuy nhiên, năng lực kho chứa ở Việt Nam còn thấp, ở thời điểm đó các kho đã đầy nên lỡ mất cơ hội mua được xăng dầu giá rẻ.
Sự biến động của giá cả xăng dầu trên thế giới đặt ra yêu cầu phải xây dựng, mở rộng các kho chứa, cho nên trước đề xuất xây kho ngoại quan xăng dầu của Công ty CP Kho cảng ngoại quan và thương mại dầu khí Nam Sông Hậu Nha Trang, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam hoàn toàn ủng hộ và cho rằng nên khuyến khích. Theo đó, doanh nghiệp có thể vừa khai thác vừa cho các nhà cung cấp xăng dầu khác thuê lại kho, nâng cao công suất khai thác, sử dụng.
Khu kinh tế Vân Phong hiện đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn liên quan đến dầu khí, điện khí, kho cảng LNG. Ảnh: Kinh tế & Tiêu dùng
“Việt Nam phải cân đối, thiếu thì cho nhập, không nên gây cản trở làm gì. Mà đã cho phép nhập thì phải có đủ kho chứa.
Đương nhiên, các kho này phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về môi trường, phòng chống cháy nổ thì mới cho phép hoạt động”, ông Trần Viết Ngãi bày tỏ quan điểm.
Cùng chia sẻ quan điểm này, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, với một khu kinh tế tổng hợp, lấy khu cảng trung chuyển container quốc tế làm chủ đạo như khu kinh tế Vân Phong (rộng khoảng 150.000ha và có thể nhận tàu 200.000 DWT ra vào – PV), việc có thêm một doanh nghiệp trong nước dám đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hệ thống kho cảng gồm kho ngoại quan xăng dầu, kho nội địa xăng dầu, kho hàng hóa tổng hợp là rất tốt và nên làm.
“Kho cảng là một dạng cơ sở hạ tầng logistics mà Việt Nam đang rất thiếu cho nên rất cần tăng cường đầu tư.
Tại Khu kinh tế Vân Phong, nếu dự án trên được xây dựng và đi vào hoạt động thì thay vì phải trung chuyển xăng dầu từ tàu lớn qua tàu nhỏ để vào kho thì xăng dầu được bơm thẳng trực tiếp từ tàu lớn vào kho, rút ngắn thời gian xuất nhập xăng dầu. Cùng với đó, tàu lớn vào cảng có thể mua dầu trực tiếp kho cảng này”, GS.TS Đặng Đình Đào nói và theo hình dung của ông, ở đây chủ yếu là các hệ thống đường ống, do đó khi xây dựng phải nhìn xa hơn là sau này sẽ kết nối với cả hệ thống đường ống xăng dầu nội địa, chứ không chỉ dừng ở xăng dầu xuất nhập. Sự kết nối ấy vừa giúp giảm được chi phí, vừa thu hút đầu tư cũng như tàu hàng vào nhiều hơn.
“Phải đầu tư hiện đại luôn để phục vụ cho những mục đích lớn hơn về sau, ví dụ như làm kho dự trữ quốc gia”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, một thời gian dài hệ thống kho xăng dầu của Việt Nam do Tập đoàn Dầu khí phụ trách, đã đến lúc cần có đầu tư nhiều hơn, đa dạng hơn và hiện đại hơn. Đây sẽ là một bước để gia tăng sự cạnh tranh sau này.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cũng chia sẻ với lưu ý của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đó là xăng dầu là một loại hàng hóa đặc biệt, dễ cháy nổ nên nếu đề xuất được đồng ý về chủ trương thì chủ đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong phải tính đến vấn đề an toàn.
Ngoài ra, phải xem xét kỹ dự án sẽ nằm trong tổng thể của Khu kinh tế Vân Phong như thế nào để vừa đảm bảo kết nối, vừa khai thác hiệu quả, không thể vì dự án này mà khiến cho các nhà đầu tư khác gặp khó khăn.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)
Để doanh nghiệp tự tính toán, quyết định giá bán lẻ: Đưa kinh doanh xăng dầu tiến gần cơ chế thị trường(17/07/2024)
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Việc để doanh nghiệp xăng dầu tự tính toán và công bố giá là phù hợp(16/07/2024)