Bài 3: Cao điểm “chiến dịch” Bạch Hổ
02:49 SA @ Thứ Hai - 27 Tháng Tám, 2018

Có dầu đến khai thác được dầu là hai thái cực. Trên biển khơi mênh mông, tìm được cấu tạo địa chất có dầu đã khó như “tìm kim đáy bể” nhưng nếu lượng dầu không đủ lớn để trả chi phí khai thác thì toàn bộ công sức của hàng ngàn người cũng đổ hết xuống biển.

Gay cấn tìm vị trí bắn

Với trữ lượng tính toán khi “bắn vỉa” ở giếng BH-5 chỉ vỏn vẹn 20 tấn/ngày, toàn bộ Hội đồng của Vietsovpetro đã ngay lập tức làm việc với nhóm kỹ thuật của tàu khoan Mikhain Mirchin nhưng không thấy có gì sai sót trong quy trình thử vỉa và chọn vị trí “bắn”…

bai 3 cao diem chien dich bach ho
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười làm việc tại cảng Vietsovpetro.

Vấn đề này còn trở nên quan trọng hơn vì cuối năm 1984, Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô phải phê duyệt trữ lượng và Sơ đồ công nghệ khai thác thử mỏ Bạch Hổ. Mà với kết quả giếng BH-5 “khiêm tốn” như trên, việc phê duyệt sẽ là một khó khăn lớn... nên cần phải nhanh chóng có giếng thăm dò đánh giá trữ lượng thứ hai!

Về vị trí giếng thăm dò tiếp sau là cả một sự “gay cấn”! Đa số cho rằng phải khoan ở vị trí không xa giếng BH-5, quanh khu vực “đỉnh của mỏ Bạch Hổ”, bởi các chuyên gia đều mong muốn có một lưu lượng tốt hơn để khẳng định triển vọng mỏ Bạch Hổ.

Mặc dù không nói ra, nhưng ai cũng cảm nhận giếng BH-5 không giải quyết được mục tiêu đề ra. Đối với Vietsovpetro, tầng 23 được khẳng định có dầu và mục tiêu lúc bấy giờ của Vietsovpetro là trữ lượng mỏ Bạch Hổ có bao nhiêu, vì đó là yếu tố quyết định đến tương lai phát triển của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro.

Cần phải nhanh chóng mở rộng diện tích thăm dò! Vietsovpetro cương quyết bảo vệ luận điểm của mình, yêu cầu khoan giếng BH-4 ở phía Bắc mỏ Bạch Hổ, cách giếng BH-5 khoảng 10 km, mặc dù nhiều người phản đối, cho rằng việc chọn vị trí giếng BH-4 thiếu cơ sở khoa học. Quan điểm khoan giếng BH-4 được Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô ủng hộ.

Trong cuộc họp nội bộ Phía Việt Nam ngày 7/6/1984, ông San và ông Đức - Phòng Địa chất, cố gắng thuyết phục khoan giếng BH-4 nhưng bất thành.

Quyết định cuối cùng

Hội nghị của Liên doanh quyết định Vietsovpetro phải chọn vị trí ở BH-3. Kết luận hội nghị được thông báo cho Tổng giám đốc Ph.G. Arjanov và ông Nguyễn Ngọc Cư lúc đó bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc thứ nhất.

bai 3 cao diem chien dich bach ho
Phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên ở mỏ Đại Hùng vào ngày 18/7/1988.

Ông Ph.G. Arjanov báo cáo về Mátxcơva, còn ông Cư cùng Phó Tổng cục trưởng Phan Tử Quang báo cáo Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười về quan điểm của Phía Liên Xô và của các chuyên gia Việt Nam trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro.

Ngày hôm sau, ông Cư thông báo đã nhận được điện của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười cho khoan giếng BH-4. Mặc dù được sự đồng ý của lãnh đạo cấp trên, nhưng nỗi lo vẫn canh cánh trong lòng… Nếu giếng BH-4 không phát hiện dầu thì sao? Nếu giếng nằm ngoài ranh giới khép kín địa chấn như một số chuyên gia khẳng định thì sao?

Nhưng với tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro vẫn quyết định khoan BH-4 và giao trách nhiệm cho Phòng Địa chất cùng Phòng Khoan chuẩn bị dữ liệu khoa học, xây dựng phương án và thiết kế giếng, tổ chức giám sát thi công an toàn, đạt mục tiêu đề ra đối với giếng BH-4.

Theo đánh giá của các chuyên gia tìm kiếm thăm dò dầu khí, chi phí để tiến hành một mũi khoan thăm dò lên đến hàng triệu USD. Việc tìm được điểm đặt mũi khoan cần cực kỳ thận trọng, kết hợp cả kinh nghiệm thăm dò dầu khí và các căn cứ khoa học địa chất.

Những lo lắng của chuyên gia Việt Nam khi dòng dầu có sản lượng thấp đã dần trở thành hiện thực, từng bước đẩy Liên doanh non trẻ Vietsovpetro vào giai đoạn cực độ khó khăn.

Nguồn: