Liên tục các mũi khoan gây thất vọng, lãnh đạo bị miễn chức, áp lực đến từ mọi phía bao phủ Vietsovpetro, lần đầu tiên Liên doanh đối mặt với nguy cơ giải thể.
Niềm vui không trọn vẹn
Ngày 22/7/1984, giàn Ekhabi bắt đầu khoan giếng BH-4, đến tháng 10 thì đoàn của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro sang Mátxcơva để tham gia duyệt báo cáo trữ lượng và Sơ đồ công nghệ mỏ Bạch Hổ do Viện Nghiên cứu thiết kế Xakhalin lập.
Hội nghị dễ dàng thông qua khi tin vui từ Vũng Tàu thông báo đã khoan qua tầng 23 có biểu hiện dầu tốt, đồng thời cũng đang gặp tầng sản phẩm mới khá dày, biểu hiện dầu tốt có thể có tuổi Oligocen.
Giàn khoan với ngọn lửa dầu khí trong quá trình thử vỉa.
Các đồng nghiệp Liên Xô ủng hộ phương án khai thác sớm mỏ Bạch Hổ rất hân hoan về thành công này. Giếng BH-4 mở ra một triển vọng mới đối với Vietsovpetro khi khẳng định được sự duy trì của tầng 23 ở vòm Bắc, nhưng vấn đề quan trọng là ngày 15/2/1985 đã phát hiện tầng dầu mới có sản lượng cao - tầng Oligocen, mà trước đó các công ty của các nước tư bản như Agip, Deminex không thừa nhận có triển vọng ở thềm lục địa Nam Việt Nam và các giếng đều dừng ở nóc tầng “Barat” (Oligocen). Tổng lưu lượng các vỉa có thể lên đến 1.000 tấn/ngày.
Ngày 7/3/1985, mặc dù biển rất động nhưng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu, Đỗ Mười và đoàn của Chính phủ, Tổng cục Dầu khí đã đi tàu Gambursev ra thăm giàn Ekhabi để chứng kiến kết quả thử vỉa. Nhưng do biển động rất mạnh, tàu phải quay về bờ.
Giữa năm 1985, giếng khoan BH-1 bắt đầu được khoan từ giàn MSP-1. Giếng có nhiệm vụ vừa khai thác vừa thăm dò. Mọi người rất kỳ vọng và mong đợi ở kết quả giếng BH-1. Mặc dù tầng 23 được xác định ở chiều sâu 2.730 m nhưng vì có nhiệm vụ thăm dò nên giếng được thiết kế khoan hết lát cắt trầm tích đến chiều sâu thiết kế 3.300 m, lý do là theo tính toán mặt phản xạ tầng móng được xác định ở 3.150 m và theo quy định của giếng thăm dò ở Liên Xô thì chiều sâu thiết kế phải cộng thêm 5%.
Khi khoan đến chiều sâu khoảng 3.000 m, giếng gặp phải tầng sét đen và sau đó ở độ sâu 3.030 m bắt đầu có những thành phần các mảnh vỡ sắc cạnh của thạch anh và felspat bị kaolinit hóa mạnh được xem như lớp “sạn kết đáy”.
Vì có biểu hiện dầu nên vẫn tiếp tục khoan nhưng càng xuống sâu đến 3.118m càng bị mất dung dịch mạnh. Không có hóa chất xử lý, lúc đó đã có sáng kiến dùng vỏ trấu trộn vào dung dịch khoan để chống mất dung dịch. Vỏ trấu từ Bà Rịa được chở ra biển bằng máy bay lên thẳng và cố gắng khoan tiếp đến độ sâu 3.178 m… Để bảo đảm an toàn cho giếng và tầng 23, lãnh đạo Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro quyết định dừng khoan và hoàn tất giếng để thử vỉa.
Khi thử vỉa do dung dịch lẫn trấu bịt bộ thử vỉa nên kết quả ghi cho hình ảnh là vỉa “khô”, cộng với tài liệu karota không đầy đủ, nên trên bờ kết luận là vỉa không có dòng dầu, yêu cầu kết thúc thử vỉa, mặc dù có ý kiến yêu cầu cho phép thử lại. Giếng không lấp và nén xi măng mà chỉ đổ cầu xi măng, với suy nghĩ đơn giản là giếng sau khi khai thác tầng trên xong sẽ tìm cách quay lại để thử “lớp sạn kết đáy” này...
Tiếp tục thử tầng 24… không có dòng!
Trong đất liền điện cho ông Ngô Thường San lúc đó đang ở giàn MSP-1 là phải nhanh chóng kết thúc thử vỉa để chuyển sang khai thác tầng 23, không để tàu chứa và xử lý dầu (UBN) Krưm phải chờ đợi.
Sau khi đặt xong cầu xi măng ngăn cách, việc bắn vỉa và khai thác tầng 23 được thực hiện theo chương trình và dòng dầu đầu tiên được chuyển về UBN-1 (tàu Krưm) ngày 26/6/1986 trong niềm hân hoan chung của đất nước, của tập thể cán bộ công nhân viên Vietsovpetro và của những người tìm dầu nói chung.
Nhưng đối với lãnh đạo và các cán bộ Phòng Địa chất Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro niềm vui ấy không trọn vẹn. Sản lượng chỉ vẻn vẹn hơn 100 tấn/ngày, áp suất đầu giếng thấp, khoảng trên 20 at, thể hiện năng lượng vỉa yếu, thấp hơn cả kết quả thử tầng 23 ở giếng BH-4 ở vòm Bắc.
Khó khăn và bế tắc
Giếng thứ 2 (BH-28) khoan tiếp tục từ giàn MSP-1 về hướng MSP-2 không cho dòng. Tầng 23 gần như bị mất hẳn… do đứt gãy hay do bị sét hóa? Nếu là do sét hóa thì đó là bi kịch đối với Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro!
Những giếng tiếp tục từ giàn MSP-1 không cho dòng tốt hơn giếng BH-1, khẳng định tầng 23 không triển vọng tốt như đã nghĩ và đặc biệt bị vát mỏng do sét hóa về hướng MSP-2, nơi đã đặt chân đế giàn cố định và chuẩn bị xây lắp cấu trúc bên trên...
Hơn thế nữa, giếng BH-1, sau thời gian khai thác, khoảng 4 tháng, từ áp suất đầu giếng khoảng 23 at tụt xuống còn khoảng 10 at, các giếng sau cũng không bổ sung lưu lượng tốt hơn. Sản lượng toàn giàn MSP-1 chưa đến 100 tấn/ngày.
Lắp ráp chân đế giàn MSP-1 tại bãi cảng Vietsovpetro năm 1984.
Nhìn ngọn lửa cháy leo lét ở faken (đuốc) giàn MSP-1 mà không khỏi bùi ngùi... Chính lúc mà mọi người dân Việt Nam đang vui mừng vì đất nước có dầu, thì cũng là lúc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro lâm vào tình trạng rất khó khăn bế tắc.
Đó là sản lượng mỏ Bạch Hổ vừa mới khai thác đã có nguy cơ sụt giảm nhanh chóng... Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua được.
Tư tưởng hoang mang, bi quan chán nản nảy sinh ở không ít người trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, kể cả những người có nhiệt huyết, tận tâm với ngành Dầu khí. Không “hoang mang, chán nản” sao được khi mà mọi người dân Việt Nam tin tưởng rằng đất nước sẽ có nhiều dầu, khi mà đất nước chắt chiu để dành cho dầu khí những khoản đầu tư không nhỏ... bỗng chốc vấp phải một thực tế khắc nghiệt.
Niềm hy vọng mong đợi vừa mới nhen lên bị tiêu tan. Sự hoang mang cực độ bắt đầu lan dần từ Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro ra Hà Nội, Tổng cục Dầu khí, lên cấp trên và đặc biệt ở Mátxcơva. Phản ứng đầu tiên là sự chuyển giao đại diện Phía Liên Xô trong Vietsovpetro từ Bộ Công nghiệp Khí sang Bộ Công nghiệp Dầu. Nhiều người trong đoàn chuyên viên Liên Xô trước đó, kể cả trưởng đoàn bị chuyển công tác.
Trong Tạp chí Kinh tế Dầu (Нефтяное Хозяйство số 1995/4, tr.45), các tác giả P.A. Arusanov (Aрушанов П.А) và F.E. Sut (Шуть Ф.Е) сủa Зарубежнефть viết: “Kết quả kiểm tra hời hợt của Hội đồng Bộ trưởng (Совмин) và từ kết luận không có cơ sở, 3 lãnh đạo của Bộ Công nghiệp Khí trong đó có Ph.G. Arjanov bị bãi miễn công tác. Ông Ph.G. Arjanov đã báo cáo Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô E.K. Likhachev, khi Bí thư đến dự Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, thăm Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã đánh giá cao quá trình chinh phục tài nguyên dầu khí ở miền Nam Việt Nam và trao cho tập thể Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro Huân chương Cờ đỏ. Theo ý kiến của Bí thư E.K. Likhachev, quyết định không đúng đắn bị loại bỏ. Ông Ph.G. Arjanov trở lại tiếp tục làm việc ở Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro…”.
Sau này khi Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã khai thác tấn dầu thứ 20 triệu, có dịp gặp ông Belư - nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Bộ Công nghiệp Khí, dẫn đoàn Vietsovpetro thăm giếng khoan sâu ở Bắc Cực, có kể lại: “Bây giờ Vietsovpetro đã đạt những thành tích, nhưng thời gian qua chúng tôi hiểu không đúng, âu đó cũng là cuộc sống!”.
Trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, sức ép từ nhiều chuyên gia Liên Xô muốn tìm hiểu ai là người “sáng tạo” ra chủ trương xây dựng hai giàn MSP-1, 2, đầu tư cơ sở hạ tầng và tập trung phê phán gay gắt: Bước đi vừa qua đã gây thiệt hại và không lối thoát… “vứt tiền qua cửa sổ”!
Còn về phía Việt Nam, đã có người nói: Hình ảnh hai chân đế giàn MSP-2 như “Từ Hải chết đứng giữa biển!”.
Có lẽ sự chua chát của những người đi tìm lửa vào thời điểm này đã lên đến đỉnh điểm.
TIN KHÁC
Biến 20.000 tấn rác thải nhựa thành dầu thô(09/08/2024)
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)