Cây sáng chế của ngành xăng dầu
10:01 SA @ Chủ Nhật - 11 Tháng Mười Một, 2018

Dù đã về hưu hơn 1 năm nhưng ông Phạm Phúc Thảo, SN 1962, trú tại Trung Tả, Khâm Thiên, quận Đống Đa, TP Hà Nội (từng công tác tại Trung tâm Kiểm định chất lượng đo lường, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang thuộc Cty Xăng dầu khu vực I, Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam, nay là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) vẫn say mê nghiên cứu và có nhiều sáng kiến khoa học hữu ích phục vụ cho công việc và cuộc sống.

Năm 1985, sau khi tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Điện hóa, ông Thảo đi nghĩa vụ quân sự, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc rồi công tác tại nhà máy Thông tin M3 Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc. Năm 1994, ông chuyển ngành về làm công nhân bán lẻ xăng dầu tại xí nghiệp Bán lẻ xăng dầu (Cty Xăng dầu Khu vực I). Thời gian này, ông Thảo vừa làm công việc bán xăng dầu, vừa dành thời gian học bằng ĐH thứ hai chuyên ngành Hóa dầu.

6 năm liền, ông miệt mài đi học ban ngày, còn ban đêm đi bán xăng dầu nên hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, phẩm chất kiên định, bền bỉ, sẵn sàng vượt khó của người lính và tinh thần ham học hỏi, tìm tòi đã giúp ông Thảo vượt qua tất cả khó khăn trong cuộc sống để vươn lên. Trong 2 năm từ 1998 đến 2000, ông Thảo tiếp tục học cao học và nhận bằng thạc sĩ Công nghệ hóa học. Ông Thảo chia sẻ, với đồng lương của một nhân viên bán xăng dầu khi đó, ông không có đủ tiền để vừa lo trang trải cuộc sống cộng với việc học nên bản thân phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè. Cùng với đó, sự động viên của gia đình cũng là nguồn động lực lớn để ông phấn đấu.

cay sang che cua nganh xang dau

Ông Phạm Phúc Thảo (trái) nhận hoa chúc mừng từ TS Nguyễn Cao Vãng - nguyên GĐ Cty Xăng dầu khu vực I. Ảnh: NVCC

Năm 2003, ông Thảo được GĐ Cty Xăng dầu Khu vực I khi đó là ông Nguyễn Cao Vãng điều chuyển từ bộ phận bán xăng dầu sang bộ phận kỹ thuật. Đây là một cơ hội thuận lợi để ông áp dụng những kiến thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm của mình vào nghiên cứu cho ra đời những sáng kiến hữu ích. Công việc hàng ngày của ông liên quan đến việc xuất, nhập và bảo quản xăng dầu. Gắn bó với công việc, ông Thảo hiểu được những vất vả cũng như tâm tư tình cảm của những người công nhân trực tiếp tiếp xúc với xăng dầu. Họ mong muốn được làm việc trong một môi trường bớt độc hại, điều kiện làm việc được cải thiện và năng suất lao động cao hơn. Nhìn những gương mặt phờ phạc của đồng nghiệp, cộng với một lần được gặp gỡ, trò chuyện với một vị Tiến sĩ người Anh gốc Việt (vị này băn khoăn về môi trường lao động tại Việt Nam), ông Thảo càng quyết tâm thực hiện mong ước của bản thân.

Đầu tiên là sáng chế dùng hóa chất tẩy cặn dầu FO bám trên thành bể chứa (sáng chế có tên TCF0507, được ông Thảo nghiên cứu từ năm 2003-2007, năm 2013 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế số 1051). Sáng chế này đã được áp dụng tại Tổng kho Xăng dầu Đức Giang. Bản chất của sáng chế này là điều chế ra chất tẩy rửa cặn dầu (có nguồn gốc từ dầu thực vật và các chất phụ gia thân thiện với môi trường và con người) để tẩy rửa cặn dầu có độ nhớt cao. Sáng chế giúp cho người lao động khi xử lý tẩy rửa cặn dầu trong bể chứa hầm kín không thoáng gió được thuận lợi hơn.

Nếu như trước đây, các công nhân làm công việc này phải sử dụng dầu hỏa, các chất tổng hợp, do đặc tính cặn dầu bám chặt vào người và dụng cụ lao động, môi trường làm việc độc hại, năng suất lao động thấp, chất thải độc hại ra ngoài môi trường nhiều thì sáng chế của ông Thảo đã mang lại nhiều ưu điểm như không cho cặn dầu bám vào dụng cụ lao động và người lao động, năng suất lao động cao hơn, giảm bớt độc hại cho môi trường và người lao động,…

Sáng chế này đã giúp tiết kiệm cho mỗi m2 bề mặt cần xử lý (theo thời gian thi công) là 45 nghìn đồng. Tính từ năm 2007 đến nay, sáng chế này đã giúp xử lý được trên 5.000 m3 thiết bị, giúp Cty nơi ông Thảo làm việc và các cơ sở sản xuất tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng. Sau đó, sáng chế này được ông Thảo đăng kí tham dự Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012-2013)” và xuất sắc giành giải Ba.

Trong khoảng hơn 10 năm làm việc và nghiên cứu, ông Thảo đã cho ra đời hơn 20 sáng chế cải tiến kỹ thuật, phục vụ sản xuất cho cơ quan. Hơn 20 năm trong nghề, công tác ở vị trí nào, ông cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Mới đây, ông vừa được cấp bằng sáng chế “Hệ hai chế phẩm bao gồm chất điều chỉnh và chất keo tụ dùng để xử lý nước thải nhiễm dầu” (số 1647). Bên cạnh đó, ông Thảo còn có nhiều sáng kiến hữu ích phục vụ đời sống thường ngày như tẩy cặn vôi bám trên các van vòi nhà tắm, thông cống thoát nước có nhiều dầu mỡ, tẩy mùi khai giúp cho người già bị bệnh (không có khả năng sinh hoạt bình thường) có được môi trường sống trong lành hơn…

Với ý chí kiên định, ham mê học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, ông Thảo đã được Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tặng Bằng khen “Đã có thành tích suất sắc trong phong trào sáng kiến, sáng tạo công nhân viên chức lao động Thủ đô năm 2007”; được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng Sáng kiến sáng tạo Thủ đô năm 2009. Năm 2015, ông Thảo vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Cũng trong năm này, ông là đại biểu duy nhất của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Có được thành công như ngày hôm nay, ông Thảo chia sẻ bản thân luôn cảm thấy biết ơn những khó khăn trong quá trình học tập và thực tế công việc vì chính những thử thách ấy đã giúp ông trở nên bản lĩnh hơn để thực hiện những mong ước của mình, mang lại những giá trị thiết thực cho công việc và cuộc sống. Và cho dù đã về hưu nhưng ông vẫn giữ mãi tình yêu, đam mê với nghiên cứu khoa học để có thêm nhiều sáng chế ý nghĩa hơn nữa.

Nguồn: