Chuyện trên tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam (Kỳ 2)
01:31 SA @ Thứ Hai - 07 Tháng Mười Hai, 2015

Hôm nay, tôi lên tàu Athena được chứng kiến một sự kiện rất không dễ gặp đó là chi bộ của Công ty Dịch vụ Quản lý Tàu tổ chức kết nạp Đảng cho Thuyền trưởng Nguyễn Thế Việt và Đại phó Trần Ngọc Thường.

chuyen tren tau cho dau lon nhat viet nam ky 2

Tàu Athena

Trong lúc mọi người chuẩn bị hội trường thì Máy trưởng Thái Lai dẫn tôi đi xem con tàu.

Tôi rất ấn tượng bởi gian hầm máy của con tàu, toàn bộ cỗ động cơ của tàu được đặt trong một phòng với diện tích khoảng 200m 2 và có chiều cao bằng ngôi nhà 4 tầng. Cỗ máy này gồm 7 xi-lanh và quả pít-tông thì to bằng đúng một nửa chiếc thùng phuy loại 250 lít cắt đôi. Còn chiếc trục pít-tông thì dài hơn 3m và có đường kính gần 20cm.

Điều lạ là tàu được chạy bằng động cơ diesel hai thì và để làm quay chiếc chân vịt có đường kính 7m với trọng lượng 25 tấn, đẩy con tàu đi với tốc độ lớn nhất là 15 hải lý/giờ thì cỗ máy khổng lồ này phải sản sinh ra 19.000 mã lực.

Cũng trong gian máy này còn có 3 chiếc máy phát điện với mỗi chiếc hơn 300kW, một máy sản xuất nước ngọt từ nước biển được sử dụng bằng nhiệt của khí thải động cơ, cung cấp cho tàu mỗi ngày 25m 3 nước. Nhưng cỗ máy lọc nước biển này chỉ hoạt động khi tàu vận hành, còn khi tàu dừng thì phải nghỉ… Cho nên khi tàu nằm bờ, việc dùng nước ngọt là phải “hơi tiết kiệm”.

chuyen tren tau cho dau lon nhat viet nam ky 2

Máy trưởng Thái Lai

Thăm gian máy xong, Máy trưởng Thái Lai đưa tôi đi tới một căn phòng “bí mật” khác. Đó là phòng ẩn nấp cho thuyền viên khi bị cướp biển. Phòng khá rộng và ở đây được trang bị hệ thống thông tin hiện đại, có đủ lương thực, nước uống cho thuyền viên sống được cả chục ngày. Để vào được phòng phải qua 3 lần cửa, mà mỗi cánh cửa đều bằng thép cực dày, chịu được đạn súng tiểu liên…

Thấy ở đây có những cuộn dây thép gai, tôi ngạc nhiên hỏi anh Thái Lai là để làm gì. Anh cho tôi hay rằng, những cuộn dây thép gai này dùng trước đây, tàu đi chở dầu ở khu vực Trung Đông và thường phải qua những khu vực có cướp biển. Để phòng vệ, anh em phải lấy dây thép gai quấn ở thành tàu, ở các khu vực cầu thang ngoài boong và có khi còn phải thuê bảo vệ có vũ trang. Đã nhiều lần tàu chạm trán với cướp biển Somali, nhưng khi thấy tàu đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó, chúng đã bỏ đi.

chuyen tren tau cho dau lon nhat viet nam ky 2

Tàu Athena như một 'người khổng lồ' giữa biển khơi.

Một con tàu khổng lồ như vậy mà chỉ có 26 sĩ quan và thuyền viên, điều đáng nói tất cả đều là người Việt. Mới 4 năm trước thì đội ngũ sĩ quan của tàu chúng ta còn phải thuê người nước ngoài nhưng kể từ năm 2012 đến nay đội ngũ sĩ quan và thuyền viên của PV Trans đã hoàn toàn làm chủ được tất cả các con tàu hiện đại nhất. PV Trans đang có đội ngũ thuyền viên “đánh thuê” cho 20 con tàu lớn bé trên khắp thế giới, năm nay mang về cho PV Trans hơn 34 tỉ đồng.

Có thể nói, đây là một bước tiến rất dài của PV Trans, điều đó thể hiện được tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo PV Trans trong mấy năm vừa qua. Việc đào tạo đội ngũ sĩ quan trên tàu là một chuyện dài mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài khác. Còn trong phóng sự này chúng tôi chỉ nói về những người ở trên tàu Athena.

chuyen tren tau cho dau lon nhat viet nam ky 2

Thuyền viên tàu Athena với cảnh sát chống cướp biển

Người ta bảo nghề thủy thủ tạo ra những người “ăn sóng nói gió”, đượm chất ngang tàng hảo hán… nhưng Thuyền trưởng Nguyễn Thế Việt năm nay 40 tuổi, đã làm thuyền trưởng cho tàu nước ngoài từ năm 34 tuổi thì lại có dáng dấp như một thầy giáo với khuôn mặt phúc hậu, cách nói năng nhỏ nhẹ, khiêm nhường và hết sức chu đáo.

Anh em kể cho tôi rằng, Việt vốn là “lính đánh thuê”, nghĩa là trước đây anh đi làm thuê cho một công ty tàu của Nhật mà lương tháng cả chục ngàn đôla. Việt học Đại học Hàng hải và anh đã trưởng thành từ thủy thủ tập sự rồi trưởng thành từng bước từng bước nhưng chủ yếu là trên các con tàu nước ngoài. Thời kỳ đầu anh làm cho một con tàu của Hàn Quốc một năm trời, anh kỹ sư hàng hải chỉ được làm mỗi một loại công việc, đó là lau chùi nhà vệ sinh và quét dọn nhà cửa và các thủy thủ chính sai vặt. Làm việc trên tàu Hàn Quốc, áp lực thật khủng khiếp, bởi người Hàn lao động với tính kỷ luật cực kỳ cao và rất nóng tính, quân phiệt. Chuyện thủy thủ người Việt Nam bị sĩ quan người Hàn Quốc đánh đập là không phải hiếm. Kể lại chuyện cũ, Việt bảo tôi rằng, làm với người Hàn Quốc mà không biết nhẫn nhục thì không ở được với họ quá 1 tháng.

chuyen tren tau cho dau lon nhat viet nam ky 2

Dây thép gai chống cướp biển đột nhập

Nhưng rồi về sau này Việt đã phải thầm cảm ơn những người Hàn Quốc mà anh đã từng làm việc, bởi chính họ đã rèn cho anh đức tính lao động có kỷ luật.

Nghề thủy thủ là nghề nghiệt ngã bậc nhất, họ phải chịu áp lực đặc biệt về tinh thần đó là phải xa nhà hằng tháng, thậm chí hằng năm trời và nay đây mai đó lênh đênh trên những con tàu. Cũng đã có những người bị bạo bệnh chết ở xứ người mà để làm được thủ tục đưa hài cốt về quê thì cực kỳ nhiêu khê.

Nếu như làm ở trên các giàn khoan ngoài biển, mỗi tháng còn được về nhà một lần, hoặc anh em làm các dự án tại nước ngoài thì lâu lắm là cũng chỉ 3 tháng, hoặc nửa năm là được nghỉ, còn làm trên tàu, có khi đi biền biệt cả năm, thậm chí đến… năm rưỡi.

Anh em trên tàu Athena kể cho tôi rằng, hầu hết anh em ở đây đã có gia đình, lúc vợ sinh con, đều không ở nhà. Như Thuyền trưởng Việt chẳng hạn, lúc đi, con chưa ra đời, lúc về, con đã… biết bò.

chuyen tren tau cho dau lon nhat viet nam ky 2

chuyen tren tau cho dau lon nhat viet nam ky 2

Tàu Athena được bảo dưỡng trong nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Có anh em 8 năm rồi, chưa biết cái tết ở nhà ra sao.

Có anh, cưới vợ được hai chục ngày, thì sau đó đi luôn một mạch… 6 tháng.

Đại phó Trần Ngọc Thường cưới vợ từ năm 2012, đến nay, tính thời gian ở nhà với vợ, không quá 3 tháng.

Có thuyền viên, bố mất cũng không thể về chịu tang được.

Nghề thủy thủ là thế đấy. Với họ, con tàu đã trở thành ngôi nhà thứ hai, thậm chí, có lúc quan trọng hơn cả ngôi nhà trên bờ… Anh em đi tàu biền biệt hằng tháng. Đến lúc tàu trở về, nhìn thấy đất liền, là chỉ muốn lao ngay xuống bơi vào bờ. Nhưng về nhà, ở với vợ con được ít ngày, lại nhớ biển, nhớ tàu đến quay quắt…

Đại phó Thường bảo tôi rằng, về nhà, ngủ rất khó… yên giấc, vì thiếu cảm giác bồng bềnh, lắc lư. Và mỗi khi bình minh, hay lúc hoàng hôn, nhìn phố phường chật hẹp, bức bối, lại nhớ cảnh biển bao la, thoáng đạt và trước biển cả mênh mông, con người luôn thấy mình quá nhỏ bé, nhưng cũng thấy mình thật lớn lao, vì đang từng ngày, từng giờ đối chọi với biển và chiến thắng.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguồn: