Theo Globalpetrolprices - trang cập nhật giá xăng dầu của các quốc gia, tính đến ngày 21/12/2015, xăng Việt Nam đang có giá 0,77 USD/lít, thấp hơn khá nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, tuy nhiên lại cao hơn Malaysia; Indonesia…
Giá xăng Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực
Theo Globalpetrolprices, giá xăng trung bình của thế giới đang có giá là 0,99 USD/lít. Trong đó, đất nước có giá xăng thấp nhất vẫn là Venezuela với mức giá 0,02 USD/lít, tiếp đến là Libya giá 0,13 USD/lít; Saudi Arabia 0,15 USD/lít…
Trong khi đó, đất nước có giá xăng cao nhất thuộc về Hong Kong với mức giá là 1,84 USD/lít, đứng sau đó là Netherlands 1,67 USD/lít; Norway 1,61 USD/lít…
Tại Việt Nam, trước tác động giảm sâu của giá dầu, ngày 18/12 vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã được Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho phép tiếp tục giảm 390 – trên 1.200 đồng/lít.
Biến động xăng dầu trên thị trường Việt Nam do trang Globalpetrolprices cập nhật
Sau lần điều chỉnh giảm giá ngày 18/12, giá xăng Việt Nam hiện đang có giá là 0,77 USD/lít, cao hơn nhiều nước như Mỹ (0,6 USD/lít); Taiwan (0,67 USD/lít); Ecuador (0,44 USD/lít); Colombia (0,61 USD/lít); Syria (0,72 USD/lít); Libya (0,13); …
Ở chiều ngược lại, giá xăng Việt Nam lại đang thấp hơn rất nhiều nước như Canada (0,81 USD/lít); Mexico (0,85 USD/lít); Australia (0,89 USD/lít)…. Đặc biệt, giá xăng Hong Kong, Italy đang cao hơn gấp đôi Việt Nam.
Trong khi đó, ở trong khu vực Đông Nam Á, giá xăng Việt Nam hiện đang cao hơn các nước Malaysia (0,45 USD/lít); Indonesia (0,64 USD/lít); Brunei (0,37 USD/lít)...
Ở chiều ngược lại, giá xăng Việt Nam cũng đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Phillippines (0,87 USD/lít); Thailand (0,86 USD/lít); Lào (1,04 USD/lít); Cuba (1,29 USD/lít); China (0,93 USD/lít)…
Lý giải về việc giá xăng dầu có sự khác biệt giữa các nước, Globalpetrolprices cho biết, theo quy luật, các nước giàu hơn có giá cao hơn, trong khi các nước nghèo và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể. Một ngoại lệ đáng chú ý là Hoa Kỳ là một nước kinh tế tiên tiến nhưng có giá xăng thấp. Sự khác biệt về giá giữa các nước là do các loại thuế và các khoản trợ cấp cho xăng.
Lỗ lãi là do doanh nghiệp
Trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành giá xăng dầu tại Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn của Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Theo đó, giá cơ sở bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng(+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó: Giá CIF được tính bằng (=) giá xăng dầu thế giới (giá Platt Singapore) cộng (+) các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam. Các yếu tố này được xác định ở nhiệt độ thực tế. Trong đó, giá xăng dầu thế giới được được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong quá trình kinh doanh, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động lựa chọn giá cả, thời điểm giao dịch mua bán xăng dầu trên thị trường thế giới, phù hợp và có lợi đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, giá thành phẩm xăng dầu thế giới biến động lên xuống hàng ngày. Vậy nên trường hợp doanh nghiệp chốt được giá mua xăng dầu trên thị trường thế giới vào thời điểm thấp hơn giá thành phẩm xăng dầu bình quân 15 ngày sát ngày tính giá, thì doanh nghiệp có thể thu được kết quả kinh doanh tốt. Trường hợp doanh nghiệp chốt giá mua xăng dầu trên thị trường thế giới vào thời điểm cao hơn giá thành phẩm xăng dầu bình quân 15 ngày sát ngày tính giá, thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không thuận lợi.
“Như vậy, trong cùng một chu kỳ kinh doanh, có thể doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này bị lỗ nhưng doanh nghiệp khác kinh doanh có lãi, thậm chí có doanh nghiệp thu được lãi nhiều nếu thỏa thuận mua được xăng dầu trên thị trường thế giới với giá thấp, có chiến lược kinh doanh, hạch toán các chi phí kinh doanh một cách hợp lý… ”, người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết.
Ở khía cạnh khác, liên quan đến tình hình nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam, Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 11 vừa qua, đơn giá nhập khẩu bình quân nhóm hàng này đạt 454 USD/tấn - mức thấp nhất gần 7 năm qua, giảm 3,8% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu là 958 nghìn tấn, cũng suy giảm 3,3% nên trị giá nhập khẩu nhóm hàng này là 449 triệu USD, giảm 7% so với tháng trước.
Tính đến hết 11 tháng/2015, cả nước nhập khẩu 9,04 triệu tấn với trị giá là 4,92 tỷ USD, tăng 16,6% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này giảm 2,17 tỷ USD.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ Singapore; Thái Lan; Trung Quốc; Đài Loan…
TIN KHÁC
Biến 20.000 tấn rác thải nhựa thành dầu thô(09/08/2024)
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)