Khí đá phiến liệu có lấn át dầu mỏ?
04:19 SA @ Thứ Sáu - 25 Tháng Mười, 2013

Mới đây các chuyên gia tổ chức nghiên cứu IHS dự đoán sẽ xảy ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp dầu mỏ. Theo ước tính, trữ lượng khí đá phiến là rất lớn và có thể làm rung chuyển thị trường hàng hóa.

Các chuyên gia của IHS nêu lên hơn 20 mỏ có triển vọng về khí đá phiến sét trên thế giới với trữ lượng khoảng 175 tỷ thùng, gấp bốn lần dự trữ ở Bắc Mỹ, tập trung nhiều nhất ở Nga, Argentina và Algeria. Một số nhà phân tích từng dự báo rằng, sự phát triển các nguồn tài nguyên độc đáo này có thể dẫn đến sự sụt giá năng lượng.

Khí đá phiến liệu có thay được dầu mỏ?

Đá phiến có thay được dầu mỏ?

Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ lại đưa ra con số dự đoán hoàn toàn khác. Bộ này cho rằng, Nga hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về trữ lượng dầu đá phiến, khoảng 75 tỷ thùng dầu quy đổi. Mỹ xếp ở vị trí thứ hai với 58 tỷ thùng và Trung Quốc xếp thứ ba với 32 tỷ thùng quy đổi. Các chuyên gia Mỹ ước tính tổng trữ lượng dầu đá phiến trên thế giới là 345 tỷ thùng tại 42 nước khảo sát, chiếm khoảng 10% tổng trữ lượng dầu có thể khai thác trên toàn thế giới và đủ để đáp ứng nhu cầu trong hơn một thập kỷ.

Hiện nay Nga đang phát triển hai mỏ khí đá phiến thử nghiệm. Theo một số chuyên gia, vấn đề chính là cho đến nay không có công nghệ nào hiệu quả để có thể sản xuất loại dầu khí khó khai thác này. Hoa Kỳ khai thác 1/3 lượng khí đốt của mình tại các mỏ đá phiến sét, đã trải qua hai thập kỷ và mất gần 30 tỷ USD để tạo ra phương pháp khai thác. Các chuyên gia Đại học Harvard dự báo riêng sản lượng khai thác dầu từ đá phiến của Mỹ đến năm 2017 có thể đạt 5 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, tờ  Wall Street Journal uy tín số ra ngày 3/10/2013 đã đưa tin, Mỹ dự kiến sẽ vượt qua Nga trở thành quốc gia khai thác dầu và khí đốt lớn nhất thế giới ngay trong năm 2013.

Cơ sở để Wall Street Journal đưa ra nhận định trên là do tốc độ và quy mô khai thác dầu khí từ nguồn đá phiến của Mỹ đang gia tăng khá mạnh, trong khi Nga vẫn đang phải cố gắng duy trì sản lượng do chưa phát triển được các công nghệ bóc tách dầu khí từ đá phiến, một lĩnh vực mà Mỹ đang chiếm ưu thế.

Việc Mỹ gia tăng khai thác dầu khí đá phiến đã ngay lập tức làm dấy lên lo ngại từ các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ truyền thống. Cách đây không lâu Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Ả Rập Xê Út cảnh báo sự phát triển mạnh mẽ của ngành khai thác dầu từ đá phiến sét và khí đốt ở Mỹ có thể hủy diệt nền kinh tế của Ả Rập Xê Út.

Trong bức thư ông Alwaleed gửi Bộ trưởng Dầu Ảrập Xêút và những quan chức liên quan có đoạn viết: “Với tất cả lòng tôn kính của tôi dành cho quan điểm của ngài về dầu từ đá phiến sét và về nhận định mà ngài cho rằng loại dầu này không đe dọa nền kinh tế Ả Rập Xê Út trong thời điểm hiện tại, tôi hy vọng rằng ngài sẽ tập trung xem xét mối hiểm họa từ loại dầu này trong một tương lai không xa. Đặc biệt là khi Mỹ và một số nước châu Á đã có những khám phá lớn về cách thức khai thác dầu từ đá phiến sét, ngành dầu mỏ của toàn thế giới nói chung và của Ả Rập Xê Út nói riêng sẽ bị ảnh hưởng”.

Ông Alwaleed hẳn là có lý do để quan ngại về vấn đề này là nghiêm trọng, bởi Ả Rập Xê Út đang phải đối mặt với một mối đe dọa khi mà nền kinh tế tiếp tục phải lệ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ, đặc biệt là khi 92% ngân sách trong năm 2013 đến từ việc bán dầu.

Trong khi đó, năm 2012 vừa qua là lần đầu tiên kể từ năm 1982, Mỹ khai thác được lượng khí đốt nhiều hơn Nga. Trong 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác dầu của Nga đạt trung bình 10,2 triệu thùng/ngày, chỉ hơn Mỹ 900.000 thùng, giảm mạnh so với mức chênh lệch 3 triệu thùng cách đó vài năm.

Việc Mỹ trở thành nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới trong thời gian tới sẽ đánh dấu một sự thay đổi căn bản về chính trị quốc tế, nhất là mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia xuất khẩu dầu lửa của khu vực Trung Đông.

IEA nhận định trong vòng hơn 20 năm tới, nước Mỹ có thể tự cung, tự cấp tất cả các loại năng lượng và khi đó 90% lượng dầu từ các nước Trung Đông sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Lượng dầu nhập khẩu của Mỹ hiện chiếm khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng đến năm 2035, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được mục tiêu hoàn toàn độc lập về năng lượng, bao gồm các nguồn như dầu thô, khí đốt và than đá.

Theo chuyên gia Gennady Schmal, giá thành khí đá phiến ở Mỹ là khoảng 170-180 USD cho mỗi nghìn mét khối. Bởi vậy, việc sử dụng khí thiên nhiên chỉ có lợi trong vùng lân cận các mỏ này, vì có thể tránh chi phí vận chuyển bổ sung. Trong khi đó, giá thành khí đốt truyền thống khai thác ở Siberia là khoảng 20-25 USD. Điều này có nghĩa là khí đá phiến sét chắc chắn sẽ gặp khó trong vấn đề cạnh tranh giá cả ở tương lai gần.

Vì vậy, đa số chuyên gia nhận định khai thác khí đá phiến chỉ nên thực hiện khi giá dầu trên thị trường lên quá cao và rằng, trong mọi trường hợp, việc khai thác khí đá phiến sét sẽ không làm giảm giá trong thị trường dầu khí.

Nguồn: