Công ty Dầu khí Quốc gia khu vực Châu Á: CNOOC - Trung Quốc
03:22 SA @ Thứ Hai - 18 Tháng Tám, 2014

(VINPA) - CNOOC - Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc là hãng dầu khí thuộc sở hữu nhà nước, chuyên thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên khu vực ngoài khơi Trung Quốc. Tập đoàn được thành lập năm 1982 với số vốn đăng kí là 50 tỉ nhân dân tệ.

Trụ sở của Tập đoàn hiện đặt tại Bắc Kinh

Chủ tịch Hội đồng quản trị hiện giờ là ông Wang Yilin, giám đốc là ông Yang Hua.

Logo của CNOOC

CNOOC là công ty lớn thứ 3 trong "bộ ba" các công ty dầu khí Trung Quốc, chuyên sâu về hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí thượng nguồn ngoài khơi, trong khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNPC chuyên về các hoạt động dầu khí trên bờ, còn Tập đoàn Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc Sinopec chịu trách nhiệm về mảng lọc dầu và tiếp thị. Tuy nhiên, sự khác biệt này hiện giờ khá mờ nhạt do các công ty này đang cạnh tranh với nhau trên mọi khu vực. Bộ ba này đã giao phần lớn các doanh thu sản xuất tại các công ty chi nhánh được niêm yết tại Hồng Kông. CNPC có PetroChina, Tập đoàn Sinopec có Sinopec Limited, Tập đoàn CNOOC có CNOOC Limited.

Tập đoàn hiện khai thác dầu ngoài khơi không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở Indonesia, Úc, Nigeria, Uganda, Argentina, Hoa Kỳ, Canada, Anh và Brazil.

Tương tự như 116 doanh nghiệp nhà nước khác, CNOOC chịu sự quản lý và giám sát của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung Quốc (SASAC).

CNOOC được tạp chí Fortune xếp hạng thứ 93 trong số 500 tập đoàn, công ty có doanh thu lớn nhất trên thế giới với doanh thu lên tới 83.5 tỷ USD cùng với mức lợi nhuận 7,7 tỷ USD trong năm 2013, tăng 8 bậc so với xếp hạng năm 2012. Các hoạt động kinh doanh trải rộng trên khắp 40 quốc gia và khu vực trên thế giới.CNOOC hoạt động trên 6 lĩnh vực kinh doanh: thăm dò và phát triển dầu và khí đốt; các dịch vụ kĩ thuật, logistic, sản xuất chất hóa học và phân bón, sản xuất điện và khí thiên nhiên, các dịch vụ tài chính và bảo hiểm.

Công ty con
Mảng thượng nguồn: CNOOC Limited
Mảng hạ nguồn:
• CNOOC Gas & Power Group
• CNOOC Oil & Petrochemicals Co., Ltd
• China Offshore Oil & Gas Development & Utilization Company

• China BlueChemical Limited
• CNOOC Marketing Company
• Shandong Haihua

Mảng Dịch vụ kĩ thuật:

• China Oilfield Services Limited
• Offshore Oil Engineering Co., Ltd
• CNOOC Energy Technology & Services Limited

Mảng Dịch vụ tài chính:
• CNOOC Finance Co., Ltd
• Zhonghai Trust Co., Ltd
• CNOOC Investment Co., Ltd
• CNOOC Insurance Ltd
• AEGON-CNOOC Life Insurance Co., Ltd.

Mảng năng lượng thay thế: CNOOC New Energy Investment Co., Ltd.

Hoạt động thượng nguồn

Hoạt động thăm dò và khai thác của CNOOC chủ yếu do công ty con CNOOC Limited thực hiện.
CNOOC Limited được niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông và sàn New York với các khu vực hoạt động nội địa chủ yếu của CNOOC Limited là vịnh Bột Hải, biển Đông và biển Hoa Đông, độc lập hoặc hợp tác với các công ty nước ngoài theo hợp đồng phân chia sản lượng (PSCs). Công ty này còn có khá nhiều các tài sản dầu khí và nắm giữ cổ phần tại nhiều dự án ở châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Đại Dương.

Đơn vị này hiện là nhà sản xuất dầu khí thống trị ngoài khơi Trung Quốc và cũng là một trong số những công ty lớn nhất độc lập về thăm dò và khai thác dầu khí trên thế giới, với tổng sản lượng dầu khí đạt 1,127,967 thùng/ngày. Tính đến cuối năm 2013, công ty có trữ lượng dầu khí đã được chứng minh khoảng 4,43 tỉ thùng.

Theo EIA, hiện giờ mỗi ngày Trung Quốc cần nhập đến 6.3 triệu thùng dầu mặc dù là một trong số những nước sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới (4.5 triệu thùng/mỗi ngày trong năm 2013).

Trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc ngày càng gia tăng, để thỏa mãn những cơn khát dầu, thông qua CNOOC, nước này đã và đang tìm cách ký kết các hợp đồng mua bán, khai thác dầu khí tại nhiều nước khác nhau ở châu Âu, châu Á, Nam Mỹ, Trung Đông hay châu Phi như BP (Anh), Eni (Mỹ),…

Đỉnh điểm là vào tháng 2/2013, CNOOC đã thực hiện thành công thương vụ mua lại Nexen – một tập đoàn năng lượng của Canada thông qua công ty con CNOOC Limited với giá 15,1 tỷ USD, đánh dấu một hợp đồng mua đứt lại công ty nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của Trung Quốc cũng là một vụ mua bán gây nhiều tranh cãi ở Canada.

Để thực hiện tham vọng về tài nguyên dầu khí, Chính phủ Trung Quốc đã trang bị cho Tập đoàn các phương tiện, kỹ thuật rất hiện đại, có thể tiến hành thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi.

Giàn khoan Hải Dương 981 là một minh chứng cho điều này. Được bàn giao cho CNOOC vào năm 2011 sau hơn 3 năm thi công, với tổng kinh phí gần một tỷ USD, HD 981 là giàn khoan bán chìm thuộc thế hệ thứ sáu, dài 114 m, rộng 89 m, cao 117 m và nặng 31.000 tấn, với kích cỡ tương đương với một sân bóng đá và có cả bãi đỗ cho trực thăng.

Giàn khoan này gây ấn tượng với khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m. HD-981 được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương

Hoạt động hạ nguồn

Trong năm 2007, doanh thu từ lĩnh vực dầu khí hạ nguồn đạt cao hơn mảng thượng nguồn, đưa hai mảng hoạt động này song song cùng phát triển. Năm 2009, nhà máy lọc dầu Huệ Châu của Tập đoàn chính thức hoạt động 100% công suất, cung cấp 240.000 thùng một ngày.

Hiện CNOOC cung cấp khí LNG cho Trung Quốc với 6 kho LNG, trong đó kho đầu tiên được vận hành vào tháng 7/2006 và cũng là kho chứa lớn nhất với công suất 3,7 MTPA, trong đó CNOOC chiếm 35% cổ phần. Các kho còn lại cũng có công suất từ 2,0 đến 3,0 MTPA.

Các thảm họa dầu khí lớn

Ngày 4/6 và 17/6, Trung Quốc chứng kiến liên tiếp 2 vụ rò rỉ dầu lớn nhất từ trước tới giờ tại mỏ dầu Bồng Lai 193 ở vịnh Bột Hải, ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc, do CNOOC và công ty ConocoPhiliips của Mỹ COPC vận hành. Tuy nhiên, thông tin vụ tràn dầu bị giấu nhẹm, chỉ đến đầu tháng 7 mới bị phát giác. Thảm họa này đã gây ô nhiễm trên 6.200 km2 mặt biển và gây thiệt hại cho môi trường sinh thái 1.683 tỷ nhân dân tệ (268 triệu USD).

Theo thỏa thuận bồi thường thiệt hại, COPC sẽ bồi thường 1,09 tỷ nhân dân tệ cho các tổn thất sinh thái. Bên cạnh đó, CNOOC và COPC sẽ “gánh” chung trách nhiệm chi trả cho các chi phí bảo vệ môi trường ở Vịnh Bột Hải. Trong đó, CNOOC phải trả 480 triệu nhân dân tệ và COPC phải bồi thường 113 triệu nhân dân tệ.

Đây không phải là lần đầu tiên CNOOC bị lên án vì gây ra sự cố và che giấu vụ việc tràn dầu. Cách đó một năm, vào ngày 13/5/2010, một sự cố tràn dầu nghiêm trọng cũng đã xảy ra tại giếng khoan dầu số 1 Nam Hải do Chi nhánh Thiên Tân của CNOOC quản lý làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển, cuộc sống người dân và lưu thông hàng hải thuộc bờ biển tỉnh Liêu Đông.

Năm 2011 tiếp tục đánh dấu là một năm không mấy suôn sẻ của Tập đoàn CNOOC khi xảy ra thêm một thảm họa khác. Ngày 11/7/2011, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại nhà máy lọc dầu Huệ Châu tại khu Phát triển kinh tế và kỹ thuật Dayawan (thành phố Huệ Châu – Quảng Đông). Được xây dựng từ năm 2005 (với vốn đầu tư 1,94 tỷ euro), nhà máy tại Huệ Châu được coi là cơ sở lọc dầu chính của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).

Một số hoạt động của CNOOC tại biển Đông

Ngày 23-6-2012, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế với chín lô dầu khí tại biển Đông. Điều đáng nói là tất cả các lô này đều nằm sâu vào thềm lục địa của VN. Tổng diện tích lên đến 160.129km2, nằm sâu vào thềm lục địa của VN, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí.

Phía Việt Nam và PVN đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hoạt động phi pháp này.

Đến tháng 8, trên trang web của Tập đoàn này lại đăng tải thông tin về việc mời thầu 26 lô tại các khu vực gồm vịnh Bột Hải, biển Hoa Đông và chủ yếu là ở Biển Đông (22 lô). Lô số 65/12 chỉ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 50 km, rất gần lô 65/24 trước đây từng được Trung Quốc mời thầu và bị Việt Nam cực lực phản đối.


Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa ra hồi tháng 6.

Ngày 2/5/2014, giàn khoan HD 981 của CNOOC di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc hạ đặt giàn khoan tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động hàng trăm lực lượng tàu bảo vệ đã cho thấy tham vọng độc chiếm của CNOOC nói riêng và Trung Quốc nói chung tại biển Đông.

Sau HD 981, Trung Quốc tiếp tục huy động một lượng nhân công lớn để đóng thêm một giàn khoan mới mang tên Hải Dương 982. Giàn khoan này về cơ bản khá giống giàn khoan Hải Dương 981. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nó sẽ được trang bị nhiều thiết bị máy móc hiện đại hơn và có khả năng chống đỡ những cơn bão “siêu mạnh” trên biển Đông.

Nguồn: