Ngành dầu khí Campuchia
08:14 SA @ Thứ Hai - 28 Tháng Bảy, 2014

(VINPA) - Có tiềm năng về dầu khí, tuy nhiên Campuchia vẫn là nhà nhập khẩu ròng về các sản phẩm dầu mỏ cho nhu cầu nội địa và nhu cầu của các ngành công nghiệp.

Hoạt động thượng nguồn

Những khảo sát địa chất đầu tiên

Lịch sử thăm dò của Campuchia bắt đầu từ những năm 1950 với những khảo sát địa chất đầu tiên do một nhóm các nhà địa chất Trung Quốc tiến hành. Vào những năm 1960, các nhà địa chất Ba Lan đã tiến hành các đo đạc địa chất và cấu trúc, đồng thời xác định được một số rò rỉ dầu. Đến những năm 1970, việc khai thác tại các lô I, III, và IV tại ngoài khơi Campuchia được giao cho hai hãng Elf và Esso, đưa họ trở thành các đơn vị đầu tiên thực hiện các hoạt động khoan tại ngoài khơi nước này. Ba giếng dầu được khoan là B-1, H-1 và L-1.

Năm 1987, các nhà địa chất Nga và Campuchia đã tiến hành các nghiên cứu địa chất và địa vật lý, xác định 7 bể trầm tích trên bờ và ngoài khơi, đồng thời chia chúng thành 7 lô ngoài khơi và 9 lô trên đất liền (I đến XIX).
Cho đến nay, Campuchia được xác định là có tám bể trầm tích, chia thành 19 khối trên bờ và 6 khối khu vực ngoài khơi.
Việc thăm dò và phát triển nguồn tài nguyên dầu khí đã đóng góp một khoản doanh thu đáng kể và cho phép nước này tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế.

Các hợp đồng phân chia sản lượng dầu khí đầu tiên

Sau Luật dầu mỏ năm 1991, gói thầu đầu tiên bao gồm 3 hợp đồng phân chia sản lượng với các hãng dầu khí, cụ thể là:
• Enterprise Oil (Lô I và II) [1]
• Cambodian Petroleum Exploration (Campex Japan) (Lô III)
• Premier Oil UK [2] và Idemitsu (Block IV) được tiến hành.

Tính từ 1970 đến năm 2002, tổng cộng 12 giếng dầu đã được các hãng dầu mỏ quốc tế khai thác, bao gồm: 3 giếng (Elf và Esso – Pháp), 4 giếng (Enterprise Oil – UK), 3 giếng (Cambodian Petroleum Exploration - Campex Japan), 2 giếng (Premier Oil – UK).

Đến năm 1998, trong bối cảnh lợi nhuận thấp và giá dầu tuột dốc, những nhà điều hành này đã không thể tiếp tục thực hiện các hợp đồng này.

Tháng 1/2005, Chevron tuyên bố phát hiện dầu khí đáng kể đầu tiên của Tập đoàn tại Campuchia với 4 giếng dầu thăm dò và một giếng khí ngoài khơi nước này, thu hút được khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện trong tổng số 19 lô dầu khí trên đất liền của nước này, PetroVietnam - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang chịu trách nhiệm về dự án lô XV – Campuchia (theo hợp đồng đã ký với Cơ quan Quản lý Dầu khí Quốc gia Campuchia CNPA từ năm 2009 và có thời hạn là 37 năm do PVEP - thuộc PetroVietNam- nắm giữ 100% cổ phần)

Cơ quan Quản lý Dầu khí Quốc gia Campuchia - CNPA

Logo của CNPA

Cơ quan Dầu khí quốc gia Campuchia CNPA được thành lập năm 1998 với tư cách vừa là vừa là một công ty dầu khí quốc gia vừa là một cơ quan chủ chốt của Chính phủ với chức năng giám sát tất cả các hoạt động thuộc lĩnh vực dầu khí thượng nguồn và hạ nguồn tại Campuchia.

CNPA có trách nhiệm xem xét và phê duyệt đề xuất đầu tư. Chủ tịch CNPA sẽ báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ. Cơ chế này cho phép bất kỳ đề xuất đầu tư nào cũng đều được cân nhắc và phản hồi một cách kịp thời và ở cấp cao nhất của Chính phủ.
Cơ cấu của CNPA bao gồm các ban Thượng nguồn, ban Hạ nguồn, ban Pháp chế, ban Đàm phán và ban Hành chính, quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến dầu khí.

Ngày 15/3/2014, CNPA được sáp nhập với Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia, ông Suy Sem được bổ nhiệm làm Bộ trưởng.

Hiện 6 lô dầu khí (từ A đến F) tại vịnh Thái Lan và 19 lô dầu khí trên bờ (từ I đến XIX) như đã nói ở trên đều do CNPA chịu trách nhiệm quản lý và giám sát.

Nguồn luật dùng để điều chỉnh lĩnh vực dầu khí thượng nguồn tại Campuchia là Luật Dầu mỏ 1991 và được sửa đổi năm 1998 và 1999.

Hoạt động hạ nguồn

Với nhu cầu dầu mỏ ở mức 1,7 triệu tấn/năm, Campuchia phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Malaysia, trong đó phần lớn nhập khẩu từ Việt Nam (60-70%).

Hiện nay, nước này có 12 đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu, bao gồm 9 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 3 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là Chevron với nhãn hiệu Caltex, Total (Pháp), PTT (Thái Lan).

Do thị trường xăng dầu Campuchia được thị trường hoá hoàn toàn nên các doanh nghiệp này cạnh tranh khá gay gắt. Nhà nước không can thiệp sâu mà chỉ quản lý bằng luật, thuế và các khoản phí. Giá nhiên liệu do các doanh nghiệp xăng dầu tự quyết định theo giá thế giới. Do đó, giá thay đổi theo ngày, tăng giảm liên tục.

Mạng lưới bán lẻ xăng dầu của Campuchia bao gồm hơn 1000 cửa hàng xăng dầu lớn nhỏ, phân bố trên 24 tỉnh thành, tập trung nhiều hơn ở thủ đô Phnôm Pênh. Hệ thống này phát triển tự do vì Nhà nước không có quy hoạch cụ thể về mạng lưới xăng dầu, tuy nhiên, những chế tài về chất lượng nhiên liệu, hệ thống phân phối cũng như các quy định về đại lý được áp dụng rất chặt chẽ.


Cửa hàng xăng dầu của Sokimex, doanh nghiệp chiếm khoảng 24% thị phần bán lẻ tại Campuchia

Hồi tháng 4/2013, Campuchia và Trung Quốc đã ký kết một biên bản ghi nhớ để cùng xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên tại ranh giới của tỉnh Preah Sihanouk và tỉnh Kampot của quốc gia Đông Nam Á này với công suất khoảng 5 triệu tấn/năm. Dự kiến sau khi hoàn thành, 1/5 sản phẩm của nhà máy này sẽ được dùng để đáp ứng nhu cầu trong nước.


Chú thích:
[1]Enterprise Oil là hãng thăm dò và sản xuất lớn của Anh Quốc, hoạt động chủ yếu tại Anh và Ireland, lãnh thổ Châu Âu, Brasil và vịnh Mexico. Công ty này được thành lập từ năm 1983 và được Royal Dutch Shell mua lại với giá 3.5 tỉ bảng vào năm 2002.

[2]Premier Oil UK là công ty dầu khí độc lập của nước Anh, với các cổ phần dầu khí tại Anh, Châu Á và Châu Phi. Toàn bộ hoạt động của hãng này gói gọn trong lĩnh vực thượng nguồn – thăm dò dầu khí, chứ không bao gồm lĩnh vực hạ nguồn – lọc và phân phối dầu. Bắt đầu hoạt động từ năm 1934.

Nguồn: