Những yếu tố gây biến động giá dầu thế giới
01:09 SA @ Thứ Hai - 08 Tháng Bảy, 2013
Xuất phát từ tầm quan trọng của dầu mỏ trong nền kinh tế chung của toàn cầu, sự biến động giá dầu thế giới luôn là một trong những mối quan tâm của hầu hết các quốc gia. Thực tế cho thấy, thị trường dầu mỏ hết sức nhạy cảm đối với những biến động về kinh tế và chính trị toàn cầu. Nghiên cứu các giai đoạn biến động giá dầu thế giới từ năm 1945 tới nay, giá cả của loại nhiên liệu đặc biệt này chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất là quy luật cung cầu trên thị trường

Nếu nhu cầu tăng hoặc xảy ra sự gián đoạn nguồn cung tại các nước sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới như Canada, Venezuela, Nga, Lybia, đặc biệt là các nước thuộc khu vực Trung Đông, giá dầu sẽ bị đấy lên cao và ngược lại. Thực tế cho thấy, phía sau những bất ổn chính trị và các cuộc bạo động liên miên tại Ả rập Xê út; Iran; Iraq, Cô Oét, …là sự sụt giảm nặng nề về nguồn cung dầu cho thế giới tại thời điểm đó. Trong số này phải kể đến cuộc cách mạng Hồi giáo Iran khiến Iran tổn thất khoảng 2 đến 2,5 triệu thùng dầu/ngày từ 11/1978 đến 6/1979, đẩy giá dầu từ 16 USD; chiến tranh vùng Vịnh (8/1990) khiến thế giới mất đi gần 5 triệu thùng mỗi ngày, làm cho giá dầu nhảy vọt từ 17 USD lên 36 USD mỗi thùng chỉ trong vòng 2 tháng; nội chiến Lybia (2011) kéo giá dầu WTI tăng tới hơn 100 $/thùng, dầu Brent chạm mức 120 $/thùng.

Cùng với đó, nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng cao tại một số nền kinh tế mới nổi không thuộc OECD như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, các quốc gia Trung Đông, Châu Á, và châu Mỹ Latin, châu Phi cũng là nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu có xu hướng tăng cao như hiện nay. Theo số liệu của IEA, tổng nhu cầu dầu năm 2012 của Trung Quốc-  một trong những nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới -  đạt 475 triệu tấn, tăng 4,7% so với năm 2011. Dự đoán tới năm 2015, quốc gia này có thể phải nhập khẩu 370 triệu tấn dầu thô, tương đương với 65% lượng tiêu thụ dự kiến.

Thứ hai là các chính sách, quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC

Tổ chức nàydựa vào việc thiết lập hạn ngạch sản lượng cho các thành viên để điều chỉnh lượng khai thác dầu mỏ, tạo ra khan hiếm hoặc dư thừa dầu nhằm tăng, giảm hoặc giữ giá dầu, nói chung là khống chế giá dầu ở mức có lợi nhất cho các thành viên.

Quay trở lại năm 1973, năm đánh dấu sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất khi OPEC quyết định ngừng cung cấp nhiên liệu sang Mỹ, Nhật và Tây Âu nhằm trừng phạt sự ủng hộ của nhóm này với Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ai Cập – Syria. Lượng dầu bị cắt giảm tương đương 7% sản lượng của cả thế giới thời kỳ đó. Sự thiếu hụt này đã khiến giá dầu mỏ từ 3,01 USD nhảy lên 5,11 USD một thùng (ngày 16/10/1973) và tăng đến gần 12 USD vào giữa 1974.

Thứ ba là yếu tố tài chính

Bên cạnh các yếu tố về chính trị, về quy luật cung cầu thì các yếu tố về tài chính cũng là một biến số luôn thay đổi, kéo theo sự thay đổi không ngừng của giá dầu. Các cuộc khủng hoảng tài chính đã làm dấy lên tâm lý lo ngại về sự thay đổi nguồn cung cầu dầu mỏ, khiến giá cả biến động mạnh. Vào giữa năm 2007, bong bóng nhà ở cùng với sự giám sát tài chính thiếu chặt chẽ của Mỹ đã làm châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tại nước này. Sự đổ vỡ tín dụng lên đến cực điểm vào tháng 10/2008, lan rộng và đẩy nền kinh thế giới vào cuộc suy thoái tài chính trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933. Tại thời điểm này, có lúc giá dầu lên đến mức kỷ lục 145 USD mỗi thùng.


Có thể thấy, từ  khi giá dầu được định giá bằng đồng đôla, thì việc thay đổi giá trị của đồng đôla luôn khiến cho giá cả các loại hàng hóa được giao dịch bằng loại tiền này, trong đó có xăng dầu bị thay đổi. Nói một cách khái quát, giá dầu thô tỷ lệ nghịch với giá trị đồng đôla.

Đồng USD mất giá thường dẫn tới xu hướng tăng nhu cầu dầu và tăng giá dầu bởi các nhà xuất khẩu dầu mỏ buộc tăng giá sản phẩm của họ, nhằm thu lại giá trị mất đi do đồng USD mất giá khi xuất khẩu dầu, cùng với đó khi đồng USD mất giá, đối với những nhà đầu tư sở hữu các đơn vị tiền tệ khác mạnh hơn, giá dầu thô trở nên rẻ hơn, do đó họ sẽ mua nhiều dầu thô hơn, đẩy giá dầu lên cao.

Thứ tư là các yếu tố bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh

Một trong những nhân tố khó kiểm soát nhất là yếu tố tự nhiên. Điều kiện thời tiết cực đoan (bão, lốc xoáy, sóng thần,…) gây thiệt hại đến cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng, làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu tuy không có tác động lâu dài nhưng cũng tạo ra những đột biến về giá cả.

Hurricane Katrina

Năm 2005, cơn bão Katrina tấn công các giàn khoan dầu của Mexico làm sản lượng các nhà máy lọc dầu tại Mỹ giảm 4,5 triệu thùng/ngày khiến giá dầu tăng 3$ một thùng lên tới mức 70.8 $/thùng và giá xăng đạt 5$/gallon.

Thứ năm là các yếu tố khác

Cùng với các yếu tố đã được đề cập ở trên, thị trường dầu mỏ toàn cầu còn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như hoạt động đầu cơ, sự phát triển của các nguồn năng lượng mới thay thế,…

Hiện nay, theo khảo sát của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, chi phí trung bình để sản xuất một thùng dầu, tính từ thăm dò, phát triển cho đến khai thác và thuế, chỉ khoảng 30 USD. Giới chuyên gia xác định với mức chi phí đó cộng thêm phí vận chuyển và sự tác động của yếu tố cung - cầu thì giá dầu ở mức 75-85 USD/thùng là hợp lý. Tuy nhiên, giá dầu đã bị đội lên khá cao bởi những hoạt động đầu cơ của các nhà đầu tư. Giới đầu cơ đã thao túng thị trường bằng cách mua dầu ồ ạt rồi lợi dụng những biến động ảnh hưởng đến cung cầu đẩy giá lên cao rồi bán ra kiếm lợi lớn.

Để đối phó với tình trạng này, Mỹ là nước đi đầu với một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn giới đầu cơ Phố Wall thao túng giá dầu để giảm giá xăng bán lẻ tại nước này.

Giá dầu trên thị trường dầu mỏ luôn tiềm ẩn những diễn biến bất ngờ và có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù theo các nhà kinh tế có nhiều cách nhưng việc dự đoán giá dầu vẫn là một công việc hết sức khó khăn. Một khi bạo lực và bất ổn xảy ra thì những cách xác định này trở nên vô ích. Một khi nguồn năng lượng không thể tái tạo này đang dần có nguy cơ bị cạn kiệt, các quốc gia cần tìm cho mình những phương án dự phòng để vấn đề thiếu hụt nguồn cung không còn tác động quá lớn đến nền kinh tế.