Đà lao dốc của giá dầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại dù đã xuống mức thấp kỷ lục nhiều năm. Giới chuyên gia tin rằng sức ép đối với vàng đen vẫn còn lớn, đặc biệt khi nguồn cung từ Iran được kết nối với thị trường thế giới. Điều này về lâu dài có thể tạo ra những thay đổi lớn trên bản đồ địa chính trị toàn cầu.
Giá dầu WTI những ngày đầu tuần này đang ở mức dưới 30USD/thùng. Thậm chí, có những loại dầu giá dưới zero, tức người bán phải trả tiền cho người mua. Theo dự báo, sức ép giảm giá đối với dầu mỏ sẽ kéo dài tới năm 2020 và lâu hơn.
Người bán trả tiền
Tuần trước, trang Oilprice khiến nhiều người sửng sốt khi cho biết giá dầu nặng ở Canada đã giảm xuống chỉ còn 8USD/thùng. Theo đó, dầu bitumen của Canada, một loại dầu nặng được khai thác ở Alberta, chỉ đạt mức giá 8,35USD/thùng vào hôm 13-1. Như vậy, giá dầu này thấp hơn 7 lần so với thùng chứa chúng. Nhưng đó chưa phải là loại dầu có giá thê thảm nhất. Hãng tin Bloomberg ngày 18-1 cho biết Flint Hill Resources, một đơn vị lọc dầu của anh em nhà Koch, sẵn sàng bán dầu thô chua khai thác ở Bắc Dakota với giá âm 0,5USD/thùng, tức sẽ trả cho bên mua 0,5USD mỗi thùng họ “bán” được!
Sản lượng dầu thô ở Hoa Kỳ giảm từ 7,5 triệu thùng/ngày vào tháng 1-1990 xuống chỉ còn 5,5 triệu thùng/ngày vào tháng 1-2010, đột nhiên tăng mạnh, đạt tới 9,6 triệu thùng/ngày vào tháng 7-2015. Sản lượng của Canada cũng tăng từ 3,2 triệu thùng/ngày năm 2008 lên 4,3 triệu thùng/ngày năm 2014.
Vì sao lại có chuyện như vậy? Dầu Flint Hills bán ra là dầu chua, tức có chứa nhiều sulfur. Loại dầu này đòi hỏi phải có một công nghệ lọc khác so với dầu WTI (dầu ngọt, nhẹ). Ngoài ra, một lý do quan trọng khác là dầu chua Bắc Dakota không được vận chuyển chung với hệ thống đường ống. Vì vậy, các nhà sản xuất loại dầu này phải tìm cách xuất sản phẩm của mình ra khỏi tiểu bang này kể từ năm 2011, thường phụ thuộc vào xe lửa hoặc xe tải. Điều đó càng khiến loại dầu này mất sức cạnh tranh. Thêm vào đó, việc dầu WTI đã rơi xuống mức thấp nhất hơn 1 thập niên giống như đòn knock-out đối với dầu chua Bắc Dakota.
Đây là sự thay đổi hoàn toàn bất ngờ. Cách nay chưa lâu, vào tháng 6-2014, dầu ngọt nhẹ WTI và Brent có giá lên tới 115USD/thùng. Khi đó, hầu hết nhà phân tích năng lượng đều dự báo giá dầu sẽ giữ ở mức ít nhất 100USD/thùng, thậm chí có thể tăng giá trong tương lai. Trước những dự báo lạc quan đó, các công ty đã đổ hàng tỷ USD cho các dự án khai thác dầu, kể cả với những nguồn khó ăn như Bắc Cực, dầu hắc ín Canada, dầu ngoài khơi sâu và dầu đá phiến… Chi phí cho việc khai thác dầu ở các nguồn đó có thể lên tới 50USD/thùng hoặc hơn, nhưng các công ty vẫn lạc quan vì tin rằng với giá dầu ít nhất 100USD/thùng, họ vẫn có được lợi nhuận lớn.
Diễn biến khó lường
Cho đến nay, giá dầu đã diễn biến theo hướng không ai ngờ tới và hiện đã xuống thấp hơn 30USD/thùng. Tệ hơn, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo giá dầu sẽ không thể hồi phục mức 50-60USD/thùng cho đến năm 2020 và không về mức 85USD/thùng cho đến năm 2040. Điều này không chỉ khiến hủy diệt nhiều dự án khai thác dầu chi phí cao mà cả những công ty, thậm chí là chính phủ, đang sở hữu các dự án đó.
Nói chung, giá dầu tăng khi nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, nhu cầu thế giới tăng, các nhà cung cấp khai thác tối đa trong khi dầu dự trữ ít. Và dầu có xu hướng giảm, cũng như bây giờ, khi nền kinh tế toàn cầu trì trệ hoặc giảm, nhu cầu năng lượng thấp, nhà cung cấp chính thất bại trong việc kiểm soát sản lượng, dầu dư thừa tích tụ và nguồn cung cấp trong tương lai được đảm bảo. Trong suốt những năm đầu thế kỷ này, các nền kinh tế thế giới đã phát triển mạnh, nhu cầu năng lượng tăng vọt, nhiều nhà phân tích đã dự báo sản xuất sẽ đạt tới một đỉnh mới. Vì thế, không ngạc nhiên khi giá dầu Brent tăng đạt mức cao kỷ lục 143USD/thùng vào tháng 7-2008. Nhưng với sự sụp đổ của Lehman Brothers vào ngày 15-9 năm này và tiếp theo cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu năng lượng nhanh chóng xì hơi, giá dầu hạ xuống chỉ còn 34USD/thùng vào tháng 12-2008. Tuy nhiên, tháng 10-2009, dầu Brent tăng chạm 77USD/thùng. Chưa đầy 2 năm sau, tháng 2-2011, giá dầu một lần nữa vọt lên ngưỡng 100USD/thùng và duy trì quanh mức đó cho đến tháng 6-2014.
Đi tìm lời giải
Có một số yếu tố sau việc phục hồi giá này, trong đó quan trọng nhất là những điều đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi các nhà chức trách quyết định kích thích nền kinh tế bằng cách đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Thêm vào đó là số người sở hữu ô tô tăng mạnh do tầng lớp trung lưu tại các thành phố Trung Quốc bùng phát, kéo theo nhu cầu năng lượng gia tăng mạnh. Theo gã khổng lồ dầu khí BP, từ năm 2008-2013, tiêu thụ xăng dầu ở Trung Quốc tăng 35%, từ 8 triệu lên 10,8 triệu thùng/ngày. Điều tương tự cũng diễn ra ở các nước đang phát triển nhanh như Brazil và Ấn Độ, trong khi sản lượng ở nhiều mỏ dầu hiện hữu, dễ khai thác bắt đầu suy giảm, khiến các công ty và chính phủ vội mở thêm các mỏ mới, trong đó có nhiều mỏ khó khai thác.
Điều này đã dẫn đến sự thay đổi từ đầu năm 2014, khi việc khai thác các mỏ khó ở Hoa Kỳ và Canada đã bắt đầu phát triển mạnh. Tại các nơi khác sản lượng cũng tăng mạnh, như các mỏ xa bờ ngoài khơi Đại Tây Dương của Brazil và Tây Phi. Trong khi đó, đất nước Iraq bị chiến tranh tàn phá lại thành công trong việc nâng sản lượng lên gần 1 triệu thùng/ngày. Thêm vào đó là sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc. Từ tỷ lệ tăng trưởng hàng năm tới 10%, GDP Trung Quốc đã giảm xuống còn có 1 con số và ước chưa tới 7% trong năm qua. Mặc dù nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng, nhưng sẽ không đạt được mức tăng của những năm gần đây. Đồng thời, những nỗ lực tăng hiệu quả nhiên liệu tại Hoa Kỳ, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, đã bắt đầu có ảnh hưởng đến bức tranh năng lượng toàn cầu. Ở đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, để giải cứu 2 đại gia xe hơi General Motors và Chrysler, Nhà Trắng buộc các nhà sản xuất xe hơi lớn phải chấp nhận các tiêu chuẩn khắt khe về sử dụng nhiên liệu hiệu quả, đã làm giảm nhu cầu dầu mỏ ở Hoa Kỳ.
Vào giữa năm 2014, nhiều nhà phân tích tin rằng Saudi Arabia và các đồng minh của nước này trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ kiềm chế sản xuất để thúc đẩy giá. Tuy nhiên, OPEC đã làm ngược với các kỳ vọng, bỏ phiếu quyết định duy trì hạn ngạch sản lượng của các nước thành viên. Ngày hôm sau, giá dầu thô đã giảm tới 4USD.
(Còn tiếp)
TIN KHÁC
Biến 20.000 tấn rác thải nhựa thành dầu thô(09/08/2024)
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)