Bài 1: Dốc toàn lực tìm dầu
03:17 SA @ Thứ Sáu - 17 Tháng Tám, 2018

Không ít lần vận mệnh của ngành dầu khí, của những người đi tìm dầu rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” trên con đường tìm kiếm và khai thác dòng vàng đen cho tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm phát hiện và khai thác dầu thô tại tầng đá móng, Báo điện tử Petrotimes trích đăng lại loạt bài lịch sử về giai đoạn tìm kiếm và phát hiện dầu khí rất đặc biệt này.

Mệnh lệnh từ ý chí

Trong bối cảnh đất nước mới trải qua hai cuộc chiến tranh nhưng toàn quốc đã dồn mọi nguồn lực để tìm kiếm dầu khí. Không ít người sau này đã cho rằng đây là một “canh bạc” nhưng sự thật thì ngược lại.

Ngày 3/7/1980, Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí thềm lục địa Việt Nam. Tại thời điểm đó, nhiều người cho rằng điểm xuất phát của Hiệp định là từ “mệnh lệnh trái tim”, hay nói cách khác từ tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Liên Xô, từ nhiệm vụ chính trị với quyết tâm sớm xây dựng cho Việt Nam một ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh từ khai thác đến lọc dầu, để Việt Nam tự giải quyết vấn đề năng lượng của mình.

bai 1 doc toan luc tim dau
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh cùng với cán bộ lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngành Dầu khí vui mừng chào đón dòng dầu đầu tiên trên tàu khoan Mikhain Mirchin (năm 1984).

Cũng nhiều người sẽ thắc mắc là có quá phiêu lưu và duy ý chí đến khó hiểu nếu chỉ dựa vào tài liệu địa chấn và một giếng khoan thăm dò của Mobil mà đã đầu tư xây dựng khu căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ, khu nhà ở 5 tầng và quan trọng hơn là xúc tiến xây ngay 2 giàn MSP là quá rủi ro không?

Đúng thế, câu hỏi này luôn ám ảnh lãnh đạo của Vietsovpetro nhiều năm và gay gắt nhất vào năm 1987-1988, cho đến tháng 9-1988 khi khai thác được tấn dầu công nghiệp đầu tiên từ tầng móng mỏ Bạch Hổ. Giả thiết nếu không gặp dầu trong móng thì từ câu hỏi trên sẽ là một vụ “xì căng đan” lớn, một bài học kinh nghiệm quá đắt trong lịch sử dầu khí Việt Nam, khi một đất nước đang dè sẻn từng hạt gạo phải dốc hết sức để hy vọng đổi lấy dầu nay trở thành ảo vọng!

Tại sao không thuê khoan một giếng tìm kiếm trước để kiểm tra lại số liệu của Mobil?

Những câu hỏi như thế không phải các chuyên gia Liên Xô lúc bấy giờ không biết đến và không đề cập. Làm việc với cán bộ Việt Nam, ông O.O. Seremeta (Trưởng tổ chuyên viên kỹ thuật) thẳng thắn hỏi và đồng thời cũng để trả lời: “Thế các anh có muốn Việt Nam sớm có dầu không? Các anh thử chỉ cho xem ở Việt Nam còn cấu tạo nào triển vọng hơn Bạch Hổ để phía Liên Xô có thể đầu tư khai thác sớm? Hai nước chúng ta không có ngoại tệ để thuê giàn di động đến khoan, Liên Xô hiện đang đóng một giàn khoan di động để khoan cho cả Đề án Việt Nam và Xakhalin. Chúng ta không thể chờ đến khi có giàn, vì theo kế hoạch giữa năm 1983 mới đóng xong và cũng không thể chờ khoan xong giếng tìm kiếm rồi mới kiểm tra lại tài liệu Mobil để đến lúc đó mới triển khai xây dựng các cơ sở khai thác!

Việt Nam sớm phải có dầu vẫn là mục tiêu thôi thúc đoàn công tác Liên Xô. Nhưng nếu không có dầu, thì cũng có khu nhà ở 5 tầng, một khu cảng cho Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và nếu rủi ro thì chỉ ở 2 giàn MSP”.

Suýt chết vì… dân quân

Vào những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, tiến hành các hoạt động thăm dò, xác định trữ lượng dầu khí của hai lô 09 và 16 là công việc đầu tiên mà Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô phải bắt tay ngay vào làm trong những ngày đầu thành lập. Triển khai việc tìm kiếm, thăm dò nhằm đánh giá tiềm năng, xác định trữ lượng và triển vọng của các phát hiện dầu khí là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, bởi kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ này như thế nào sẽ quyết định tương lai, số phận và lịch trình của các giai đoạn tiếp theo của hoạt động dầu khí Việt Nam. Trong tâm trạng sốt sắng như vậy nên có lần cả đoàn lãnh đạo cùng chuyên gia của cả Liên Xô và Việt Nam đã suýt chết khi triển khai thăm dò dầu khí.

bai 1 doc toan luc tim dau
Tàu khoan Mikhain Mirchin đang thử vỉa tại giếng BH-5 mỏ Bạch Hổ (ngày 24-5-1984).

Ông Lê Văn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Dầu khí nhớ lại: “Trong khi còn đang đàm phán Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô thì Tổ đàm phán về hợp đồng thương mại đã triển khai ngay các hợp đồng về địa chấn và khoan tìm kiếm, thăm dò. Các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã triển khai xác định các điểm định vị cho hoạt động này.

Tháng 4/1981, một đoàn cán bộ liên hợp, Phía Liên Xô do Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí biển O.O. Seremeta, Phía Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Phạm Văn Diêu, Phó Giám đốc Công ty Dầu khí II Ngô Thường San, ông Lê Văn Hùng - cán bộ Tổng cục và ông Huỳnh Bá Oai - cán bộ Cục A17 (Bộ Công an) đã đi khảo sát các điểm định vị ven biển.

Một tình tiết éo le xẩy ra khi đoàn tàu rời khỏi điểm định vị Khe Gà (hôm trước vừa bị sét đánh) thì tàu bị hỏng máy. Trong đêm tối, dân quân tỉnh Thuận Hải ngỡ chúng tôi là tàu vượt biên nên đã bắn rất nhiều. Cả đoàn vừa bị say sóng vừa phải nằm rạp sang mạn tàu phía biển để tránh đạn. Đến sáng hôm sau mới được tàu cá của dân đưa vào cửa biển Hàm Tân. Chính vì sự chuẩn bị tích cực đó nên công tác địa chấn đã được triển khai trước khi Hiệp định Liên Chính phủ thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được ký kết”.

Ông Lê Văn Hùng nhấn mạnh: “Ông O.O. Seremeta, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí biển Liên Xô đã rất nhiều lần nhắc lại kỷ niệm về lần “chết hụt” này”.

Có thể thấy rằng, những ngày đầu tìm dầu là cực kỳ gian nan, đầy hiểm nguy. Những câu chuyện về cán bộ dầu khí sẵn sàng xả thân trong công cuộc tìm dầu là có thật và đáng trân trọng.

Nguồn: