Giá dầu giảm mạnh trong năm 2014 đang đưa “ván cờ” địa chính trị của thế giới đến tàn cuộc. Điều đáng xem của năm 2015 là ai sẽ hồi phục và thống trị thế cục. Liệu đó là OPEC, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ?
Giá dầu trên thị trường giao dịch thế giới đã giảm 49% trong năm 2014. Những hy vọng trong việc giá dầu hồi phục nhanh chóng đã không còn khi tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới ở mức chậm nhất kể từ năm 2009, các công ty khai thác Mỹ tăng sản lượng lên mức cao nhất kể từ thập kỷ 80 và cuộc chiến giá dầu nổ ra ngay giữa các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Giáo sư Jeff Colgan của đại học Brown University cho biết đây là một bước ngoặt trong việc thị trường nhìn nhận vai trò của OPEC khi tổ chức này không thực sự kiểm soát được giá dầu mỏ. Câu chuyện mà thế giới quan tâm hiện giờ là ngành khai thác dầu bằng công nghệ mới (Fracking) tại Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà khai thác dầu Bắc Mỹ chịu được mức thua lỗ bao nhiêu?
Dưới đây là 5 vấn đề chính về thị trường dầu mỏ trong năm 2015:
Liệu OPEC sẽ cùng nhất trí giữ sản lượng?
Tổ chức kiểm soát 40% thị trường dầu mỏ thế giới này đang cho thấy những dấu hiệu của sự chia rẽ.
Các số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy kể từ tháng 1/2012, các thành viên OPEC đã khai thác vượt mức 886.000 thùng/ngày so với mức quy định 30 triệu thùng dầu/ngày. Sau quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác của OPEC tháng 11/2014, một số thành viên thậm chí không có động lực để thực hiện quyết định này. Theo dự báo của OPEC, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ ở mức thấp nhất trong 12 năm qua và thấp hơn sản lượng hiện tại 1 triệu thùng/ngày.
Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, ngoại trừ Kuwait và Quatar thì giá dầu hiện tại thấp hơn mức các thành viên OPEC cần để cân bằng ngân sách. Mặc dù vậy, thành viên có tiếng nói nhất trong OPEc là Ả Rập Xê Út vẫn dẫn đầu trong việc giữ nguyên sản lượng và đặt ra nghi vấn về tính cần thiết của sự cắt giảm. Theo Citigroup Inc, quốc gia này có đủ lượng dự trữ tiền mặt để chiến thắng cuộc chiến giá dầu nhưng cái giá phải trả của nước này và các thành viên OPEC khác là rất lớn.
Giám đốc chiến lược đầu tư Jeffrey Rosenberg của BlackRock Advisors Inc cho biết OPEC hiện đang gặp khó khăn trong việc duy trì tổ chức. Tất cả các thành viên đều có những lý do riêng để nâng cao sản lượng khai thác và duy trì doanh thu dầu mỏ.
Liệu sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực?
Các nhà môi giới và chuyên gia phân tích giải thích quyết định của Ả Rập Xê Út khi để giá dầu giảm như là một chiến lược thách thức những công ty khai thác dầu với chi phí cao tại Mỹ. Ít nhất đã có hơn 10 công ty đã phải cắt giảm kế hoạch khai thác. Bộ Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã giảm dự báo sản lượng khai thác dầu của Mỹ. Trong khi công ty Genscape Inc dự báo những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như việc sụt giảm mạnh sản lượng khai thác từ mức cao nhất trong 3 thập kỷ qua.
Cổ phiếu và trái phiếu của các công ty năng lượng Mỹ đã giảm giá, nhiều nhà đầu tư ngày càng lo ngại thiệt hại có thể sẽ còn lan rộng. Các nhà đầu tư khác thì lại tận dụng cơ hội của việc giá cổ phiếu giảm và mua vào.
Theo Standard Chartered Plc, các chuyên gia đang quan tâm chặt chẽ các công ty khai thác dầu đá phiến trong tình hình giá dầu giảm.
Liệu nhu cầu dầu thế giới sẽ hồi phục?
Suy giảm nhu cầu dầu mỏ do tăng trưởng kinh tế yếu kém tại Châu Âu và Châu Á đã đẩy giá dầu vào tình hình giảm mạnh. Tuy nhiên, Citigroup và Goldman Sachs Group Inc cho rằng giá dầu thấp có thể sẽ kích thích thị trường.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng từ 700.000 thùng/ngày năm 2014 lên 900.000 thùng/ngày năm 2015. Mặc dù vậy, nhu cầu về xăng vẫn giữ nguyên tại thị trường Mỹ, nơi có xe ô tô sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn và những người dân tầng lớp trẻ đang ưa thích sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Chuyên gia Tamar Essner của Nasdaq cho biết việc nhu cầu dầu giảm do sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn sẽ không tồn tại lâu do giá xăng ngày càng thấp. Chuyên gia này cho rằng nhu cầu dầu giảm là do suy giảm tăng trưởng kinh tế tại Châu Âu và Trung Quốc và cũng chưa thấy dấu hiệu tích cực nào đủ mạnh để thay đổi giá dầu.
Liệu Mỹ có tăng cường xuất khẩu dầu?
Việc giá dầu thấp đang gây tranh cãi về lệnh hạn chế xuất khẩu dầu thô đã tồn tại 40 năm qua tại Mỹ. các công ty khai thác dầu muốn thu lợi từ giá dầu thô trên thị trường thế giới, vốn ở mức cao hơn, trong khi những công ty lọc dầu lại muốn giữ lợi thế về chi phí.
EIA cho biết những lô hàng dầu thô được cấp phép xuất khẩu ngày càng tăng và có thể Mỹ sẽ xuất khẩu dầu với mức 1,5 triệu thùng/ngày nếu những dự luật được thay đổi. Vấn đề này có thể trở thành tâm điểm tại Nghị viện với Đảng Cộng Hòa chiếm đa số, đặc biệt là khi nghị sĩ Lisa Murkowski của Bang Alaska, người phản đối lệnh hạn chế xuất khẩu dầu mạnh mẽ nhất, được bầu vào ủy ban tài nguyên thiên nhiên của Thượng viện.
Liệu các bất ổn chính trị có ảnh hưởng đến nguồn cung dầu?
Vào tháng 6/2014, khi tình hình bạo lực gia tăng tại Ucraina và các quốc gia Hồi giáo, các chuyên gia phân tích đã dự đoán giá dầu sẽ tăng lên bao nhiêu sau mức 114 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện nay thì câu hỏi đặt ra lại là liệu mức giá dầu 60 USD/thùng sẽ tác động tiêu cực như thế nào đến tình hình bất ổn tại một số quốc gia.
Tại Venezuela, quốc gia đang vật lộn với lạm phát và tình trạng thoái vốn, nước này đang phải đối mặt với chi phí vay tăng cao do lo ngại của các nhà đầu tư về rủi ro vỡ nợ. Sản lượng khai thác dầu của Lybia đã tăng gấp 4 lần trong khoảng tháng 4-10/2014 do tình hình giao tranh quân sự giảm bớt. Sản lượng khai thác của Iraq đạt mức cao nhất trong 13 năm qua do chính phủ đạt được thỏa thuận với người Kurd trong việc tăng cường bán dầu mỏ.
Nếu Iran đạt được một thỏa thuận với Phương Tây trong việc nới lỏng các lệnh cấm vận thì tổng sản lượng khai thác dầu mỏ của các nước vùng Vịnh Ba Tư sẽ tăng gấp đôi lên 4,8 triệu thùng/ngày. Tại Nga, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Châu Âu cùng với việc giảm giá mặt hàng xuất khẩu chủ đạo là dầu mỏ đã dần đẩy nước này lâm vào suy thoái với việc khủng hoảng đồng nội tệ và tình trạng thoái vốn.
Theo Edward D. Jones & Co, những rủi ro địa chính trị là những kết quả tiêu cực của việc giá dầu giảm.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)