Brazil đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước Nam Mỹ này, mà nguồn cơn bắt đầu từ các vụ bê bối tham nhũng, với trung tâm là vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras).
Bê bối tham nhũng tại Petrobras đang làm chao đảo chính trường Brazil
Vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras bị phanh phui từ tháng 3/2014 sau khi ông Roberto Costa, Giám đốc Cung ứng của tập đoàn này khai báo nhận tiền hối lộ từ mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do một số doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil cấu kết thành lập.
Theo cơ quan điều tra, cho tới nay 16 công ty, trong đó có các công ty xây dựng khổng lồ là Odebrecht và Andrade Gutierrez đã hợp tác để đưa ra giá đấu thầu trong các dự án của Petrobras với sự “hỗ trợ” của lãnh đạo tập đoàn này để tham ô từ 1% tới 3% giá trị các hợp đồng. Đường dây này đã dùng khoảng 4 tỉ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo của Petrobras. Đến nay, đã có hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra.
Uy tín của Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff và đảng Lao động (PT) cầm quyền cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do bị cáo buộc có liên quan đến vụ tham nhũng tại Petrobras và liên quan đến các cáo buộc chỉnh sửa con số quyết toán năm 2014, với mục đích làm giảm thâm hụt ngân sách cũng như vay tín dụng mà không được Quốc hội thông qua.
Một ủy ban của Thượng viện Brazil hôm 6-5 đã đề nghị đưa Tổng thống Dilma Rousseff ra tòa trong khuôn khổ thủ tục phế truất có thể khiến nhà lãnh đạo này bị mất chức. Ủy ban đặc biệt gồm 20 thành viên, trong đó 15 người bỏ phiếu thuận và 5 người bỏ chiếu chống. Nếu như đề nghị của ủy ban được phê duyệt như dự kiến tại phiên họp toàn thể vào ngày 11/6 tới, bà Rousseff, người đã tái cử tổng thống vào năm 2014, sẽ bị đình chỉ chức vụ, chấm dứt 13 năm cầm quyền ở Brazil của đảng Lao động với những thành quả xã hội mà cộng đồng quốc tế đã nhiều lần thừa nhận. Trước đó, hôm 17/4, các dân biểu Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua thủ tục phế truất tổng thống.
Mặc dù chính quyền của bà Rouseff tuyên bố những cáo buộc trên cùng những động thái đi kèm là âm mưu đảo chính, nhưng theo Reuters, cơ hội để tổng thống Brazil tiếp tục giữ quyền ngày càng mong manh dù thủ tục phế truất còn phải chờ được 2/3 nghị sĩ Thượng viện thông qua. Theo các cuộc thăm dò của báo chí địa phương, phe đối lập sẽ đạt được chừng 50 trên tổng số 54 phiếu cần thiết để thông qua thủ tục phế truất. Khoảng 10 thượng nghị sĩ chưa đưa ra ý kiến nhưng đa số có thể nghiêng về hướng ủng hộ việc bà Rouseff phải ra đi.
Bản thân người đỡ đầu cho bà Rousseff là cựu tổng thống Brazil Lula da Silva cũng đang phải trả lời tư pháp về tội tham nhũng dính líu đến Petrobras. Bị nghi ngờ nhận hối lộ, ít nhiều bao che cho các vụ rửa tiền đã làm xấu đi hình ảnh của cựu Tổng thống Lula - vốn được coi là người hùng, bảo vệ cho những tầng lớp nghèo khó nhất trong xã hội Brazil.
Khi mọi việc còn chưa ngã ngũ thì vấn đề cần phải nói thêm ở đây là người khởi xướng thủ tục phế truất Tổng thống Rousseff là ông Ecuardo Cunha - Chủ tịch Hạ viện Brazil, cùng 60% nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ thủ tục phế truất Tổng thống ở Hạ viện hôm 17/4 cũng đang là những đối tượng điều tra về tội tham nhũng.
Riêng ông Ecuardo Cunha, bị cáo buộc “tham nhũng và rửa tiền” với những khoản tiền rất lớn (ước tính từ 5 cho đến 40 triệu USD). Còn người dự kiến sẽ thay thế bà Rousseff nếu bà bị mất chức, theo Hiến pháp Brazil, là Phó Tổng thống Michel Temel, cũng bị cáo buộc là có liên quan đến tai tiếng tham nhũng tại Petrobras.
Tất cả những điều này cho thấy thực tế đen tối hiện nay của tầng lớp chính trị Brazil và tương lai bất định về thể chế, chính trị của đất nước Nam Mỹ này.
Giữa bối cảnh khủng hoảng chính trị, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latinh cũng đang lún sâu vào suy thoái sau nhiều năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhờ giá hàng hóa cao và nhu cầu lớn về dầu mỏ, quặng sắt và một số hàng hóa khác từ thị trường Trung Quốc.
Tổng sản lượng của Brazil năm 2015 bị giảm mất 3,8 % và đây là thành tích thảm hại thứ nhì trên toàn châu Mỹ La-tinh, chỉ hơn được có Venezuela, nơi GDP đã giảm 10 % trong năm vừa qua.
Brazil hiện tại phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% GDP.
Cuối tháng 2 vừa qua, hãng xếp hạng tín dụng Moody's đã trở thành hãng xếp hạng tín nhiệm thứ ba trên thế giới hạ bậc tín nhiệm của Brazil xuống mức “vô giá trị” với lý do nền kinh tế này đang đối mặt núi nợ công cao và tình hình chính trị bất ổn.
Dự kiến năm nay, kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy thoái và ở mức âm 3,6%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần chín thập niên, kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Trong khi đó, trung tâm của các vụ bê bối tham nhũng đang làm chao đảo chính trường Brazil - tập đoàn Petrobras thông báo đã hoàn tất các thỏa thuận bán tài sản của tập đoàn này ở Argentina và Chile với tổng trị giá 1,38 tỉ USD.
Tuy các thương vụ này vẫn cần được ban giám đốc của Petrobras thông qua lần cuối, nhưng gần như nó chắc chắn sẽ được thông qua bởi Petrobras hiện đang phải đối mặt với khoản nợ chồng chất lên tới 100,4 tỉ USD. Tháng 3 vừa qua, tập đoàn công bố khoản thua lỗ kỷ lục trong năm ngoái lên tới 9,6 tỉ USD, tăng 30% so với mức thua lỗ của năm trước đó.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)