Cửa hàng tiện lợi (hay còn gọi tắt là C-store) là một mô hình đột phá trong ngành kỹ nghệ bán lẻ. Xuất phát đơn thuần từ mong muốn cung cấp bánh mì, trứng và sữa cho khách hàng mọi lúc có thể, cho tới nay, C-store đã khẳng định mình là một trong những mô hình bán lẻ hàng đầu thế giới. Cuộc thoát hiểm ngoạn mục để trở thành nhà bán lẻ xăng dầu hàng đầu ở Mỹ đã chứng tỏ sức mạnh của mô hình kinh doanh này.
Kỳ 1: “Kẻ cơ hội” nhạy bén
Từ một ý tưởng “ngẫu hứng”, C-store đã trở thành một mô hình đột phá trong ngành kỹ nghệ bán lẻ nhờ vào chính sự tiện lợi mà nó đem tới cho khách hàng.
Ra đời
Tháng 5/1927, cửa hàng “bán nhanh” đầu tiên của công ty Southland Ice, chuyên dự trữ và cung cấp đá lạnh, “bất chợt” trên góc phố 12 đường Edgefield, Dallas, Texas (Mỹ), đánh dấu sự ra đời đầu tiên của mô hình cửa hàng tiện lợi trên thế giới.
Tote'm, mô hình sơ khai của cửa hàng tiện lợi.
Ông Jefferson Green, nhân viên của Southland Ice, người đưa ra ý tưởng về cửa hàng này, đã triển khai bán thêm bánh mì, sữa và trứng sau khi nhận ra rất nhiều khách hàng của mình không thể mua được chúng khi các cửa hàng tạp hóa đóng cửa. Với lợi thế phục vụ 16 giờ/ngày và 7 ngày/tuần, mô hình này đã nhanh chóng được khách hàng đón nhận.
Joseph C.Thompson, người sáng lập kiêm chủ tịch của tập đoàn Southland Ice đã nhận ra tiềm năng từ việc bán các mặt hàng thiết yếu này và triển khai tới các cửa hàng khác trong công ty, đồng thời đổi tên chúng thành “Tote’m”.
Khi những cửa hàng “tiện lợi” còn chưa được ai biết đến tại Mỹ, rất nhiều mô hình tương tự khác đã nổi lên như “midget” của những năm 1920, “motorterias” hay các cửa hàng “bán nhanh” tự động. Năm 1929 là thời kì hoàng kim của các cửa hàng “Bantamas” và “drive-in” - nơi khách hàng có thể lái xe vào và mua sắm ngay trên ô tô của mình. Tại đây, loại máy bán hàng tự động “Delmat” của họ chủ yếu cung cấp sữa, trứng, các sản phẩm từ thịt. Các hợp tác xã chăn nuôi sữa bò cũng vận dụng mô hình này để mở các “dairy stores” hay “jug stores” để bán sữa.
Sau Thế chiến thứ II, các cửa hàng tiện lợi bắt đầu thu lợi nhuận. Năm 1957, lần đầu tiên cụm từ “cửa hàng tiện lợi” được sử dụng ở Washington, DC và ở Denver, Colorado. Năm 1962, C-store đầu tiên phục vụ 24/24 giờ đã ra đời tại Las vegas, bang Nevada, Mỹ.
Trước sự cạnh tranh gắt gao của các C-store, các siêu thị buộc phải mở thêm chi nhánh ở ngoại ô để phục vụ những khách hàng không thể tới thành phố để mua trứng, sữa.
Thống trị trong từng “ngóc ngách”
Năm 1950, chiến tranh kết thúc và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng cũng gia tăng. Ngành công nghiệp ô tô Mỹ trở nên phát triển cực thịnh. “Giấc mơ Mỹ” với những chiếc ô tô lớn, những con đường rộng, đã khiến người dân đô thị buộc phải ra ngoại ô sinh sống.
C-store mở rộng quy mô nhằm thu hút khách hàng.
Tại thời điểm đó, khu vực ngoại ô còn khá thưa thớt nhưng những cư dân tại đây lại có nguồn tài chính rất dồi dào và thường có hai ô tô. Do cả vợ và chồng đều đi làm nên làm giảm đáng kể thời gian đi mua sắm của mỗi gia đình.
Nắm bắt được “tiềm năng” đó, các C-store thường mở chi nhánh ở những khu vực có vị trí thuận lợi, có thể đỗ xe trước cửa để khách hàng vừa có thể mua sắm thoải mái mà vẫn có thể theo dõi lũ trẻ trong ô tô. Ngoài những vùng ngoại ô lớn, các C-store còn khai thác triệt để tiềm năng của những vùng dân cư mới, thị trấn nhỏ mà những siêu thị không thể “len lỏi” tới. Với chiến thuật này, những “kẻ cơ hội” đã chớp được thời cơ, len lỏi và chiếm lĩnh thị trường màu mỡ đang bị bỏ ngỏ.
Các C-store ở ngoại ô có mặt tiền rất rộng.
Trong khi các C-store tung ra chiến lược “tiện lợi hóa” việc mua sắm thì các cửa hàng, siêu thị lại sử dụng chiến lược mở rộng cửa hàng. Những siêu thị rộng cỡ 3.000 m2 - 5.000 m2 khiến khách hàng cảm thấy vô cùng vất vả khi mua sắm. Họ dần “lãng quên” những cửa hàng này và ưa chuộng C-store.
Không chỉ tập trung bán các mặt hàng thiết yếu, các C-store tìm kiếm và khai thác những sản phẩm có thể mang lại nhiều doanh thu. Khi ngành công nghiệp ô tô bùng nổ đẩy giá xăng tăng đột biến, các C-store đã triển khai cung cấp xăng dầu. Họ thử nghiệm đặt những cây xăng nhỏ phía trước cửa hàng.
Sự tiện lợi của chúng được khách hàng đón nhận và được nhanh chóng nhân rộng ra các chi nhánh khác. Với quy mô rộng khắp, số lượng của các C-store có bán xăng đã áp đảo đối thủ và khiến các trạm xăng truyền thống giảm đáng kể. Kể từ đây, vai trò cung cấp xăng tại Mỹ dần chuyển sang các C-store.
Nhằm mở rộng mạng lưới, các C-store đã sử dụng phương thức nhượng quyền thương hiệu để huy động vốn mở cửa hàng mới. Với số tiền thu được, họ xâm lấn sang khu vực Bắc Mỹ và tiếp tục tăng trưởng bằng các hình thức sáp nhập, thu mua và mở cửa hàng mới.
Tận dụng điểm yếu của các đối thủ cạnh tranh như siêu thị, cửa hàng tạp hóa nhỏ, cửa hàng thuốc, chuỗi bán thức ăn nhanh tự động và các trạm xăng, các C-store liên tục làm mới mình và lấn áp đối thủ.
Đón đọc kỳ cuối: “Lì đòn” vượt qua khủng hoảng
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)