Chuyện tìm dầu giữa rừng Amazon (Kỳ 2)
01:18 SA @ Thứ Ba - 10 Tháng Mười Hai, 2013

Khai thác dầu trong khu vực rừng Amazon chứa đựng đầy rủi ro, bất trắc, mà chủ yếu là phải đối mặt với thiên nhiên cực kỳ khắc nghiệt, các điều kiện nhằm bảo vệ rừng được đặt ra rất cao. Chính vì thế mà hàng chục năm nay, chẳng ai dám “bén mảng” tới.

Rủi ro trong khai thác dầu khí là như vậy đó.

Với dự án tại Lô 67 thì xem ra PVEP có được yếu tố “thiên thời và nhân hòa”.

Nói là “thiên thời” bởi vì trong khoảng 10 năm nay, Peru đang có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Peru vào loại cao nhất khu vực Nam Mỹ, trung bình 6,5% mỗi năm, lạm phát ở mức rất thấp, giá trị đồng tiền Nuevo sol của Peru được nâng cao, chính trị ổn định, chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, nền kinh tế Peru cũng có những mảng tối, là bình quân đầu người của Peru gấp 3 lần Việt Nam, nhưng sự chênh lệch giàu nghèo cực kỳ lớn và số người sống ở mức nghèo khổ chiếm gần một nửa dân số.

Nói là có yếu tố “nhân hòa”, chính là chính phủ Peru luôn dành cho Việt Nam tình cảm trân trọng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Peru có quan hệ rất tốt. Còn PVEP có quan hệ hợp tác với Perenco rất tin cậy. Và một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa, chính là PVEP có đội ngũ cán bộ rất có bản lĩnh, có ý chí và khát vọng tìm dầu và họ đã trải qua những thử thách khắc nghiệt như ở Algeria, Venezuela…Với họ, môi trường khắc nghiệt, thiếu thốn, gian khổ… chỉ càng làm tăng thêm sức mạnh đoàn kết, quyết chiến thắng, chứ không thể nào làm họ chùn bước.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội tới thăm Văn phòng PVEP tại Peru đầu năm 2013

Trong những năm qua, PVEP luôn là đơn vị chủ lực, đảm nhiệm khâu đầu tiên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là “Thăm dò, khai thác dầu khí”.

Ngay như năm nay, trong bối cảnh không thuận lợi, một số mỏ khai thác có dấu hiệu chững lại về sản lượng, nhưng PVEP đã thực hiện thành công các giải pháp về kỹ thuật, quản lý, nhân lực, nguồn vốn đầu tư, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nhờ vậy, PVEP đã giành thắng lợi vượt bậc trong thăm dò, khai thác. Theo con số thống kê, tính đến hết tháng 10/2013, PVEP đã khai thác 2,98 triệu tấn dầu, 1.108 triệu m3 khí, doanh thu đạt 50.015 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 15.461 tỉ đồng. Cùng với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, PVEP đã trở thành đơn vị nộp thuế lớn nhất Việt Nam và đứng trong Top 10 giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2013. Đặc biệt, đến cuối tháng 10/2013, PVEP đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính của năm 2013 với tổng doanh thu là 50.015 tỉ đồng, đạt 104% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế là 24.955 tỉ đồng, đạt 120% kế hoạch năm. Tổng nộp ngân sách Nhà nước là 15.461 tỉ đồng, đạt 109% kế hoạch năm.

Còn yếu tố “địa lợi” thì rõ ràng tại Amazon là cơ bản không có. Đây thực sự là nơi mọi khó khăn, gian khổ còn nhiều hơn ở những nơi mà trước đây anh em PVEP đã tưởng rằng “không đâu gian khổ hơn thế”.

Khai thác dầu trong khu vực rừng Amazon chứa đựng đầy rủi ro, bất trắc, mà chủ yếu là phải đối mặt với thiên nhiên cực kỳ khắc nghiệt, các điều kiện nhằm bảo vệ rừng được đặt ra rất cao. Chính vì thế mà hàng chục năm nay, chẳng ai dám “bén mảng” tới.

Trát thuốc chống muỗi trước khi ra công trường

Một khó khăn đặc biệt khác tại đây là phải cam kết thực hiện bảo vệ môi trường một cách tốt nhất.

Cũng phải nói thêm rằng, rừng Amazon từ năm 1960 đến 1990 đã bị tàn phá khoảng 578.000km2, nhưng phần bị phá nằm trên lãnh thổ Brazil là nhiều nhất. Còn ở Colombia thì rừng bị phá bởi các “tập đoàn” sản xuất, chế biến, buôn bán ma túy, buôn bán gỗ lậu.

Để vươn lên là một nước xuất khẩu đậu nành thứ hai trên thế giới sau Mỹ, Brazil đã tàn phá rừng Amazon không thương tiếc. Trong khi đó, tại khu vực trên lãnh thổ Peru, rừng Amazon lại được bảo vệ nghiêm ngặt. Có lẽ các nhà quản lý môi trường tại Việt Nam nên sang Peru học tập cách họ bảo vệ môi trường.

Nhằm đảm bảo cho rừng được xanh, sạch, tại khu vực khoan trường ở mỏ Piranha có đến 700 người đang lao động, nhưng tuyệt nhiên không có một lít chất thải nào của con người và của công nghiệp được thải thẳng ra môi trường. Tất cả đều được xử lý bằng cách lọc lấy nước sạch, còn bã được nghiền mịn ra như bột, rồi “thổi” xuống một giếng khoan có đường kính hơn 20cm sâu trong lòng đất 2km và chi phí cho giếng chôn này là 6 triệu USD. Trên khoan trường có 2 cái ao nhỏ thả bèo cái. Nước thải sau khi xử lý được xả vào đây và sự xanh tươi của bèo chứng tỏ nước thải không còn làm ô nhiễm.

Việc bảo vệ môi trường ở đây nghiêm ngặt đến mức không được phép làm đường nhựa, đường bê tông, mà phải hút sỏi lẫn cát dưới sông lên để làm đường. Các tuyến đường trong khu vực khoan trường thì đều được lát bằng gỗ dày 5cm. Và cũng tại, tất cả các phương tiện vận chuyển đều được chế tạo đặc biệt. Còn đoạn đường 50km để làm đường ống dẫn dầu ra cảng Curaray cũng không được trải nhựa.

Công nhân ở mỏ Piranha giải trí buổi tối

Có lẽ trên thế giới, chẳng có nơi nào phải “che mưa” cho đường như ở Piranha này. Từ khu trung tâm xử lý sang giàn khai thác không tới 1km, nhưng người ta đã phải làm một mái vòm bằng nhựa có đường kính gần 8m để che mưa cho đường. Nếu không che mưa thì dù có lát gỗ cũng chẳng thể nào chịu được một tháng vì mỗi ngày có cả trăm lượt xe chạy qua lại… Mà xe nào cũng là hàng chục tấn. Xe vận tải; xe chở người ở đây phải là những xe đặc chủng, chiều ngang của bánh xe trên 70cm… Chỉ có những loại xe như vậy thì mới có thể đi nổi trên nền đất mà lúc nào cũng lầy lội, dẻo quánh.

Việc bảo vệ rừng Amazon còn nghiêm ngặt đến mức không ai có thể tự ý vào rừng để chặt phá cây rừng, ai làm việc gì cũng phải xin phép và phải được sự đồng ý của các bộ tộc xung quanh.

Sở dĩ người ta không cho làm bê tông, đường nhựa là vì nếu như làm đường nhựa, đường bê tông thì đến khi hết đời mỏ ở khu vực trải nhựa, trải bê tông ấy, cây cối sẽ không mọc lên được.

Để có được giấy phép khai thác dầu ở Lô 67, trong đó có hai mỏ Piranha và Dorado, Perenco đã phải bỏ ra 5 năm trời để hoàn tất các thủ tục. Họ đã phải xin chừng 30 loại giấy phép và hồ sơ cam kết khác nhau.

Ở đây có những loại giấy phép rất đặc biệt: giấy phép khảo cổ, giấy phép bảo vệ môi trường, giấy phép trồng rừng, giấy phép xử lý chất thải, rồi cam kết có trách nhiệm với cộng đồng, cam kết trồng rừng. Hàng chục loại hồ sơ ấy, mỗi thứ hàng chục ngàn trang. Một cán bộ của Perenco cho tôi biết, số hồ sơ nộp cho các cơ quan hữu quan và Chính phủ Peru để có được giấy phép cân được… 1,2 tấn!

Giao việc trước khi ra công trường

Việc trồng rừng được tính toán cẩn thận đến mức là ngay từ khi bắt đầu việc phá những khu vực rừng để làm khoan trường, Perenco đã phải làm một trang trại ươm cây giống. Những khoảnh rừng nào bị phá để phục vụ cho việc thi công các hạng mục công trình thì khi xong việc, lập tức phải trồng cây vào đó.

Kỹ sư Lê Đắc Hóa, người tôi đã gặp từ năm 2011, từ khi anh làm phụ trách chế tạo giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm PV Drilling V, đã ở đây khá lâu. Cũng phải nói thêm rằng, có lẽ công việc của Lê Đắc Hóa là gắn liền với những nơi khó khăn, vất vả nhất của PVEP. Anh đã từng ở sa mạc Sahara, chỉ huy việc khoan ở đây ròng rã hơn một năm trời, rồi lại phụ trách chế tạo giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm, sau đó lại sang Venezuela để khoan ở giàn PVD 39. Và rồi, từ năm 2012, do dự án ở Venezuela phải giãn tiến độ, anh được điều sang làm Giám đốc chi nhánh PVEP ở Peru và lại lao vào rừng già Amazon để bắt đầu công cuộc trường chinh tìm dầu.

Lê Đắc Hóa cho tôi biết, để có được giấy phép khai thác dầu ở đây, đầu tiên phải là đi đàm phán với các bộ tộc ở khu vực trong diện tích lô đã được định hình trên bản đồ. Sau khi đàm phán với các bộ tộc, nếu họ đồng ý cho thăm dò, tìm dầu trong khu vực lãnh thổ của họ, lúc ấy mới báo cáo lên chính phủ. Khi chính phủ đồng ý thì mới được phép thăm dò. Sau khi xác định là có thấy dầu mới làm hồ sơ và tất cả đều phải bàn bạc với các bộ tộc, các làng.

Mỗi làng trong rừng đều có cố vấn gồm 5-7 người có uy tín trong làng. Người được giao đi đàm phán với các bộ tộc phải là người rất giỏi về nghệ thuật hùng biện và lời nói của họ làm sao phải “quyến rũ” được hội đồng cố vấn làng bản này.

Tàu chở dầu trên sông Curaray

Chẳng thế mà ở Perenco có Ban Quan hệ Cộng đồng rất mạnh và tập hợp những người chịu khổ cực giỏi. Giám đốc Ban là ông Jose Antonio Mansen Bellina, một người Peru có biệt tài thuyết khách. Trong tay ông có một đội quân khoảng 30 người mang nhiều quốc tịch khác nhau và cả người Peru. Đây là những người chịu khổ cực giỏi. Họ chuyên len lỏi đến các bộ tộc xung quanh khu vực 1.000 cây số vuông của Lô 67 để đàm phán, thuyết phục và có các hoạt động xã hội từ thiện. Họ phải dạy dân cách nuôi lợn, nuôi gà, cách trồng trọt, rồi cung cấp thuốc men, vải vóc cũng như một số nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân để người dân đừng đến kiện tụng, gây rắc rối. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, Perenco đã chi 2,5 triệu USD mua nhu yếu phẩm, thuốc men, vải vóc… giúp dân quanh khu vực Piranha và Dorado.

Người dân các bộ tộc ở Peru được cộng đồng quốc tế và Chính phủ Peru bảo vệ tuyệt đối.

Khái niệm luật pháp đối với người dân ở đây là hoàn toàn không có. Họ thích gì thì làm nấy, họ muốn gì thì phải đàm phán với họ bằng xong. Không có chuyện tự tiện làm bất cứ việc gì, nếu như không muốn ăn tên tẩm thuốc độc. Chính vì vậy, việc để các bộ tộc không gây rắc rối cho công việc tìm kiếm khai thác dầu khí tại đây phụ thuộc hoàn toàn vào tài ăn nói của nhân viên Ban Quan hệ Cộng đồng. Họ phải biết cách giải thích, thuyết phục đã đành, mà còn phải biết cách làm thế nào cho mỗi viên thuốc, mỗi mét vải, mỗi cân muối, viên kẹo… đạt hiệu quả cao nhất.

Cách Piranha chừng 50km vẫn còn có những bộ tộc từng dùng đầu lâu của kẻ địch để làm đồ trang sức cho mình. Nghệ thuật “chế tác đầu lâu” của họ cũng thật kỳ lạ. Chẳng hiểu họ làm thế nào mà một chiếc đầu của kẻ thù to như vậy lại được làm nhỏ tóp lại như một quả cam to và đen bóng, rồi được đeo bên mình như thể người ta đeo hồ lô đựng rượu.

Toàn cảnh giàn khoan Piranha 1 tại Lô 67

Đúng là ở đây không có luật pháp gì cả. Ngày 6/11 vừa rồi, do mưa nhiều, con đường trong làng lầy lội quá, trong khi đó lại thấy đoàn xuồng của Perenco chở cát ngược dòng sông đến khoan trường. Thế là người dân chăng một sợi dây thừng qua sông. Đoàn tàu đến đó phải dừng lại. Người dân xách cung tên, giáo mác ào ra và “xin” 9 con thuyền chở cát, mà mỗi thuyền chở được 5 khối…

***

Cuộc sống ở ngoài giàn khoan tại Piranha không giống bất cứ đâu. Ở đây công nhân chỉ làm việc mỗi ngày 1 ca, bắt đầu từ 6h sáng đến 6h tối, tức là 12h làm việc (trừ một tiếng ăn trưa). Buổi sáng, người công nhân dậy từ 4h. Từ 4h30 đến 5h30 là họ làm vệ sinh, ăn sáng, rồi họp tổ, đội để phân công công việc ngày hôm đó. Đúng 5h45, họ bắt đầu làm công việc của mình.

Trừ trên giàn khoan, làm việc 2 ca: ca ngày và ca đêm, mỗi ca 12 giờ, còn lại tất cả các công việc khác chỉ làm ban ngày, còn ban đêm không làm được việc gì.

Ở đây, nỗi sợ hãi luôn ám ảnh anh em ta chính là… muỗi. Muỗi ở đây nhiều vô kể, nhiều loại và có những loại rất độc.

Khi chúng tôi ra cảng Curaray, việc đầu tiên khi vừa xuống máy bay là Lê Đắc Hóa phát cho chúng tôi một lọ kem chống muỗi. Nếu như ở Việt Nam ta gọi là “xoa”, hay “bôi” chống muỗi, còn ở đây thì phải gọi là “trát”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguồn: