Chuyện về một người… gọi dầu? (Kỳ cuối)
01:49 SA @ Thứ Sáu - 14 Tháng Hai, 2014

Đi khoan đã không biết bao nhiêu giếng, đã trực tiếp chỉ huy thử vỉa, gọi dầu không biết bao nhiêu lần nhưng bây giờ, nếu có điều kiện, Đỗ Văn Khạnh vẫn rất muốn được ra ôm cần khoan lúc thử vỉa, gọi dầu, áp tai ống khoan để nghe “tiếng thở” của dòng dầu từ dưới độ sâu hàng ngàn mét phun lên.

Sau thắng lợi của việc thành lập Xí nghiệp Sửa chữa thiết bị khoan, Đỗ Văn Khạnh thấy việc ứng cứu sự cố tràn dầu của ta chưa có quy mô, thiếu tính chuyên nghiệp. Duy nhất chỉ có Liên doanh Vietsovpetro là có Trung tâm Ứng cứu sự cố tràn dầu, còn các công ty liên doanh khác thì phải đi thuê nước ngoài. Mặc dù dịch vụ này không phải là chuyên ngành của Khạnh, nhưng thấy rằng nếu đầu tư làm thì cũng sẽ có hiệu quả. Và thế là Khạnh lại sang Anh tìm đến Bridge Maxinz, một công ty chuyên ứng cứu sự cố tràn dầu mời liên doanh. Sau khi nghe Khạnh trình bày ý tưởng, lãnh đạo công ty này đồng ý ngay nhưng thực sự thì họ cũng chẳng tin Việt Nam có thể làm được. Tuy nhiên, sau đó Bridge Maxinz cũng đồng ý hợp tác và hỗ trợ cho PTSC Offshore phát triển dịch vụ này.

Bây giờ thì Xí nghiệp Ứng cứu sự cố tràn dầu của PV Drilling cũng đã là một xí nghiệp có danh tiếng. Mặc dù ở Việt Nam cũng chưa xảy ra sự cố tràn dầu nào lớn nhưng xí nghiệp cũng đã đầu tư nhiều thiết bị, công nghệ, đội ngũ kỹ thuật ứng cứu tràn dầu lành nghề, đảm bảo sự chủ động cho ngành dầu khí triển khai các công việc ngoài khơi.

Tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh

Nhưng sự chuyển biến vượt bậc có thể nói, không riêng gì với PV Drilling, mà còn đối với cả ngành Dầu khí Việt Nam, đó là ta tự đầu tư và điều hành các giàn khoan. Ngày 26/11/2001, Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan PV Drilling được ra đời. Tổng công ty này 100% vốn Nhà nước nên thủ tục vô cùng nhiêu khê. Điều đáng nói nhất là trừ quyết tâm của Chính phủ và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí, còn các bộ, ngành liên quan đều “ngãng” ra. Để cho ra đời được PVD, lãnh đạo Tập đoàn ngày ấy đã mất không biết bao nhiêu thời gian đi giải thích, trình bày, thậm chí năn nỉ với bộ nọ, ngành kia. Lãnh đạo Tập đoàn nhận rõ rằng, nếu không đầu tư sở hữu giàn khoan thì ngành khoan dầu khí không thể nào phát triển được bằng nội lực của mình, và mãi mãi vẫn chỉ là người đi làm thuê cho các giàn khoan nước ngoài trên chính mảnh đất của chúng ta.

Nhưng đầu tư sở hữu một giàn khoan cỡ 100 triệu đôla thì vô cùng phức tạp về thủ tục. Sau này, người ta nói rằng một công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam phải trải qua hàng chục thủ tục với ít nhất 40 con dấu từ cấp xã, phường trở lên. Nhưng điều đó không ăn thua gì so với những ngày đầu PVD xin đầu tư mới một giàn khoan tự nâng 90m nước. Vì quá nhiều người phản đối, cho rằng Việt Nam không đủ trình độ để điều hành giàn khoan như các nhà thầu khoan trên thế giới như Transocean, Diamond Offshore… rồi nếu chế tạo xong, giàn khoan không hoạt động được thì ai chịu trách nhiệm đây? Xử lý kỷ luật ư? Bỏ tù ư? Tất cả những điều đó làm sao đền bù được số tiền đã bỏ ra. Vì có quá nhiều ý kiến phản đối nên Thủ tướng Phan Văn Khải ngày ấy đã yêu cầu họp với lãnh đạo Tập đoàn.

Cho đến bây giờ, nhiều năm tháng đã trôi qua, nhưng Đỗ Văn Khạnh không thể nào quên được buổi họp của lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam với Thủ tướng Phan Văn Khải bàn về việc đầu tư đóng giàn khoan. Buổi họp ấy, anh không được dự, chỉ ngồi ngoài chờ. Đang ngồi với tâm trạng rối bời, lo lắng thì một cán bộ của Văn phòng Chính phủ ra hỏi: “Ai là Đỗ Văn Khạnh?”. Thấy Khạnh đứng lên, ông nói: “Thủ tướng gọi cậu”. Khạnh vào phòng họp, Thủ tướng Phan Văn Khải hỏi ngay với giọng rất vui và thoải mái: “Cậu là chủ đầu tư đóng mới và sau này vận hành giàn khoan à?”. Khạnh tự tin: “Dạ, thưa bác, cháu ạ”.

Thủ tướng lại hỏi: “Việt Nam chưa bao giờ tự vận hành giàn khoan. Vậy bây giờ có làm được không?”. Khạnh thong thả: “Thưa bác, cháu tin là làm được. Hiện nay Việt Nam đang phải đi thuê 10 giàn khoan của nước ngoài. Tiền thuê mỗi ngày của một giàn là 100.000 đôla. Vậy 10 giàn cộng lại là bao nhiêu? Nếu ta đầu tư và tự vận hành được các giàn khoan thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngoại tệ cho đất nước”. Nhiều ý kiến không đồng tình: “Tôi vừa nghe lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí báo cáo là đến bây giờ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng chưa tự vận hành được các giàn khoan biển. Nếu so sánh công nghiệp dầu khí giữa ta và họ thì khoảng cách là rất xa. Làm thế này có phiêu lưu không?”. Có ý kiến đồng tình, cũng không ít người phản đối. Nhưng rất may, Thủ tướng Phan Văn Khải đã kết luận: “Thôi, không bàn nữa. Chúng ta cần có giàn khoan của Việt Nam”.

Và thế là hành trình trở thành một nhà thầu khoan chuyên nghiệp của Việt Nam bắt đầu khởi động sau hôm ấy. Việc đóng giàn PVD-I bắt đầu thì một loạt công ty nước ngoài vội vàng xin đề xuất liên doanh. Điều lạ là trước đó chẳng có ai muốn liên doanh việc đóng giàn khoan với Việt Nam. Nay thấy ta bắt tay vào làm thì lại muốn hợp tác. Trước tình hình đó, Đỗ Văn Khạnh băn khoăn lắm, phấn đấu mãi mới chế tạo được giàn, nay lại đi vào liên doanh. Liên doanh thì bao giờ mới khá được. Trước tình hình ấy, Đỗ văn Khạnh cho mở “hội nghị Diên Hồng” trong công ty và đặt cho mọi người câu hỏi: “Có nên liên doanh hay không?”. Thật bất ngờ, không phải suy nghĩ lâu la, tất cả cán bộ chủ chốt đều chung nhau một ý kiến là: “Không liên doanh”.

Qua hai năm đóng mới, giàn khoan PVD-I, giàn khoan đầu tiên 100% vốn Việt Nam đã được hoàn thành và Phạm Tiến Dũng được trao trọng trách điều hành giàn khoan đầu tiên này.

Nhưng vạn sự khởi đầu nan, khi giàn PVD-I về khoan cho Liên doanh Hoàng Long, tuần đầu tiên không hiểu phần mềm lỗi thế nào mà cứ hỏng lên hỏng xuống. Tổng giám đốc Hoàng Long muốn hủy ngay hợp đồng. Thời điểm này đối với Đỗ Văn Khạnh quả thật là nuốt miếng cơm không nổi. Anh nói với ông Tổng giám đốc: “Trước lúc ông quyết hủy hợp đồng, xin hãy cho tôi một tuần. Toàn bộ chi phí dừng hoạt động giàn khoan, tôi chi trả. Nếu sau một tuần, tôi không chữa được, ông chấm dứt, tôi OK”.

Ông Tổng giám đốc Hoàng Long gọi Ban giám đốc vào họp kín và đồng ý. Đỗ Văn Khạnh gọi khẩn cấp Công ty National Oil Well của Mỹ là nhà thầu thiết kế phần mềm điều khiển bay sang và các kỹ sư lao vào sửa chữa. Đúng 7 ngày sau, ông Tổng giám đốc cho soạn thảo sẵn biên bản chấm dứt hợp đồng thì cũng lúc ấy, phần mềm giàn khoan sửa chữa xong và đi vào hoạt động với 100% công suất. Sau khi nghe ngoài giàn báo về rằng giàn khoan đã hoạt động hoàn hảo, ông Tổng giám đốc Hoàng Long đấm vào vai Khạnh và tuyên bố xí xóa toàn bộ khoản chi phí đền bù thiệt hại.

Cho đến giờ, có thể khẳng định, Đỗ Văn Khạnh là người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling).

PV Drilling được thành lập để thực hiện chủ trương tập trung xây dựng và phát triển các loại hình dịch vụ kỹ thuật dầu khí chuyên ngành của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nhằm tạo thế chủ động trong công tác khoan và các dịch vụ liên quan tại Việt Nam.

Tổng giám đốc Đỗ Văn Khạnh trong chuyến đi khảo sát tại Algeria

Kể từ khi được thành lập đến nay, PV Drilling luôn giữ vị trí là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả nhất, có sự tăng trưởng vượt bậc của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Thành tích đặc biệt xuất sắc của đơn vị còn được khẳng định bởi PV Drilling được đánh giá là tổng công ty khoan lớn nhất Đông Nam Á và là một trong bốn nhà thầu khoan lớn nhất châu Á, góp phần nâng tầm của các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật Việt Nam nói chung và của ngành Dầu khí nói riêng trên thị trường khu vực và thế giới. Với đội ngũ giàn khoan hiện đại, công nghệ cao, đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề, công tác quản lý và điều hành hiệu quả, PV Drilling đã đạt được những thành công lớn trong việc thực hiện các chương trình khoan cho rất nhiều các công ty, nhà thầu dầu khí lớn tại Việt Nam như Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, Cửu Long JOC, Hoàng Long - Hoàn Vũ JOC, Thăng long JOC, BP, JVPC, Petronas Carigali…

Nhằm thực hiện mục tiêu trở thành "Nhà thầu khoan chuyên nghiệp", tháng 10/2009, PV Drilling đã ký Hợp đồng để đóng mới 1 giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD) để thực hiện chiến dịch khoan phát triển mỏ khí lớn nhất Việt Nam do Công ty Biển Đông - thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam triển khai. Để đạt được những thành tích đáng kể trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí đã không ngừng xây dựng đội ngu cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, năng động, sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm và tận tâm với công việc. Đồng thời PV Drilling cũng xây dựng được một chế độ lương, thưởng, đãi ngộ hợp lý nhằm giữ được những cán bộ giỏi và thu hút được những nhân tài về làm việc cho tổng công ty.

PV Drilling hiện là một đơn vị đi tiên phong trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành sản xuất kinh doanh áp dụng trong toàn thể nội bộ tổng công ty. Các hệ thống Maximo, ERP Oracles… hiện đang được áp dụng đã giúp cho ban lãnh đạo tổng công ty điều hành các hoạt động của đơn vị một cách chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả. Trong những năm qua, PV Drilling đã chiếm lĩnh được trên 50% thị phần về khoan và các dịch vụ khoan tại Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc gia tăng tỷ lệ doanh thu và lợi nhuận từ các dịch vụ của ngành Dầu khí. Trong 8 năm hình thành và phát triển vừa qua, tổng công ty luôn luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, đặc biệt là doanh thu của công ty đã tăng trung bình 45%/năm và lợi nhuận tăng trung bình gần 100% (riêng năm 2007 doanh thu tăng 100% và lợi nhuận tăng gần 400% so với năm 2006), đóng góp vào ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn nhiều so với năm trước và riêng năm 2009 đã nộp ngân sách 448 tỉ đồng.

Thành công nối tiếp thành công, không chỉ tham gia các dịch vụ khoan trên lãnh thổ Việt Nam, PV Drilling đã vươn ra thế giới. Sự kiện này là sự cụ thể hóa của tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tập thể CBCNV PV Drilling mà đứng đầu là thuyền trưởng Đỗ Văn Khạnh. Lần đầu cung cấp và chịu trách nhiệm điều hành giàn khoan cho chiến dịch khoan ngoài lãnh thổ Việt Nam, tận vùng sa mạc Sahara nóng bỏng của đất nước Algeria với vô vàn những khó khăn nhưng với tinh thần quyết tâm cao, anh và Ban Lãnh đạo PV Drilling đã từng bước tháo gỡ khó khăn và kết thúc dự án đầu tiên ở nước ngoài với 2 kỷ lục được xác lập tại sa mạc Sahara: Giếng khoan sâu có độ nghiêng lớn nhất và thời gian thực hiện ngắn nhất. Có thể khẳng định đây là một kỳ tích và kỳ tích này đã đưa PV Drilling tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành nhà thầu khoan chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.

Tiến ra biển lớn, ắt sẽ gặp sóng to… nhưng càng sóng to, gió lớn thì bản lĩnh của người thuyền trưởng và các thủy thủ càng có cơ hội được thử sức. Việc đầu tư thêm 2 giàn khoan PV Drilling II, PV Drilling III với tổng mức đầu tư trên 400 triệu USD trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009 dẫn đến việc thu xếp, huy động vốn gặp rất nhiều trở ngại, nhiều ngân hàng đã cam kết tài trợ nhưng do khủng hoảng đã không còn nguồn ngoại tệ để cung cấp. Làm thế nào đây? Câu hỏi dường như bế tắc… Sau những buổi họp trọng yếu, thuyền trưởng Đỗ Văn Khạnh và Ban Lãnh đạo PV Drilling lại đến các thị trường tài chính tại Đài Loan, Hongkong và Singapore để tìm nguồn tài trợ. Sau khi xem xét các hoạt động và đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty trong nhiều năm, cũng như được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, việc thu xếp vốn cũng được thỏa thuận. Ngày 9/9/2009, PV Drilling đã đón nhận thêm 2 giàn khoan tự nâng đã năng đóng mới của mình. Hiện nay, cả 2 giàn khoan này đều đang hoạt động tốt, với hiệu suất trên 98% và phục vụ hiệu quả cho các chiến dịch khoan của khách hàng.

Trước thị trường nước khoan sâu còn nhiều triển vọng tại Việt Nam, một lần nữa, Đỗ Văn Khạnh và đội ngũ lãnh đạo PV Drilling có ý tưởng đầu tư thêm giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (Tender Assit Drilling Unit - TAD). Đây là giàn khoan TAD đầu tiên hoạt động tại vùng biển Việt Nam, có khả năng khoan ở mực nước sâu hơn trăm mét. Việc tiến hành đầu tư giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD) đặt viên gạch đầu tiên cho việc phát triển PV Drilling theo chiều sâu và rộng với mục tiêu trở thành nhà thầu khoan Việt Nam chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế.

Tổng giám đốc Đỗ Văn Khạnh (thứ 2 bên trái sang) trao đổi với chuyên gia nước ngoài trên giàn khoan Trident 16

Giàn PVD-V là giàn TAD hiện đại ngang tầm với các giàn lớn trên thế giới hiện nay. Giàn PVD-V đang hoạt động cực kỳ có hiệu quả ở Hải Thạch - Mộc Tinh, và là nhân tố quan trọng góp phần vào thành công của Dự án Biển Đông 01. Nhờ có giàn PVD-V mà mỗi giếng khoan ở Hải Thạch - Mộc Tinh đã tiết kiệm được hàng chục triệu đôla.

Với năng lực lãnh đạo thể hiện xuất sắc tại PV Drilling, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí đã quyết định đặt lên vai Đỗ Văn Khạnh sứ mệnh quan trọng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), kết thúc khoảng thời gian 16 năm và 4 tháng xây dựng và phát triển PVDrilling trở thành một trong năm ngành cốt lõi của ngành Dầu khí, một tổng công ty mạnh trong nền kinh tế quốc gia,.

Nói về Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), thì ai cũng phải công nhận rằng, sự phát triển của PVEP chính là sự phát triển của Tập đoàn, bởi vì PVEP đảm nhiệm khâu đầu, ấy là tìm kiếm, thăm dò, khai thác. Chính vì thế mà các bậc lãnh đạo tài danh của Tập đoàn hiện nay, hầu hết đều từng lãnh đạo PVEP như anh Phùng Đình Thực, Đỗ Văn Hậu, Nguyễn Quốc Thập, Nguyễn Vũ Trường Sơn…

Đỗ Văn Khạnh tâm sự với tôi rất thật: “Được tín nhiệm phân công lãnh đạo một tổng công ty lớn hơn về cả quy mô, phạm vi, tầm hoạt động như PVEP, tôi thực sự trăn trở, làm thế nào để tiếp nối được cơ nghiệp đồ sộ mà bao nhiêu thế hệ đi tìm lửa đã dày công vun đắp và để lại cho thế hệ chúng tôi ngày nay được thừa hưởng, cho nên chúng tôi phải cố mà giữ gìn và phát triển…”.

Quả thực, lãnh đạo một tổng công ty đang trên đà phát triển mạnh mẽ với bề dày lịch sử 25 năm, hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi của ngành với quy mô và phạm vi rộng lớn không chỉ ở trong nước và mà trên 15 quốc gia tại các châu lục, với tổng tài sản là 120 ngàn tỉ đồng, 60 dự án dầu khí, mỗi dự án lại có đặc thù riêng, tính chất riêng quả là một thách thức rất lớn, một bài toán khó đối với anh, người vốn đã quá gắn bó với lĩnh vực khoan là một lĩnh vực hẹp của ngành thăm dò khai thác dầu khí.

Trong gần 4 năm đảm nhận vị trí lãnh đạo PVEP chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ để Tổng giám đốc Đỗ Văn Khạnh đưa ra những giải pháp, những chính sách quan trọng mang tính đột phá, để lại những dấu ấn quan trọng với PVEP. Đáng kể là việc triển khai đề án tái cấu trúc lại bộ máy hoạt động; Ban hành chế độ lương thưởng mới theo hướng tiệm cận với thị trường quốc tế nhằm thu hút lực lượng lao động kỹ thuật giỏi là những kỹ sư, chuyên gia chuyên ngành địa chất, địa vật lý, khoan khai thác - họ là nhân lực cốt lõi mà bất kỳ công ty dầu khí nào cũng phải có để có thể phát triển mạnh, phát triển ổn định; Rà soát lại toàn bộ kế hoạch đầu tư mở rộng, nghiên cứu để điều chỉnh chiến lược phát triển của PVEP; Rà soát lại toàn bộ các dự án, mạnh dạn quyết định dừng những dự án không có hiệu quả để giảm chi phí và tập trung nguồn lực cho những dự án tốt, đồng thời đề xuất các phương án phân bổ chi phí, xử lý triệt để các tồn đọng để làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính, minh bạch hóa về dòng tiền của PVEP.

Kể từ khi thành lập đến thời điểm viết bài này, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí đã có sự phát triển, lớn mạnh vượt bậc, liên tục hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ về gia tăng trữ lượng dầu khí, khai thác dầu khí với những con số ấn tượng về tài chính: tổng tài sản tăng gần bốn lần, vốn chủ sở hữu tăng hơn ba lần, doanh thu tăng hơn ba lần, nộp ngân sách nhà nước tăng hơn ba lần với mức trung bình hàng năm khoảng hàng năm khoảng 20 ngàn tỉ đồng, lợi nhuận trung bình hàng năm trên 30 ngàn tỉ đồng. PVEP đã có những bước tiến mạnh và vững chắc, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp vinh quang của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ở những giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử của ngành. Đóng góp vào sự lớn mạnh ấy không thể không kể đến năng lực quản trị xuất sắc và cống hiến to lớn của Tổng giám đốc Đỗ Văn Khạnh.

Để ghi nhận công hiến của anh, năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã lựa chọn Đỗ Văn Khạnh là một trong 50 gương mặt tiêu biểu trong nửa thập kỷ hình thành và phát triển của ngành Dầu khí.

Đi khoan đã không biết bao nhiêu giếng, đã trực tiếp chỉ huy thử vỉa, gọi dầu không biết bao nhiêu lần nhưng bây giờ, nếu có điều kiện, Đỗ Văn Khạnh vẫn rất muốn được ra ôm cần khoan lúc thử vỉa, gọi dầu, áp tai ống khoan để nghe “tiếng thở” của dòng dầu từ dưới độ sâu hàng ngàn mét phun lên.

Anh bảo tôi rằng: “Cái giây phút đó hồi hộp đến lạ kỳ và sung sướng đến khó tả khi nghe tiếng dòng dầu”.

Nguồn: