Cấu trúc chi phí đặc biệt khiến công ty dầu cát Canada chiếm lợi thế so với công ty fracking tại Mỹ, Business Week ghi nhận.
Một công trường khai thác dầu cát tại Canada. Ảnh: Business Week
Giá dầu đổ dốc suốt 6 tháng vừa qua. Rõ ràng ngành khai thác dầu bằng công nghệ fracking tại Mỹ hay nền kinh tế nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ như Nga và Venezuela đang gặp khó.
Tuy nhiên Canada lại ít được nhắc tới. Mặc dù đây là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ năm trên thế giới, trữ lượng dầu thô chỉ kém Saudia Arabia và Venezuela.
Dầu cát
Hầu hết trữ lượng của Canada dưới dạng dầu cát. Đây là loại dầu có chi phi sản xuất đắt đỏ bậc nhất.
Chi phí sản xuất dầu cát thuộc loại đắt đỏ nhất ngành.
Có hai cách để sản xuất dầu cát. Một là khai thác bề mặt, trong đó các vỉa cát dầu tại mỏ được xúc lên mặt đất, nghiền nhỏ, trộn với nước ấm thành bùn, vận chuyển bằng đường ống đến nhà máy. Tại đây hỗn hợp được thiết bị tách thành cát và bitumen.
Phương pháp thứ hai thân thiện với môi trường hơn, trong đó sử dụng các chất lỏng ion để hỗ trợ tách dầu có độ nhớt cao từ cát và làm sạch sự cố tràn dầu trên các bãi biển và tách dầu từ các mẩu vụn sau khi khoan.
Nhưng nói chung, cả hai phương pháp này đều tiêu tốn năng lượng và nước nhiều hơn 17% so với khai thác dầu từ giếng truyền thống. Đó là lí do vì sao các công ty dầu cát Canada đang "cảnh giác" khi giá dầu tuột gần 50% kể từ tháng Sáu.
Quân bài tẩy
Những công ty này còn một số lợi thế. Mặc dù cần vốn lớn để xây dựng các công ty lọc dầu cát, nhưng một khi đã xây dựng hoàn thành, công ty có thể sản xuất nhiều năm với chi phí duy trì khá thấp.
Dầu sẽ được chiết xuất từ cát chứa dầu.
Do vậy, các công ty dầu cát vốn đã tranh thủ kiếm lời trong vài năm vừa qua.
Suncor Energy và Cenovous Energy là hai công ty sản xuất dầu cát lớn nhất Canada. Cả hai đều có biên lợi nhuận khiến nhiều công ty dầu mỏ ghen tị.
Tại Suncor, chỉ số thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao - Ebitda tăng 11,7% trong năm 2009 lên 31% trong năm 2014. Trong khi đó, tỷ lệ Ebitda của "gã khổng lồ dầu khí" Exxon Mobil chỉ là 14,3%.
Cấu trúc chi phí này khiến công ty dầu cát chiếm lợi thế so với công ty fracking tại Mỹ.
Các công ty fracking có chu kỳ tái đầu tư ngắn hơn. Giếng fracking của Mỹ thường khai thác hết dầu trong khoảng 18 tháng. Nên muốn duy trì sản xuất và tỷ lệ lãi, các công ty cần tiếp tục tái đầu tư vốn lớn.
Tóm lại trong ngắn hạn, chi phí tái đầu tư thấp khiến các công ty dầu cát của Canada trụ vững trước bão giá hơn là những nhà sản xuất của Mỹ.
"Dầu cát an toàn hơn dầu khai thác bằng fracking", ông Carl Evans, chuyên gia phân tích giá dầu tại Genscape nhận xét.
"Các công ty tại Calgary vẫn tăng trưởng xuyên đợt tuột giá, trong khi sản lượng tại Mỹ đã bắt đầu rời đỉnh", ông chỉ ra.
"Lì đòn" giữa đợt bão giá
Ông cho biết mức hòa vốn của dầu cát bitumen là 10 - 20USD/thùng, trong khi giá dầu hiện tại trên thị trường Canada là 40USD/thùng.
Sản lượng dầu cát tại Canada vẫn tăng khi giá dầu thế giới trôi dốc.
Điều này không đồng nghĩa nguồn vốn đầu tư vào dầu cát sẽ vẫn đi ngang trong trung hạn, giữa bối cảnh dầu tiếp tục giảm giá.
Tuy nhiên xu hướng này, nếu có xảy ra, cũng không tác động tới tăng trưởng sản xuất trong một vài năm tiếp theo.
Trong năm tới, dự kiến có 14 dự án dầu cát mới được khởi công tại Canada, tổng sản lượng đạt 266.000 thùng/ngày, tăng 36% so với năm 2014.
Bởi lẽ tiền đầu tư đã được giải ngân gần hết, các dự án này có thể không bị ảnh hưởng, cho dù giá cả chuyển động ra sao. Thậm chí với những dự án mới được phân bổ một nửa, ít có khả năng các nhà đầu tư chịu rủi ro để trì hoãn tiến độ.
Trong những năm qua, các công ty dầu cát đã chứng tỏ độ "lì" trước biến động giá cả. Tại Cenovous, trung bình chi phí hoạt động đã giảm 9% và 14% đối với hai dự án lớn nhất.
Nội tệ tuột giá
Ngoài ra, đồng dollar Canada trượt giá cũng hỗ trợ các nhà sản xuất dầu cát. Trong vòng 12 tháng qua, dollar Canada giảm 10% giá trị so với USD.
Trong lúc người dân than vãn, thì giới sản xuất dầu cát lại hân hoan với thặng dư. Vì hầu hết trong số đó làm ăn với người Mỹ và nhận USD thanh toán cho dầu xuất khẩu.
Tóm lại, họ hưởng "lợi kép" khi chi phí đầu tư (tính bằng dollar Canada) thì giảm, còn doanh thu (tính bằng USD) lại tăng giá trị.
Thị trường Mỹ "sủng ái"
Trên thị trường Mỹ, dầu Canada cạnh tranh ngang ngửa với dầu thô nặng từ Venezuela, Colombia, và Mexico, thậm chí có phần lấn lướt.
Mỹ nhập khẩu gấp đôi dầu từ Canada trong thập kỷ qua.
Sản lượng nhập khẩu dầu từ Canada đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, lên 3 triệu thùng mỗi ngày.
Trong khi đó, dầu thô Mỹ nhập từ Venezuela lại đổ đèo, tuột từ 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2005 xuống 800.000 trong năm 2014.
Mỹ không chỉ đánh giá cao dầu Canada vì giá rẻ hơn, mà nguồn cung cũng ổn định hơn.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)