Đối với các quốc gia sản xuất dầu chủ đạo trên thế giới, giá dầu giảm là một thảm họa đối với nền kinh tế, IBT nhận xét.
Giá dầu thế giới đã phá vỡ nhiều đáy trong những tuần qua, giảm hơn 25% so chỉ tính trong 5 tháng gần đây.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/11, giá dầu Brent thô giao sau tại Mỹ chạm đáy thấp nhất 4 năm sau khi Arab Saudi giảm giá dầu xuất khẩu vào Mỹ, sụt 1,59USD xuống 77,19USD/thùng.
Tăng trưởng giảm tốc tại châu Âu và Trung Quốc làm teo tóp lực cầu, trong khi hoạt động sản xuất lại mở rộng mạnh mẽ tại Mỹ và Libya, dẫn tới tình trạng thừa nguồn cung.
Trong bối cảnh xu hướng trên chưa có dấu hiệu đảo chiều trong các tháng cuối năm, nhiều nhà phân tích cho rằng đà giảm sút của giá dầu sẽ còn kéo dài sang năm 2015.
Đối với các quốc gia sản xuất dầu chủ đạo trên thế giới, giá dầu giảm là một thảm họa đối với nền kinh tế. Nhiều quốc gia như Venezuela, Iran và Nigeria đang chật vật thanh toán nợ công và gây quỹ xã hội cũng như bình ổn nội tệ.
Nga, Ecuador và Algeria đang có nguy cơ trượt vào suy thoái kinh tế nếu giá dầu tiếp tục giảm.
Sức mạnh của Nga - quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn bậc nhất thế giới - cũng đối mặt khả năng bị ảnh hưởng.
Mexico and Brazil là hai nước ít phụ thuộc vào dầu mỏ, nhưng vẫn thiệt hại khi tăng trưởng chậm lại so với dự báo và doanh thu co hẹp.
Theo dự đoán của ngân hàng Goldman Sachs, giá dầu có nguy cơ sụt giảm sâu hơn. Ngân hàng đã đánh tụt dự đoán giá dầu năm 2015 trong năm tới, ước tính giá dầu có thể chạm mốc 80USD/thùng, còn dầu WTI đạt 70USD/thùng.
Dưới đây là những quốc gia sản xuất dầu mỏ có thể bị ảnh hưởng nặng nề mất khi giá dầu sụt giảm.
1. Venezuela
Venezuela sẽ là quốc gia bị tác động trầm tọng nhất khi dầu mất giá vì nền kinh tế vốn đã khủng hoảng. Hiện thâm hụt ngân sách chiếm 17% GDP trong năm ngoái, tệ hơn tỷ lệ thâm hụt của Hy Lạp và Tây Ban Nha khi cuộc khủng hoảng nợ eurozone đạt đỉnh điểm.
Kho dự trữ ngoại hối đã xuống mức cạn kiệt nhất trong vòng 10 năm. Trong khi Tổng thống Nicolas Maduro phủ nhận khả năng vỡ nợ của quốc gia, cả hai ngân hàng Lynch và McNally khẳng định khả năng này là có thể.
Venezuela là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ chín trên thế giới, sở hữu trữ lượng dầu mỏ dồi dào. Quốc gia này cần giá dầu ở khoảng 120USD/thùng, cao hơn 50% so với giá hiện tại, để duy trì nền kinh tế, theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Trung bình giá dầu giảm 1USD, chính phủ nước này sẽ mất 700 triệu USD doanh thu/năm, công ty dầu khí nhà nước PVDSA ước tính.
Venezuela "thực sự phụ thuộc vào nguồn doanh thu từ dầu để cung cấp các dịch vụ công cơ bản, cũng như chi trả chi phí vận hành. Hiện chưa rõ quốc gia này sẽ xoay xở ra sao khi giá dầu giảm sâu hơn", Lynch nhận định.
2. Iran
Thậm chí trước khi dầu mất giá, ngành năng lượng của Iran đã "rơi tự do". Các lệnh trừng phạt từ phương Tây chống lại chương trình hạt nhân Tehran đã ngăn chặn đáng kể các kênh xuất khẩu dầu. Doanh thu từ hoạt động này sụt 50% so với năm 2012.
Iran từng là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, giờ phải ngậm ngùi đứng vị trí thứ tư.
Chính phủ nước này phụ thuộc nặng nề vào nguồn thu từ dầu mỏ. Để phân phối tài chính cho các kế hoạch chi tiêu, Iran cần giá dầu ở mức 136USD/thùng, cao hơn 70% so với mức hiện tại, IMF dự tính.
Tuy nhiên, khác với Venezuela, Iran có kế hoạch dự phòng nếu giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp. Tổng thống Hassan Rouhani có thể ký kết một thỏa thuận hạt nhân với phương Tây trước hạn chót vào tháng 11. Điều này sẽ xoa dịu các lệnh trừng phạt, cho phép Iran đẩy mạnh doanh số dầu.
Nhưng đầu tháng này, một phát ngôn viên đã cáo buộc phương Tây lũng đoạn giá dầu để giáng đòn xuống nền kinh tế Iran, cũng như làm phương hại vị thế thương thảo của quốc gia này.
3. Nigeria
Dầu mỏ chiếm hầu hết kim ngạch xuất khẩu của Nigeria, mang về 95% lợi nhuận dưới dạng ngoại tệ và 85% tổng doanh thu.
Nền kinh tế "một màu" khiến Nigeria phơi nhiễm trước biến động giá. Nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi đang có những dấu hiệu của sự lung lay.
Doanh số dầu mỏ trượt 604 triệu USD trong tháng Chín, giảm 16,5% so với tháng trước đó, do giá dầu giảm và hoạt động sản xuất thu hẹp, theo số liệu chính phủ.
Nếu doanh số tiếp tục đi xuống, Nigeria có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền mặt, kéo theo tình trạng nợ lương.
Ngân hàng Trung ương Nigeria đang xem xét các chính sách thắt chặt tiền tệ, điều có thể đẩy lãi suất đi lên và làm tăng chi phí đầu tư.
4. Nga
Giá dầu giảm không tác động nhiều tới nền kinh tế Nga trong ngắn hạn. Quốc gia này có kho dự trữ ngoại hối tại 450 tỷ USD để phòng hộ trước các tác động tiềm tàng. Kho dự trữ này đủ để duy trì nền kinh tế trong một năm.
Tuy nhiên, Nga vẫn phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng. Một nửa doanh thu ngân khố của Moscow đến từ dầu và khí. Trung bình mỗi thùng dầu giảm 10USD, Nga sẽ mất 14,6 tỷ USD/doanh thu năm, ngân hàng Alfa Bank dự đoán.
Chưa hết, đồng nội tệ đang yếu dần. Rúp Nga mất giá hơn 1/4 so với đồng USD tính từ đầu năm do giá dầu giảm và phương Tây áp lệnh trừng phạt vào Nga đối với các vấn đề tại Ukraine.
Nga đã chi 6 tỷ USD để cứu trợ đồng tiền, nhưng chưa thu được tín hiệu khả quan. Cùng lúc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ chi thêm 18 tỷ USD tính đến năm 2020 để phát triển hạ tầng và dịch vụ tại Crimea, bán đảo vừa được sáp nhập.
Giá dầu giảm, chi tiêu tăng có thể làm giảm uy lực của ông Putin đối với phương Tây. Nhiều chuyên gia dự đoán nền kinh tế Nga sẽ chỉ tăng trưởng từ 0,5 - 2% trong năm tới, so với mức trung bình 4% trong giai đoạn 2010-2012.
5. Brazil
"Ông lớn" dầu khí nhà nước Petrobras vừa tăng gấp 3 sản lượng tại các mỏ dầu mới khai thác so với thời 2012, giúp thúc đẩy hoạt động khi trữ lượng tại các mỏ dầu lâu năm đang cạn dần.
Lãnh đạo Brazil vẫn phụ thuộc vào nguồn cung này để tăng lợi nhuận, trả nợ và tiếp vốn cho các trường học, bệnh viện.
Nhưng trung bình dầu giảm 1USD/thùng, Petrobras có nguy cơ mất hơn 900 triệu USD tiền mặt từ doanh số dầu mỏ tiền năng, Reuters tính toán.
Nếu tình trạng này kéo dài, kế hoạch mở rộng trong dài hạn của Petrobras cũng gặp hạn. Công ty dự tính giá dầu thế giới sẽ dao động quanh mốc 100USD/thùng tới năm 2030, nên nếu giá dầu giảm sâu hơn, công ty sẽ "đói" vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác dự án.
Tại mức giá hiện tại, Petrobras có thể để mất 14 tỷ USD/năm doanh thu tiềm năng.
6. Mexico
Giống Brazil, giá dầu giảm sụt có thể kéo lê quá trình cải cách lĩnh vực năng lượng của Mexico. Trong tháng Tám, Tổng thống Enrique Peña Nieto đã thông qua gói biện pháp cho phép các công ty tư nhân và nước ngoài khai khoáng và sản xuất năng lượng tại Mexico, kết thúc 75 năm độc quyền của Pemex - công ty dầu khí nhà nước.
Tuy nhiên, giá dầu giảm sụt sẽ ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư đối với các dự án quy mô lớn. Những dự án này là mắt xích quan trọng để vực dậy ngành công nghiệp dầu và khí tăng trưởng ì ạch của Mexico.
Khoản lỗ trong quý III của Pemex cán mốc 4,4 tỷ USD, nhiều hơn so với mức 3 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ dầu của Pemex chiếm 1/3 ngân khố quốc gia này.
Trung bình giá dầu giảm 1USD/thùng, Mexico mất 300 triệu USD doanh thu/năm, tờ Financial Times.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)
Đâu là 5 nhà khai thác dầu lớn nhất năm 2023?(29/12/2023)