Đoạn trường Dung Quất (Kỳ 1)
01:23 SA @ Thứ Tư - 26 Tháng Hai, 2014

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, “đứa con” đầu tiên của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam - một ngành công nghiệp trẻ nhất - đã được 5 tuổi. Cho đến bây giờ, sự đóng góp to lớn của nhà máy vào nền kinh tế nước nhàtrước hết là để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sau đó là tạo đà phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Ngãi và cả một khu vực miền Trung.

Kỳ 1: Lịch sử một nhà máy

Tôi đến Nhà máy Lọc dầu (NMLD) số 1 Dung Quất vào giữa những ngày nắng nóng dữ dội. Mặt trời lúc nào cũng như chiếc chảo lửa khổng lồ treo lơ lửng. Lửa trên trời dội xuống. Hơi nước hầm hập bốc lên từ mặt biển chết lặng, hơi nóng từ hàng chục ngàn tấn sắt thép tỏa ra ngùn ngụt… Nhưng trên toàn công trường, gần 1 vạn công nhân của các tổng công ty danh tiếng như Lilama, Cienco1, Sông Hồng, Lũng Lô, Vinaconex… đang lao động cật lực, có lúc làm cả 3 ca…

Ngay hôm tôi đến, Tổng Công ty Sông Hồng vừa hoàn thành một công việc đáng được coi là “kỳ tích” - đổ 1.600m3 bê tông mặt sàn trong 17 giờ.

Vậy mà vẫn râm ran những tin rằng nhà máy sẽ đưa vào vận hành chậm 4 tháng, thậm chí 8 tháng… Rồi lại vẫn có tiếng xì xèo rằng xây dựng nhà máy ở Dung Quất là “phi kinh tế”, là “duy ý chí”…?

Từ trong hồi ức

Cho đến bây giờ, mặc dù đã về nghỉ hưu được nhiều năm, nhưng ông Đỗ Quang Toàn, nguyên là Vụ trưởng Vụ Dầu khí của Văn phòng Chính phủ và trước đó từng là Chánh văn phòng Tổng cục Dầu khí, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Công nghiệp, là Giám đốc Công ty Chế biến các sản phẩm dầu… vẫn nhớ như in hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thị sát khu vực vịnh Dung Quất vào ngày 19/9/1994.

Trên đường đi ra Dung Quất, một sự ưu tư, buồn bã luôn hiện lên nét mặt của Thủ tướng bởi ông nhìn thấy những khu dân cư nghèo đến thê thảm, những cồn cát cằn cỗi và ánh mắt trông chờ tưởng như tuyệt vọng của những người dân đứng hai bên đường. Còn các cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi và có cả cán bộ của Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam - Đà Nẵng… đi theo đoàn cũng phập phồng, hồi hộp “nín thở” theo dõi từng “nhất cử nhất động” của Thủ tướng.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Đi thị sát xong, khi quay về, Thủ tướng cũng chưa bộc lộ rõ quan điểm là sẽ chọn Dung Quất hay Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) hay Nghi Sơn (Thanh Hóa)… Thế rồi sau chuyến đi của Thủ tướng, lại liên tiếp có các đoàn của Tổng cục Dầu khí, của Bộ Công nghiệp, của Văn phòng Chính phủ vào Dung Quất…

Và đến ngày 9/11/1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 658/QĐ-TTg về địa điểm xây dựng NMLD số 1 và quy hoạch Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó chính thức chọn Dung Quất - Quảng Ngãi làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam… Đã có không ít ý kiến bày tỏ sự không đồng tình từ nhiều nhà khoa học, thậm chí từ một số đồng chí lãnh đạo các ngành, các cấp… Những ý kiến đó không phải là không có lý, nếu xét về khía cạnh kinh tế đơn thuần.

Ông Toàn kể lại rằng: “Tin vui về đến Quảng Ngãi vào đúng lúc đang họp Hội đồng Nhân dân tỉnh. Khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thông báo tin này, cả hội trường đứng dậy hoan hô và cũng có không ít đồng chí lặng lẽ lau nước mắt. Tiếp đó, lãnh đạo tỉnh quyết định “ăn mừng” bằng cách đi mua ít chai bia Quảng Ngãi về uống… mà không có “mồi”. Tỉnh Quảng Ngãi khi đó nghèo lắm”.

Ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu khí được thành lập và nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục thăm dò tìm kiếm dầu khí trên vùng biển thềm lục địa theo những tài liệu địa chất của chính quyền Sài Gòn trước đây. Cuối thập niên 70 thế kỷ XX, sau khi có những hợp tác quan trọng với Liên Xô về lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía nam, Chính phủ đã chủ trương hình thành một chiến lược xây dựng ngành công nghiệp lọc - hóa dầu để phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Việc lập Luận chứng nghiên cứu khả thi Khu Liên hợp Lọc - Hóa dầu được Liên Xô thực hiện vào năm 1978. Đến đầu những năm 80, Liên Xô và Việt Nam đã thống nhất địa điểm xây dựng Khu Liên hợp Lọc - Hóa dầu tại thành Tuy Hạ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Khu Liên hợp Lọc - Hóa dầu dự kiến được đầu tư xây dựng trong 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ xây dựng một NMLD với một dây chuyền chế biến dầu thô công suất 3 triệu tấn/năm.

Giai đoạn 2 dự kiến đầu tư thêm một dây chuyền chế biến dầu thô để nâng công suất lọc dầu lên 6 triệu tấn/năm và hình thành một khu hóa dầu sản xuất chất dẻo, sợi tổng hợp và một dây chuyền sản xuất phân đạm (urê). Tổng vốn đầu tư cho cả 2 giai đoạn vào khoảng 3 tỉ rúp chuyển nhượng.

Đầu những năm 90, việc giải phóng một phần của 3.000ha mặt bằng và khảo sát địa chất sơ bộ, chuẩn bị các điều kiện phụ trợ để xây dựng Khu Liên hợp đã được phía Việt Nam tiến hành. Lúc này, Liên Xô cũng đã thực hiện xong thiết kế cơ sở và chuẩn bị các điều kiện đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, do Liên Xô sụp đổ nên Dự án Khu Liên hợp Lọc - Hóa dầu tại thành Tuy Hạ bị hủy bỏ.

Năm 1992, Chính phủ chủ trương mời một số đối tác nước ngoài liên doanh đầu tư xây dựng NMLD, trong đó có Liên doanh Petrovietnam/Total/CPC/CIDC do Total (Pháp) đứng đầu. CPC (Chinese Petroleum Corp) và CIDC (Chinese Investment Development Corp) là hai công ty của Đài Loan.

Trong quá trình chuẩn bị dự án, đã có nhiều ý kiến khác nhau của các bên về địa điểm đặt nhà máy, cụ thể Total đề xuất địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tháng 2/1994, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam làm việc với các đối tác nước ngoài gồm Total (Pháp), CPC và CIDC (Đài Loan) lập Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết NMLD số 1 với vị trí dự kiến đặt tại Đầm Môn, vịnh Văn Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Trong quá trình nghiên cứu tiếp theo, do vẫn có một số quan điểm khác nhau về điểm đặt nhà máy nên Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) tiếp tục nghiên cứu và báo cáo đầy đủ về các yếu tố địa hình, địa chất, tính toán toàn diện các mặt lợi ích kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của các địa điểm dự kiến xây dựng NMLD số 1 tại: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Hòn La (Quảng Bình), Dung Quất (Quảng Ngãi), Văn Phong (Khánh Hòa), Long Sơn (Vũng Tàu).

Trong 5 địa điểm này, thuận lợi nhất là Long Sơn, rồi đến Nghi Sơn, rồi Văn Phong… Nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy tiềm năng du lịch của Văn Phong về sau này nên dứt khoát gạt ra khỏi danh sách.

Nhưng vì sao lại “quyết” Dung Quất, việc đó chúng tôi sẽ nói đến ở phần sau.

Việc lập Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết của dự án được Tổ hợp gồm Petrovietnam, Total, CPC và CIDC tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, đến tháng 9/1995, Total xin rút khỏi dự án do không đạt được thỏa thuận về địa điểm đặt nhà máy. Total chỉ muốn đặt nhà máy ở Long Sơn để cho được thuận lợi mọi bề.

Để tiếp tục triển khai dự án, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã khẩn trương soạn thảo và trình Chính phủ phê duyệt hướng dẫn đầu bài NMLD số 1 và mời các đối tác khác thay thế Total tham gia dự án.

Ngày 15/2/1996, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và các đối tác nước ngoài là LG (Hàn Quốc), Stone&Webster (Mỹ), Petronas (Malaysia), Conoco (Mỹ), CPC và CIDC (Đài Loan) đã ký tắt thỏa thuận lập Luận chứng khả thi chi tiết NMLD số 1. Ngày 5/3/1996, lễ ký chính thức thỏa thuận lập Luận chứng khả thi chi tiết NMLD số 1 được tiến hành.

Sau khi ký thỏa thuận lập Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết dự án, tổ hợp bao gồm Petrovietnam và các đối tác nước ngoài đã khẩn trương triển khai công việc. Trong thời gian từ 15/2/1996 đến 15/8/1996, Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết đã được thực hiện với sự tham gia của các đối tác và của các tư vấn kỹ thuật - Foster Wheeler, tư vấn cảng - Fluor Daniel, tư vấn tài chính Barclays và tư vấn luật - While&Case.

Theo luận chứng được Chính phủ phê duyệt, NMLD số 1 sẽ được xây dựng tại Dung Quất, thuộc địa bàn 2 xã Bình Trị và Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Với hình thức đầu tư liên doanh, nhà máy sẽ chế biến một hỗn hợp 6,5 triệu tấn dầu ngọt và dầu chua/năm, trong đó lượng dầu ngọt Việt Nam là chủ yếu, để cho ra sản phẩm chính là nhiên liệu phục vụ giao thông và công nghiệp.

Kỹ sư vận hành tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Luận chứng nghiên cứu khả thi đã đưa ra 50 phương án đầu tư để xem xét, với chỉ số thu hồi nội tại IR (Internal Rate of Return) của các phương án từ 8 đến 11% và tổng vốn đầu tư khoảng 1,7-1,8 tỉ USD. Luận chứng nghiên cứu chi tiết đã được các bên hoàn thành đúng tiến độ và trình Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 11/1996.

Tuy nhiên, kết quả của Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết cho thấy, dự án - với các thông số theo hướng dẫn của đầu bài - đòi hỏi vốn đầu tư cao, không thỏa mãn hiệu quả kinh tế và tiềm ẩn khó khăn trong việc thu xếp tài chính.

Sau khi các đối tác nước ngoài rút khỏi dự án, theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tiếp tục lập Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết Dự án NMLD số 1 theo phương án Việt Nam tự đầu tư.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo khách quan và độ tin cậy của Luận chứng nghiên cứu khả thi, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã thuê Công ty Foster Wheeler Energy Limited của Anh và UOP (Universal Oil Products) của Hoa Kỳ làm tư vấn trong quá trình xây dựng Luận chứng.

Trên cơ sở xem xét Luận chứng nghiên cứu khả thi và các ý kiến của các công ty tư vấn, ngày 10/7/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 514/QĐ-TTg phê duyệt Dự án NMLD số 1 Dung Quất theo hình thức Việt Nam tự đầu tư với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD, bao gồm cả chi phí tài chính.

Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam được Chính phủ giao làm chủ đầu tư của dự án.

Ngày 8/1/1998, lễ động thổ xây dựng NMLD số 1 đã được tiến hành tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Vì sao xây Nhà máy Lọc dầu ở Dung Quất?

Trước nhiều ý kiến “bàn lùi”, Chính phủ - mà đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kiên quyết giữ vững quan điểm: Phải xây dựng nhà máy lọc dầu ở Dung Quất, trước hết là để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và tạo đà phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Ngãi và cả một khu vực miền Trung.

Lễ động thổ được tiến hành trang trọng và tràn ngập niềm vui. Ai cũng tưởng là từ nay việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất sẽ được suôn sẻ và 3 năm sau, những lít xăng dầu đầu tiên mang nhãn hiệu “made in Vietnam” sẽ được trình làng. Nhưng ở đời, mấy ai học được chữ “ngờ”.

Giữa năm 1998, trong lúc Petrovietnam đang triển khai dự án khá khẩn trương thì cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á diễn ra nhanh trên diện rộng với những ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế của một số nước trong khu vực. Hàng loạt các công ty chế tạo thiết bị lọc dầu ở các nước châu Á lâm vào tình trạng phá sản; nhiều ngân hàng đứng bên bờ vực thẳm…

Việt Nam tuy không bị ảnh hưởng nhiều song khả năng huy động vốn để thực hiện dự án xây dựng NMLD số 1 dự báo sẽ gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ đã quyết định chọn đối tác nước ngoài để đầu tư thực hiện dự án theo hình thức liên doanh.

Ngày 25/8/1998, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga đã ký Hiệp định liên Chính phủ về việc xây dựng, vận hành NMLD số 1 tại Dung Quất. Theo đó, hai Chính phủ thống nhất giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Liên doanh Kinh tế hải ngoại Nhà nước Liên bang Nga (Zarubezhneft) cùng làm chủ đầu tư của dự án.

Ngày 19/11/1998, hai phía đã thỏa thuận thành lập Liên doanh xây dựng và vận hành NMLD để trực tiếp thực hiện công tác quản lý xây dựng và vận hành NMLD Dung Quất. Thời gian hoạt động của Liên doanh dự kiến là 25 năm.

Ngày 28/12/1998, Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga (Vietross) chính thức được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 2097/GP-KHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước CHXHCN Việt Nam.

Theo Quyết định 560/CP-DK ngày 21/6/2001 của Chính phủ, tổng mức đầu tư cho dự án là 1,297 tỉ USD không bao gồm phí tài chính. Trong đó, vốn pháp định là 800 triệu USD, chưa tính chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng và một khoản chi phí của chủ đầu tư, chi phí bảo hiểm, chi phí xây dựng cảng, chi phí thuê đất và một số hạng mục chưa đầu tư. Tỷ lệ góp vốn của hai phía Việt Nam và Liên bang Nga là 50/50.

Việc liên doanh với Nga đã giải quyết được hai vấn đề lớn, đó là kêu gọi được nguồn vốn đầu tư và huy động được các chuyên gia có kinh nghiệm để thực hiện dự án.

Trong giai đoạn Liên doanh, dự án NMLD Dung Quất được chia làm 8 gói thầu, trong đó có 7 gói thầu ĐPC (thiết kế, mua sắm, xây lắp) và 1 gói thầu san lấp mặt bằng nhà máy.

Công ty Liên doanh Vietross đã tiến hành đấu thầu, đàm phán, ký kết và triển khai được 7/8 gói thầu, trừ gói thầu ĐPC 1 - Gói thầu quan trọng nhất của dự án. Liên doanh cũng đã thu xếp đủ vốn cho dự án từ nguồn tín dụng của hai phía, đồng thời hoàn thành được một số hạng mục xây dựng cơ bản, ổn định cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện làm việc của cán bộ, công nhân viên; thiết lập cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự, điều hành; ban hành các nội quy, quy trình và quy chế hoạt động…

Trong quá trình Liên doanh Vietross đàm phán hợp đồng DDPC1 với Tổ hợp nhà thầu Technip (Pháp), JGC (Nhật Bản), Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha), có những vấn đề phức tạp nảy sinh khiến cho tiến độ công việc kéo dài.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phóng sự của Nguyễn Như Phong

Nguồn: