Đoạn trường Dung Quất (Kỳ cuối)
02:12 SA @ Thứ Hai - 03 Tháng Ba, 2014

Trong những ngày ở Dung Quất, tôi mới thấy thời tiết ở đây quả là khủng khiếp. Đã nắng thì nắng cháy da cháy thịt, đã mưa thì mưa thối đất thối cát...

Trở lại chuyện “lại thêm một chữ nhưng”

Nhưng đúng thời điểm này, giá xăng dầu, sắt thép… trên thế giới tăng lồng lên như con ngựa trở chứng. Giá cả leo thang từng ngày và thế là đặt cả bên chủ đầu tư là PVN và nhà Tổng thầu Technip vào cuộc chạy đua với thời gian. Trong lịch sử kinh tế, hiếm có trường hợp nào mà với một công trình lớn như Dung Quất, nhà thầu lại báo giá thiết bị vật tư theo từng… tuần.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong đêm

Do giá cả thay đổi theo chiều bất lợi, mặc dù đã tính toán trượt giá ở mức cao, nhưng nhà Tổng thầu Technip bắt buộc phải “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” trong việc vận chuyển thiết bị và “cò kè bớt một thêm hai” với các nhà thầu Việt Nam như Vinaconex, Lilama, Cienco 1, Lũng Lô, Sông Hồng. Họ cũng “bới lông tìm vết” trong các hợp đồng để tìm ra những lỗi lặt vặt và đặt ra những yêu sách - mà chủ yếu là tăng giá đối với bên chủ đầu tư. Nhưng việc đấu thầu quốc tế đã được tiến hành công khai, hợp đồng đã ký kết, cho nên muốn “sửa một dấu phẩy” cũng không đơn giản. Cũng vào thời điểm sau khi ký hợp đồng với PVN, Technip lại thắng thầu ở nhiều dự án lớn khác trên thế giới, vì vậy, việc họ “toàn tâm toàn ý” cho Dự án Dung Quất là không thể. Một vấn đề gây nhức nhối nhất cho bên chủ đầu tư là tiến độ cung cấp thiết bị, vật tư của Technip chậm hơn so với kế hoạch khá nhiều.

Trong cuộc giao ban trên công trường (ngày 27/6/2007) do đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó trưởng ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia chủ trì, Ban Quản lý NMLD Dung Quất đã đưa ra một bảng thống kê các loại thiết bị chính do Nhà thầu Technip cung cấp về chậm. Có 25 loại thiết bị chính của nhà máy thì chỉ có 4 loại được đưa đến công trường sớm hơn thời gian quy định. Còn 21 loại đều chậm đến “phát ghét”. Ai đời, thời buổi công nghiệp thế này, vậy mà có thiết bị chậm đến 281 ngày, còn hầu hết là từ 3 tháng đến… 8 tháng. Khối lượng thiết kế cũng chậm hơn 3 tháng; tiến độ mua sắm chậm hơn 4 tháng; tiến độ xây dựng chậm hơn 4 đến 5 tháng.

Theo tiến độ thi công, công tác thiết kế phải hoàn thành vào tháng 5/2007, thiết bị vật tư phải về hết chân công trường vào tháng 11/2007; nhập dầu diesel để súc rửa, chạy thử vào tháng 10… Hoàn thành xây lắp các phân xưởng phụ trợ vào tháng 3/2008 và bắt đầu chứa dầu thô vào giữa năm 2008… Ngày 25/2/2009, nhà máy được đưa vào vận hành thương mại.

Nhưng do thiết bị về chậm, cho nên, về lý thuyết, mốc thời gian đã định là rất khó thực hiện. (Đấy là do “Tây” làm chậm, chứ mà lỗi do “Ta” thì chắc “chết” với công luận rồi!) Giao thiết bị chậm, nhưng đến khi về thì nhà thầu chính lại tìm cách thúc ép các nhà thầu phụ và một “ngón võ” thông thường là họ “trút tội” cho các nhà thầu Việt Nam, nào là “không có đủ nhân công”; “tay nghề kém”; “kỷ luật lao động không nghiêm”…

Khu bồn chứa sản phẩm của nhà máy

Tại cuộc họp, sau khi nghe các nhà thầu “Tây” và “Ta” trình bày các lý do, đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã lưu ý Nhà thầu Technip phải tập trung bàn biện pháp giải quyết tình hình vật tư chậm trễ, chứ không phải là lo “tố cáo các nhà thầu phụ”, đồng thời khẳng định: Tốc độ thi công chậm, trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu Technip bởi vì họ là tổng thầu. PVN đã ký hợp đồng với Technip, cho nên Technip đã thuê các nhà thầu Việt Nam, dùng thế nào là quyền của Technip. Nếu để chậm, Technip sẽ bị phạt theo hợp đồng.

Về phía các nhà thầu Việt Nam, vì cũng quá “hãi” giá cả đột biến từng ngày, cho nên cũng có đơn vị so đo, tính toán và tìm mọi cách tiết kiệm nhân công, tiết kiệm chi phí sản xuất và có nơi đã chưa quan tâm đúng mực đến việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động… Các nhà thầu phụ, thì bây giờ, theo như cách nói “dân dã” là đã trở thành “bố nhà thầu chính”, hơi tí là “dỗi”. Tuy vậy, những điều đó không phải là nguyên nhân quá ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Các nhà thầu Việt Nam tại Dung Quất là những đơn vị mạnh và có uy tín nhất trong ngành xây dựng của cả nước. Họ có đầy đủ phương tiện, thiết bị hiện đại, có đội ngũ cán bộ, kỹ sư giỏi; có công nhân kỹ thuật lành nghề; có kinh nghiệm thi công các công trình lớn… cho nên, nếu như thiết bị vật tư về đầy đủ, thì thực hiện theo tiến độ đã đề ra là 44 tháng, hoàn toàn “nằm trong tầm tay”. Như Lilama chẳng hạn. Đây là một tổng công ty lắp máy vào loại mạnh nhất ở Đông Nam Á. Với hơn 1 vạn kỹ sư (trong tổng số 20.000 quân của Lilama), 3.000 thợ hàn có đẳng cấp quốc tế, đội quân của Lilama không bó tay trước bất cứ một công trình nào và ở Dung Quất, nếu thiết bị về đủ, thì giữ đúng tiến độ không phải là việc khó đối với họ.

Hơn nữa, với các nhà thầu này, lo kiếm tiền chưa phải là tất cả, mà cái chính là họ phải bảo vệ được thương hiệu của mình qua công trình lớn như Dung Quất.

Đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN cũng thẳng thắn yêu cầu vị đại diện cho Nhà thầu Technip không được đổ lỗi cho các nhà thầu phụ. Việc thi công chậm là do thiết bị đưa về chậm, việc ký hợp đồng với các nhà thầu phụ cũng rất lề mề. Cách làm việc của Technip có nhiều vấn đề. Trước đây, do tiến độ thi công ì ạch, Technip đã phải thay Tổng chỉ huy. Tốc độ thi công có khá hơn nhưng vẫn rất chậm. Đồng chí Chủ tịch HĐQT cũng yêu cầu các nhà thầu phụ phải chăm lo hơn nữa đến đời sống công nhân… Thời tiết tại Dung Quất rất khắc nghiệt, cho nên nếu không có những biện pháp cụ thể trong việc lo nơi ăn, chốn ở cho công nhân thì khó có thể đảm bảo sức khỏe để lao động lâu dài.

Trong những ngày ở Dung Quất, tôi mới thấy thời tiết ở đây quả là khủng khiếp. Đã nắng thì nắng cháy da cháy thịt, đã mưa thì mưa thối đất thối cát. Một trong những nỗi khổ của công nhân tại Dung Quất là thiếu nước nghiêm trọng. Nước sinh hoạt thiếu đã đành, nhưng nước cho đổ bê tông, trộn vữa cũng không có. Người dân ở khu Dung Quất và cán bộ, công nhân tại khu Kinh tế Dung Quất đang phải dùng nước máy được sản xuất từ nguồn nước Thạch Nham với giá cắt cổ: 4.000 đồng/m3 cộng thêm 1.500 đồng cho cái gọi là “xử lý nước thải”. Nhưng do không có nước nên các đơn vị thi công cũng phải mua nước máy để đổ bê tông.

Anh Dõ, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Hồng đưa tôi đi xem địa điểm xây dựng khu nhà ở và dịch vụ cho cán bộ, công nhân NMLD trên khu đất rộng hơn 50ha. Đây sẽ là khu nhà ở khá hiện đại với 4 khối nhà 5 tầng, 8 khối biệt thự độc lập và 136 khối biệt thự song lập… Tổng số vốn đầu tư cho khu nhà này là 143 tỉ đồng, san nền 20 tỉ và phải làm xong trước khi nhà máy hoàn thành. Với một đơn vị từng thi công nhiều công trình lớn ở miền Trung như Tòa nhà Plaza Việt - Trung, Nhà hát Trưng Vương, nhà biểu diễn đa năng ở Đà Nẵng… thì xây dựng một khu nhà như vậy là không có vấn đề gì, duy chỉ sợ thiếu nước. Phải mua nước từ nhà máy thì xót quá, nên đơn vị đã phải thuê khoan thăm dò tìm nguồn nước, nhưng cũng chỉ là “một phần nghìn tia hy vọng”. Đơn vị cũng đang tính đến phải đắp một con đập dưới thung lũng để làm hồ chứa nước.

Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng vốn lúc đầu không “dây dưa” gì với NMLD Dung Quất. Nhưng vào tháng 3 vừa qua, khi thấy tiến độ thi công đê chắn sóng và móng đỡ đường ống dẫn dầu cho Cienco 1 đảm nhiệm có thể bị chậm, lãnh đạo PVN và Bộ Xây dựng quyết định điều Sông Hồng vào hỗ trợ. Phần việc thì không lớn nhưng điều kiện thi công rất khó khăn, đặc biệt là các móng đều nằm dưới nước biển… Nhưng với đội quân thiện chiến, chuyên nghiệp và có phương pháp thi công khoa học, hợp lý, Tổng Công ty Sông Hồng đã hoàn thành xuất sắc phần việc được giao.

Khi tôi bày tỏ nghi ngờ với ông Tuyến về khả năng nhà máy hoàn thành vào tháng 2/2009, ông khẳng định: “Chúng tôi đã tính toán rất kỹ rồi. Với tiến độ thi công như hiện nay, thì vẫn cho ra sản phẩm vào thời gian dự kiến được. Nhưng chưa thể gọi là đã hoàn thành 100% khối lượng công trình. Trước mắt là phải ưu tiên, tập trung tất cả cho các hạng mục chính, phục vụ cho việc lọc dầu. Còn các phần việc phụ thì có chậm vài tháng cũng là điều bất khả kháng. Nhưng chắc chắn là dòng xăng dầu đầu tiên của Dung Quất sẽ được ra “vòi” vào tháng 2/2009.”

“Vinh quang thuộc về những người đúng hẹn” - Khẩu hiệu rất hay này, tôi đã thấy ở Công trường Xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia hồi năm ngoái. Hy vọng rằng vinh quang lại đến với những người thợ trên công trường NMLD số 1 Dung Quất.

Đôi điều về công tác bảo vệ tại Dung Quất

Ngày 20/7, tôi được dự cuộc họp bàn về công tác bảo vệ tại NMLD Dung Quất do ông Trương Văn Tuyến chủ trì với sự tham gia của nhà thầu chính Technip, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi, Công an huyện Bình Sơn, Chỉ huy Đồn Công an khu Kinh tế Dung Quất. Tại cuộc họp này, tôi mới thấy một điều rõ ràng là công việc bảo vệ ở đây chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức và thiếu một sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa công an - chính quyền - Ban Quản lý Dự án - Nhà thầu chính Technip.

Bảo vệ nhà máy và công an kiểm tra sự cố

Trong khoảng hai tháng trở lại đây, tình hình trật tự trị an tại khu vực nhà máy đang có những diễn biến cực kỳ phức tạp. Do công tác giải tỏa các hộ dân ở sát hàng rào nhà máy làm chưa triệt để, cho nên nhiều hộ dân vẫn ở sát hàng rào nhà máy và kinh doanh bán hàng. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng công nhân thông đồng với nhân viên bảo vệ của Công ty Thiên Long lấy cắp vật tư, sắt thép mang ra ngoài. Cũng đã xảy ra một số vụ công nhân ẩu đả với nhân viên bảo vệ Thiên Long. Gần đây nhất, vào ngày 3/8, Công an Dung Quất cùng với nhân viên bảo vệ của Công ty Thiên Long đã bắt được một vụ lấy cắp vật tư gồm nhiều chủng loại với khối lượng trên 8 tấn. Số thiết bị này chủ yếu là nhập từ nước ngoài được giấu tại nhà ông Nguyễn Thiện ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn. Trước đó cũng đã xảy ra nhiều vụ lấy trộm thiết bị trên công trường đem bán sắt vụn. Có những thiết bị đắt tiền trị giá cả trăm triệu cũng bị lấy trộm.

Tình hình trật tự an toàn giao thông trên khu Kinh tế Dung Quất cũng diễn biến hết sức phức tạp. Tại địa bàn này, thường xuyên có 5.000 xe tải hoạt động, ngày cao điểm, có khi 2.500 xe hoạt động… Các xe tải do chạy nhanh, vượt ẩu, chở đất đá không được che phủ cẩn thận đã gây ra hơn một chục vụ tai nạn từ đầu năm đến nay.

Đội bảo vệ đang làm nhiệm vụ

Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được thì hiện nay việc giải tỏa các hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ của nhà máy đã được thực hiện xong. Ban Quản lý Dự án NMLD Dung Quất, Nhà thầu Technip, Công an tỉnh Quảng Ngãi và Công an huyện Bình Sơn cũng đã tăng cường các biện pháp phối hợp bảo vệ, xây dựng hàng rào, hệ thống đèn chiếu sáng, đường tuần tra quanh nhà máy.

Theo quy định, việc bảo vệ phía trong hàng rào nhà máy là do Nhà thầu Technip đảm nhận, còn công an huyện thì bảo vệ bên ngoài. Tất cả những mất mát xảy ra trong nhà máy và trên các khu vực thi công khác do nhà thầu đảm nhiệm thì chính nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Nhà thầu Technip đã ký hợp đồng bảo vệ với Công ty Thiên Long và nhân viên bảo vệ cũng đã có gần 250 người. Nhưng do đội ngũ nhân viên bảo vệ này không được quản lý nghiêm túc cho nên trong một số vụ, nhân viên bảo vệ lại là “ong tay áo”. Lực lượng công an tại đây cũng rất mỏng. Theo kế hoạch thì sắp tới sẽ thành lập một đồn công an và có quân số khoảng trên chục người. Ban Quản lý Dự án NMLD sẽ xây trụ sở cho anh em, Nhà thầu Technip cung cấp xe máy, ôtô, phục vụ cho việc tuần tra và phải làm một con đường tuần tra chạy quanh nhà máy, tăng cường hệ thống camera giám sát, bổ sung đèn chiếu sáng…

Nhưng với một địa bàn rộng trên 452ha, số lao động là trên 1 vạn người, lượng vật tư, sắt thép hàng trăm ngàn tấn thì hơn một chục cán bộ, chiến sĩ công an chẳng thấm tháp gì. Nếu như lực lượng công an tỉnh, huyện không khẩn trương tăng thêm quân và lực lượng cơ động đủ mạnh, các nhà thầu chưa chịu đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo vệ và thiếu sự phối hợp có bài bản giữa các đơn vị thi công, bảo vệ, chính quyền địa phương… thì chắc chắn việc giữ gìn an ninh trật tự sẽ còn khó khăn.

NMLD số 1 Dung Quất là công trình kinh tế quan trọng bậc nhất của nước ta. Việc đưa nhà máy vào hoạt động sớm ngày nào là chúng ta giảm bớt được nỗi lo về xăng dầu ngày ấy. Cùng với NMLD Dung Quất, việc xây dựng 2 NMLD ở Nghi Sơn (Thanh Hóa), Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đang được khẩn trương triển khai. Vì NMLD Dung Quất nằm trên địa bàn huyện Bình Sơn cho nên có ý kiến cho rằng nên đổi tên nhà máy thành “Nhà máy Lọc dầu số 1 Bình Sơn”. Xem ra đây cũng là một ý hay vì Bình Sơn - Long Sơn - Nghi Sơn… sẽ là ba quả núi lớn tạo nên một thế chân kiềng vững chắc cho an ninh năng lượng của nước ta trong tương lai.

Nguồn: