Giá dầu giảm được cho là sẽ giúp ích cho người tiêu dùng vì thu nhập khả dụng của họ sẽ tăng lên. Tuy nhiên, có vẻ như mọi thứ đang không theo đúng kế hoạch.
Giá dầu thô đã giảm 70% kể từ tháng 6/2014 do tình trạng dư cung kéo dài. Diễn biến của giá dầu khiến các thị trường chao đảo, nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro và đồng nội tệ của các nước xuất khẩu năng lượng lao dốc.
Ngược lại, phiên hôm nay (22/2), giá dầu WTI giao dịch trên thị trường châu Á tăng 2%, lên 30,22 USD/thùng trong khi dầu thô biển Bắc tăng 1,5%, lên 33,5 USD/thùng. Tuy nhiên đây vẫn là mức giá gần thấp nhất 13 năm.
Theo một nghiên cứu vừa được ngân hàng Barclays công bố, không phải tất cả người tiêu dùng châu Á đều hưởng lợi từ giá dầu thấp dù giá đã giảm 70%. Trong cùng thời kỳ, trung bình giá bán lẻ xăng dầu mới chỉ giảm 35%. Có rất nhiều lý do để giải thích cho điều này, từ chính sách trợ giá của Chính phủ đến các loại thuế.
Barclays lý giải nguyên nhân tạo ra sự khác biệt là giá nhiên liệu chỉ chiếm 44% trong giá bán lẻ xăng dầu ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Phần còn lại bao gồm chi phí lọc dầu, thuế, chi phí marketing và chi phí phân phối.
Thêm vào đó, ở một vài nước các Chính phủ đã tận dụng số tiền có thêm từ dầu giảm giá để hỗ trợ đồng nội tệ hoặc bù đắp thua lỗ hàng tồn kho.
Những người tiêu dùng ở Đài Loan, Thái Lan và Australia đã được hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu vì thị trường năng lượng ở các nước này có cấu trúc khá cạnh tranh và các Chính phủ cũng dễ dàng thông qua chính sách giảm giá xăng dầu.
Trong khi đó những người tiêu dùng ở Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ được hưởng lợi ít hơn vì Chính phủ các nước này coi giá dầu giảm là cơ hội để giảm trợ cấp xăng dầu.
TIN KHÁC
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)
Đâu là 5 nhà khai thác dầu lớn nhất năm 2023?(29/12/2023)