Kỳ 4: “Việt Nam hóa" công nghệ lắp đường ống dẫn xăng dầu
02:13 SA @ Thứ Ba - 01 Tháng Tám, 2017

5 giờ sáng ngày 23/06, toàn bộ đoạn đường ống dài 500 mét đã được kéo qua sông Lam an toàn. Từ thành công đầu tiên, hệ thống ống dẫn liên tiếp được nối dài thêm, hướng Bắc ra đến tận biên giới Việt - Trung, hướng Nam vào tận chiến trường.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương Binh, Liệt sĩ (27/7), Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài về Đường ống dẫn xăng dầu xuyên dọc Trường Sơn phục vụ suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước. Đây là công trình vĩ đại ít người biết đến, kể cả người Mỹ, người Trung Quốc, thậm chí là cả với các chuyên gia Liên Xô trước đây. Loạt bài trích trong cuốn “5 đường mòn Hồ Chí Minh” của nhà nghiên cứu Đặng Phong do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.

Kỳ 4:“Việt Nam hóa

Đưa ống vượt sông

Đường ống vượt sông bằng "tay": Trên đoạn này, việc đầu tiên và khó khăn nhất là lắp đặt đường ống vượt qua sông Lam. Nhiều phương án đã được đưa ra: Làm cọc trên mặt sông để đỡ đường ống đi qua. Phương án đó bị loại bỏ ngay. Một là, vì nước sông lên xuống bất thường, vào mùa lũ nước sông chảy xiết, không cọc gì có thể đỡ được đường ống. Thứ hai, điều nguy hiểm hơn là do không quân Mỹ có thể phát hiện ra đường ống và đánh phá một cách dễ dàng. Cuối cùng phương án đặt ống ngầm dưới đáy sông đã được lựa chọn. Nhưng xe kéo không có? Canô không có!

Việc đưa ống vượt sông được Đại tá chỉ huy trưởng Mai Trọng Phước kể lại như sau:

"Chúng tôi đã phải dùng sức người để kéo ống như bộ đội ta đã kéo pháo vào Điện Biên Phủ năm xưa. Chúng tôi quan hệ với địa phương, xin thêm lực lượng dân quân hỗ trợ.

Đêm 22/06/1968, công trường bắt đầu tổ chức vượt sông, máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, thả pháo sáng rực trời. Chúng tôi lợi dụng ánh sáng đó để thi công. Cứ lắp xong một đoạn ống thì hiệu lệnh kéo ống vang lên. Những cánh tay bờ bên này nâng ống lên để bờ bên kia níu dây kéo ống qua. Khi đường ống dài tới cả 100 mét thì sức người cũng không kéo nổi, phải dùng đến sự hỗ trợ của chiếc xe Gíp “Rumani” kéo đỡ. Đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, 23/06 thì toàn bộ đoạn đường ồng dài 500 mét đã được kéo qua sông Lam an toàn. Tất cả đoạn ống này đã nằm im dưới đáy sông, máy bay không trông thấy, đến mùa nước lũ cũng không bị ảnh hưởng...".

Sau khi lắp đoạn đầu tiên vượt sông, các đoạn khác được đặt trên đất liền. Vấn đề là làm sao đặt trong ban đêm để ban ngày vùi lấp kín, máy bay Mỹ không phát hiện được.

Nhưng máy móc không có, xe ủi không có. Công trường 18 quyết định mượn trâu và cày của hợp tác xã để cày một đường thật sâu trên mặt ruộng, sau đó đặt ống xuống, lấp lại, cấy lúa bình thường, để khi trời sáng, máy bay Mỹ không phát hiện ra có một vết gì lạ trên mặt đất.

Cứ như vậy, một đêm đặt được khoảng 1 km. Sau 45 ngày, toàn bộ đường ống dài 42 km đã hoàn thành. Sau khi bơm nước vào ống để thử áp suất (…), bằng đường ống 2 đã chảy từ kho Nam Thanh tới kho Nga Lộc an toàn (đoạn này được mang mật danh là X42). Đó cũng là kết quả đầu tiên của hệ thống đường ống khổng lồ Bắc - Nam.

Từ thành công đầu tiên này, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần chủ trương lấy đoạn thể nghiệm này làm trung điểm để kéo dài ra hai đầu. Một đầu từ kho N1 vươn ra phía Bắc, nối thông đến vùng không có chiến sự để tạo nguồn xăng ở đầu vào được ổn định. Một đầu từ kho N2 tiếp tục vươn vào phía Nam bảo đảm cho tuyến vận tải chiến lược.

Từ đó hệ thống ống dẫn liên tiếp được nối dài thêm, hướng Bắc ra đến tận biên giới Việt - Trung, hướng Nam vào tận chiến trường.

Kỳ 4:“Việt Nam hóa

Một đoạn đường ống dẫn dầu đến Bù Gia Mập (Đông Nam Bộ) nhằm đảm bảo cung cấp xăng dầu cho xe vận tải trên tuyến đường Trường Sơn (Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội).

Đường ống phía Nam cũng có hai ngả:

Ngả vượt Tây Trường Sơn, tiếp nối với đoạn X42, có Công trường X42 với nhiệm vụ kéo đường ống từ Nga Lộc vào đến Tổng kho RH11 thuộc Xóm Rục, Quảng Bình. Công trường 18 bàn giao tuyến X42 cho đơn vị khác, vào đây làm tiếp đoạn ống xuyên từ Cổng Trời thuộc đất Quảng Bình, vượt qua đèo Mụ Giạ sang Lào, vào đến kho Nà Tông, thuộc tỉnh Khăm Muộn, Trung Lào.

Đến đúng Tết âm lịch năm 1969 thì đường ống này hoàn thành và xăng dã được bơm qua đèo Mụ Giạ để vào đến kho Nà Tông, giao cho Trạm 31 có trách nhiệm trực tiếp cấp phát cho các đoàn xe tải Đoàn 559 đi tiếp vào Nam. Đúng giao thừa Tết Kỷ Dậu (1969) dòng xăng đã chảy đầy kho Nà Tông.

Đến tháng 03/1969, Công trường 18 làm tiếp đoạn ống từ Nà Tông đến Ka Vát. Tính từ Vinh đến Ka Vát, đoạn đường ống này dài tới 350 km. Đúng ngày 09/03/1969 xăng đã được vận hành thông suốt từ Vinh xuyên qua Trung Lào đến Ka vát.

Trong năm 1969, tuyến đường ống Tây Trường Sơn này tiếp tục vươn sâu vào phía Nam, tới Hạ Lào, tạt qua Tây Nguyên vào đến miền Đông Nam Bộ.

Nguồn: