Chuyện trên tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam (Kỳ 4)
02:06 SA @ Thứ Ba - 08 Tháng Mười Hai, 2015

Tàu Athena là con tàu do Hãng Hyundai của Hàn quốc đóng vào năm 2000, chủ tàu đầu tiên là một công ty của Nga và con tàu này chuyên chở dầu từ biển Bắc, chính vì thế tàu thiết kế khá đặc biệt.

Tàu có vỏ thép rất dày và là tàu được đóng theo công nghệ mới, hiện đại, tất cả các công đoạn bơm hút dầu và hệ thống máy móc đều được điều khiển tự động. Con tàu hiện đại đến mức ở đây không phải có thủy thủ trực ca máy, thậm chí khi cần phải sửa chữa động cơ phải mở những con bu-lông lớn thì cũng đều có “máy làm thay người”. Nói như thế không có nghĩa rằng thủy thủ ở đây “nhàn”. Đúng là điều kiện ăn ở, làm việc của họ khá là tốt so với những con tàu lạc hậu khác nhưng thuyền viên phải làm việc hết sức vất vả, căng thẳng khi tàu nhận dầu hoặc bơm dầu lên nhà máy.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây tàu Athena gần như hoạt động hết công suất. Nếu như trước đây, tàu đi vận chuyển dầu thuê ở Trung Đông có khi cả năm trời mới quay về Việt Nam một lần thì gần đây, tàu Athena cũng như Hercules và Mecculi chủ yếu vận chuyển dầu từ Bạch Hổ về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Một tháng họ phải đi khoảng 3 đến 4 chuyến. Với thủy thủ, họ ngại nhất đó là đi cung đường ngắn vì bởi lẽ hầu như phải làm việc liên tục, vừa nhận dầu xong chạy chưa đến 2 ngày đến nơi lại bơm dầu lên rồi lại đi nhận dầu. Cứ quay vòng như vậy nên hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Khi tàu đi đường dài thì thời gian tàu chạy trên biển đó chính là thời gian các thủy thủ có điều kiện thay nhau để nghỉ.

chuyen tren tau cho dau lon nhat viet nam ky 4

Trung tâm điều khiển hệ thống boong tàu

Nhưng thời gian tàu chở dầu từ Bạch Hổ về Dung Quất chắc sẽ không còn lâu nữa, bởi trong buổi làm việc với Tổng giám đốc PV Trans Phạm Việt Anh trước đó, anh cho tôi biết tới đây sẽ ký hợp đồng vận chuyển dầu cho một công ty lớn và có thể phải điều tàu Athena, Hercules đi. Cũng phải nói thêm rằng, trong vòng vài ba năm trở lại đây đội tàu chở dầu của PV Trans cũng đã có thương hiệu tầm cỡ quốc tế nên có nhiều hãng tàu các công ty dầu mỏ đến đặt vấn đề thuê tàu của PV Trans.

Nghe Phạm Việt Anh nói về chuyện sẽ cho nước ngoài thuê tàu thì tôi cũng nhớ lại 4 năm trước trong một hội nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phạm Việt Anh lên báo cáo về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của PV Trans và anh bảo rằng: “Chúng tôi đang phấn đấu quyết liệt để giảm bớt được một chữ. Hiện nay PV Trans là đơn vị khó khăn nhất Tập đoàn, chúng tôi phấn đấu đến hết năm 2013 bớt đi được chữ “nhất”, nghĩa là chỉ còn đơn vị khó khăn”.

Rồi đến hội nghị tổng kết năm 2013 anh lên phát biểu và nói phấn đấu đến hết năm 2014 sẽ bớt được 2 chữ, đó là “khó khăn”. Bây giờ nghĩ lại mới thấy khiếp! 5 năm trời một đơn vị vật lộn với vô vàn những khó khăn; thứ thì do tác động khách quan, giá cước vận tải thế giới giảm đến gần một nửa; rồi có những thứ khó khăn do cơ chế, chính sách và do chính đơn vị từ các thế hệ trước để lại. 5 năm trời bớt được 3 chữ “khó khăn nhất” nghe thì có vẻ đơn giản nhưng bớt được 3 chữ này thì quả thật là một bước tiến thần kỳ của PV Trans.

chuyen tren tau cho dau lon nhat viet nam ky 4

Thuyền viên trên tàu Athena

Hiện nay, đội tàu chở dầu thô của PV Trans đang chạy như “con thoi” từ khu mỏ Bạch Hổ về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Điều đáng nói là để chia sẻ khó khăn với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đơn vị đang chấp nhận chở dầu với giá cước thấp hơn tới 15% so với giá cước quốc tế. Mỗi chuyến tàu như của Athena, giá cước giảm tới gần trăm ngàn USD…

Lý giải cho việc giảm giá cước này, Tổng giám đốc Phạm Việt Anh giải thích: Mùa này là mùa biển động ở ta, tàu nước ngoài không muốn chạy, khi cần, thuê rất khó. Trong khi đó đội tàu của PV Trans, ngoài nhiệm vụ kinh doanh đơn thuần thì phải có trách nhiệm đảm bảo cho chuỗi giá trị khép kín của Tập đoàn từ thăm dò - khai thác - vận tải - chế biến hoạt động hoàn hảo - nghĩa là phải đảm bảo đủ dầu cho Tổng Công ty Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BRS) hoạt động và phải đảm bảo không được để các mỏ ngừng khai thác lấy 1 phút vì “ứ đọng” dầu thô. Để làm được điều này, nếu không phải là “tàu của mình, người của mình” thì khó mà có thể được.

Trong suốt quá trình vận chuyển dầu thô cho BSR thời gian qua, PV Trans đã nỗ lực không ngừng, luôn nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng với BSR và các đơn vị liên quan tiến hành thiết lập quy trình, tìm các giải pháp quản lý và kiểm soát hao hụt dầu thô trong quá trình bốc dỡ và vận chuyển. Đội tàu dầu thô của PV Trans đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Cơ quan Đăng kiểm và các quy định của Nhà nước, đồng thời được BSR, các nhà điều hành mỏ trong nước và các hãng dầu khí quốc tế lớn đánh giá chấp nhận tàu. Hiện nay, PV Trans vẫn tiếp tục từng bước nâng cao về kỹ thuật, năng lực vận hành và chất lượng dịch vụ trong điều kiện môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh.

Trên thị trường vận tải dầu thô nội địa Việt Nam, PV Trans là đơn vị vận tải có tải trọng lớn nhất và duy nhất sở hữu đội tàu vận tải dầu thô có đủ điều kiện về số lượng (3 tàu dầu thô Aframax) thường trực, có đầy đủ hệ thống quản lý kỹ thuật, đáp ứng đầy đủ về hệ thống quản lý an toàn, có trên 5 năm kinh nghiệm quản lý kỹ thuật, được các khách hàng quốc tế, các Chủ dầu như Shell, Glencore, Vitol… đánh giá cao trong quá trình tham gia vận tải trên thị trường quốc tế.

chuyen tren tau cho dau lon nhat viet nam ky 4

Mặt khác Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đặt tại tỉnh Quảng Ngãi, là khu vực có điều kiện thủy văn, khí hậu hết sức khắc nghiệt và biến động rất phức tạp. Vì vậy đòi hỏi đội tàu, sĩ quan thuyền viên, hệ thống quản lý phải có trình độ, kinh nghiệm, hiểu biết về những đặc thù thủy văn và khí hậu của khu vực này mới có thể điều động, vận hành, vận chuyển hàng hóa kịp thời, an toàn. Với kinh nghiệm vận chuyển trên 600 chuyến hàng cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, PV Trans có đội tàu và đội ngũ sĩ quan thuyền viên đã có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong những năm tới.

Cũng phải nói thêm là trên thế giới, tất cả các tập đoàn khai thác dầu mỏ, khí đốt đều có đội tàu riêng. Hãng Petronas có Petronas Tankers Sdn Bhd; Shell có Shell International Trading and Shipping Company Limited; Idemitsu Kosan Co., Ltd và Kuwait Petroleum Corporation (KPC) là các hãng có tham gia góp vốn đầu tư Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có các hãng vận tải lần lượt là Idemitsu Tanker Co., Ltd và Kuwait Oil Tanker Company (KOTC) đã được chỉ định là hãng sẽ tham gia cung cấp dịch vụ vận tải dầu thô cho Nghi Sơn; Thai Oil có hãng vận tải là Thai Internatioanl Tankers Group; China National Petroleum Corporation (CNPC) có đội tàu vận tải của mình CNPC tanker fleet…

Các đội tàu này thường độc quyền vận chuyển phần lớn khối lượng dầu thô do Tập đoàn khai thác, họ chỉ chia sẻ ra ngoài một khi đội tàu của họ không chở hết, hoặc do các nhu cầu đột xuất nào khác của khách hàng. Không có chuyện một đơn vị vận tải của Tập đoàn lại phải tham gia đấu thầu vận chuyển dầu do chính đơn vị trong Tập đoàn khai thác.

chuyen tren tau cho dau lon nhat viet nam ky 4

Tàu Athena

Còn một lý do nữa là cần phải có đội tàu chở dầu của mình, ấy là: Không gì tốt hơn tàu Việt Nam, cắm cờ Việt Nam, chở dầu do Việt Nam khai thác, chạy trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ý nghĩa về kinh tế thì chính những chiếc tàu mang cờ Việt Nam còn góp phần quan trọng vào khẳng định và giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường và nhiều trường hợp còn là chỗ dựa cho ngư dân ta.

Trên thế giới, nhiều quốc gia có cách quản lý, theo dõi các tàu chở dầu thô khi đi qua vũng biển của họ rất chặt chẽ. Chặt đến mức, nếu tàu chạy lệch tuyến hành trình hoặc đi với độ chậm bất thường là họ đặt vấn đề, đồng thời kiểm tra ngay. Sở dĩ phải làm như vậy là vì các tàu chở dầu thô, mỗi khi thay đổi loại dầu, thường phải xả hết dầu cũ, làm sạch két… Công việc này không phức tạp nhưng bảo vệ môi trường lại đòi hỏi rất khắt khe.

Lượng dầu được xả ra hoặc nước rửa két là phải được thu gom vào một ngăn riêng, rồi chờ khi về cảng thì đưa lên một trung tâm tách dầu cặn và nước. Nước biển rửa két sau khi được xử lý sạch sẽ mới đổ ra biển. Chi phí cho việc này không phải là rẻ, chính vì vậy, không hiếm vụ tàu nước ngoài đi qua vùng biển của ta, đã xả nước rửa két ra biển. Vì thế mới có chuyện thi thoảng bờ biển Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận… thấy dầu đóng cục trôi dạt vào.

Điều này, các nhà hoạch định chính sách kinh tế đơn thuần rất ít khi nghĩ đến một số doanh nghiệp Nhà nước là ngoài nhiệm vụ kinh tế thì còn phải đảm nhiệm thêm các nhiệm vụ chính trị, xã hội khác. Vì thế mà họ hay sinh ra nhưng quy định mà nếu thực hiện thì không khác gì “cầm dao tay phải chặt tay trái”. Ví dụ như tàu của PV Trans, lại phải tham gia đấu thầu vận chuyển dầu cho… Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

***

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguồn: