Nguy cơ cạn kiệt xăng dầu vì xe giá rẻ
Tắc đường tại Thủ đô Jakatar, Indonesia
Thiệt hại gần 10 tỷ USD do ùn tắc
Năm 2014, Thủ đô Jakarta (Indonesia) sẽ rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử, đó là cảnh báo mới nhất của Bộ Công trình công cộng Indonesia. Đây là hệ quả của sự gia tăng chóng mặt các loại phương tiện giao thông. Không những thế, mỗi năm, ùn tắc gây thiệt hại gần 10 tỷ USD.
Theo ông Setiabudi Anbama - Cố vấn đầu tư và kinh tế của Bộ Công trình công cộng, Jakarta hiện cần một hệ thống giao thông đường bộ có tổng chiều dài khoảng 12.000km, song thực tế hiện chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu này. Trong khi đó, phương tiện có động cơ ở Jakarta lại liên tục tăng với nhịp độ 10-12% năm. Mỗi ngày hơn 3.000 chiếc xe được bán ra. Năm ngoái, Indonesia đã tiêu thụ hơn 1 triệu xe hơi, đồng thời mức tăng trưởng kinh tế của quốc gia này luôn đạt 6%/năm kể từ năm 2010.
5 năm trước, chính phủ nước này lên kế hoạch phát triển dòng xe cỡ nhỏ, giá rẻ chỉ từ 4.400 - 7.400 USD, tiêu thụ nhiên liệu tối đa 5 lít/100km, tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc 60%. Ngay lập tức, phân khúc xe nhỏ phát triển rất nhanh, chiếm 40-45% thị trường xe thương mại. Chỉ riêng các hãng xe Nhật đã đầu tư 1,8 tỷ USD vào đây và sản xuất khoảng 500.000 xe/năm. Năm 2013, hàng loạt các mẫu xe nhỏ giá rẻ thân thiện môi trường đã đua nhau ra mắt tại quốc đảo này, với giá bán trung bình từ 6.600 - 8.900 USD, xe động cơ 1.0L.
Tập đoàn sản xuất ô tô Ấn Độ Tata Motors cũng hướng đến mục tiêu biến Indonesia trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 4 năm tới. Hiện hãng này đã có 8 đại lý và khoảng 30-40 cửa hàng bán xe ở Java và Bali, dự kiến hết năm sẽ có 10 đại lý và trong vòng 3 năm tới là 35 đại lý. Giám đốc quản lý Tata Motors Karl Slym cho biết, năm 2012 Tata đã bán được 350.000 xe.
Do đó, không lạ khi chính phủ bắt buộc phải giảm trợ giá xăng dầu. Tháng 6/2013, giá xăng tăng từ 4.500 Rp lên 6.500 Rp (13.700 đồng), trong khi đó giá 1 lít dầu diesel là 5,500 Rp (11.500 đồng). Mục tiêu của lần tăng giá nhiên liệu này là nhằm giảm dần trợ cấp giá xăng dầu.
Thế nhưng, điều đó hình như không ảnh hưởng quá lớn tới các nhà sản xuất. Khi được hỏi liệu giá nhiên liệu tăng có thể ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất tới đây của Tata hay không, ông Sengupta - người đại diện Tata cho biết, với họ giá xăng tăng có thể coi là tin vui bởi hầu hết các sản phẩm của công ty ông đều sử dụng dầu diesel - loại nhiên liệu giá rẻ hơn và hiệu suất tiêu thụ cao hơn.
Cạn nguồn cung xăng dầu
Sự gia tăng của xe hơi đương nhiên dẫn đến thiếu hụt cơ sở vật chất và nhiên liệu. Một báo cáo gần đây cho thấy, Indonesia sẽ trở thành nước nhập khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới vào năm 2018, nhất là trong bối cảnh đồng tiền Indonesia đang mất giá.
Chuyên gia kinh tế Maria Monica Wihardja cho biết: “Tôi lo ngại Indonesia sẽ mất cơ hội để cải cách. Trong tương lai dài, xe giá rẻ không phải là biện pháp bền vững để chúng ta phát triển thành nước có thu nhập khá và cao“. Thế nhưng, mục tiêu của chính phủ là 30.000 chiếc xe hơi giá rẻ sẽ được tiêu thụ vào cuối năm nay và tính đến thời điểm hiện tại, con số đặt hàng đã vượt qua mốc này.
Và kế hoạch phát triển xe giá rẻ bắt đầu vấp phải sự phản đối từ một số thành viên chính phủ. Ngay Thống đốc Jakarta - ông Joko Widodo cũng cho rằng: “Chính phủ nên xem xét lại kế hoạch này“. Phóng viên Step Vaessen của kênh truyền hình Al Jazeera cho biết: “Lý do chính của những tranh cãi là nếu những chiếc xe được bán ra chính thức tại Indonesia thì quốc gia này sẽ rơi vào tình trạng cạn nguồn cung xăng dầu trong vòng 5 năm tới và khiến Indonesia rơi vào cảnh khan hiếm dầu“.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)