(VINPA) - Glencore Xstrata là một trong những công ty giao dịch hàng hóa và khai thác khoáng sản đa quốc gia lớn nhất thế giới và cũng là một trong những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất (FTSE 100 Index) được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn (LSE).
Tập đoàn này có trụ sở tại Baar, Thụy Sĩ và sử dụng khoảng 190.000 nhân viên. Mạng lưới hoạt động của Glencore bao trùm toàn cầu với hơn 90 văn phòng đại diện tại hơn 50 quốc gia. Glencore là công ty lớn nhất tại Thụy Sĩ, bao gồm hơn 150 địa điểm khai thác mỏ và luyện kim, tài sản dầu mỏ ngoài khơi, các trang trại và các cơ sở nông nghiệp. Năm 2013, Glencore đứng thứ mười hai trong danh sách Fortune Global 500 công ty lớn nhất thế giới với doanh thu 233 tỷ USD, trong đó doanh thu trong lĩnh vực năng lượng của Glencore đạt khoảng 142 tỷ USD và thị phần chiếm 3% trong thị trường giao dịch dầu mỏ quốc tế.
Trụ sở của Glencore tại Thụy Sĩ
Ivan Glasenberg, CEO của Glencore Xstrata
Glencore Xstrata được thành lập sau sự sáp nhập của Glencore International plc và Xstrata plc vào tháng 5 năm 2013. Glencore và Xstrata đã hợp tác cùng nhau hơn mười năm thông qua các hợp đồng marketing bao gồm hợp đồng đại lý tiếp thị ferroalloys (hợp kim sắt) từ năm 1997, hợp đồng tư vấn than đá (từ năm 2002) và hợp đồng tiếp thị độc quyền niken và coban (từ năm 2007).
Glencore và Xstrata có mối liên quan chặt chẽ kể từ tháng 3 năm 2002 khi Xstrata mua lại tài sản than ở Úc và Nam Phi của Glencore, cổ đông lớn nhất tại Xstrata vào thời điểm đó.
Glencore được thành lập vào năm 1974 dưới cái tên Marc Rich + Co AG bởi tỷ phú giao dịch hàng hóa Marc Rich, người bị buộc tội trốn thuế và kinh doanh bất hợp pháp trong các giao dịch với Iran tại Mỹ nhưng đã được Tổng thống Bill Clinton ân xá vào năm 2001. Ban đầu, công ty tập trung vào việc tiếp thị kim loại, khoáng sản và dầu thô, sau đó mở rộng sang các sản phẩm dầu mỏ. Marc Rich đã tạo dựng nền tảng cho đế chế Glencore tương lai thông qua một loạt các vụ thâu tóm. Năm 1981, Marc Rich & Co. đã mua một công ty buôn bán ngũ cốc Hà Lan và chiếm tới 2/3 cổ phần của một mỏ khai thác kẽm, chì ở Peru. Các vụ thâu tóm này đã tạo ra nền tảng kinh doanh nông sản và tài sản công nghiệp của Glencore. Bắt đầu từ năm 1987, Glencore phát triển từ một công ty tiếp thị hàng hóa thuần túy thành một tập đoàn lớn trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên thông qua ba mảng kinh doanh chính là khai thác mỏ, luyện kim, lọc và chế biến dầu. Năm 1994, Marc Rich đã bán công ty cho các thành viên ban quản trị hãng với giá 600 triệu USD. Kể từ đó, Marc Rich & Co. được đổi tên thành Glencore. Cổ phiếu của Glencore International plc niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London và Hồng Kông vào tháng 5 năm 2011.
Một bước đột phá đối với tương lai của Glencore là vụ mua cổ phần của Sudelektra trong năm 1990. Sudelektra là một tập đoàn Thụy Sĩ chuyển hướng từ đầu tư hạ tầng cơ sở sang khai khoáng. Năm 1999, Sudelektra đổi tên thành Xstrata và có tên trong FTSE 100.Năm 2012, Glencore trở thành chủ sở hữu chính trong Công ty Chemoil Energy (cung ứng nhiên liệu hàng hải) với 89% cổ phần nắm giữ. Glencore có cổ phần trong hợp đồng phân chia sản lượng dầu khí ngoài khơi Equatorial Guinea và Cameroon. Ngoài ra, hãng này còn có cổ phần trong các mỏ dầu Mangara và Badila trong lưu vực Doba của Cộng hòa Chad. Các mỏ này đánh dấu một giai đoạn mới trong việc sản xuất và xuất khẩu dầu thông qua đường ống Chad – Cameroon.
Ngày 14 tháng 4 năm 2014, Glencore đã đồng ý mua Công ty Caracal Energy với khoảng 1,35 tỷ USD để nắm quyền kiểm soát tài sản dầu và khí tại quốc gia Chad.
TIN KHÁC
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)
Đâu là 5 nhà khai thác dầu lớn nhất năm 2023?(29/12/2023)