Argentina chính là một trong số rất ít nơi trên thế giới mà các công ty dầu khí không bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của giá dầu.
Đất nước thuộc châu Mỹ Latinh có cơ chế quản lý giá xăng dầu rất chặt chẽ. Ban đầu, mục tiêu ngăn không cho những yếu tố thị trường tác động đến giá cả là để người dân không phải chịu giá dầu thô ở mức 3 con số. Tuy nhiên, vì dầu đã lao dốc suốt từ giữa năm 2014 đến nay, chính sách này đang mang đến tác động ngược lại: chính những người lái xe lại đang trợ giá cho ngành công nghiệp dầu mỏ.
Argentina đặt ra mức giá cố định 67 USD/thùng cho dầu ngọt nhẹ và 7,5 USD cho mỗi triệu Btu khí đốt. Như vậy người tiêu dùng không hề được hưởng lợi từ giá dầu rẻ. Mức giá mà họ phải chịu càng lớn, “cái phao cứu sinh” dành cho ngành dầu khí cũng càng phình to.
Đó là tin xấu đối với người tiêu dùng, nhưng chính sách này đã giúp ngành dầu đá phiến của Argentina đứng vững. Argentina nắm trong tay một số trong những mỏ dầu đá phiến có tiềm năng nhất ở bên ngoài nước Mỹ. Theo EIA, nước này có hơn 800 nghìn tỷ feet khối khí (của Mỹ chỉ là 622 nghìn tỷ) và 27 tỷ thùng dầu đá phiến dự trữ (chỉ đứng sau Mỹ, Nga và Trung Quốc).
Phần lớn dự trữ dầu khí đá phiến của Argentina nằm ở Vaca Muerta, một vùng rộng lớn ở miền Trung Argentina. Vaca Muerta đã thu hút được nhiều công ty từ khắp nơi trên thế giới như ExxonMobil, Chevron, Royal Dutch Shell và Gazprom.
Hoạt động thăm dò và khai thác vẫn tiếp tục bùng nổ ở Argentina, nhưng mức chi phí cao và những yếu kém về cơ sở hạ tầng khiến ngành dầu khí đá phiến ở đây không thể bùng nổ mạnh mẽ bằng ở Texas hay North Dakota. Dẫu vậy rõ ràng là chính sách kiểm soát chặt giá dầu đang giúp các doanh nghiệp ở đây dễ thở hơn nhiều so với các doanh nghiệp Mỹ.
“Điều này rất quan trọng về mặt chiến lược”, cựu CEO của tập đoàn dầu khí quốc doanh YPF nói với tờ Wall Street Journal. Tuần trước, Galuccio vừa thông báo hoạt động sản xuất ở Vaca Muerta vẫn tiếp tục tăng trưởng và đã chạm đến mốc 50.000 thùng dầu mỗi ngày.
Mức giá cố định hiện nay cũng giúp YPF và nhiều công ty khác (trong đó có công ty liên doanh giữa YPF và Chevron) có thêm thời gian để tiếp tục khai thác và cắt giảm chi phí.
Bộ trưởng Lao động Argentina Jorge Triaca cho rằng mức giá cao giả tạo giúp giữ ổn định thị trường lao động. “Bạn cần phải dành ưu đãi cho hoạt động thăm dò và khai thác, đặc biệt trong lúc giá quá thấp như hiện nay”.
Tuy nhiên Argentina cũng đang thực hiện một cuộc cải tổ trong ngành dầu khí. Tuần trước, Tổng thống mới nhậm chính Mauricio Macri đã sa thải CEO Miguel Galuccio của YPF. Galuccio bị chỉ trích vì đã khiến gánh nặng nợ của YPF phình to. Người thay thế ông là một cựu CEO của ngân hàng JP Morgan.
Dẫu vậy, Argentina vẫn hi vọng rằng chính sách giữ giá ở mức cao giả tạo sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Đây có phải là một chính sách thông minh hay không là câu hỏi chưa có lời giải đáp ở thời điểm này, nhưng không thể phủ nhận sự thực rằng Argentina đang là điểm sáng hiếm hoi cho mảng dầu đá phiến nói riêng và ngành năng lượng nói chung.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)