Tiếp theo loạt bài về “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) và Lộ trình đưa xăng E5 vào cuộc sống”, xin giới thiệu với bạn đọc về quy trình công nghệ phối trộn, pha chế xăng E5, loại xăng đang được bán tại thị trường Việt Nam.
Công nghệ phối trộn bao gồm các phương pháp như: Phương pháp khuấy, phương pháp tuần hoàn, phương pháp phối trộn trong đường ống và phương pháp sục khí trơ.
Bằng các nghiên cứu khoa học, Viện Cơ khí động lực,Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đề xuất phương pháp khuấy để phối trộn xăng sinh học mẻ lớn (500 lít/mẻ) và phương pháp tuần hoàn để phối trộn mẻ nhỏ.
Quy trình phối trộn xăng pha ethanol tổng quát được thể hiện như sau: Đầu tiên, người ta cho chất biến tính (để đánh dấu mục đích sử dụng làm nhiên liệu - Chất biến tính được sử dụng là phân đoạn xăng trong phân đoạn chưng cất dầu thô) cùng 4 loại phụ gia là phụ gia chống tách pha, phụ gia chất phân tán, phụ gia chống oxy hóa, phụ gia chống ăn mòn vào thùng khuấy để tạo ra hỗn hợp chất biến tính đa chức năng. Sau đó trộn với ethanol 99,5% để tạo thành hỗn hợp ethanol biến tính, sau đó phối trộn với xăng thương phẩm tạo thành xăng sinh học E5, E10, E15 hay E20…
Một trạm phối trộn xăng sinh học của Mỹ
Cần nhắc lại rằng, ethanol dùng để pha trộn xăng sinh học. Xăng sinh học là hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính, bao gồm 2 loại: Xăng sinh học E5 chứa 4-5% thể tích ethanol nhiên liệu biến tính; xăng sinh học E10 chứa 9-10% thể tích ethanol nhiên liệu biến tính.
Ngày 28/12/2012, sau thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ , Bộ Công Thương đã ban hành (theo Thông tư số 48/2012/TT-BCT) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị, phụ trợ và phương tiện sử dụng trong pha chế, tồn trữ và vận chuyển ethanol, xăng sinh học (E5, E10) tại kho xăng dầu, gọi tắt là QCVN 09: 2012/BCT.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm xăng sinh học phối trộn, Mục 2.3 của Quy chuẩn này đã quy định về các phương pháp phối trộn xăng sinh học, theo đó, căn cứ cơ sở hạ tầng của kho xăng dầu, tổ chức, cá nhân áp dụng một hoặc kết hợp các phương pháp phối trộn sau đây: Phương pháp bơm trộn tuần hoàn kín trong bồn (in-tank: bơm hút đáy xả đỉnh trong bồn); phương pháp phối trộn nội dòng bằng đoạn ống lòng xoắn (static mixer) và phương pháp phối trộn tại trạm xuất xe bồn (in-line).
Quy chuẩn đồng thời cũng quy định về các trang thiết bị, phụ trợ, phương tiện sử dụng để pha chế, tồn trữ và vận chuyển ethanol. Trong đó có quy định về vật liệu được phép và cấm sử dụng trong quá trình pha chế, tồn trữ, vận chuyển; quy định về các loại bồn chứa, phao nổi, van thở, lớp sơn lót đáy bồn chứa, các loại đường ống công nghệ sử dụng cho ethanol, trạm bơm ethanol, phương tiện vận chuyển ethanol trên đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường ống…
Căn cứ vào QCVN 09: 2012/BCT, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu có liên quan đến pha chế, tồn trữ và vận chuyển ethanol, xăng sinh học tại các kho xăng dầu phải chịu trách nhiệm về chứng nhận và công bố hợp quy cho các trang thiết bị, phụ trợ và phương tiện pha chế, tồn trữ và vận chuyển ethanol, xăng sinh học tại các kho xăng dầu cũng như phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy chuẩn này.
Mọi tổ chức, cá nhân khi phát hiện sự không phù hợp so với quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình pha chế, tồn trữ và vận chuyển ethanol, xăng sinh học tại các kho xăng dầu phải kịp thời thông báo với cơ quan quản lý tiếp nhận công bố hợp quy về sự không phù hợp; tiến hành các biện pháp khắc phục sự không phù hợp. Khi cần thiết, tạm ngừng việc xuất sản phẩm và tiến hành thu hồi các sản phẩm, hàng hóa không phù hợp đã xuất ra; ngừng hoạt động pha chế, tồn trữ và vận chuyển ethanol, xăng sinh học.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)