Sắn trong lộ trình sản xuất ethanol
01:45 SA @ Thứ Ba - 18 Tháng Hai, 2014

Sắn là một trong 4 cây lương thực chính ở Việt Nam, có diện tích đứng thứ 3 sau lúa và ngô. Sản lượng trung bình đạt 8 triệu tấn/năm - đủ để phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) ở mức độ pha chế xăng sinh học 5%. Tuy nhiên, dành bao nhiêu sắn cho phát triển NLSH dường như cần phải định vị lại. Kinh nghiệm từ Thái Lan và tình hình thực tế trong nước đã nói lên điều đó.

Kinh nghiệm Thái Lan

Thái Lan hiện có ngành công nghiệp sản xuất NLSH tiên tiến và giàu kinh nghiệm nhất Đông Nam Á. Về nguyên liệu, Thái Lan có sản lượng sắn khoảng 30 triệu tấn/năm và năng suất 21-23 tấn/ha. Hằng năm tại Thái Lan, sắn tạo ra nguồn lợi nhuận 2,1-2,2 tỉ USD và hiện nay Thái Lan đã sử dụng xăng E10.

Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, người dân Thái Lan đã gọi sắn là “cây vượt nghèo” bởi giá trị đa dụng của nó có thể tạo ra vô số sản phẩm công nghiệp như thức ăn chăn nuôi, rượu, giấy, dệt may, dược phẩm, mỹ phẩm… và khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu xanh ngày càng cao thì cây sắn được coi là nguyên liệu chính cho sản xuất NLSH.

Mỗi năm, Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất sử dụng 240 nghìn tấn nguyên liệu sắn tươi

Dù là quốc gia hàng đầu thế giới về sắn nhưng hiện Thái Lan cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc duy trì diện tích và sản lượng hàng năm do dịch bệnh hoành hành và sự cạnh tranh đối với các cây trồng có giá trị khác như cao su, mía… Cụ thể là trong 2 năm vừa qua, hàng nghìn nông dân nước này bỏ sắn để chuyển đổi sang các loại cây trồng mới làm giảm diện tích. Ngoài ra vựa sắn vùng Đông Bắc nước này còn đứng trước thực trạng thiếu hụt nhân công, đất đai suy thoái hoặc giá thuê đất trồng sắn cao, đội chi phí sản xuất.

Để vực dậy vị thế của cây sắn, các nhà khoa học Thái Lan đã nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ phải tăng đầu tư cho nông dân bằng biện pháp như chuyển giao công nghệ - kỹ thuật canh tác, thủy lợi, cải tạo bộ giống kháng sâu bệnh, bao tiêu sản phẩm...

Thái Lan đã cho phát triển hàng loạt nhà máy sản xuất ethanol nên đang đứng trước nguy cơ “đói” sắn. Nhà máy ethanol TPK lớn nhất Thái Lan mặc dù chỉ sử dụng 6.000-7.000 tấn nguyên liệu/ngày, cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu đầu vào.

Cái khó cho sắn Việt Nam

Nước ta đi sau trong phát triển NLSH so với Thái Lan khoảng 10 năm. Nhiều năm qua, nông dân nước ta chủ yếu trồng sắn để bán cho các hộ sản xuất tinh bột sắn, thức ăn gia súc và xuất khẩu. Vì vậy, giống sắn và năng suất vẫn chỉ duy trì ở phẩm cấp thấp. Nếu đưa một lượng sắn khô này vào sản xuất NLSH thì các nhà máy sẽ lỗ bởi giá thu mua cao. Vì vậy, bài toán ở đây chính là phải quy hoạch các vùng nguyên liệu sắn có năng suất cao, giá thành hạ để nhà sản xuất và nông dân đều có lãi.

Nếu các dự án đầu tư được triển khai đúng tiến độ, đến năm 2015, cả nước sẽ có 13 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 858.000 tấn, đủ để phối trộn 8,5 triệu tấn xăng E10 và nhu cầu sử dụng sắn đạt 2,15 triệu tấn sắn lát khô.

Trong kế hoạch 5 năm(2011-2015), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra chủ trương giảm diện tích và nâng cao năng suất trồng sắn. Theo đó, diện tích trồng sắn của Việt Nam năm 2011 giảm xuống còn 490.000ha và năng suất đạt 19 tấn/ha. Tuy nhiên, thực tế năng suất chỉ đạt 17 tấn/ha.

Tây Ninh, Gia Lai, Bình Phước, Phú Thọ… là những vùng trồng sắn với diện tích lớn trên cả nước nhưng đều chưa theo kế hoạch cụ thể và chưa được Nhà nước bảo hộ. Để nông dân yên tâm canh tác sắn, Nhà nước cần có cơ chế tín dụng cho nông dân để họ yên tâm sản xuất, tránh các rủi ro từ thương lái ép giá.

Các nhà máy NLSH hầu hết được xây dựng tại các vùng có nguyên liệu sắn lát khô dồi dào. Tuy nhiên, khi các nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ cần một lượng sắn lát khô nguyên liệu khoảng 1,47 triệu tấn. Hiện nay sắn lát khô đang được xuất khẩu với số lượng khá lớn (ước khoảng hơn 1 triệu tấn). Thị trường sắn khô xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc và Thái Lan. Do vậy, cần xem xét đưa mặt hàng sắn lát khô vào diện hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Cụ thể, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam, có đến gần 95% sản lượng sắn Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc hiện thu mua với giá cao khiến sắn nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất NLSH trong nước không đủ, thậm chí là khan hiếm, dễ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trong nước tranh mua, bán tháo để kiếm lợi nhuận.

Một trong những khó khăn nữa là năng suất sắn bình quân của Việt Nam tương đối thấp, chỉ đạt 17 tấn/ha, tương đương 60% so với Thái Lan và 80% năng suất bình quân của khu vực châu Á. Do vậy, cần có đầu tư nghiên cứu, phát triển các giống sắn mới cho năng suất cao, quy trình canh tác phù hợp để nâng cao sản lượng sắn mà không cần mở rộng diện tích trồng sắn.

Bước đi của PVN

Thực tế, các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tích cực triển khai các dự án vùng nguyên liệu để chuẩn bị cho sản xuất NLSH. Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) cho biết, năm 2014 sẽ phối hợp với huyện Bình Sơn và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi triển khai thí điểm phát triển vùng sắn nguyên liệu giai đoạn 1 khoảng 1.400ha trên địa bàn 17 xã trong vùng quy hoạch thuộc huyện Bình Sơn để cung cấp cho Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất.

Chỉ tính riêng huyện Bình Sơn - nơi có Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất đã quy hoạch vùng nguyên liệu sắn 2.200ha. Theo giá hiện nay, với sản lượng sắn như trên sẽ tạo ra dòng tiền khoảng 1.000 tỉ đồng, tạo ra thị trường tiêu thụ lớn và ổn định đối với cây sắn là tiền đề quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn, miền núi.

BSR-BF phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn triển khai công tác khuyến nông hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật canh tác sắn bền vững (xen canh, thâm canh và luân canh) nhằm bảo vệ tài nguyên đất, tăng năng suất khoảng 3 tấn/ha so với năng suất hiện có. Giống sắn mới được áp dụng là giống NA1 để thay thế một phần giống sắn KM94 đang bị thoái hóa. Bên cạnh đó, BSR-BF sẽ thí điểm thu mua, sơ chế sắn lát khô (sắn C) bằng nhiều hình thức: Thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, đại lý thu mua sơ chế cung cấp cho Nhà máy...

Bộ Công Thương cho biết, để thực hiện lộ trình sử dụng xăng sinh học E5 như đã đề ra thì đến năm 2015 cần khoảng gần 4 triệu tấn sắn tươi; năm 2020 cần khoảng 5,5 triệu tấn và đến năm 2025 cần khoảng 6,8-8,0 triệu tấn. Nếu căn cứ vào mức sản lượng sắn như hiện tại thì vào năm 2025, khi tất cả các nhà máy đều đi vào hoạt động với công suất tối đa, cả nước sẽ thiếu khoảng 2,2-2,5 triệu tấn sắn tươi nguyên liệu.

Dự báo nhu cầu NLSH đến năm 2025 dựa trên giả định tăng trưởng tiêu thụ xăng, dầu là 8,5%/năm với tỷ lệ pha ethanol bắt buộc là 5% trong giai đoạn 2012-2014 và 10% cho giai đoạn 2015-2025. Theo ước tính, đến năm 2015 là 457 triệu lít, năm 2020 là 687 triệu lít và năm 2025 là 1 tỉ lít.

Nguồn: