Singapore chuẩn bị “hoán đổi” vị trí trung tâm dầu mỏ vì một tương lai xanh hơn
03:24 SA @ Thứ Ba - 27 Tháng Bảy, 2021

Bloomberg ngày 19/7/2021 có bài phân tích cho rằng Singapore đang có các bước chuẩn bị cho sự dịch chuyển từ vị trí trung tâm dầu mỏ sang trung tâm năng lượng tái tạo, vì một tương lai xanh hơn, với các nội dung chính như sau:

Một trong những nền kinh tế đặt cược vào dầu mỏ thành công nhất

Cuối năm 2020, Royal Dutch Shell đã thông báo cắt giảm một nửa công suất tại nhà máy lọc dầu Pulau Bukom trên Đảo Bukom, nhà máy lớn nhất của mình ở Singapore. Nhà máy Pulau Bukom là một phần của ngành công nghiệp lọc hóa dầu khổng lồ, từng là trụ cột của nền kinh tế Singapore trong sáu thập kỷ qua. Singapore là một trong những nền kinh tế đặt cược thành công nhất vào ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch trong lịch sử. Cùng với các tàu chở hàng tới Singapore để tiếp nhiên liệu, các nhà máy lọc dầu đã giúp thúc đẩy thành công nền kinh tế của Singapore, thu hút hàng tỷ USD đầu tư và tạo ra các doanh nghiệp đa dạng, từ nhựa đến xây dựng giàn khoan và tài chính.

Singapore chuẩn bị “hoán đổi” vị trí trung tâm dầu mỏ vì một tương lai xanh hơn

Tổ hợp hóa lọc dầu Pulau Bukom của Roayl Dutch Shell trên đảo Bukom, Singapore. Ảnh: Evan Su/Reuters.

Kế hoạch chuyển đổi

Tan See Leng, Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng thứ hai về Thương mại và Công nghiệp của Singapore cho biết Singapore “đã đi được một chặng đường dài nhờ lĩnh vực năng lượng và hóa chất”, "Điều quan trọng không phải là loại bỏ hoàn toàn, mà là xem chúng ta có thể xoay chuyển thế nào, có thể biến đổi ra sao." Để đạt mục tiêu đó, năm 2021, Chính phủ Singapore đã ban hành Kế hoạch Xanh Singapore 2030, vạch ra lộ trình để Singapore trở thành trung tâm khu vực hàng đầu về giao dịch carbon, tài chính xanh, tư vấn và quản lý rủi ro và các dịch vụ khác. Công ty đầu tư nhà nước Temasek Holdings Pte., cùng với Sở Giao dịch chứng khoán Singapore, Standard Chartered Plc và DBS Group Holdings Ltd. vào tháng 5/2021 đã công bố kế hoạch thiết lập một sàn giao dịch toàn cầu để lấy các tín chỉ carbon chất lượng cao. Singapore cung cấp cơ sở hiện đại, lực lượng lao động có tay nghề cao cho các công ty năng lượng mới điều hành hoạt động của mình trong khu vực. Giám đốc điều hành Vena Energy Capital Pte., một trong những công ty điện tái tạo độc lập lớn nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở chính ở Singapore dù không có dự án ở Singapore, cho biết sự minh bạch về quy định của Singapore mang lại yên tâm cho các nhà đầu tư, “điều đó đã đúng trong quá khứ và sẽ đúng trong tương lai với năng lượng tái tạo."

Thách thức chuyển đổi “Thành phố dầu mỏ”.

Nhưng việc Singapore chuyển đổi từ năng lượng dầu mỏ sang năng lượng xanh là một thách thức khó cân bằng. Năm 2019, Singapore là nhà xuất khẩu xăng dầu tinh chế lớn thứ tư trên thế giới, xuất khẩu nhiên liệu và hóa chất chiếm khoảng 23% tổng thương mại hàng hóa. Singapore vẫn là một trung tâm thương mại khu vực cho các sản phẩm than, khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, hỗ trợ hàng chục công ty tài chính chuyên về hàng hóa này. Hơn 100 công ty hóa chất toàn cầu có hoạt động tại đây. Shell mở nhà máy lọc dầu đầu tiên của Singapore trên đảo Bukom năm 1961, mở thêm bốn nhà máy khác trong thời gian tiếp theo. Exxon Mobil Corp. đã xây nhà máy lọc dầu trên đảo Ayer Chawan, hiện là một phần của khu liên hợp lọc dầu khổng lồ Jurong Island; Singapore đang hy vọng sẽ chuyển đổi nơi này thành một khu công nghiệp về năng lượng và hóa chất bền vững. Singapore có được thành công kinh tế một phần quan trọng nhờ khai thác sáng tạo và triệt để vị trí địa lý của mình, tận dụng vị thế của mình trên một trong các tuyến đường vận chuyển năng lượng nhộn nhịp nhất thế giới, giữa Trung Đông và các nền kinh tế lớn ở Đông Á.

Singapore chuẩn bị “hoán đổi” vị trí trung tâm dầu mỏ vì một tương lai xanh hơn

Hàng nghìn tấm pin mặt trời trong một trang trại năng lượng mặt trời nổi ngoài khơi Singapore. Ảnh: AFP.

Hy vọng vào hydrogen

Đối với một quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên, vị trí trung gian trong chuỗi cung ứng nhiên liệu toàn cầu là rất quan trọng.Vị trí địa lý của Singapre có thể không giúp ích cho mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo vì cơ sở năng lượng mặt trời và gió thường nằm ngay tại quốc gia tiêu thụ; nhưng vẫn có ý nghĩa đối với hydrogen. Singapore có thể tự định vị mình như một trung gian cho hydrogen về giá cả, cơ sở thiết bị đầu cuối và kho chứa. Các chuyên gia năng lượng quốc tế cho rằng Singapore có lợi thế đối với hydrogen và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khi có thể sử dụng một số cơ sở hạ tầng dầu mỏ và hóa dầu hiện có. Singapore cũng có thể cung cấp chuyên môn về kỹ thuật và quản lý dự án để giúp thiết lập các cơ sở LNG hoặc hydrogen ở Đông Nam Á. Các chuyên gia cũng tin rằng Singapore sẽ tìm ra phương thức chuyển đổi, thị trường ngách và khai thác giá trị từ thị trường đó.

Theo báo cáo của Hội đồng Hydrogen và McKinsey & Co., hơn 30 quốc gia đã công bố lộ trình sử dụng hydrogen. Bộ trưởng Tan See Leng cho biết Singapore chưa sẵn sàng cam kết về chiến lược hydrogen. Chính phủ Singapore có thỏa thuận với Australia và Chile hợp tác tiềm năng về công nghệ hydrogen, làm việc với các công ty Nhật Bản về vận chuyển khí đốt, nhưng cho biết trong tương lai, khi công nghệ trở nên phổ biến hơn, chi phí giảm đi thì “sẽ có các thay đổi quan trọng”. Chính phủ Singapore quan tâm và thúc đẩy chuyển đổi. Cơ quan Tiền tệ Singapore đang phát triển các chương trình tài trợ để hỗ trợ các khoản vay xanh và bền vững, đặt 2 tỷ USD quỹ với các nhà quản lý tài sản để thúc đẩy các hoạt động tài chính xanh bên ngoài Singapore. Bộ trưởng Bộ Phát triển Bền vững và Môi trường Grace Fu cho biết Singapore đã đưa ra mức thuế carbon vào năm 2019, 5 đô la Singapore (3,68 USD) cho một tấn khí nhà kính, và dự kiến ​​sẽ thu được 1 tỷ đô la Singapore thuế carbon trong năm năm đầu tiên. Nền tảng giao dịch tín dụng carbon do tư nhân điều hành, được hỗ trợ bởi một số công ty lớn nhất của quốc gia, dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm nay.

Thời gian chuyển đổi kéo dài

Singapore có nhiều thời gian chuyển đổi hơn so với châu Âu hoặc Hoa Kỳ vì nằm trong khu vực còn phụ thuộc vào hydrocacbon trong nhiều năm tới. Theo một báo cáo của công ty tư vấn McKinsey, Nam và Đông Nam Á sẽ có mức tăng trưởng nhu cầu đối với các sản phẩm dầu cao nhất trong giai đoạn từ 2019-2035. Victor Shum, Phó Chủ tịch Công ty tư vấn năng lượng IHS Markit cho rằng các nhà máy lọc dầu của Singapore chưa cần phải có các điều chỉnh quyết liệt. Bộ trưởng Tan See Leng cho biết, ít nhất là từ nay đến năm 2030 sẽ có ít rủi ro về sự sụt giảm lớn nhu cầu đối với các sản phẩm dầu. Chính phủ Singapore khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như thu giữ carbon, năng lượng mặt trời và thủy triều, mong muốn trở thành quốc gia tiên phong về chuyển đổi năng lượng trong khu vực. Bộ trưởng Tan See Leng nhấn mạnh “Tôi không rõ các nước khác có muốn làm như chúng tôi không, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ trở thành một ốc đảo xanh”./.

Nguồn: