Tác hại của xăng giả
07:23 SA @ Thứ Ba - 13 Tháng Tư, 2021

Hàng triệu lít xăng giả đã được bán ra thị trường, cũng đồng nghĩa hàng trăm nghìn chiếc xe đã có thể mua phải loại xăng này. Làm thế nào để nhận biết và xử lý? Lực lượng chức năng phong tỏa cây xăng nghi tiêu thụ xăng giả.Lực lượng chức năng phong tỏa cây xăng nghi tiêu thụ xăng giả.

Gây cháy xe, ô nhiễm môi trường

Đường dây tội phạm do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TPHCM), Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cầm đầu vừa bị Công an Đồng Nai phối hợp Bộ Công an triệt trá hé lộ lượng xăng "khủng" bị nhập lậu, làm giả, tiêu thụ ra thị trường trong suốt thời gian dài.

Nhà chức trách ước tính có đến hơn 200 triệu lít xăng bị nhóm tội phạm liên tỉnh này làm giả, thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Công thức chế xăng giả của băng nhóm này chưa được công bố.

ThS Trần Thắm, Viện Hóa học Công nghiệp cho biết, tội phạm thường tạo ra xăng A95 giả. Nhóm tội phạm pha 30% dung môi với 50% xăng A95 thật, còn lại là chất tạo màu vàng. Hoặc dùng dung môi trộn với một phần nhỏ xăng nền A95 và chất kích Ron, chất tạo màu. Đối với loại E5, họ sẽ dùng 35% dung môi, 40% xăng nền A95, còn lại là chất kích RON, chất tạo màu.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết nếu sử dụng phải xăng giả sẽ để lại nhiều hậu quả trực tiếp đối với động cơ máy móc. Thứ nhất là hiện tượng cháy xe. Bởi vì sao? Do các ống cao su trong hệ thống dẫn nhiên liệu của ô tô và xe máy chịu được xăng thật chứ không phải xăng giả.

Chính vì vậy, khi đổ xăng giả, các gioăng cao su bị nở ra sẽ xảy ra tình trạng rò rỉ xăng. Khi xăng rò rỉ chỉ cần một tia lửa điện là phát cháy. Có một vụ cháy chung cư ở Q.8, nguyên nhân xác định cũng vì một chiếc xe máy bị rò rỉ xăng dưới hầm xe. Khi gặp một tia lửa điện đã dễ dàng bốc cháy, nhanh chóng lan ra các xe khác.

Thứ đến, xăng giả tác động đến kết cấu làm động cơ hao mòn rất nhanh. Giả sử một số xe được khuyên dùng xăng từ A95 trở lên, mà xăng giả pha vào thì chỉ số octan thấp hơn. Chắc chắn gặp phải xăng giả thì xe xảy ra hiện tượng kích nổ, gây ra sóng áp suất rất mạnh. Từ đó gây cong dên, mòn pít tông và xếp bạc... rất nhiều hiện tượng xảy ra làm cho xe thay vì chạy từ 10 - 15 năm thì tuổi thọ ngắn đi nhiều.

Việc pha dung môi với hóa chất làm xăng giả có thể khiến nhiên liệu bị kích nổ sớm trong buồng đốt, gây rung lắc, xung gãy động cơ của các phương tiện. Bản thân chúng còn có thể bị nhựa hóa, nhiệt phân hay cháy không hoàn toàn tạo ra cặn bẩn làm tắc nghẽn béc phun, làm thoái hóa các chi tiết phi kim loại.

Dung môi được sử dụng pha xăng giả là các sản phẩm hữu cơ tạp thu được trong quá trình chưng cất dầu mỏ, có chỉ số RON rất thấp. Dung môi chỉ được dùng trong các sản phẩm công nghiệp như pha trộn với sơn, sản xuất gỗ, thuộc da chứ không được dùng để tạo thành xăng dầu.

Ngoài làm hư hại động cơ, xăng giả còn gây tác hại lớn cho môi trường. Xe ôtô hoặc xe máy đời mới đều có bộ lọc khí thải, có tác dụng trung hoà khí thải từ động cơ, sinh ra các chất không độc thải ra môi trường.

Trong khi đó, các chất dung môi, phụ gia được được pha vào xăng giả khi bị đốt cháy tạo ra khí thải làm vô hiệu hoá hoặc làm hư bộ lọc khí thải.

Tạo “biểu hiện lạ” khi vận hành

TS Nguyễn Thành Công, giảng viên Đại học Giao thông Vận tải cho biết, thông thường khi ôtô, xe máy đổ xăng kém chất lượng thì dẫn đến hiện tượng khó khởi động, hay chết máy trong quá trình chạy hoặc giảm công suất động cơ.

Nguyên nhân là do xăng kém chất lượng không bảo đảm các thành phần hoá học, trị số octan của nhiên liệu. Trị số octan đặc trưng cho tính chống kích nổ của nhiên liệu. Nó bảo đảm xăng được đốt cháy hoàn toàn trong buồng đốt của động cơ mà không gây kích nổ.

Trị số octan không đảm bảo dẫn đến giảm chất lượng quá trình cháy ảnh hưởng tới đặc tính kỹ thuật của động cơ.

Ngoài ra, sau quá trình cháy sẽ sinh ra nhiều các thành phần hóa học khác bên trong xy-lanh động cơ gây nên các hiện tượng oxy hoá, ăn mòn xy-lanh, các thành phần muội sinh ra bám vào thành xy-lanh, đầu bugi, khoang buồng cháy cũng làm giảm chất lượng đánh lửa, thành phần nhiên liệu...

Nhiên liệu bẩn sẽ ảnh hưởng chung tới quá trình cháy, tăng khả năng gây kích nổ cũng như ảnh hưởng tới độ bền tuổi thọ các chi tiết trong động cơ như lọc xăng, xy-lanh, bugi. Nếu không may đổ nhầm xăng bẩn, xăng giả, người dùng cần mang xe đến đại lý để thực hiện bảo trì, rút hết xăng trong bình nhiên liệu ra, vệ sinh kim phun nhiên liệu và rửa bơm nhiên liệu. Việc vệ sinh hệ thống nhiên liệu không mất quá nhiều thời gian và chi phí.

ThS Trần Thắm, Viện Hóa học Công nghiệp cho biết, không khó để nhận biết nhiên liệu trong xe có vấn đề hay không. Cụ thể, khi mua phải xăng giả, xe sẽ có những biểu hiện lạ dễ dàng phát hiện. Nếu xe của bạn có biểu hiện giật cục khi tăng ga, xe bỗng dưng chết máy giữa chừng, khó khởi động… thì cần đặt nghi ngờ về mua phải xăng giả.

Trong số đó, lỗi phổ biến nhất là khả năng tăng tốc của xe không còn mượt mà. Việc trễ ga cũng là dấu hiệu nhận biết xăng kém chất lượng. Chiếc xe sẽ mất vài giây để phản ứng với tay ga hay bàn đạp ga.

Ví dụ như khi nhấn ga để tăng tốc thì một hồi sau xe mới có thể tăng tốc hoặc sẽ chẳng tăng tốc thêm chút nào. Bên cạnh vấn đề tăng tốc, xăng giả còn gây ảnh hưởng đến hiện tượng xe tự thay đổi tốc độ khi đang chạy. Thậm chí không nhấn ga, người lái có thể cảm nhận rõ rệt xe bị thay đổi tốc độ mà không rõ lý do.

Khi gặp những vấn đề trên, có thể xe đã đổ nhầm xăng giả. Người dùng cần đến ngay trung tâm bảo hành xe để xả hết xăng ra cũng như là được kiểm tra chi tiết tình trạng của động cơ xe. Khi mua xăng, nên mua ở những cây xăng uy tín, có thương hiệu trên thị trường.

Nguồn: