Tảo được nuôi trồng trong những silo cao 5 mét. |
Nuôi trồng tảo trong silo
Tảo được nuôi trong những silo (bể tháp ủ) lớn và phát triển với tốc độ kỷ lục nhờ ánh sáng mặt trời và khí CO2. Sau khi thu hoạch, người ta ép tảo để lấy dầu và chế biến thành diesel-sinh học (Biodiesel), cũng như axit béo Omega 3 cho công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm. Bã tảo làm thức ăn gia súc bởi lượng đạm trong bã tảo cao gấp đôi so với ngô hạt.
Các cơ sở nuôi tảo trên thế giới hiện nay thường nuôi tảo trong những bể mở lớn hàng hecta. Giá thành dầu tảo theo công nghệ đó cũng quá cao - có khi lên đến vài euro/lít - vì đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Còn tại cơ sở nuôi trồng chế biến tảo của ông Franke ở Brazil với đối tác See Algae Technology (SAT), người ta nuôi tảo trong các silo cao độ 5 mét đứng kề nhau, trên các silo là mái che, có nhiệm vụ thu gom ánh sáng mặt trời truyền qua những lăng kính và cáp quang vào silo, nhờ đó tảo có nhiều ánh sáng mặt trời để quang hợp. Thay vì chỉ tận dụng bề mặt bể để nuôi tảo, theo phương pháp này, tảo phát triển trong toàn bộ silo, nên năng suất cao gấp bội.
Phân dùng nuôi tảo lấy từ khí thải của các lò chưng cất của nhà máy đường ở kề bên cơ sở sản xuất tảo. Chất đốt ở đây là bã mía. Khí thải CO2 được dẫn vào các silo giúp cho tảo phát triển mạnh mẽ hơn. Cứ hai tấn CO2 thì tạo ra một tấn tảo. Hàm lượng dầu trong tảo là 50%, phần còn lại là sinh khối.
Rẻ và nhiều lợi ích
Dầu tảo rất thích hợp để chế biến thành biodiesel, thay vì dùng dầu đậu tương hay dầu cọ. Ông Rafael Bianchini, Giám đốc SAT nói: “Chúng tôi sản xuất nhiên liệu sinh học, nhưng lại không lấy đất nông nghiệp.” Giá thành sản xuất chấp nhận được, một lít dầu tảo có giá khoảng 30 cent, chi phí chế biến thành biodiesel khoảng 40 Cent.
Ngoài ra, còn có nguồn thu từ bã tảo để làm thức ăn gia súc, gia cầm hoặc thủy sản. Theo nhà đầu tư tài chính Joachim Grill, đồng thời là CEO của SAT thì thời gian khấu hao của cơ sở sản xuất này là 5 năm.
Thiết bị nuôi, chế biến tảo được sản xuất tại Brazil, các cơ sở này sẽ được xây dựng liền kề nhà máy luyện thép, nhà máy nhiệt điện hoặc các nhà máy đường để tận dụng khí thải CO2, vừa góp phần giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vừa tăng thêm thu nhập cho các nhà máy này.
Còn một lợi ích nữa, đó là nếu các nhà máy sản xuất ethanol từ mía có khi phải chờ cả năm mới đến thời điểm thu hoạch mía, thì đối với tảo, thời gian này chỉ khoảng một tháng.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)