Thương mại dầu khí - Khát vọng vươn ra thế giới (Tiếp theo và hết)
02:30 SA @ Thứ Sáu - 06 Tháng Tám, 2021

Từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, những người làm thương mại dầu khí nhanh chóng thu được hàng trăm nghìn USD ở nước ngoài, tham gia đàm phán mua sắm những thiết bị siêu giá trị... Quá trình làm thương mại dầu khí đã để lại cho nhiều vị lão thành ngành Dầu khí những ký ức ngọt ngào và không ít tiếc nuối.

Kỳ 2: Ngọt ngào và tiếc nuối

Thương mại dầu khí - Khát vọng vươn ra thế giới (Tiếp theo và hết)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm người lao động dầu khí (ảnh tư liệu)

Từ khi Phòng Thương mại - Thị trường được thành lập, hoạt động thương mại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có định hướng rõ ràng. Phòng kết nối với Công ty dịch vụ Dầu khí PSC do ông Phan Tiến làm Giám đốc để tiếp xúc với các công ty nước ngoài, tham gia chào các dịch vụ nhỏ lẻ cho Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô và các công ty dầu khí khác.

Có một thực tế là các dịch vụ do PSC chào thường bảo đảm chất lượng và giá cả cạnh tranh, nhưng PSC lại không được phép trực tiếp nhập khẩu nên bị hạn chế rất nhiều. Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Phan Tiến đã liên doanh với Công ty Canam-Trimex của Canada do Việt kiều tại Canada thành lập để thành lập Công ty liên doanh PSA làm dịch vụ nhập khẩu cho ngành Dầu khí.

Vào thời điểm đó, sự cạnh tranh giữa Petechim và PSA xảy ra khá gay gắt đến mức độ có nhiều lúc cơ quan hữu quan phải can thiệp. Dĩ nhiên, vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi đất nước vừa mới mở cửa thị trường, thoát khỏi kinh tế bao cấp, việc một liên doanh cạnh tranh với doanh nghiệp độc quyền về ngoại thương của Nhà nước là khó được chấp nhận. Bởi vậy, sau một thời gian, Công ty Liên doanh PSA bị buộc phải giải thể. Nhưng cũng may là Nhà nước lại đồng ý cho phép Công ty dịch vụ Dầu khí PSC được trực tiếp nhập khẩu các vật tư, thiết bị nhỏ lẻ phục vụ hoạt động dầu khí.

Với nhiệm vụ mới, cộng với sự hiểu biết về ngành Dầu khí, nên PSC đã đáp ứng kịp thời được yêu cầu nhập khẩu một số vật tư thiết bị cho Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh.

Ông Lê Văn Hùng kể: “Tôi vẫn còn nhớ khoảng thời gian này, đồng chí Hoàng Văn Hoan lúc đó là thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thường xuyên góp ý cho việc triển khai hoạt động thương mại ở Petrovietnam và giải trình trực tiếp với Thủ tướng về những khó khăn và thuận lợi khi giao cho Petrovietnam làm xuất nhập khẩu trực tiếp”.

Sau năm 1994, hoạt động thương mại của Petrovietnam thực sự sôi động, có quyền tự chủ và tự quyết, mở ra cánh cửa hợp tác toàn diện với tất cả các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới.

Sở dĩ lấy mốc đó vì vào đầu năm 1994, Chính phủ cho phép Petrovietnam được thành lập Công ty Thương mại Dầu khí. Đây là kết quả của một quá trình chứng minh trên thực tiễn cho thấy Petrovietnam có thể chủ động làm khâu đột phá trong công tác xuất nhập khẩu. Việc lựa chọn Giám đốc Công ty Thương mại Dầu khí cũng là một vấn đề nan giải. Khi đó, lãnh đạo Petrovietnam đã rất trăn trở khi phải lựa chọn ai để thực hiện được mục đích của Petrovietnam và vẫn giữ được quan hệ tốt với Bộ Thương mại.

Thương mại dầu khí - Khát vọng vươn ra thế giới (Tiếp theo và hết)
Giàn khai thác trung tâm mỏ Bạch Hổ ngày nay

Sau nhiều lần bàn bạc, “nâng lên đặt xuống” rất nhiều cán bộ, Petrovietnam đã quyết định rút ông Phạm Hồng Minh - Phó tổng giám đốc thương mại của Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (nguyên Phó giám đốc Công ty Petechim - Bộ Thương mại) về giao nhiệm vụ Giám đốc Công ty Thương mại Dầu khí.

Trong buổi làm việc với Bộ Thương mại, Petrovietnam, Công ty Petechim, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đã phân định: Xuất khẩu dầu và các hợp đồng nhập khẩu vật tư, thiết bị lớn vẫn phải qua Công ty Petechim, Công ty Thương mại Dầu khí chỉ nhập các thiết bị nhỏ lẻ.

Sau 6 tháng, Công ty Thương mại Dầu khí hoạt động có hiệu quả, việc giao cho một doanh nghiệp thực hiện trọn vẹn vai trò xuất khẩu đã chín muồi. Ngày 5-10-1994, Chính phủ đã quyết định sáp nhập bộ phận xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu vật tư thiết bị dầu khí của Công ty Petechim vào Công ty Thương mại Dầu khí thuộc Petrovietnam và chuyển thương hiệu Petechim cho Công ty Thương mại Dầu khí.

Thương mại dầu khí - Khát vọng vươn ra thế giới (Tiếp theo và hết)
Đoàn công tác Petrovietnam tại Thuỵ Sĩ

Từ ngày đó, việc xuất khẩu dầu thô hoàn toàn do Petrovietnam triển khai. Mặc dù thị trường dầu thô luôn biến động về giá, cước vận tải... nhưng cho đến nay, các chuyến dầu đều được giao đúng tiến độ, phục vụ tốt cho công tác khai thác dầu thô của Petrovietnam và các nhà thầu dầu khí đang hoạt động trên thềm lục địa Việt Nam.

Năm 1994, Chính phủ cho phép Petrovietnam được thành lập Công ty Thương mại Dầu khí. Từ đó, hoạt động thương mại của Petrovietnam thực sự sôi động, có quyền tự chủ và tự quyết, mở ra cánh cửa hợp tác toàn diện với tất cả các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới.

Qua hơn 30 năm công tác trong ngành Dầu khí Việt Nam, chuyện mà ông Lê Văn Hùng nhớ nhất là vào tháng 6-1997, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Iraq. Petrovietnam đã cử một đoàn cán bộ gồm nhiều giám đốc các đơn vị và Trưởng phòng Thương mai - Thị trường tham gia đoàn. Trong phần đàm phán về dầu khí, đoàn Chính phủ giao trực tiếp cho ông Lê Văn Hùng, ông Phạm Hồng Minh và ông Đỗ Văn Hậu (sau này là Tổng giám đốc Petrovietnam) làm việc với Bộ Dầu khí Iraq. Kết quả, Chính phủ Iraq đã đồng ý để Petrovietnam tham gia vào chương trình “đổi dầu lấy lương thực”, thực tế là được quyền mua dầu thô của Iraq bán ra thị trường quốc tế và tham gia vào hợp đồng PSC thăm dò, khai thác mỏ dầu Amara của Iraq. Đây là cơ hội vàng cho Petrovietnam kinh doanh dầu thô khi “mua của người cần bán - bán cho người cần mua”. Các tập đoàn dầu khí lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc đều có bộ phận kinh doanh này và thu lợi nhuận rất lớn. Cụ thể, ngay chuyến bán dầu đầu tiên của Petechim đã đem về lợi nhuận hơn 500 nghìn USD cho Petrovietnam.

Đáng tiếc là sau này Petrovietnam chia quyền cho một số doanh nghiệp triển khai hoạt động trong lĩnh vực này mà không tập trung nghiên cứu thị trường, tạo điều kiện để Petechim phát triển thành doanh nghiệp chuyên về thương mại dầu thô quốc tế. Bởi vậy, sau một thời gian, Petechim quay trở lại là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu dầu thô.

Thương mại dầu khí - Khát vọng vươn ra thế giới (Tiếp theo và hết)

Ông Lê Văn Hùng trong chuyến công tác ra đón dòng dầu đầu tiên mỏ Bạch Hổ

Từ năm 1997, lĩnh vực thương mại của Petrovietnam đã được hoàn thiện bằng những hoạt động kinh doanh lớn như kinh doanh dầu thô (xuất khẩu, mua và bán dầu trên thị trường quốc tế), kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm dầu khí (hạn mức đầu tiên được trao cho Công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí - PTSC), kinh doanh khí, các sản phẩm phân đạm, hóa chất và hóa phẩm dầu khí.

Sau 25 năm phát triển, các công ty dịch vụ thương mại ban đầu đến nay đều lớn mạnh, trở thành các tổng công ty, còn Tổng công ty Dầu khí Việt Nam chuyển đổi mô hình thành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - tập đoàn kinh tế lớn, trụ cột của nền kinh tế đất nước.

Petrovietnam không những xuất nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm từ dầu khí mà còn tham gia vào việc mua sắm trang thiết bị siêu trường, siêu trọng, công nghệ bản quyền để xây dựng các nhà máy chế biến khí, nhà máy sản xuất phân đạm, nhà máy điện, đặc biệt là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia. Có thể khẳng định, hoạt động thương mại đã góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đầy đủ chuỗi giá trị ngành Dầu khí Việt Nam từ thăm dò, khai thác, dịch vụ dầu khí, chế biến dầu khí đến công nghiệp điện, công nghiệp khí.

60 năm phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, hơn 30 năm mở cửa nền kinh tế, hoạt động thương mại của Petrovietnam đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng. Giờ đây, Petrovietnam và các doanh nghiệp trong nước đủ thế và lực tham gia sâu mọi thị trường trên thế giới. Rất đáng ghi nhận.

Hiện nay, Petrovietnam đang triển khai 11 hợp đồng dầu khí tại 9 quốc gia, vùng lãnh thổ. Petrovietnam đã xây dựng được thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao.
Nguồn: