Tiến vào xứ sở dầu mỏ Brunei
01:28 SA @ Thứ Năm - 07 Tháng Tám, 2014

Là một nền kinh tế có quy mô nhỏ, song sự thịnh vượng của Brunei thì ít quốc gia bì kịp. Và với 90% GDP đến từ dầu mỏ và khí thiên nhiên, quốc gia này được mệnh danh là "xứ sở dầu mỏ".

Nhịp sống thanh bình

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Vương quốc Brunei là nhịp sống yên bình, bởi sân bay quốc tế to lớn nhưng thưa thớt, chỉ có vài chiếc máy bay của hãng hàng không Hoàng gia Brunei và Air Asia.

Ấn tượng tiếp theo là sự thân thiện của nhân viên hải quan. Họ luôn nở nụ cười với du khách, thậm chí còn vui vẻ chỉ cho khách cách phát âm vài câu chào xã giao bằng ngôn ngữ địa phương.

Trên đường phố Brunei, xe cộ lưu thông trên làn đường bên trái với vô lăng xe bên phải. Giá xăng dầu ở đây chỉ bằng một phần ba giá ở Việt Nam. Trung bình một người dân địa phương sở hữu ba chiếc xe hơi. Vì lẽ đó, số lượng xe taxi trên toàn đất nước chỉ khoảng 50 chiếc.

Điểm tham quan đầu tiên của tôi ở Brunei là làng nổi trên sông Kampong Ayer. Đường vào bến thuyền xuyên qua một khu chợ bày bán những món đặc trưng vùng sông nước Brunei. Các cô, các chị bán hàng trùm khăn che kín đỉnh đầu và tóc. Ngay bến thuyền có dịch vụ tàu gỗ chở khách vào làng tham quan. Làng nổi Kampong Ayer là ngôi làng cổ nhất ở Brunei với tuổi đời 1.500.

Ngôi làng có diện tích hơn 10 km vuông và khoảng 30 nghìn cư dân sinh sống dọc theo bờ sông Brunei. Kampong Ayer quyến rũ khách tham quan bởi những ngôi nhà sàn truyền thống, các trường học, những cây cầu bằng gỗ và không khí yên bình thấm đẩm trong từng ngõ ngách của làng nổi.

Những công trình vàng

Rời làng nổi Kampong Ayer, tôi đến chiêm ngưỡng những biểu tượng vàng của Vương quốc Brunei - các thánh đường Hồi giáo. Hai thánh đường được xem là nguy nga tráng lệ nhất ở thủ đô Bandar là Masjid Omar Ali Saifuddien và Jame Asr Hassanil Bolkiah Mosque.

Masijd Omar Ali Saifuddien là một trong những công trình biểu tượng cho sự giàu sang và sung túc của đất nước Brunei, được đặt theo tên của vị vua thứ 28 của Brunei. Thánh đường được xây dựng từ năm 1958, cao 52 m, đỉnh mái vòm mạ vàng, cột và tường lát đá cẩm thạch. Thánh đường có các đường hầm để vua sử dụng khi vi hành trong thành phố. Toàn bộ khuôn viên thánh đường nằm giữa một hồ nước nhân tạo ở ven bờ sông Brunei.

Thánh đường Masijd Omar Ali Saifuddien

Jame Asr Hassanil Bolkiah Mosque là thánh đường lớn và vĩ đại nhất Brunei. Đây là nơi thu hút người dân địa phương và tín đồ Hồi giáo các nước đến cầu nguyện cả ngày và đêm. Kiến trúc tinh tế và nổi bật nhất phải kể đến là những mái vòm bằng vàng ròng làm cho thánh đường luôn nổi bật trên nền trời bất kể ngày hay đêm.

Jame Asr Hassanil Bolkiah Mosque được xây dựng vào năm 1992 với nội thất hoàn toàn ngoại nhập: thảm Ả Rập, tường ốp bằng gạch Châu Âu, hoa văn trang trí từ Úc, những chùm đèn pha lê nặng vài ba tấn, vàng dát khắp nơi… Xung quanh thánh đường, những đài phun nước và khu vườn xanh được đặt xen kẽ nhau một cách khéo léo tạo nên khung cảnh yên bình đến nao lòng.

Jame Asr Hassanil Bolkiah Mosque

Nơi mang lại sự thịnh vượng

Tôi được một người địa phương đưa đến tận Trung tâm khai thác dầu và khí đốt Seria của Brunei. Về khoảng cách địa lý, nếu ví thủ đô Bandar như TP. Hồ Chí Minh thì khu lọc dầu Seria được ví như Vũng Tàu. Tuy nhiên, đường sá ở Brunei khá tốt nên xe chạy chỉ mất có một tiếng từ thủ đô Bandar đến Seria.

Khác với hình dung của tôi về một giàn khoan dầu ở giữa biển khơi và người “không có nhiệm vụ” sẽ không thể lại gần, những giàn khoan dầu ở Seria được đặt rải rác dọc trên bãi cỏ xanh chạy dài thẳng tắp và giáp với biển, và tôi – một du khách nước ngoài đến Brunei vẫn có thể mục sở thị.

Những dàn máy khoan màu vàng cam trông giống hệt những chú hươu cao cổ đang miệt mài gật gù đều đặn và nhịp nhàng. Bao quanh mỗi dàn máy là những hàng rào sơn xanh đơn gỉản. Ấy thế mà mỗi phút gật gù, mỗi chiếc máy mang lại cho đất nước Brunei 100 Brunei Dollar, tương đương với 1,6 triệu đồng Việt Nam.

Không chỉ có thế, Seria còn có khu lọc dầu hiện đại và kéo dài ra đến tận ngoài biển. Sát bờ biển, một đài kỷ niệm có kiến trúc lạ mắt với sáu cái cột lớn màu xanh xám uốn vòng đan xen với nhau. Trên đỉnh đài là biểu tượng đất nước Brunei.

Đài kỷ niệm được xây nhân dịp kỷ niệm sự kiện quan trọng khi Brunei xuất khẩu 1 tỷ thùng dầu.

Biểu tượng của sự sang trọng và quyền lực

Ngày thứ hai ở Brunei, tôi đến Bảo tàng Royal Regalia - nơi trưng bày những chứng tích và mang lại cái nhìn tổng thể về cuộc sống của Hoàng gia Brunei qua nhiều thời kỳ, nhưng đầy đủ nhất là thời kỳ Hoàng gia Regalia trị vì.

Bảo tàng Royal Regalia

Bảo tàng Hoàng gia Regalia có kiến trúc ấn tượng, sang trọng và lộng lẫy theo phong cách của vua chúa ngày xưa. Những linh vật của Hoàng gia Brunei trưng bày ở nơi đây đều được khảm bằng vàng, bạc và các loại ngọc quý.

Điểm thứ hai trong ngày, tôi đến The Empire Hotel & Country Club - quần thể khách sạn có đẳng cấp 6 sao, rộng 180 hecta với 443 phòng (trung bình mỗi phòng rộng 4.000 mét vuông).

The Empire Hotel là khách sạn sang trọng và nổi tiếng nhất Brunei. Trước đây, quần thể khách sạn từng là nơi ở của Hoàng gia Brunei, do vậy khách sạn được tách biệt với khu trung tâm Bandar. The Empire Hotel được xem là một trong những khách sạn cao cấp nhất Châu Á và là một trong mười khách sạn đẹp nhất thế giới, nằm cạnh bãi biển, có đầy đủ khu vui chơi giải trí, sân golf, hồ bơi, ngân hàng, rạp chiếu phim.

Cung điện Hoàng gia Brunei là điểm đến cuối cùng trong hành trình đến với Vương quốc Brunei của tôi. Và đây là một kết thúc thật hoàn hảo.

Cung điện có tên Istana Nurul Iman, theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “Cung điện ánh sáng của các vị Thánh”. Đây chính là hoàng cung hoành tráng và lớn nhất thế giới, vượt xa so với cung điện Buckingham của Vương quốc Anh và Madrid của Tây Ban Nha.

Cung điện tọa lạc trên một ngọn đồi phủ rợp bóng cây xanh trên hạ lưu sông Brunei, mặt tiền của cung điện hướng về phía nam nơi có thủ đô Bandar Seri Begawan. Hoàng cung Istana Nurul Iman là nơi ở của Quốc vương Hassanal Bolkiah và dòng dõi hoàng tộc của ông. Đồng thời nơi đây còn là chỗ ở và văn phòng làm việc của Chính phủ Brunei.

Hoàng cung được xây vào năm 1984 với tổng chi phí 1,4 tỷ USD; được thiết kế theo kiến trúc đặc trưng Hồi giáo với 1.788 phòng, 110 gara đậu xe ở tầng hầm, 257 phòng tắm, 564 ngọn đèn... Ngoài ra, trong cung điện còn có một thánh đường với sức chứa 1.500 người, phòng khách chứa 4.000 người và phòng ăn cho 5.000 người. Cung điện mở cửa cho người dân và du khách vào tham quan nhân dịp lễ Hari Raya.

Trong hoàng cung có bộ sưu tập hơn 500 chiếc xe hơi đắt tiền của Sultan Brunei, đặc biệt là 165 chiếc Roll Royce hạng sang. Đây cũng chính là biểu tượng cho quyền lực của nhà vua và sự giàu có của xứ sở dầu mỏ Brunei.

Nguồn: