Toàn cảnh bức tranh năng lượng Nga
03:32 SA @ Thứ Ba - 27 Tháng Mười, 2015

Theo báo cáo mới công bố của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên chủ chốt của thế giới, với nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu năng lượng. Trong năm 2013, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chiếm 50% nguồn thu ngân sách Liên bang Nga và 68% tổng kim ngạch xuất khẩu của “xứ sở bạch dương”.

Châu Âu phụ thuộc vào Nga như một nguồn cung cấp năng lượng với hơn 30% dầu thô và khí đốt tự nhiên cung cấp cho châu Âu trong năm 2014 đến từ Nga.

Về dầu thô, trữ lượng dầu được kiểm chứng của Nga tính đến tháng 1/2015 là 80 tỷ thùng. Trong năm 2014, Nga sản xuất ước tính khoảng 10,9 triệu thùng xăng dầu/ngày, tiêu thụ hơn 3,5 triệu thùng/ngày. Nga xuất khẩu hơn 6 triệu thùng/ngày trong năm 2013, bao gồm 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và số còn lại là các chế phẩm dầu mỏ.

Một cơ sở lọc dầu của Rosneft ở Achinsk, Nga.

Phần lớn hoạt động sản xuất dầu thô của Nga ở Tây Siberia và vùng Urals - Volga, và chỉ khoảng 10% sản lượng trong năm 2013 là có nguồn gốc ở Đông Siberia và vùng Viễn Đông của Nga (Krasnoyarsk, Irkutsk, Yakutia, và Sakhalin). Nga có nhiều loại dầu, trong đó loại dầu xuất khẩu chính của Nga là hỗn hợp Urals - loại hỗn hợp của dầu thô chua nặng từ các mỏ Volga - Urals và dầu thô ngọt nhẹ từ Tây Siberia.

Hầu hết hoạt động sản xuất dầu của Nga vẫn do các doanh nghiệp trong nước chi phối. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga bắt đầu tư nhân hóa ngành công nghiệp dầu mỏ, nhưng lĩnh vực dầu - khí của Nga lại dần trở lại sự kiểm soát của nhà nước trong vài năm qua. Một số các bộ của Nga có liên quan trong lĩnh vực dầu mỏ: Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép cho các mỏ, giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận cấp phép, áp các mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về môi trường; Bộ Năng lượng phát triển và thực hiện các chính sách năng lượng nói chung; Bộ Phát triển Kinh tế giám sát thuế quan, trong khi Bộ Tài chính có trách nhiệm thu thuế nhiên liệu hóa thạch.

Có hai loại thuế nhiên liệu hóa thạch chính ở Nga: thuế khai thác khoáng sản và thuế xuất khẩu. Trong những năm gần đây, Chính phủ Nga đã đưa ra một số chính sách thuế đặc biệt hoặc những ưu đãi giảm thuế để khuyến khích đầu tư vào các cơ sở khai thác khó khăn như mỏ ngoài khơi Bắc Cực, khu vực đá phiến sét. Các công ty dầu khí như ExxonMobil, Eni, Statoil, và Trung Quốc (CNPC) đã tiến hành hợp tác với Rosneft để tiến hành thăm dò các mỏ. Tuy nhiên, hầu hết sự tham gia của các công ty phương Tây đã tạm ngừng sau khi Mỹ và các nước châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Về lĩnh vực lọc dầu, Nga sở hữu 40 nhà máy lọc dầu với tổng công suất chưng cất dầu thô là 5,5 triệu thùng/ngày tính đến ngày 1/1/2015. Công ty điều hành lọc dầu lớn nhất Rosneft sở hữu 9 nhà máy lọc dầu chính ở Nga. Lukoil là nhà điều hành lớn thứ hai tại Nga với 4 nhà máy lớn. Ngoài ra còn có nhiều nhà máy lọc dầu lâu đời với công nghệ lọc đơn giản, dầu nhiên liệu chất lượng thấp, song lại chiếm một phần lớn sản lượng.

Tập đoàn Gazprom thuộc sở hữu nhà nước thống trị lĩnh vực khí tự nhiên.

Về xuất khẩu dầu mỏ, trong năm 2014, Nga đã xuất khoảng 7,3 triệu thùng/ngày. Phần lớn dầu thô của Nga (72%) được xuất sang các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, Hà Lan, Belarus và Ba Lan. Doanh thu từ xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu trong năm 2013 chiếm 54% tổng doanh thu xuất khẩu của Nga. Ngoài ra, một nửa nguồn thu ngân sách Liên bang của Nga trong năm 2013 đến từ thuế khai thác khoáng sản và thuế xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nga đang phụ thuộc vào sức tiêu dùng của châu Âu, nhưng châu Âu cũng phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu mỏ của Nga, với hơn 30% nguồn cung dầu thô của châu Âu trong năm 2014 đến từ Nga.

Trong khi đó, châu Á chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Nga vào năm 2014, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản chiếm một phần ngày càng tăng trong tổng lượng xuất khẩu của Nga. Xuất khẩu dầu thô của Nga đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ bị thay thế bởi mức tăng sản lượng dầu thô tại Mỹ, Canada, và ở một mức độ thấp hơn, ở Brazil, Colombia, và các quốc gia ở châu Mỹ.

Phần lớn dầu thô xuất khẩu của Nga được chuyển qua hệ thống đường ống của Transneft. Song một số lượng nhỏ hơn được vận chuyển bằng đường sắt và qua các cảng biển. Novorossiysk là cảng xuất khẩu xăng dầu chính của Nga trên bờ Biển Đen với công suất hơn 1 triệu thùng/ngày. Có ít nhất 20 cảng phục vụ đầu ra đối với hoạt động xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga sang các thị trường khác nhau, bao gồm châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

Nga cũng nắm giữ trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, và là nhà sản xuất lớn thứ hai khí tự nhiên khô. Tập đoàn Gazprom thuộc sở hữu nhà nước thống trị lĩnh vực khí tự nhiên, mặc dù hoạt động sản xuất từ các công ty khác cũng đang gia tăng. Doanh thu từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên trong năm 2013 của Nga chiếm khoảng 14% tổng doanh thu xuất khẩu của Nga.

Phần lớn trữ lượng khí đốt tự nhiên của Nga được sản xuất ở khu vực phía bắc Tây Siberia. Tuy nhiên, Gazprom và một số công ty khác đang đầu tư vào các khu vực mới như bán đảo Yamal, Đông Siberia, và đảo Sakhalin.

Nga cũng đứng thứ ba trên thế giới về nhà máy điện hạt nhân và lớn thứ tư về năng lực lắp đặt hạt nhân. Nga có công suất lắp đặt năng lượng hạt nhân khoảng 24 triệu KW, thông qua hoạt động của 34 lò phản ứng hạt nhân tại 10 địa điểm. Tuy nhiên, các cơ sở điện hạt nhân của Nga đang bị lão hóa. Với 9 lò phản ứng hạt nhân hiện đang được xây dựng, Nga là nước đứng thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, về số lượng các lò phản ứng đang được xây dựng tính đến tháng 3/2015. Theo mục tiêu hiện tại của Nga, tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng lượng điện năng năm 2030 ước tính từ 25 - 30%, dự kiến sẽ tăng lên 45 - 50% vào năm 2050 và 70 - 80% vào năm 2100.

Về than đá, Nga là nước đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, về trữ lượng than đá với khoảng 173 tỷ tấn than đá. Nga cũng là nước xuất khẩu than lớn thứ ba thế giới với khoảng 145 triệu tấn, sau Indonesia và Australia. Lượng than xuất khẩu của Nga đã tăng đều đặn kể từ cuối những năm 1990, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh sang châu Á trong những năm gần đây. Trong năm 2014, khoảng 44% lượng than xuất khẩu của Nga là sang châu Á.

Nguồn: