Top 20 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới: BP plc (11)
04:17 SA @ Thứ Tư - 23 Tháng Bảy, 2014

(VINPA) - BP plc, đôi khi được gọi với tên cũ British Petroleum, là công ty dầu và khí đa quốc gia của Anh có trụ sở tại London.

BP là công ty năng lượng xếp thứ 6 trên thế giới về vốn hóa thị trường, xếp thứ 5 trên thế giới về lợi nhuận và là công ty dầu và khí lớn thứ 6 thế giới về sản lượng năm 2012. Năm 2013, sản lượng của BP là 3,1 triệu thùng/ngày dầu và khí quy đổi. Với mức này, BP đứng thứ 11 trên 20 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes.

Trụ sở của BP tại London, Anh. Nguồn: postgradproblems.com

BP hoạt động trong mọi lĩnh vực liên quan tới ngành dầu và khí, bao gồm khai thác và sản xuất; lọc dầu; phân phối và tiếp thị; hóa dầu. BP cũng có một số hoạt động liên quan tới lĩnh vực năng lượng tái tạo như nhiên liệu sinh học và năng lượng gió. Các sản phẩm chính của BP bao gồm xăng dầu, khí tự nhiên, nhiên liệu động cơ, nhiên liệu hàng không và hóa dầu.

Tính tới tháng 12/2013, BP hoạt động tại gần 80 quốc gia, sản xuất khoảng 3,1 triệu thùng dầu và khí quy đổi một ngày và có tổng trữ lượng được chứng minh là 17,9 tỷ thùng dầu quy đổi. BP có khoảng 17.800 trạm dịch vụ. Chi nhánh lớn nhất của BP là BP America ở Mỹ. Tại Nga, BP sở hữu 19,75% cổ phần trong Rosneft - công ty dầu và khí công khai lớn nhất thế giới về trữ lượng hydrocarbon và sản lượng.

Năm 2003, BP sáp nhập tài sản dầu khí của công ty ở Nga với tài sản của tập đoàn Nga AAR Consortium (Alfa Group, Access Industries, and Renova) lập nên liên doanh TNK-BP. TNK-BP hiện là tập đoàn dầu khí lớn thứ 3 của Nga trong đó BP và AAR nắm giữ giá trị sở hữu ngang nhau.

Năm 2013, doanh thu của BP đạt US$396,217 tỷ, lợi nhuận từ sản xuất là $31,769 tỷ và lợi nhuận ròng là $23,758 tỷ. Tính đến năm 2013, tổng số nhân công của công ty trên toàn thế giới là 83.900 người.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị của BP hiện là Carl-Henric Svanberg và Tổng giám đốc điều hành là Robert Dudley.

Các công ty tiền thân

Anglo-Persian Oil Company
Castrol
Standard Oil of Ohio
ARCO
Amoco

Lịch sử BP

1909 (Anglo-Persian Oil Company)
1935 (Anglo-Iranian Oil Company)
1954 (British Petroleum)
1998 (BP Amoco plc)
2001 (BP plc)

Logo của BP qua các năm. Nguồn: bp.com

BP có tiền thân là Công ty Anglo-Persian Oil Company năm 1909, được thành lập như một công ty con của Công ty dầu Burmah để khai thác nguồn dầu tại Iran. Năm 1935, Anglo-Persian Oil Company đổi tên thành Anglo-Iranian Oil Company và năm 1954 thành British Petroleum.

Năm 1959, công ty mở rộng hoạt động ra ngoài Trung Đông tới Alaska và năm 1965 trở thành công ty đầu tiên khai thác dầu tại biển Bắc. British Petroleum mua lại phần lớn cổ phần công ty Standard Oil of Ohio năm 1978. Phần lớn công ty lúc này thuộc quyền sở hữu của nhà nước, chính phủ Anh đã tư nhân hóa công ty trong giai đoạn từ 1979 và 1987. British Petroleum sáp nhập với Amoco năm 1998, đổi thành BP Amoco plc, và sáp nhập với ARCO và Burmah Castrol năm 2000, chuyển thành BP plc năm 2001. Từ 2003 tới 2013, BP là đối tác trong công ty liên doanh TNK-BP tại Nga.

Hoạt động

Thượng nguồn: thăm dò, khai thác dầu và khí tự nhiên

Hoạt động thượng nguồn của BP bao gồm thăm dò các mỏ tự nhiên và mỏdầumới; phát triển; sản xuất; vận chuyển; lưu trữ và xử lý dầu và khí tự nhiên.

Giàn khoan nửa nổi nửa chìm Thunder Horse PDQ tại mỏ dầu Thunder Horse. Nguồn: en.wikipedia

Về mảng thượng nguồn, BP hiện có mặt tại 30 quốc gia trên khắp thế giới, bao gồm Angola, Azerbaijan, Brazil, Canada, Ai Cập, Ấn Độ, Iraq, Na Uy, Nga, Trinidad & Tobago, Anh và Mỹ. Ngoài sản xuất và khai thác các mỏ dầu truyền thống, BP còn có cổ phần tại 3 dự án dầu cát ở Canada.

Hạ nguồn: lọc dầu và phân phối

Hoạt động hạ nguồn của BP bao gồm lọc dầu; phân phối; chế biến; vận chuyển; giao dịch và cung cấp dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và xăng dầu. Mảng hạ nguồn chịu trách nhiệm kinh doanh nhiên liệu, dầu nhờn và sản phẩm hóa dầu và hoạt động chính tại châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Tính tới tháng 11 năm 2013, BP sở hữu và có cổ phần tại 14 nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới, 7 trong số đó đặt tại châu Âu và 3 nhà máy tại Mỹ.

Một trạm dịch vụ của BP. Nguồn: Courtesy of WordPress

BP sở hữu và có cổ phần trong 17 nhà máy hóa dầu trên toàn thế giới tính tới năm 2013. Các sản phẩm hóa dầu, dầu nhờn, nhiêu liệu và các dịch vụ liên quan của BP được tiếp thị và phân phối trên hơn 70 quốc gia.

Một trạm dịch vụ của BP mang thương hiệu Aral tại Weiterstadt, Đức. Nguồn: en.wikipedia

BP hiện có khoảng 17.800 trạm nhiên liệu, chủ yếu hoạt động dưới thương hiệu BP. Ở Đức và Luxembourg, BP vận hành các trạm xăng với thương hiệu Aral khi mua lại phần lớn cổ phần của Veba Öl AG năm 2011. Trên bờ Tây Hoa Kỳ, ở các bang California, Oregon, Washington, Nevada, Idaho, Arizona và Utah, BP chủ yếu vận hành các trạm dịch vụ với thương hiệu ARCO.

Castrol là thương hiệu chính cho dầu nhờn công nghiệp và ô tô của BP. Thương hiệu này xuất hiện trên rất nhiều loại dầu, mỡ và các sản phẩm tương tự có ứng dụng bôi trơn của BP.

Sự cố môi trường

BP liên quan trực tiếp tới các sự cố lớn về an toàn môi trường, trong số đó có vụ nổ Nhà máy lọc dầu Texas City năm 2005 khiến 15 công nhân thiệt mạng; vụ tràn dầu lớn nhất nước Anh khi nổ tàu Torrey Canyon; và sự cố tràn dầu tại Vịnh Prudhoe năm 2006 - vụ tràn dầu lớn nhất tại North Slope, Alaska khiến BP bị phạt dân sự US$25 triệu, mức phạt lớn nhất tính theo thùng dầu cho một sự cố tràn dầu tại thời điểm đó.

Các hoạt động dập lửa sau vụ nổ nhà máy lọc dầu Texas City. Nguồn: en.wikipedia

Năm 2010, sự cố tràn dầu Deepwater Horizon làm tràn ra biển một lượng dầu lớn nhất trong lịch sử, dẫn đến hậu quả môi trường, sức khỏe và kinh tế nghiêm trọng đồng thời ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của BP. 1,8 triệu gallon hạt dầu corexit đã được sử dụng để dọn dẹp dầu lan, trở thành ứng dụng lớn nhất của loại hóa chất này trong lịch sử Hoa Kỳ.

Các tàu chữa cháy trên giàn khoan Deepwater Horizon trong khi cảnh sát Hoa Kỳ tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Nguồn: en.wikipedia

BP vướng vào 11 án phạt ngộ sát, 2 án phạt về cách xử lý tình huống và một án phạt về tội nói dối Quốc hội. BP đã đồng ý trả hơn $4,5 tỷ tiền phạt, mức phạt hình sự lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

BP oil spill

Các mảng dầu lan sau sự cố tràn dầu Deepwater Horizon. Nguồn:Ted Jackson/AP

Thủ tục tố tụng pháp lý vẫn đang được tiến hành và phiên tòa dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 1 năm 2015 để quyết định mức phạt theo Đạo luật Nước sạch và Thẩm định Thiệt hại Tài nguyên. BP có thể sẽ phải đối mặt với mức tiền phạt lên tới $17,6 tỷ tại phiên tòa trên.

Dầu phủ khắp người chim bồ nông trên vùng biển Vịnh Mexico ngoài khơi bờ biển Grand Isle, Louisiana vào ngày 7/6/2010. Nguồn: robinloznakphotography

BP tại Việt Nam

BP là một trong những công ty dầu khí đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào thập niên 90 của thế kỷ trước. BP tới Việt Nam với sự đầu tư vào hai dòng kinh doanh chính trong ngành công nghiệp dầu khí: thượng nguồn gồm thăm dò, khai thác và hạ nguồn gồm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trong lĩnh vực dầu nhờn, hai thương hiệu dầu nhờn nổi tiếng thế giới đồng thời có mặt tại Việt Nam là dầu nhờn BP và dầu nhờn Castrol được phân phối thông qua Công ty TNHH Castrol BP Petco.

Trong lĩnh vực khai thác dầu khí, năm 2010 BP đã bán lại tài sản của mình cho liên doanh TNK-BP nhằm trang trải chi phí xử lý thảm họa tràn dầu Deepwater Horizon tại Vịnh Mexico.

Giàn khai thác khí mỏ Lan Đỏ. Nguồn: petrotimes

Tại Việt Nam, TNK-BP hiện có 35% cổ phần trong lô 6.1 thuộc bể Nam Côn Sơn về phía Đông Nam thềm lục địa Việt Nam, nơi chứa các mỏ khí quan trọng như Lan Tây và Lan Đỏ. Ngoài ra, TNK-BP còn nắm 32,7% cổ phần trong hệ thống đường ống vận chuyển và xử lý dầu khí Nam Côn Sơn cùng 33% cổ phần trong nhà máy điện Phú Mỹ 3. TNK-BP hoạt động chủ yếu thông qua Công ty TNK Việt Nam.

Nguồn: