(VINPA) - Công ty cổ phần Gazprom (Tập đoàn Gazprom) là một trong những công ty lớn nhất thế giới chuyên về khai thác khí tự nhiên. Trụ sở công ty đặt tại Moscow, Nga. Công ty hiện dưới sự quản lý của Chủ tịch Viktor Zubkov[1]và Phó chủ tịch kiêm CEO Alexei Miller[2].
Gazprom là mô hình doanh nghiệp nhà nước, được thành lập năm 1989 khi Bộ Công nghiệp Khí của Liên bang Xô Viết chuyển đổi thành mô hình tập đoàn, giữ nguyên vẹn tất cả tài sản. Công ty sau đó được tư hữu hóa từng phần, nhưng hiện nay chính phủ Nga đang giữ phần lớn quyền kiểm soát tập đoàn này (50,01%).
Trụ sở Gazprom tại Moscow, Nga |
Trữ lượng có thể và đã được chứng minh của Gazprom trong năm 2011 là 22,844 nghìn tỷ m3 khí tự nhiên, chiếm 18,3% trữ lượng khí tự nhiên đã được chứng minh của thế giới; 1,216 tỷ tấn dầu thô và 757,8 tỷ tấn gas condensate.
Năm 2011, tập đoàn Gazprom sản xuất 513,17 tỷ m3 khí tự nhiên. Con số này chiếm khoảng 17% lượng khí sản xuất ra trên toàn cầu và 83% lượng sản xuất của Nga. Ngoài ra, trong năm 2011 tập đoàn này còn sản xuất được 32,3 triệu tấn dầu mỏ và 12,1 triệu tấn condensate.
Sản lượng dầu và khí tự nhiên quy đổi của Gazprom năm 2013 là 8,1 triệu thùng/ngày, theo xếp loại của tạp chí danh tiếng Forbes, Gazprom xếp thứ 2 trong top 20 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Các mỏ sản xuất của Gazprom tập trung phần lớn tại vùng Gulf of Ob[3] ở Yamalo-Nenets Autonomous Okrug - phía Tây Siberia. Gazprom hiện sở hữu hệ thống chuyên chở khí gas lớn nhất trên thế giới, với xấp xỉ 158,200 km đường ống. Các dự án đường ống lớn của Nga bao gồm Nord Stream[4] và South Stream[5].
Sản lượng dầu thô khai thác của tập đoàn chủ yếu thông qua công ty con Gazprom Neft, với tên gọi lúc trước là Sibneft. Gazprom đã mua 75% cổ phần của công ty này vào năm 2005 với giá 13,1 tỷ $.
Đường ống Nord Stream từ Vyborg, Nga đến Greifswald, Đức |
Gazprom xuất khẩu gas tới 25 nước ở châu Âu, ngoại trừ hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Một lượng lớn khí của Nga ở châu Âu được bán theo các hợp đồng từ 20-25 năm. 60% lợi nhuận của Gazprom đến từ các khách hàng châu Âu.
Hiện Gazprom sở hữu các công ty con thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, bao gồm tài chính, truyền thông và hàng không. Ngoài ra, tập đoàn này còn kiểm soát phần lớn cổ phần trong rất nhiều công ty.
Từ năm 2006, Gazprom và các đối tác của Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác trong các dự án lọc dầu cũng như phát triển và điều hành hệ thống bán nhiên liệu.Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Gazprom, PV Gas và Gazprom M&T đã bắt đầu triển khai hợp tác và đàm phán hợp đồng mua bán trong lĩnh vực LNG từ năm 2012.
Gazprom hiện đang phát triển một số dự án lớn cùng với Petrovietnam khai thác khí ngoài khơi Việt Nam. Gazprom Neft - công ty con của Gazprom – cũng tham gia dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Tuyến đường ống dẫn gas South Stream
Năm 2013, Tập đoàn Gazprom và Petrovietnam Gas Corp cũng đã ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Việt Nam.Tháng 10 năm 2013 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Việt Nam, Tập đoàn Gazprom và PVN đã cam kết tích cực thúc đẩy việc mở rộng hoạt động cho Liên doanh giữa PVN và Gazprom (Gazpromviet) tại Liên bang Nga. Việc Xí nghiệp Liên doanh Gazpromviet ra đời sẽ gắn kết mối quan hệ kinh tế giữa PVN và Gazprom ngày thêm bền chặt.
[1]:Viktor Alekseyevich Zubkov sinh ngày 15/9/1941, là một chính trị gia, doanh nhân Nga và từng là Thủ tướng Chính phủ nước Nga hai lần: từ tháng 9/ 2007- 5/2008 và một thời gian ngắn vào tháng 5 năm 2012. Ông là Phó Thủ tướng Chính phủ đầu tiên cho ông Vladimir Putin trong thời kỳ Thủ tướng Dmitri Medvedev đương nhiệm.
[2]:Miller sinh ngày 31/01/1962 tại Leningrad (nay là Saint Petersburg) trong một gia đình người Đức. Ông lấy bằng tiến sĩ Kinh tế năm 1989. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Ủy ban Quản lý (CEO) của Gazprom.
[3]:Vịnh Ob (còn gọi là Ob Bay) là một vịnh của Bắc Băng Dương, nằm ở phía Bắc Nga tại cửa sông Ob. Vịnh này chảy vào biển Kara giữa bán đảo Gydan và Yamal.
[4]:Nord Stream (Hải lưu Bắc) là một đường ống dẫn khí ngoài khơi từ Vyborg, Nga đến Greifswald, Đức. Hệ thống này thuộc sở hữu và điều hành bởi công ty Nord Stream AG.
[5]:South Stream (Hải lưu Nam) là một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga qua biển Đen tới Bulgaria và tiếp tục tới Hy Lạp, Ý và Áo. Dự án được xây dựng bắt đầu vào tháng 12 năm 2012, và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2015.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)