(VINPA) - Royal Dutch Shell (hay Shell) là công ty dầu khí đa quốc gia Anh – Hà Lan được thành lập tại Vương quốc Anh năm 1907 do sự sáp nhập của Royal Dutch Petroleum (Hà Lan) và Shell Transport & Trading (Anh).
Shell hiện là tập đoàn năng lượng tư nhân lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Exxon Mobil. Trụ sở của Shell đặt tại The Hague[1], Hà Lan. Xét về sản lượng năm 2013, Royal Dutch Shell giữ vị trí thứ 6 trong top 20 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới với 4 triệu thùng dầu và khí quy đổi/ ngày (theo Forbes).
Trụ sở Royal Dutch Shell tại The Hague, Hà Lan
Shell là một trong số những công ty giá trị nhất trên thế giới. Tính đến tháng 1/2013, cổ đông lớn nhất của công ty là Capital Research Global Investors thuộc tổ chức Capital Group[2] với 9,85%, theo sau là BlackRock[3] với 6,89%. Shell hiện đang dưới sự điều hành của CEO Ben van Beurden[4] và Chủ tịch Jorma Ollila[5]. Năm 2013, doanh thu của Royal Dutch Shell chiếm 84% trong con số $555,8 tỷ GPD của Hà Lan.
Shell hiện hoạt động trong mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp dầu khí bao gồm thăm dò và sản xuất, lọc dầu, phân phối và tiếp thị, hóa dầu, sản xuất điện và kinh doanh . Shell cũng tham gia đáng kể vào lĩnh vực hóa dầu và năng lượng tái tạo với việc cung cấp các dịch vụ năng lượng gió, hydrogen và năng lượng mặt trời. Hiện tại, Shell hoạt động tại hơn 90 quốc gia với khoảng 44.000 trạm bán lẻ trên toàn thế giới. Shell Oil Company tại Hoa Kỳ, là một trong những công ty con lớn nhất của Shell.
Câu chuyện về tên Shell bắt nguồn từ “Shell – vỏ sò” trong tên công ty Shell Transport & Trading Company. Năm 1833, Marcus Samuel[6]đã thành lập một công ty nhập khẩu bán vỏ sò cho các khách hàng tại London với tên gọi Shell Transport & Trading Company. Khi thu thập vỏ sò trong khu vực biển Caspian năm 1892, Samuel nhận thấy tiềm năng xuất khẩu dầu đèn từ vùng này và đã đặt làm chiếc tàu chở dầu đầu tiên với tên Murex (tiếng Latin có nghĩa là một loại vỏ ốc) để gia nhập thị trường xuất khẩu dầu. Đến năm 1907, công ty của ông đã có một hạm đội tàu. Cũng theo đó, logo của Shell được thiết kế với biểu tượng vỏ sò.
Logo Shell là một trong những biểu tượng thương mại quen thuộc nhất trên thế giới. Màu vàng và đỏ trên logo được cho là có liên quan tới màu cờ Tây Ban Nha bởi Shell đã xây dựng trạm dịch vụ đầu tiên tại California, trước đó là thuộc địa của Tây Ban Nha.
Logo của Shell qua các thời kỳ (1900-nay)
Ban đầu, có một dấu gạch chéo tồn tại trong tên “Royal Dutch/Shell”. Tuy nhiên, dấu gạch này đã bị bỏ đi năm 2005, đồng thời hai công ty riêng biệt về mặt pháp lý Royal Dutch và Shell được hợp nhất thành một thực thể duy nhất như ngày nay.
Shell hiện tập trung vào 4 lĩnh vực kinh doanh chính: Upstream International (tạm dịch – kinh doanh thượng nguồn trên toàn thế giới), Upstream Americas (kinh doanh thượng nguồn khu vực châu Mỹ), Dowstream (Kinh doanh hạ nguồn) và Projects & Technology (Dự án & Công nghệ). Trong mảng Upstream International, Shell hiện có mặt trên hầu khắp các quốc gia từ châu Á (Malaysia, Phillipines, Singapore…), châu Phi (Ghana, Libya, Morocco, Nigeria, Nam Phi và Tunisia...) cho tới châu Âu (Irland, các nước Bắc Âu …) và Châu Úc (Australia, New Zealand…). Đối với Upstream Americas, Shell chủ yếu khai thác tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Mạng lưới rộng khắp trên toàn thế giới, đặc biệt là lĩnh vực thượng nguồn đã mang lại cho Shell khoản doanh thu lên tới khoảng 451,3 tỷ USD và lợi nhuận xấp xỉ 16,4 tỷ USD năm 2013, đưa tên tuổi Shell lên top 3 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới xét về lợi nhuận.
Doanh thu từ các hoạt động thượng nguồn chiếm 2/3 trong tổng doanh thu của Shell
Trong lĩnh vực hạ nguồn, Shell đạt được thành tựu đáng kể khi sở hữu mạng lưới hơn 44.000 trạm bán lẻ và 47 nhà máy lọc dầu. Lĩnh vực hạ nguồn của Shell còn mở rộng với dịch vụ kinh doanh hóa chất.
Một trạm bán lẻ của Shell
Shell gia nhập thị trường Việt Nam năm 1988 sau khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư Nước ngoài. Ngay lúc đó, Shell đã ký kết hợp đồng phân chia sản phẩm đầu tiên để thăm dò dầu khí ngoài khơi Đà Nẵng và sau đó là ngoài khơi Vũng Tàu.
Shell đã đầu tư hơn 150 triệu đô la Mỹ vào hoạt động thăm dò khai thác nơi đây nhưng không tìm thấy mỏ dầu với trữ lượng thương mại và do đó, hoạt động này đã chấm dứt vào năm 1996.
Tại Việt Nam, hiện nay Shell chủ yếu sản xuất và kinh doanh các dòng sản phẩm dầu nhớt cao cấp cho ô tô, xe máy và các loại động cơ. Shell đang hoạt động với tư cách pháp nhân là Công ty TNHH Shell Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Shell có văn phòng tại Hà Nội và nhà máy tại KCN Gò Dầu (Long Thành, Đồng Nai).
[1]: The Hague là thủ phủ của tỉnh South Holland. Đây là thành phố lớn thứ 3 của Hà Lan, sau Amsterdam và Rotterdam.
[2]: Capital Group là một trong những tổ chức quản lý đầu tư lớn nhất thế giới với tài sản khoảng 1 nghìn tỷ USD. Tổ chức này bao gồm một nhóm các công ty quản lý đầu tư như Capital Research and Management, American Funds, Capital Bank and Trust, Capital Guardian và Capital International. Công ty được thành lập vào năm 1931 bởi Jonathan Bell Lovelace.
[3]: BlackRock, Inc là một công ty quản lý đầu tư đa quốc gia có trụ sở tại New York City. BlackRock được thành lập năm 1988, ban đầu là một công ty quản lý rủi ro. Hiện tại, BlackRock đã trở thành công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, một nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và quản lý rủi ro uy tín. Công ty đã mua lại Barclays Global Investors vào tháng 12/2009. Tính đến tháng 9/2013, BlackRock hiện có tổng tài sản xấp xỉ 4 nghìn tỷ USD.
[4]: Ben van Beurden sinh ngày 23/4/1958 và là một công dân Hà Lan. Van Beurden gia nhập Shell năm 1983 sau khi tốt nghiệp thạc sỹ ngành kỹ sư hóa học của trường Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan). Sự nghiệp của Beurden tại Shell liên quan tới cả lĩnh vực kinh doanh thượng nguồn và hạ nguồn khi đảm nhận một số vai trò quan trọng trong đó có kinh doanh hóa chất và LNG. Trước khi trở thành Giám đốc điều hành của Shell, Beurden là Giám đốc kinh doanh hạ nguồn của Shell từ tháng 01 đến tháng 9 năm 2013.
[5]: Jorma Ollila Jaakko(sinh ngày 15/8/1950) là một doanh nhân người Phần Lan và là Chủ tịch của Shell kể từ ngày 01/6/2006. Trước khi là Chủ tịch của Shell, Ollila từng là Chủ tịch (1999-2012) và Giám đốc điều hành (1992-2006) của tập đoàn Nokia. Ngoài ra, ông còn là thành viên của Hội đồng quản trị của Công ty Ford Motor (2000 -), UPM-Kymmene (1997 -), và Otava Books and Magazines Group Ltd (1996 -).
[6]: Marcus Samuel (05/11/1853 – 17/01/1927) sinh ra trong một gia đình Do Thái Baghdadi ở Whitechapel, London. Cha của ông, cũng tên Marcus Samuel là chủ công ty xuất nhập khẩu M. Samuel & Co kinh doanh khá thành công tại vùng Viễn Đông. Sau này, Marcus cùng anh trai của mình, Samuel Samuel tiếp tục quản lý công ty và lập nên Shell Transport & Trading.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)