Từ Ukraina sang Biển Đông: Góc nhìn trên khía cạnh dầu khí (Phần 1)
03:32 SA @ Thứ Tư - 18 Tháng Sáu, 2014

Diễn biến chính trị xung quanh Ukraina và Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của thế giới từ đầu năm đến nay. Đã có rất nhiều phân tích về các sự kiện ở Ukraina cũng như Biển Đông, bao gồm những nhận định khách quan, chủ quan và thậm chí là các bài viết có tính quy chụp.

Loạt bài viết sau không đi sâu vào chi tiết mối liên hệ chính trị giữa các sự kiện ở Ukraina với Biển Đông mà chỉ phân tích từng sự việc trên khía cạnh năng lượng dầu khí đối với các quốc gia liên quan để bạn đọc có thêm cái nhìn về vai trò của lĩnh vực này trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay.

Phần 1: Nga, Ukraina và phương Tây trong mối quan hệ năng lượng dầu khí

1. Dầu mỏ ở Nga trong diễn biến hiện nay

Có lẽ các anh em của gia đình Nobel nổi tiếng không thể hình dung được rằng lĩnh vực kinh doanh mà họ sáng lập ra ở Nga lại trở thành thứ hàng hóa có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nước Nga suốt cả thế kỷ sau đó. Từ năm 1876, đại gia đình gốc Thụy Điển này đã dành trọn thời gian của mình để tiến hành các hoạt động kinh doanh, khai thác dầu mỏ tại Baku - một thành phố thuộc đế chế Nga khi đó (nay thuộc Azerbaijan), cách Moscow hơn 2000km về phía Nam.

Trong lịch sử hiện đại, dầu mỏ đã hỗ trợ rất nhiều cho nước Nga ở các cuộc chiến tranh như chấm dứt đế chế Ottoman tại châu Âu (dầu mỏ với vai trò công cụ tài chính) và đại chiến thế giới thứ 2 (dầu mỏ cung cấp năng lượng cho kinh tế, quốc phòng, nhiên liệu cho quân đội).

Quá trình phát triển của công nghiệp dầu mỏ ở Nga diễn ra theo hướng từ Nam lên Bắc. Xuất phát điểm từ Baku, các mỏ dầu lớn được tìm thấy quanh vùng núi Kavkaz rồi tiến qua vùng ven biển Caspi và dần lên phía Bắc qua các khu vực dọc theo sông Volga. Cuối cùng các mỏ dầu khí được tìm thấy quanh khu vực vùng núi Ural – dải núi phân chia phần châu Âu và châu Á của nước Nga. Hiện nay khu vực chủ lực của khai thác dầu khí ở Nga nằm xung quanh dãy núi Ural này, bao gồm các bể trầm tích Volga Ural và Timan Pechora ở phần châu Âu cùng bể trầm tích Tây Siberia ở phần châu Á. Khu vực Tây Siberia bao gồm nhiều tỉnh thành và được coi là thủ phủ dầu khí Nga hiện nay.

Sản lượng khai thác dầu ở Nga thường xuyên đứng trong số những nước dẫn đầu thế giới suốt thế kỷ qua. Ngay từ năm 1900, Nga đã khai thác được 10 triệu tấn dầu, chiếm gần 50% sản lượng dầu mỏ thế giới khi đó. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, dầu khí Liên Xô đã khai thác được hơn 100 triệu tấn/năm và đỉnh điểm đạt tới 625 triệu tấn trước khi tan rã. Các nước cộng hòa Kazakhstan và Azerbaijan thuộc Liên Xô thường xuyên đóng góp khoảng 10-20% tổng sản lượng khai thác dầu toàn Liên bang Xô Viết.

Những năm đầu thập kỷ 1990, khai thác dầu mỏ tại Nga sụt giảm nghiêm trọng, một phần do giá dầu thấp, nhưng nguyên nhân chủ yếu do sử dụng công nghệ khai thác lạc hậu, thiếu đầu tư. Sự sụt giảm này trầm trọng nhất vào năm 1996, khi đó sản lượng dầu mỏ chỉ còn khoảng 300 triệu tấn. Tuy nhiên diễn biến khai thác dầu khí ở Nga đã thay đổi nhanh chóng sau giai đoạn bĩ cực. Từ năm 2000 đến nay, sản lượng khai thác dầu khí liên tục tăng, tốc độ trung bình khoảng 10%/năm.

Năm 2013 Nga khai thác 524 triệu tấn dầu, chiếm 12% sản lượng toàn cầu. Nga đã thế chỗ Mỹ để cùng với Arập Saudi thay nhau duy trì ngôi vị số 1 thế giới về khai thác dầu từ 2001 đến nay. Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh từ khi tổng thống Putin lên nắm quyền, nhưng kế hoạch của Nga từ nay tới 2020 và tầm nhìn 2030 cũng chỉ cố gắng duy trì nhịp độ khai thác như mức đỉnh điểm hiện nay. Vì vậy nước Nga muốn trông đợi một nguồn doanh thu đột biến từ dầu thô trong thời gian tới là điều không khả quan lắm, trừ khi có cú sốc về giá dầu giống giai đoạn 2005-2008.

Khoảng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu dầu thô của Nga thường chiếm khoảng 50% sản lượng khai thác (trước đây chỉ chiếm 30-40%). Phần còn lại được các nhà máy lọc dầu trong nước chế biến thành các sản phẩm tinh chế và tiếp tục xuất khẩu 10-20% sang các nước lân cận. Châu Âu chiếm hơn 80% lượng xuất khẩu dầu thô của Nga, trong đó Đức và Hà Lan là thị trường lớn nhất.

Nga vận chuyển dầu bằng nhiều hình thức, từ đường bộ, đường sắt đến đường biển và đường ống. Hệ thống đường ống xuất dầu được xây từ những năm 1960, cung cấp dầu mỏ cho các nhà máy lọc dầu ở Đông Âu. Ngoài ra từ Nga có 3 tuyến đường biển để xuất dầu là khu vực cảng Murmansk ở phía Bắc, xuất sang Mỹ, Tây Âu, khu vực cảng Primorsk ở biển Baltic (gần Saint Peterburg) xuất sang các nước Tây Âu và khu vực cảng Novorossisk, Tuapse ở Biển Đen, xuất dầu sang các nước Địa Trung Hải và châu Á.

Theo tổng cục thống kê Nga, năm 2013 xuất khẩu 236 triệu tấn dầu, trong đó hơn 110 triệu bằng đường ống. Còn lại chủ yếu xuất khẩu bằng đường biển và một phần bằng đường tàu hỏa. Trong các tuyến đường biển xuất dầu, khu vực Primorsk ở biển Baltic chiếm khoảng 60-70 triệu tấn và khu vực biển Đen chiếm 30 triệu tấn. Tuy nhiên khu vực Biển Đen còn đóng vai trò quan trọng khác là đầu mối quá cảnh, xuất khẩu tới 70 triệu tấn dầu cho Kazakhstan và Azerbaijan. Phong tỏa Biển Đen sẽ khóa đường xuất dầu từ các nước thuộc không gian Xô Viết cũ và càng khiến các nước này tìm lối thoát riêng như Azerbaijan đã tham gia vào tuyến đường ống dẫn dầu BTC (Baku – Tbilisi – Ceyhan) để tránh Biển Đen. Tương tự là vùng biển Baltic. Việc ngăn chặn hai vùng biển này sẽ khiến Nga mất đi ½ lượng xuất khẩu dầu thô. Vì vậy mỗi khi NATO có các động thái quân sự ở vùng biển Baltic hay Biển Đen thì Nga thường phản ứng rất mạnh.

Có thể thấy Biển Đen có vai trò rất quan trọng với Nga, đó mới chỉ xét trong phạm vi của tuyến đường xuất khẩu dầu mỏ.

2. Khí đốt từ nước Nga

Công nghiệp khí đốt ở Nga phát triển muộn hơn so với dầu mỏ. Sau 60 năm kể từ ngày khai thác dầu, Nga mới bắt đầu tiến hành khai thác khí đốt (natural gas) ở Saratov, cách Moscow khoảng 800km về phía đông nam. Xét trong quy mô liên bang Xô Viết thì mỏ khí đốt đầu tiên không phải Saratov, mà là một mỏ khí từ vùng tây Ukraina ngày nay, gần thành phố Lvov. Mỏ khí Dashava giáp biên giới Ba Lan được phát hiện và khai thác từ những năm 1920, ngay trước khi Ukraina gia nhập Liên bang Xô Viết.

Năm 1946, tuyến đường ống chính dẫn khí cao áp từ Saravov về Moscow được xây dựng, là tuyến ống cao áp khổng lồ đầu tiên ở Nga. Sau đó tiếp tục xây tuyến đường ống dẫn khí từ Dashava qua Kiev về Moscow và hàng loạt tuyến đường ống khác từ phía Đông (Orenburg) và phía Nam, quanh khu vực Volga (Astrakhan) tỏa đi khắp liên bang Xô Viết.

Cuối thập kỷ 1960, cùng với xây đường ống xuất dầu sang các nước Đông Âu, Liên Xô cũng xây dựng các đường ống dẫn khí và tiến hành tìm các mỏ dầu khí mới ở khu vực Tây Siberia. Thời gian này, Ukraina từ vai trò cung cấp khí trong chiến tranh chuyển thành nơi tiêu thụ khí do dân số và các tổ hợp công nghiệp lớn phát triển. Đến năm 1966, phát hiện mỏ khí siêu khổng lồ Urengoy ở vùng cực Bắc (cách Moscow 4.000km về Đông bắc) thì nước Nga bắt đầu manh nha kế hoạch mở rộng xuất khẩu khí đốt sang Tây Âu.

Cho đến nay Urengoy đang là mỏ khí lớn thứ 2 thế giới, có diện tích hơn 6.000 km2, đã khai thác được hơn 6.000 tỷ m3. Việc phát hiện ra mỏ Urengoy và hàng loạt mỏ khí siêu lớn ở vùng cực Bắc khiến Nga trở thành cường quốc khí đốt. Hiện 4/8 mỏ khí lớn nhất thế giới nằm ở khu vực vành đai Bắc cực này.

Năm 1984 tuyến đường ống dẫn khí từ Urengoy vượt qua dãy núi Ural chạy sang châu Âu được khánh thành. Điểm cuối của nó trong liên bang Xô Viết là thành phố Uzhgorod thuộc Ukraina, xuất khí sang các nước lân cận. Công suất của tuyến ống này hơn 100 tỷ m3/năm (bao gồm 5 đường ống chạy song song), đủ cung cấp cho các nước XHCN.

Các đường ống ở Nga có mật độ dày đặc với tổng chiều dài gần 300.000 km. Tuy nhiên trước khi Liên Xô tan rã, hệ thống đường ống xuất khí sang châu Âu chỉ có hai nguồn chính, từ các mỏ khí khổng lồ ở Urengoy và Orenburg, đều chạy qua Ukraina. Các mỏ khí khác hầu hết kết nối và phân chia khí vào hai hệ thống đường ống này. Ở Ukraina, các tuyến đường ống xuất khí chia làm hai nhánh, chạy sang các nước ở phía Tây và các nước phía Đông Nam châu Âu. Có thể nói Ukraina đóng vai trò là quốc gia phân phối khí của Nga cho châu Âu.

Những năm cuối thế kỷ 20, nước Nga tìm cách tránh “nút cổ chai” Ukraina bằng việc xây thêm tuyến đường ống mới từ bán đảo Yamal – thủ phủ khí đốt của Nga - chạy song song với đường ống Urengoy, đi qua Belarus, Ba Lan và điểm đến cuối cùng là Đức, đồng thời có các rẽ nhánh vào các quốc gia Baltic. Tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu khí của Đức và các quốc gia liên quan có sự gia tăng nhanh chóng, nên nếu trục trặc từ Ukraina thì tuyến ống Yamal sẽ không đủ cung cấp cho các nước châu Âu. Vì vậy Nga tiếp tục tìm cách tránh Ukraina bằng việc xây dựng thêm 3 tuyến ống nữa là Nord Stream (dòng chảy phương bắc) đi qua biển Baltic cung cấp cho Tây Âu, South Stream (dòng chảy phương Nam) đi qua biển Đen, cung cấp khí cho các nước Nam Âu và Blue Stream (dòng chảy Xanh) cũng qua biển Đen, cấp thẳng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó Thổ Nhĩ Kỳ nhập khí đốt của Nga thông qua đường ống trên bờ, vòng qua Ukraina, sang Rumani, xuống Bulgary và ngược lại eo biển Bosphorus.

Cuộc cách mạng Cam ở Ukraina năm 2004 càng khiến Moscow đẩy nhanh quá trình hiện thực các đường ống xuất khí sang châu Âu để tránh Ukraina. Cuối 2005, hoàn thành đường ống Blue Stream (16 tỷ m3) chạy qua biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối 2011, đường ống Nord Stream qua biển Baltic hoàn thành. Cho đến nay, đường ống khí Nord Stream (55 tỷ m3) và Yamal (33 tỷ m3) đã có thể cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu an toàn. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp khí đốt với Ukraina như năm 2009, về lý thuyết, các nước Tây Âu vẫn sẽ đủ khí cấp từ Nga. Chỉ còn các nước phía Nam châu Âu bị ảnh hưởng của thiếu hụt khí đốt như Rumani, Bulgari, Moldova.

Cuối năm 2013, Gazprom đã chính thức khởi công đường ống South Stream (63 tỷ m3) qua biển Đen, chạy sang Bulgary. Theo kế hoạch khi đường ống South Stream hoàn thành vào 2017, các tranh chấp giữa Nga-Ukraina hầu như không còn tác dụng với châu Âu bởi công suất của các đường ống đi tránh Ukraina đã bằng tổng công suất các đường ống khí đi qua Ukraina. Không chỉ vậy, đường ống khí South Stream còn cung cấp thêm khí cho các khách hàng mới, là các quốc gia thuộc liên bang Nam Tư trước đây. Tuy nhiên sau diễn biến quanh Ukraina gần đây thì EU đang đề nghị tạm dừng để xem xét lại dự án này. Thực ra trước đây EU cũng đã nâng lên đặt xuống rất nhiều lần dự án này, gây bất bình cho Bulgary vì đất nước hoa hồng chỉ có thể trông đợi năng lượng từ đường ống South Stream.

Những nỗ lực của Nga trong việc xây dựng các đường ống tránh Ukraina nhằm chứng tỏ họ là đối tác tin cậy trong việc cung cấp năng lượng. Cũng có thể suy đoán rằng Nga dễ dàng sử dụng sức mạnh về cung cấp khí đốt làm vũ khí năng lượng, đe dọa châu Âu. Nhưng nếu nhìn về lịch sử 30 năm xuất khí đốt sang các nước Tây Âu, tuyến đường ống này chưa lần nào gián đoạn, kể cả suốt những năm chiến tranh lạnh cũng như sau sụp đổ của Liên Xô. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất đến nay việc xuất khẩu khí sang Tây Âu gặp sự cố chính là cuộc tranh cãi giá khí Nga-Ukraina năm 2009.

3. Cơ hội cung cấp năng lượng cho Phương Đông của Nga

Tổng kết năm 2013, Bộ Năng lượng Nga cho biết lĩnh vực năng lượng (bao gồm dầu mỏ, khí đốt, than, điện) đóng góp 30% GDP cho Nga, chiếm 50% thu ngân sách và 70% tỷ trọng xuất khẩu. Nhìn về quá khứ, sau những năm tuyên chiến với các Oligarch (tài phiệt) của tổng thống Putin, đóng góp cho ngân sách của lĩnh vực dầu khí đã tăng từ 10% lên tới khoảng 50% suốt từ 2004 trở lại đây.

Về kim ngạch xuất khẩu của Nga, khí đốt chỉ chiếm 10% (trong khi dầu mỏ chiếm 50%) nhưng lại là nguồn năng lượng quan trọng đối với châu Âu. Nếu nhìn từ phương Tây, trên khía cạnh an ninh năng lượng thì có thể cho rằng Nga dễ dàng lấy vấn đề khí đốt để đe dọa châu Âu. Còn nếu nhìn từ Nga trên khía cạnh kinh tế thì lại thấy rằng châu Âu có thể bóp nát nền kinh tế Nga bằng việc hạn chế nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt, sử dụng các năng lượng khác thay thế, nhất là trong tình hình hiện nay đang có những cuộc cách mạng về dầu khí sét (shale oil, shale gas) ở Mỹ cũng như bùng nổ khí hóa lỏng (LNG) trên toàn cầu.

Chính vì thế trong chính sách phát triển dầu khí từ 2004 đến nay, Nga đang tập trung vào việc cân bằng năng lượng sang phía Đông cũng như chú trọng khai thác dầu khí trên các thềm lục địa (biển ở Bắc cực, biển Đen, Sakhalin) để có thể sở hữu công nghệ, kỹ thuật cao. Cho đến nay, mọi cửa ngõ năng lượng của Nga hầu hết đều đi về hướng Tây, bỏ ngỏ phần phía Đông. Trong khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương có sự phát triển sôi động nhất thế giới với đầu tàu kinh tế là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tổng GDP của 3 nước Đông Á ngang bằng Mỹ cũng như EU nhưng nhu cầu tiêu thụ năng lượng có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn rất nhiều. Không những vậy, nguồn tài nguyên dầu mỏ của các nước Đông Á lại rất hạn chế, không dồi dào như ở Mỹ hay dễ tiếp cận như ở châu Âu.

Năm 2012, nhu cầu tiêu thụ dầu khí của các nước Đông Á vào khoảng 810 triệu tấn dầu và 320 tỷ m3 khí. Trong khi đó khả năng tự cung cấp dầu mỏ chỉ đạt 210 triệu tấn và 110 tỷ m3 khí đốt. Chính vì vậy phần thiếu hụt còn lại phải nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt khí đốt được nhập dưới dạng LNG – sản phẩm năng lượng đang trở nên siêu nóng trên toàn cầu. Năm 2012, nhập khẩu khí đốt dưới dạng LNG của Nhật Bản và Hàn Quốc đạt 140 tỷ m3 (105 triệu tấn), lớn hơn toàn bộ lượng khí đốt Nga xuất sang châu Âu (130 tỷ m3). Chính vì vậy cả thế giới, trong đó có Nga đang tập trung mọi nguồn lực để chiếm lĩnh thị trường này bởi dự báo những năm tới khu vực Đông Á còn tiếp tục sốt nóng nhu cầu LNG.

Tháng 7/2013, lần đầu tiên nước Nga chính thức công bố trữ lượng dầu khí của mình. Theo đó trữ lượng dầu mỏ đã phát hiện vào khoảng 18 tỷ tấn dầu và khoảng 32 nghìn tỷ m3 khí đốt (cấp 1P). Với sản lượng khai thác như hiện nay và không có phát hiện gì mới, nước Nga chắc chắn khai thác dầu mỏ trong 34 năm nữa và khí đốt khoảng 60 năm. Còn xét ở cấp độ có thể khai thác (cấp 2P) thì nước Nga sẽ đủ dầu mỏ trong 55 năm và khí đốt trong 130 năm. Từ trước đến nay dầu mỏ và khí đốt của Nga mới chỉ khai thác ở phần phía Tây lãnh thổ, xa nhất là đến khu vực bể trầm tích Tây Siberia. Nước Nga hiện khai thác từ hơn 1000 mỏ dầu khí, 90% sản lượng khai thác là từ các mỏ được phát hiện trước 1988. Còn toàn bộ vùng Đông Siberia và Viễn Đông cũng như các mỏ mới hầu như chưa động tới. Vùng Thái Bình Dương hiện có quần đảo Sakhalin đang khai thác dầu khí với nhiều quyền lợi của các quốc gia như Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản.

(Còn tiếp)

Nguồn: