Thành lập năm 1960, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từng nhiều phen làm thế giới lao đao nhờ quyền lực kiểm soát khoảng 40% nguồn cung cấp dầu mỏ của thế giới, đang đứng trước những thách thức lớn đe dọa đến sự tồn tại cũng như vị thế của tổ chức này.
Mặc dù cuộc họp của các Bộ trưởng dầu mỏ của OPEC đã đạt được thỏa thuận giữ mục tiêu sản lượng 30 triệu thùng dầu/ngày mức giá trung bình của dầu Brent và dầu thô New York đang ở quanh mức 100USD/thùng, mức mà OPEC, cho là mức giá cân bằng, hợp lý cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, song không khó để nhận thấy tổ chức này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.
Thứ nhất, tổ chức này không còn kiểm soát được 40% nguồn cung dầu của toàn cầu như trước vì ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác. Nhiều quốc gia có thể tăng sản lượng lại không nằm trong tổ chức, đứng đầu là Mỹ, theo sau đó là Canada hay Brazil. Ngược lại, sản lượng của nhiều quốc gia trong tổ chức lại bị sa sút.
Trong số 12 nước thành viên OPEC, Iran, Libya, Nigeria và Iraq là những nước đang góp phần lớn trong tình trạng giảm sút nguồn cung của toàn cầu, với tổng cộng khoảng 3,6 triệu thùng/ngày trong số 90 triệu thùng/ngày trên thị trường thế giới. Iran và Libya đều đang sản xuất dưới công suất 1 triệu thùng/ngày, nước vì các lệnh trừng phạt quốc tế, nước vì nội chiến.
Sản lượng dầu của Libya đã giảm xuống khoảng 250.000 thùng/ngày, so với mức bình thường là 1,5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, nạn ăn cắp dầu gây tổn thất cho Nigeria khoảng 350.000 thùng/ngày và các vấn đề về cơ sở hạ tầng, an ninh đang lấy đi của Iraq khoảng 500.000 thùng/ngày trong tháng 10.
OPEC đang đứng trước nhiều thách thức
Thứ hai, nếu tình hình tương lai có cải thiện, ví dụ như tại Iraq hay Libya, hoặc lệnh cấm vận được nới lỏng cho Iran nhờ kế hoạch hòa giải của Mỹ, thì ngần ấy nước đều có nhu cầu bơm dầu tối đa để tăng thu nhập cho ngân sách. Thực tế, Tehran đang hy vọng thỏa thuận về chương trình hạt nhân sẽ gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt đối với đất nước, cho phép nhanh chóng tăng sản lượng lên 2,7 triệu thùng/ngày. Iraq cũng có kế hoạch tăng sản xuất vào năm tới thêm 1 triệu thùng/ngày.
Trước cuộc họp tại Vienna - trụ sở của OPEC hôm 4/12, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh tuyên bố, nước này sẵn sàng mở cuộc chiến giá cả: tăng sản lượng dầu bất chấp giá bán giảm. Ông nói: “Chúng tôi sẽ bán 4 triệu thùng/ngày, dù giá dầu có tụt xuống 20USD/thùng”. Nếu nước nào cũng ráo riết bơm dầu để bán thì việc cung vượt cầu sẽ có thể đánh sập giá dầu xuống dưới mức mà các thành viên khác của OPEC có thể chấp nhận được. Đấy chính là mối lo thứ 3 cũng là mối lo quan trọng nhất và có khả năng gây chia rẽ nhất trong OPEC bởi một khi trong nội bộ OPEC, ba nước có ảnh hưởng nhất nhờ sản lượng là Arập Xêút, Iraq và Iran, lại theo đuổi những mục tiêu khác nhau trong ngắn hạn lẫn dài hạn thì làm sao phối hợp hay thỏa thuận về số dầu bán ra để “làm giá” nếu mỗi thành viên lại nhìn về một hướng?
Trong khi đó, mối lo thứ tư, nhu cầu tiêu dùng dầu mỏ toàn cầu chưa chắc đã tăng mạnh vì nền kinh tế hút dầu số một là Trung Quốc đang gặp phải vấn đề sản xuất thừa và phải giảm đà tăng trưởng. Trong khi đó, đại gia mua dầu là Mỹ nay đang tiến dần đến tự túc và dù gì thì cũng đã cải thiện hiệu suất tiêu thụ để cho cùng một sản lượng lại tốn ít năng lượng hơn trước.
Bài toán của OPEC trong ngắn hạn là Mỹ và Canada có thể nâng sản lượng rất nhanh - mỗi tuần lại có một con số mới về tương quan cung cầu - đại khái là mỗi ngày thêm một triệu thùng. Ðiều ấy khiến Arập Xêút đã phải khóa vòi và giảm sản lượng khai thác dầu mỗi ngày để giá khỏi sụt. Nếu tình hình tiếp tục như vậy cho đến năm tới, OPEC mất dần khả năng "làm giá".
Trong trung hạn là từ hai năm trở đi, bài toán của OPEC là phải khuyên bảo nhau. Nếu Iraq và Iran đều cải thiện hạ tầng để nâng lượng dầu hằng ngày lên tới 11 triệu thùng vào năm 2020 này như trù tính thì hội nghị OPEC sẽ là chợ cá, cãi nhau với thậm từ mà không có kết quả. Mà Arập Xêút có lý do tranh cãi với Iran vì hồ sơ Syria. Và Arập Xêút còn có khả năng cầm cự nếu giá dầu sụt tới mức 85USD/thùng, chứ nhiều nước lân bang không thể bị thất thu như vậy.
Nhìn về lâu dài thì OPEC phải trông cậy vào nơi tiêu thụ nhiều nhất - châu Á, với các nước phát triển như (Nhật Bản, Hàn Quốc) hay đang phát triển (như Trung Quốc, Ấn Ðộ và Ðông Nam Á), sẽ cần nhập dầu nhiều hơn cả Mỹ và châu Âu cộng lại. Quả thật là châu Á đem lại hy vọng hồi sinh cho OPEC vì sẽ là khách hàng số một, nhưng các nền kinh tế châu Á cũng chẳng chịu nổi một khi giá dầu quá cao cũng như chấp nhận trao số phận kinh tế cho một hiệp hội được lập ra trong mục tiêu làm giá.
Một thí dụ là giá dầu thô tăng vọt trong năm 2008 lên tới 140USD/thùng đã gây nguy khốn kinh tế và nạn suy trầm khiến lượng cầu sút giảm đã làm giảm giá còn mạnh hơn. Nói cách khác, “siết cổ con gà” thì “trứng vàng sẽ ủng”.
Hơn nửa thế kỷ về trước, OPEC được lập ra để “bắt bí” phương Tây. Quá khứ huy hoàng đó nay đã hết, ngày nay chẳng ai sợ một vụ phong tỏa dầu thô như thời 1973 hay 1979. Bây giờ, tương lai của tổ chức nằm tại châu Á. Nhưng thế lực của OPEC với các khách hàng châu Á cũng có giới hạn và tương quan thương thảo đã có cái thế quân bình hơn theo kiểu thuận mua vừa bán. Chưa hết, tương lai của OPEC cũng còn tùy thuộc vào khả năng sống chung của mấy anh nhiều “dầu” tại Trung Ðông nữa.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)