Nhìn bề mặt, rõ ràng Ả rập Saudi là nước phất cờ trong cuộc chiến giá dầu hiện tại. Nước này đã đơn phương hạ giá bán dầu 2 lần trong liên tiếp 2 tháng. Tuy nhiên, liệu Ả rập Saudi có phải là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi giá dầu lao dốc.
Chia rẽ OPEC
Chuyên gia năng lượng Philip Verleger, người sáng lập Công ty Tư vấn năng lượng PK Verleger LLC, tin rằng Ả rập Saudi đã tiến hành một cuộc chiến giá cả để bảo vệ thị phần dầu mỏ của mình, buộc các nhà sản xuất ở Hoa Kỳ và những nơi khác phải giảm bớt sản lượng.
“Ả rập Saudi thực sự đang chơi canh bạc lớn. Nếu họ đưa giá dầu xuống 60-70USD/thùng, sẽ khiến suy giảm sản lượng ở Hoa Kỳ” - Archie Dunham, Chủ tịch hãng sản xuất dầu đá phiến Chesapeake Energy Corp có trụ sở ở thành phố Oklahoma (Hoa Kỳ), nói. Nhưng Hoa Kỳ tin rằng họ có khả năng chống đỡ được các đối tác của Ả rập Saudi trong cartel dầu mỏ OPEC.
Nói cách khác, nếu Ả rập Saudi đi quá đà, họ sẽ làm chia rẽ liên minh dầu mỏ OPEC. Cho đến nay, một thành viên OPEC là Venezuela đang ráo riết tìm cách đạt được những thỏa thuận bên ngoài OPEC để cứu ngành xuất khẩu dầu mỏ của mình. OPEC sẽ họp tại trụ sở Vienna vào hôm nay 27-11 để ấn định mục tiêu sản xuất.
Nhưng từ ngày 17, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết ông và Nga đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp với các nước ngoài OPEC và một số nước trong cartel để thảo luận cách vực dậy giá dầu thô. Trong khi Maduro tuyên bố điều này, Ngoại trưởng của ông là Rafael Ramirez đang ở Moscow để bàn bạc với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak về việc tổ chức cuộc họp của các nước sản xuất dầu trong và ngoài OPEC.
Một quan chức giấu tên của Ecuador nói tại thượng đỉnh OPEC, nước ông và Venezuela sẽ thúc giục cartel này giữ mức trần sản lượng không quá 30 triệu thùng/ngày. Dữ liệu của OPEC cho biết hiện các nước thành viên đang sản xuất 30,25 triệu thùng/ngày. Một thành viên khác của OPEC cho biết tại hội nghị thượng đỉnh OPEC phải quyết định giảm sản lượng tới 1 triệu thùng mỗi ngày vì nhu cầu toàn cầu đối với dầu của OPEC có khả năng giảm xuống 29,2-29,5 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Nhưng Ả rập Saudi, nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC, cho đến nay vẫn chưa tỏ dấu hiệu gì cho thấy họ muốn cắt giảm sản lượng trừ phi giá dầu chuyển dịch xuống sát mức 70USD/thùng. Hiện nay, giá dầu vẫn quanh quẩn 80USD/thùng. Như vậy, ít nhất các nhà phân tích tin rằng những nước như Venezuela không có nhiều cơ hội để thuyết phục được OPEC trong cuộc họp trên.
“Tôi không thấy bất cứ ai ngoài OPEC tình nguyện đến để giải cứu. Venezuela đang ở trên chảo nóng, vì họ phải lo sợ sự gia tăng dự kiến sản lượng dầu thô từ Canada đến Vịnh Hoa Kỳ” - Olivier Jakob, Giám đốc quản lý tại Petromatrix GmbH ở Zug, Thụy Sĩ, nói với Bloomberg. Venezuela đã mất 30% doanh thu ngoại hối trong tháng trước do giá dầu lao dốc.
Nước này hiện có rất nhiều vấn đề về kinh tế khiến sự ủng hộ đối với Tổng thống Maduro ngày càng giảm sút, chẳng hạn lạm phát đã tăng phi mã 63% trong 12 tháng tính tới tháng 8. Vì vậy, ngoài Nga, ông Maduro đã gửi Bộ trưởng Năng lượng của mình đến 4 nước sản xuất năng lượng khác, trong đó có Mexico để tìm kiếm sự ủng hộ trong việc bảo vệ giá dầu.
Được và mất
Nga có thể là kẻ thua cuộc nặng nhất, bởi nguồn thu liên quan đến xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 50% ngân sách xứ Bạch Dương. Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và châu Âu cộng với giá dầu giảm đã trở thành đòn đánh kép lên Moscow. Điều này có thể dẫn tới một thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nền kinh tế Nga dự báo giảm 1,7% trong năm tới sau khi trì trệ trong năm 2014, theo dự báo của IHS Inc, công ty tư vấn có trụ sở ở Colorado. Trong khi đó, dự báo lạm phát sẽ tăng 8,4% từ 7,6% hiện nay, chủ yếu do đồng rúp mất giá. Đồng rúp đã giảm khoảng 30% so với USD trong năm nay. Những mối họa kinh tế cho đến nay vẫn chưa làm tổn hại uy tín của nhà lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi nếu giá dầu ở mức thấp trong thời gian dài và nền kinh tế Nga đi xuống hơn nữa.
“Nó sẽ làm xói mòn ủng hộ với Putin nếu tiếp diễn thêm 6 tháng đến 1 năm nữa” - theo Nariman Behravesh, Kinh tế trưởng của IHS. Một đồng minh thân cận của Nga là Iran cũng thiệt hại lớn vì giá dầu giảm. Nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của nước này đã giảm khoảng 30%, theo báo cáo của Tổng thống Iran Hassan Rouhani với quốc hội hôm 29-10. Nước này cần giá dầu ở mức 143USD/thùng trong năm nay để cân bằng ngân sách.
Tương tự Nga, nền kinh tế Iran cũng bị suy yếu vì các cấm vận kinh tế của phương Tây, do chương trình hạt nhân của Tehran. Các bước đi của Hoa Kỳ và các đồng minh đã gần như đóng cửa đầu tư vào các mỏ dầu và khí đốt của Iran trong thập niên qua, hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ mới để tăng sản lượng.
Ngoại trưởng Venezuela Rafael Ramirez (trái) bắt tay Chủ tịch Công ty năng lượng Rosneft của Nga.
Trong khi đó, Hoa Kỳ lại nổi lên như một bên thắng lớn. Chiến thắng đầu tiên của Hoa Kỳ là việc độc lập năng lượng, giúp nước này ít bị tổn thương hơn từ các thị trường nước ngoài. Độc lập năng lượng khiến Hoa Kỳ có một vị thế mạnh mẽ hơn trên các bàn đàm phán, dù là với Iran về chương trình hạt nhân hay với Nga về căng thẳng ở Ukraine.
“Sự bùng nổ sản lượng năng lượng cũng tăng cường uy tín của Hoa Kỳ, vốn đã bị sứt mẻ bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu” - Bruce Jones, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings ở Washington, nhận định. Hoa Kỳ cũng có thể sử dụng một vũ khí sắc bén khi giá dầu hạ quá sâu, đó là xuất khẩu dầu mỏ. Kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, Hoa Kỳ cấm xuất khẩu dầu mỏ để bảo đảm an ninh năng lượng. Nhưng nay, nhiều ý kiến cho rằng nên dỡ bỏ lệnh cấm này.
Trung Quốc cũng là một nước thắng lớn, vì nước này phải nhập khẩu gần 60% nhu cầu dầu thô. Theo Lin Boqiang, Giám đốc độc lập của PetroChina Co: “Nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới có thể sẽ tận dụng lợi thế về dự trữ ngoại hối khổng lồ để xây dựng các kho dự trữ năng lượng chiến lược” - Lin nói. Giá dầu lao dốc cũng giúp Trung Quốc có thế thượng phong trong các giao dịch với Nga.
2 nước đã ký kết 1 thỏa thuận cung cấp khí đốt 30 năm trị giá 400 tỷ USD trong một hội nghị thượng đỉnh ở Trung Quốc, sau đó tiếp tục phát triển mối quan hệ năng lượng song phương hồi đầu tháng này bằng cách ký một thỏa thuận sơ bộ về đường ống dẫn dầu Nga - Trung Quốc lần thứ hai.
“Trung Quốc sẽ luôn ở thế thượng phong trong việc đối phó với Nga, miễn là giá dầu thô ở mức thấp. Nga phụ thuộc nặng vào nguồn thu từ năng lượng” - Lin nói.
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)