Vua dầu mỏ John D. Rockefeller (Phần 2): Di sản và bài học để lại
11:00 CH @ Thứ Ba - 29 Tháng Mười, 2013
Bất luận thế nào, John Davison Rockefeller cũng được nhìn nhận như một thiên tài kiệt xuất về kinh doanh. Bên cạnh những chỉ trích chua cay, cũng có vô số quyển sách viết về triết lý kinh doanh và những bài học kinh nghiệm của Rockefeller. Thế hệ hậu sinh vẫn xem Rockefeller như một thần tượng mang màu sắc huyền thoại…

“Giã từ vũ khí”

Khi bị báo chí tấn công, Rockefeller bác bỏ tất cả cáo buộc. Ông khẳng định Standard Oil là tập đoàn làm ăn đàng hoàng và rằng ông kiếm tiền một cách trung thực và đầy danh dự.

Ở thời mà tài nguyên được khai thác manh mún không hiệu quả, ông nói, thì việc sáp nhập trong công nghiệp là điều cần thiết. Ông nói mình tự hào trước những thành công trong khi nhiều kẻ khác thất bại trong một ngành công nghiệp nguy hiểm và đầy rủi ro như dầu, rằng ông hãnh diện khi có thể nói chưa hề có “giọt nước” nào nổi váng trong biển dầu cổ phiếu của Standard Oil.


Một tàu chở dầu của Standard Oil

Phủ nhận việc chơi ép để buộc đối thủ quy phục dưới trướng, Rockefeller nói rằng, tất cả họ đều vui vẻ tham gia bởi họ hiểu rằng việc sáp nhập vào Standard Oil chỉ giúp họ trở nên giàu có, hơn là một mình một ngựa chạy đua với Standard Oil để rồi trở thành kẻ thất bại ra về tay không. Bất luận thế nào, khả năng làm giàu của Rockefeller cũng là điều thật sự đáng khâm phục. Năm 1902, một kết quả kiểm toán cho biết tài sản Rockefeller là khoảng 200 triệu USD (trong khi GDP Mỹ lúc đó chỉ khoảng 24 tỉ USD) và lên đến 900 triệu USD vào thời điểm cuối Thế chiến thứ nhất rồi 1,4 tỉ USD vào thời điểm ông từ trần. Chẳng có ai trong lịch sử cận đại Mỹ (cũng như thế giới) giàu bằng ông - nếu xét theo tỉ lệ với GDP nước Mỹ.

Năm 1895, ở tuổi 56, Rockefeller quyết định nghỉ hưu, chỉ duy trì vị trí Chủ tịch Standard Oil Company of New Jersey với số vốn 110 triệu USD. Năm 1911, ông rời khỏi vị trí cuối cùng trên trong sự nghiệp, 6 tháng sau khi Tập đoàn Standard Oil bị buộc phải tách nhỏ thành 34 công ty theo phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (trong số đó, có Continental Oil mà sau này trở thành Conoco; Standard of Indiana sau này trở thành Amoco mà nay thuộc BP; Standard of California sau này trở thành Chevron; Standard of New Jersey sau này trở thành Esso rồi đổi thành Exxon và nay thuộc ExxonMobil…).

Trong danh sách những người giữ cổ phiếu Standard Oil thời điểm tập đoàn bị xử tội độc quyền, riêng Rockefeller có 247.692 cổ phiếu với giá thị trường 167.192.000USD – một phần nhỏ trong tổng giá trị tài sản khổng lồ của ông (trong đó có các cổ phiếu trong nhiều ngành công nghiệp khác)...

Sau sinh nhật lần thứ 34, Rockefeller có thói quen ngủ trưa một hoặc hai tiếng sau bữa ăn và thường xuyên bỏ ra ba hoặc bốn buổi chiều hàng tuần để chơi golf hay về khu biệt thự vườn khổng lồ tự tay ông trồng cây (ông chơi golf đến tận tuổi xế chiều và thậm chí dự tính tổ chức một trận thi golf vào sinh nhật lần thứ 100).

Rockefeller có nhiều ngôi nhà nhưng khu biệt thự nhà vườn tại Pocantico Hills gần Tarrytown (New York) là nơi ông thích nhất. Nằm trên ngọn đồi nhìn xuống dòng Hudson, trang viên Rockefeller có diện tích 12.140.569 m2 với những khu vườn cực đẹp. Rockefeller đã bỏ ra hơn 2 triệu USD để xây khu trang viên này. Khu nhà có 350 nhân viên và 30 nhóm làm việc thường xuyên để chăm sóc toàn bộ, với chi phí nửa triệu USD/năm.

Với bản chất điềm tĩnh thiên phú, Rockefeller chưa bao giờ thể hiện sự buồn bã hoặc vui mừng thái quá. Ông không bao giờ uống rượu hoặc hút thuốc, luôn duy trì chế độ ăn uống điều độ và thể dục thường xuyên.

Khi ở tuổi 82, Rockefeller thậm chí còn chưa biết uống thuốc là gì. Càng về già, ông càng tĩnh tại. Sau mỗi bữa ăn, ông ngồi lại bàn và chơi trò giải số Numerica với đám người giúp việc. Ông đi ngủ sớm và dậy sớm. Khi thư giãn, ông lặng lẽ nghe nhạc, thường là những bản nhạc xưa hay các ca khúc Negro (da màu). Thích đùa với đám cháu, ông cũng dạy chúng cách để dành và cách cho đi – như chính ông từng được bố mẹ dạy.

Khi ra ngoài, ông thích đội tóc giả. Rockefeller thậm chí có nhiều bộ tóc giả, được một chuyên gia tại Washington làm riêng – một bộ để đi đánh golf, bộ khác đi lễ nhà thờ… Về già, Rockefeller dễ kết bạn với người lạ hơn so với hồi còn trẻ. Ông thường bỏ đầy túi những đồng xu mới tinh để phát cho các cô gái, chàng trai tình cờ gặp trên đường hay cho nhóm ca sĩ hát rong ở bến phà. Ông cũng tỏ ra thân thiện với báo chí hơn là giữ bộ mặt lạnh lùng và thái độ khép kín như thời còn ở ngai vua dầu mỏ.

Dù thích làm từ thiện nhưng Rockefeller lẫn vợ đều không quan tâm đến các vấn đề xã hội nằm ngoài phạm vi những người thân quen lâu năm. Phần mình, bà Rockefeller sống cả đời cho gia đình, giáo hội và hoạt động từ thiện. Trong những năm tháng cuối cùng, bà không thể đi lễ và Rockefeller mang về cho bà những ghi chép lời giảng mỗi chủ nhật. Năm 1915, bà Rockefeller chết tại Pocantico Hills khi chồng đang ở miền Nam nước Mỹ.

Nhà từ thiện không biết mệt

Những kẻ thù ghét miêu tả Rockefeller là một doanh nhân khát máu với kỹ năng bậc thầy trong thủ đoạn nhưng Rockefeller cũng để lại lịch sử với tư cách một doanh nhân làm từ thiện không biết mệt. Ông đã miệt mài làm từ thiện ở cái thời mà khái niệm “trách nhiệm cộng đồng” của công ty vẫn còn chưa ra đời (và phổ biến như hiện nay đến mức bị lợi dụng chỉ nhằm mục đích quảng bá hình ảnh công ty).


Rockefeller cũng ghi dấu ấn trong lịch sử với tư cách một doanh nhân làm từ thiện không biết mệt

Số tiền làm từ thiện của Rockefeller còn nhiều hơn cả vua (công nghiệp) thép Andrew Carnegie – một gương mặt huyền thoại với dấu ấn đậm nét không thua mấy so với Rockefeller, vốn nổi tiếng sống vì cộng đồng với tổng số tiền dùng cho từ thiện lên đến 350 triệu USD. Từ năm 1855-1934, Rockefeller tặng quà cho các tổ chức từ thiện lẫn tổ chức giáo dục với giá trị lên đến 530.853.632USD. Trong số trên, 182.851.480USD được gửi đến Tổ chức Rockefeller; 129.209.167USD đến General Education Board; 73.985.313USD đến Laura Spelman Rockefeller Memorial và 59.931.891USD cho Viện Nghiên cứu Y học Rockefeller (do ông sáng lập; năm 1965, đổi thành Đại học Rockefeller).

Đó là chưa kể số quà trị giá 34.708.375USD cho Đại học Chicago; cho các giáo hội Tin Lành; cho các tổ chức Thanh niên Công giáo (YMCA và YWCA); cho các trường đại học: Yale, Harvard, Columbia, Brown, Bryn Mawr, Wellesley và Vassar. “Nếu mục tiêu duy nhất của bạn là làm giàu, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được” – với câu nói trên của ông, có thể thấy thêm điều ẩn bên trong của con người tư bản Rockefeller, một đại tư bản không thuộc loại chỉ biết vơ vét, bòn rút và ích kỷ. Như New York Times (24-5-1937) viết trong bài báo tưởng niệm cái chết John Davison Rockefeller: “Câu chuyện về Rockefeller, về một người khởi nghiệp từ con số không, tích lũy được rất nhiều và cho đi cũng rất nhiều, thật sự là trường hợp điển hình nổi bật của tính lãng mạn trong làng doanh nghiệp Mỹ”.

Ngày 23-5-1937, chỉ hai tháng trước sinh nhật lần thứ 98, Rockefeller chết bởi chứng xơ cứng động mạch, tại nhà riêng ở Ormond Beach (Florida). Ông được chôn cất tại Lake View (Cleveland). Đến nay, cái bóng dòng họ Rockefeller vẫn tiếp tục ngự trị trong lịch sử Mỹ. Một người cháu ruột, David Rockefeller, từng là ông chủ ngân hàng lừng lẫy ở New York, với hơn 20 năm ngồi ghế Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Chase Manhattan (bây giờ là JPMorgan Chase). Một người cháu khác, Nelson A. Rockefeller, từng là Thống đốc New York (thuộc đảng Cộng hòa) và là Phó tổng thống Mỹ thứ 41. Và một người cháu nữa, Winthrop Rockefeller, Từng là thống đốc Arkansas (cũng thuộc đảng Cộng hòa). Hiện thời (2011), người cháu thuộc thế hệ thứ tư, John D. “Jay” Rockefeller IV, là Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ (West Virginia).

Những bài học để lại

“Bí quyết thành công là, làm tốt những điều bình thường theo cách không bình thường” - Rockefeller từng nói. Trong sự nghiệp, Rockefeller luôn thực hiện công việc với tinh thần tập trung cao và ông luôn ám ảnh bởi “tính hiệu quả”. Khi xây các nhà máy lọc dầu, ông luôn đặt cao yếu tố chất lượng với tính cạnh tranh mà các đối thủ không thể so sánh. Bài học thứ hai của ông là tìm “con đường đi mới”. “Nếu muốn thành công, bạn phải đi trên những con đường mới chứ không phải là những lối mòn của những thành công vốn đã được chấp nhận”; “Đừng ngại bỏ cái tốt để đi tìm cái vĩ đại”… Đó là những câu “sấm truyền” của Rockefeller.

Trong thực tế, Rockefeller luôn trung thành với triết lý kinh doanh của ông. Một trong những “con đường mới” của Standard Oil là tấn công vào thị trường châu Á. Thập niên 90 của thế kỷ XIX, Standard Oil bắt đầu tiếp thị dầu lửa tại Trung Quốc, một thị trường khổng lồ với khoảng 400 triệu người dùng dầu lửa thắp sáng. Tại nước này, Standard Oil bán dầu với thương hiệu “Mei Foo” (Mỹ Phu – “mỹ” có nghĩa đẹp và “phu” có nghĩa niềm tin). Thời gian đầu, Mỹ Phu được bán với giá cực rẻ hoặc thậm chí cho không tại các vùng quê nghèo, nhằm thuyết phục dân Trung Quốc bỏ đèn dầu thực vật (lạc chẳng hạn) sang dùng đèn dầu. Kết quả, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của Standard Oil tại châu Á!


Standard Oil và chiến dịch thuyết phục người dân Trung Quốc bỏ đèn dầu thực vật, chuyển sang dùng dầu hỏa

Còn nữa, cuối thế kỷ XIX, Rockefeller bắt đầu đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất, khi Thomas Edison chế tạo được bóng đèn điện. Đã có đèn điện rồi còn ai cần đèn dầu! Tuy nhiên, Rockefeller đã nhanh chóng tìm lối thoát bằng một “con đường mới”: Chế tạo xăng cho ngành công nghiệp xe hơi cũng vừa bắt đầu chập chững hình thành!

Bài học thứ ba là: “Tham vọng”. “Tôi không nghĩ một người chỉ bắt đầu bằng ý tưởng làm sao mình trở nên giàu lại có thể thành công nếu anh ta không có tham vọng lớn hơn”; và rằng “Con đường đi đến hạnh phúc chỉ nằm ở hai nguyên tắc: Tìm những gì khiến bạn quan tâm và bạn có thể làm tốt; Đặt toàn bộ tâm hồn bạn vào đó với từng mảnh năng lượng, lòng tham vọng cũng như khả năng tự nhiên mà bạn có”.

Bài học thứ tư là: “Phát triển kỹ năng lãnh đạo”. “Lãnh đạo tốt là người có khả năng hướng dẫn cho người trung bình biết cách làm loại công việc của người tài giỏi hơn” - Rockefeller nói. Trong thực tế, Rockefeller cho thấy ông chỉ là một người “trung bình” cố hết sức để làm những việc tưởng chừng ngoài khả năng. Và với câu nói sau, người ta có thể thấy thêm tài dụng nhân của ông: “Khả năng xử lý với con người là thứ có thể mua được như bất kỳ hàng hóa nào. Chẳng hạn như cà phê hay đường, và tôi sẽ sẵn lòng trả giá cao hơn để mua thứ khả năng đó hơn là bất kỳ thứ gì khác trên đời”; rằng: “Tôi thà kiếm được 1% từ nỗ lực của 100 người khác hơn là 100% từ chính nỗ lực cá nhân của tôi”.

Cuối cùng, bài học thứ năm của Rockefeller là: “Tôn trọng lương tri”. Bằng cách đó, Rockefeller đã không sống ích kỷ. “Câu hỏi duy nhất với sản nghiệp giàu có là bạn sẽ làm gì với nó?” – ông nói. Rockefeller đã chẳng là “tên tư bản khát máu” khi nói rằng: “Tình bằng hữu tìm thấy trong làm ăn là một thương vụ tốt hơn một thứ làm ăn dựa trên tình bằng hữu”.

Đánh giá lại sự nghiệp Rockefeller, nhà báo - sử gia nổi tiếng chuyên viết thể loại tiểu sử, Allan Nevins (1890-1971), nhận xét: “Sự giàu có của những người Standard Oil đã chẳng phải là hiện tượng một sớm một chiều mà là thành tựu đạt được trong một phần tư thế kỷ, từ sự đầu tư can đảm vào một lĩnh vực mà mức độ rủi ro của nó cao đến độ hầu hết những nhà tư bản đều tránh né; bằng sự lao động bền bỉ; và bằng sự hoạch định minh mẫn nhìn xa trông rộng… Tài sản từ công nghiệp dầu năm 1894 không hề lớn hơn lợi nhuận từ công nghiệp thép, công nghiệp ngân hàng và công nghiệp hỏa xa trong cùng giai đoạn… Chúng ta có thể kết luận rằng tài sản mà ông ấy (Rockefeller) có là ít bị vấy bẩn nhất trong tất cả tài sản khổng lồ khác ở thời ông ấy”.

Nguồn: