Chiến lược dầu mỏ khó đoán của Trung Quốc
03:46 SA @ Thứ Hai - 02 Tháng Ba, 2015

Trung Quốc đang chi hàng chục tỷ USD mua dầu dự trữ trong khi nhu cầu thực sự trong nước suy giảm do nền kinh tế phát triển chậm lại.

MI-CI026-COILfr-G-201502251906-3005-3192

Một mỏ dầu tại miền đông bắc Trung Quốc. Ảnh: AP

Khi giá dầu giảm mạnh trong năm 2014, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu mỏ với số lượng lớn, bổ sung cho các cơ sở dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình. Mục đích xây dựng các cơ sở này là nhằm nâng cao khả năng ứng phó của Bắc Kinh trước các nguy cơ an ninh năng lượng.

Việc giá dầu thế giới giảm đã hạ thấp kinh phí của chính phủ Trung Quốc dành cho dự trữ . Nhưng ngược lại, động thái mua vào của nước này cũng giúp nâng cao nhu cầu dầu mỏ trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, động thái trên cũng khiến các chính phủ nước ngoài và thị trường thế giới ngày càng trở nên khó khăn trong việc đánh giá nhu cầu thực sự của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của quốc gia này trong lĩnh vực dầu mỏ không ngừng được nâng cao.

Theo một số chuyên gia, lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc có thể đã vượt Mỹ, kết hợp với tâm lý lo lắng của giới đầu tư về tiềm năng thị trường, khiến việc đánh giá chính xác nhu câu thực chất của Trung Quốc trở nên rất cấp thiết.

"Trung Quốc xây dựng rất nhiều kho dự trữ dầu, đều đang đợi để được cấp đầy. Nhưng, chúng ta không biết được nước này khi nào mới mua đủ lượng dầu thô tương ứng", Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia kinh tế Thomas Pugh thuộc hãng nghiên cứu Capital Economics cho biết.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) yêu cầu các nước thành viên phải đảm bảo lượng dầu mỏ dự trữ đủ dùng cho 90 ngày, trong trường hợp nguồn cung bị cắt. Các thành viên của IEA đa số đều là các quốc gia phát triển. Trung Quốc không phải là thành viên của tổ chức, nhưng vẫn lên kế hoạch xây dựng cơ chế dự trữ năng lượng trên.

Bắc Kinh một mặt không ngừng nhập khẩu dầu thô, mặt khác tìm cách kiềm chế giá để việc nhập khẩu này không khiến đẩy giá lên cao trên thị trường thế giới. Theo tiết lộ của các giao dịch viên tại thị trường hàng hóa Singapore, trong một giao dịch hồi tháng 10/2014, một công ty con thuộc Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc đã mua vào kỷ lục 23,5 triệu thùng dầu. "Trước đây, công ty này chưa từng có vụ mua vào lớn như vậy bao giờ", một giao dịch viên giấu tên cho hay.

api-4668-1425093762.png

Giá dầu thế giới giảm mạnh từ giữa năm 2014 giúp Trung Quốc tiết kiệm hàng chục tỷ USD khi nhập khẩu dầu dự trữ. Đồ họa: NYT.

Trong hơn 10 năm qua, cùng với việc sản lượng dầu mỏ trong nước của Trung Quốc ngừng tăng trưởng, nhu cầu nhập khẩu của nước này gia tăng mạnh mẽ. Hồi tháng một, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang, miền đông bắc Trung Quốc, tuyên bố mỏ dầu Đại Khánh sẽ giảm sản lượng 11 triệu thùng trong năm 2015, do chi phí khai thác và sản xuất cao hơn nhiều so với giá dầu nhập khẩu. Lượng dầu do Đại Khánh sản xuất chiếm một phần tư tổng sản lượng dầu mỏ toàn Trung Quốc.

Dưới sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, hàng loạt các dự án mới trên toàn cầu ra đời với tốc độ chóng mặt. Các công ty dầu khí lớn của nhà nước đua nhau nhắm vào nguồn cung ứng nước ngoài, thông qua việc xây dựng mối quan hệ mật thiết với chính phủ các nước xuất khẩu dầu, cũng như xây dựng mạng lưới ống dẫn tại khu vực Trung Á.

Đối với các nước xuất khẩu dầu, việc thị trường Mỹ giảm thiểu nhu cầu nhập khẩu do sử dụng dầu đá phiến, khiến Trung Quốc trở thành một khách hàng quan trọng hơn bao giờ hết. Theo số liệu của Cục Thông tin Năng lương Mỹ (EIA), mức tiêu thụ dầu mỏ của Mỹ có xu hướng giảm từ năm 2000 đến nay, trong khi sản lượng dầu toàn cầu tăng trưởng 15%.

Trong 10 năm từ 2003 đến 2012, nhu cầu dầu thô thường nhật của Trung Quốc tăng 500 nghìn thùng mỗi năm. Nhưng, cùng với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chững lại, nhu cầu năng lượng của nước này cũng giảm theo. Theo dự đoán của IEA, cho đến năm 2020, nhu cầu dầu thô thường nhật của Trung Quốc sẽ giảm một nửa.

Tuy nhiên, chiến lược dự trữ dầu mỏ trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh vẫn khiến lượng dầu thô nhập khẩu của nước này tăng trưởng lên đến 9,5% trong năm 2014.

Mục tiêu của kế hoạch dự trữ dầu mỏ chiến lược mà Bắc Kinh khởi động cách đây 10 năm, là đến năm 2020, toàn quốc có hơn 10 cơ sở dự trữ chiến lược, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn 90 ngày sử dụng như của IEA. Theo đó, kế hoạch này được chia là ba giai đoan.

Tháng 11/2014, Cục Thống kê Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, các căn cứ xây dựng trong giai đoạn một có lượng dự trữ tương đương với tổng tiêu thụ dầu mỏ toàn quốc trong 9 ngày.

Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Simon Powell, sau đợt mua vào với số lượng lớn vừa qua, lượng dầu dự trữ chiến lược của Trung Quốc có thể đạt mức 40 ngày. Ngoài ra, thời điểm mua thuận lợi cũng khiến Bắc Kinh tiết kiệm được hàng chục tỷ USD.

Giới phân tích nhận định các nước xuất khẩu dầu có thể sẽ phải triển khai cạnh tranh nhằm giành được thị phần tại Trung Quốc, do nhu cầu đang có xu hướng suy giảm.

"Nhu cầu không còn có tốc độ tăng trưởng như trước nữa, vì vậy tốc độ tăng trưởng nhập khẩu dầu thô sẽ không cao như xưa", chuyên gia phân tích Sushant Gupta thuộc công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết. "Các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ phải nỗ lực tranh giành thị phần, đặc biệt là trên vấn đề giá cả".

Trong năm 2014, số lượng dầu thô mà Arab Saudi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc giảm hơn 8%, do Bắc Kinh quyết định nhập khẩu nhiều hơn từ Nga. "Để ứng phó, Arab Saudi buộc phải giảm giá cho các khách hàng châu Á", chuyên gia Gupta cho biết.

Nguồn: