Đến thời điểm này, gần tròn 1 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có Thông báo 173/TB-VPCP (ngày 24/4/2014) kết luận về phương án giá xăng sinh học (xăng E5) và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.
Thông báo nhấn mạnh, việc quy định Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống là một Chương trình nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, cải thiện môi trường không khí và góp phần tạo nguồn thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy phải quyết tâm thực hiện Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.
Để thực hiện được điều này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện việc đưa xăng sinh học vào thị trường theo đúng Lộ trình đã xác định tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ 1/12/2015.
Xăng E5 bán rộng rãi tại Quảng Ngãi
Có thể nói, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng, chính quyền các địa phương và doanh nghiệp cung ứng xăng dầu trong cả nước đã và đang tích cực chuẩn bị về mọi mặt, kể từ ban hành chính sách, kế hoạch kinh doanh cụ thể đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất và đặc biệt là thông tin tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao hiểu biết của người dân và vận động hưởng ứng sử dụng xăng E5 vì lợi ích chung của xã hội, đảm bảo môi trường.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất là đơn vị sản xuất xăng E5 đã khẳng định và thực tế đã đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho thị trường trong nước. Xăng E5 được phối trộn đúng Quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm tốt, nhất là bảo đảm an toàn sử dụng; nhà máy tuyệt đối bảo đảm các yêu cầu về công nghệ, môi trường.
Việc đưa xăng E5 vào thị trường tiêu dùng tại 7 tỉnh thành phố lớn, đặc biệt là tại Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả rất đáng mừng, lượng xăng sử dụng tăng lên từng ngày, người dân đã dần làm quen với loại nhiên liệu mới, có nhận thức đúng đắn hơn, tin cậy hơn đối với xăng E5.
Cho đến nay, sau nhiều tháng xăng E5 được triển khai bán rộng rãi tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong cả nước, chưa từng có khiếu nại nào của người tiêu dùng đối với xăng E5, ngược lại, có rất nhiều đánh giá tích cực về sản phẩm thân thiện môi trường này. Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép tiếp tục kinh doanh, cung ứng sản phẩm xăng khoáng (Ron 92, Ron 95) cùng với xăng sinh học (E5, E10) theo lộ trình giảm dần thích hợp, do đó về mặt thị trường cũng hoàn toàn không có biến động gì lớn.
Điều trở ngại duy nhất hiện nay có lẽ là do mạng lưới cây xăng bán E5 chưa nhiều, người tiêu dùng chưa thay đổi được thói quen mấy chục năm với xăng truyền thống và một số người còn tâm lý e ngại về việc ảnh hưởng không tốt đối với phương tiện ô tô, xe máy; giá bán xăng E5 cũng chưa đủ sức hấp dẫn về kinh tế.
Cần phải nhắc lại rằng, hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 60 quốc gia đang sử dụng phổ biến các loại xăng sinh học E5, E10, có nước đã sử dụng từ cách đây hơn 40 năm. Bằng vào kinh nghiệm phát triển trên thế giới, tác động của việc ứng dụng nhiên liệu sinh học đối với phát triển kinh tế xã hội không còn phải bàn cãi. Nhận thức đúng và tham gia sử dụng nhiên liệu sinh học là trách nhiệm của mỗi công dân đối với chính môi trường sống tương lai của chúng ta.
Nhằm mục tiêu đưa ra các định hướng về mặt kỹ thuật khi sử dụng xăng sinh học E5, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng tương thích của động cơ nổ thế hệ cũ sử dụng xăng sinh học có tỷ lệ ethanol E100 lớn hơn 5%”. Kết quả nghiên cứu đã được thông tin rộng rãi trong những năm gần đây và được đưa vào thực tế sản xuất như quy trình công nghệ và đơn phối chế xăng sinh học E10, E15, E20.
Kết quả nghiên cứu khoa học cũng cho thấy khả năng tương thích của động cơ xăng thế hệ cũ với xăng sinh học pha ethanol với các tỷ lệ 5% (E5), 10% (E10), 15% (E15) và 20% (E20). Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng đưa ra giải pháp kỹ thuật điều chỉnh kết cấu của động cơ nhằm đáp ứng việc sử dụng nhiên liệu sinh học tỷ lệ cao đến E20 cho động cơ xăng truyền thống.
Các nhà khoa học đã khẳng định rằng, việc sử dụng các loại xăng E5 hiện đang được phối trộn và bán trên thị trường hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới các loại động cơ ô tô, xe máy. Thậm chí có thể sử dụng lẫn xăng sinh học và xăng thông thường mà không gây ảnh hưởng tới tính năng của phương tiện. Công suất và suất tiêu hao nhiên liệu của phương tiện được cải thiện ở mọi tốc độ với cả ba loại xăng sinh học E5, E10, E20 khi so sánh với RON92. Thử nghiệm khả năng khởi động và tăng tốc cho thấy quá trình khởi động dễ dàng đối với cả 4 loại nhiên liệu, không có sự thay đổi về khả năng gia tốc của xe khi sử dụng xăng sinh học, thậm chí khi thử nghiệm với xăng sinh học E10 và E15 thời gian gia tốc xe từ 20 km/h đến 70 km/h còn tốt hơn so với khi thử nghiệm bằng nhiên liệu RON 92 do xăng sinh học có khả năng bay hơi tốt hơn.
Ở các nước, như: Mỹ, Brazil… đã sử dụng đồng loạt xăng sinh học với tỷ lệ từ 20-25% vẫn rất an toàn. Các nước sử dụng xăng E5-E10 đều đang dùng các động cơ xăng truyền thống, không cần điều chỉnh động cơ. Những động cơ cải tiến cho thế hệ mới đã có thể dùng xăng pha đến 35% - 85% ethanol. Tại Brazil đã phổ biến động cơ dùng 100% ethanol cho phương tiện giao thông.
Sử dụng xăng E5 hoàn toàn không ảnh hưởng đến động cơ xe máy, ô tô
Điều ưu việt nhất là khi sử dụng xăng sinh học, chúng ta góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường. So với xăng RON92, xe máy khi sử dụng E10 hàm lượng HC giảm 44,47%, CO giảm 15,27% và lượng nhiên liệu tiêu thụ giảm 2,93%. Trong khi, sử dụng xăng E15 và E20 phát thải HC lần lượt giảm 53,58% và 57,61%, CO giảm 48,91% và 57,0%, tiêu thụ nhiên liệu tăng 3,17% và 6,11%. Với ô tô, kết quả cho thấy, xe chạy với nhiên liệu E10 cho công suất cao nhất, tiếp đến là xăng RON92, với E20 công suất là thấp nhất. Hàm lượng các loại khí thải độc hại như CO, HC, NOx và CO2 đều giảm đáng kể.
Chính phủ nhiều nước đã hỗ trợ ngành nhiên liệu sinh học phát triển thông qua các chính sách bắt buộc pha trộn NLSH vào nhiên liệu truyền thống và các chỉ tiêu về tỷ lệ năng lượng tái tạo trong nền kinh tế. Trong ngành nhiên liệu sinh học thế giới, ethanol phát triển mạnh nhất, ngành sản xuất ethanol đến nay đã tạo được hơn 1,4 triệu việc làm và đóng góp giá trị gia tăng hơn 277,3 tỉ USD cho kinh tế thế giới. Việc nghiên cứu, phát triển sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học thu hút sự quan tâm rất lớn của các quốc gia trên thế giới do các lợi ích của loại nhiên liệu này đối với an ninh năng lượng, môi trường và xã hội. Với các lợi ích thiết thực như vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và ban hành các chiến lược, chương trình, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học theo hướng bền vững, trên cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội.
Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu xăng dầu với sản lượng rất lớn để phục vụ nhu cầu trong nước, trữ lượng nhiên liệu hóa thạch hặc không lớn hoặc đang ngày càng cạn kiệt, giá nhiên liệu thế giới ngày càng tăng mạnh, do đó việc đầu tư sản xuất, phát triển thị trường, sử dụng rộng rãi NLSH là một chiến lược đúng đắn và cần được hiểu là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay, không chỉ đối với Nhà nước mà đối với trách nhiệm thực hiện của mỗi người dân.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống bao gồm các mức sau đây: Hỗn hợp xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 4% - 5% theo thể tích và được gọi là xăng E5. Hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 9% - 10% theo thể tích và được gọi là xăng E10. Hỗn hợp các nhiên liệu đi-ê-zen và nhiên liệu đi-ê-zen sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) từ 4% - 5% theo thể tích và được gọi là đi-ê-zen B5. Hỗn hợp các nhiên liệu đi-ê-zen và nhiên liệu đi-ê-zen sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) từ 9% - 10% theo thể tích và được gọi là đi-ê-zen B10. |
TIN KHÁC
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Nhật Bản thử nghiệm thành công tàu hybrid sử dụng pin hydro và diesel sinh học(08/04/2024)