Những công nghệ chết yểu trên xe hơi
01:15 SA @ Thứ Năm - 06 Tháng Ba, 2014

Để bán được xe, ngoài thiết kế ngoại hình, kết cấu, thì công nghệ là một điểm quan trọng để các hãng xe gây ấn tượng với khách hàng. Nhưng đôi khi sự ứng dụng quá đà có thể khiến "tiền mất tật mang".

Năng lượng hạt nhân

ford-nucleon-1-6576-1394012330.jpg

Việc các hãng xe đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng các loại nhiên liệu thay thế cho xe hơi không còn là mới, nhưng ý tưởng của hãng xe Mỹ vào năm 1958 dường như đi quá xa khi sử dụng tới năng lượng hạt nhân.

Ford Nucleon được lên ý tưởng sử dụng một lò phản ứng hạt nhân đặt phía sau cabin. Các bánh xe lái nhờ một động cơ hơi nước lấy sức mạnh từ sự phân hạch hạt nhân, tương tự cách làm việc của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Dù thiết kế có vẻ ấn tượng nhưng không bao giờ trở thành hiện thực, thậm chí là chưa đi đến khâu concept.

Máy ghi phát

ford-consul-1-6582-1394012330.jpg

Với những người phải dành nhiều thời gian trên đường, nhu cầu về một thiết bị thông tin giải trí trên xe là rất cao. Năm 1956, Chrysler, DeSoto, Dodge và Plymouth đưa ra thiết bị ghi phát như một tùy chọn cho khách hàng mua xe.

Do một hãng Columbia sản xuất, thiết bị này có thể xử lý những chiếc đĩa 7 inch với tốc độ 45 vòng/phút. Nhưng vấn đề chủ yếu là kim đọc nảy tưng mỗi khi xe chạy qua chỗ xóc. Vì thế, thiết bị này chỉ "sống" được một mùa rồi biến mất.

Cần gạt nước cho đèn pha

mercedes-1-7042-1394012330.jpg

Năm 1970, hãng Saab gây chú ý với loại cần gạt mini dành riêng cho đèn pha. Sau đó đến lượt Volvo đi theo, BMW và Mercedes cũng không bỏ lỡ xu hướng mới. Tuy nhiên, vì đèn pha ngày càng trở nên nhiều góc cạnh, để có được một chiếc cần gạt hiệu quả là một giải pháp khó và tốn kém. Dụng cụ này không lâu sau đó đi vào dĩ vãng khi các kỹ sư nghĩ ra loại đầu phun nước đơn giản và hiệu quả hơn nhiều.

Sang số trên vô-lăng

ford-edsel-1-2777-1394012331.jpg

Chrysler giới thiệu các nút bấm sang số trên bảng điều khiển vào năm 1956. Năm sau đó, hãng đối thủ đồng hương là Ford tiến xa hơn với mẫu Edsel với công nghệ Teletouch. Kiểu sang số bán tự động này gồm các nút bấm cho số N, R, P, L và D nằm ngay giữa vô-lăng. Nhưng khách hàng nhanh chóng nhận ra sự trở ngại khi họ bấm còi và vô ý cùng lúc bấm vào một số nào đó. Công nghệ này cũng chỉ tồn tại được một năm.

Phần giữa vô-lăng cố định

austin-allegro-1-6502-1394012331.jpg

Việc này xảy ra với chiếc vô-lăng kiểu hình vuông của mẫu Austin Allegro, và mới nhất là trên Citroen C4. Ý tưởng xuất phát từ việc tài xế có thể xoay vô-lăng mà vẫn biết chính xác các nút bấm chức năng đang ở chỗ nào. Nhưng thực tế rằng mọi người hiếm khi dành thời gian cho các nút bấm trên vô-lăng khi đang vào cua khiến công nghệ này trở nên vô dụng.

Dây đai an toàn tự động

volkswagen-golf-1-8840-1394012331.jpg

Vào đầu những năm 1970, các nhà sản xuất xe hơi gặp một rắc rối lớn. Dây đai an toàn được xác nhận là một thành tựu thực sự trong an toàn giao thông và trang bị trên mọi chiếc xe, dù rằng không phải ai cũng chấp nhận và chịu thắt dây mỗi khi lên xe. Kết quả là dây đai tự động xuất hiện trên Volkswagen Rabbit 1975.

Bằng việc gắn đầu cài trên cột B, người ngồi ở hàng ghế trước có thể vào xe và bị thắt dây ngay khi cửa đóng. Lợi ích của loại thiết bị này là hữu hình, và kế hoạch mỗi chiếc xe mới đều phải chọn một trong hai: hoặc dây đai an toàn, hoặc túi khí với chi phí cao hơn. Khi luật pháp Mỹ yêu cầu rằng tất cả xe mới bán ra đều phải có túi khi từ năm 1995, dây đai an toàn cũng bị khai tử.

Tái phát minh xe đạp

sinclair-c5-1-6684-1394012331.jpg

Sir Clive Sinclair, một thương gia kiêm nhà sáng chế người Anh, có vô số những sáng chế nổi bật. Tuy nhiên, C5 không phải một trong số đó. Với bộ khung thép được hãng Lotus thiết kế, thân xe bằng polipropilen, tay lái nằm phía dưới đùi người điều khiển và ắc-quy cho phép chạy quãng đường 32 km. Xe được thiết kế như một phương tiện di chuyển hàng ngày nhưng thực tế C5 khá nặng, có trục pedal ngắn và động cơ không thể giúp lên dốc và dễ quá nóng.

C5 được bán ra vào tháng 1/1985 với giá hơn 700 USD nhưng đến tháng 8 cùng năm đã bị dừng sản xuất. Tháng 9 cùng năm, giá bán tụt xuống còn 230 USD và đến tháng 10 dừng bán hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng đã có đến 17.000 xe bán ra và là xe điện bán chạy nhất cho đến cuối năm 2011, khi Nissan Leaf tuyên bố đã bán được 20.000 xe.

Tái phát minh môtô

bmw-c1-1-4990-1394012331.jpg

Khoảng cuối thế kỷ 20, BMW và Mercedes đều tìm cách tạo cách mạng trong việc di chuyển nội thị. BMW khởi xướng với một chiếc scooter có mái che, còn Mercedes tạo ra xe 3 bánh nghiêng được khi vào cua.

Mẫu BMW C1 2001 có kiểu khoang xe bằng thép với chiếc mui che nắng mưa cho người lái. Dây đai an toàn đôi cũng cho phép lái xe không phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, sản phẩm này không được đón nhận nồng nhiệt với doanh số nghèo nàn. Đến 2003, xe dừng sản xuất.

Còn Mercedes LifeJet là một chiếc xe concept từ năm 1997. Hai bánh trước có thể nghiêng giúp xe vào cua linh hoạt hơn xe hai bánh thông thường. Động cơ 1,6 lít và hộp số từ một chiếc A-class giúp xe có thể tăng tốc từ 0 lên 97 km/h sau 7,7 giây. Tuy nhiên, dự án này lặng lẽ đi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho những ý tưởng thực tế hơn.

Nguồn: