Altis là hình mẫu cho bất cứ hãng xe nào khi đưa sản phẩm vào Việt Nam. Nằm ở phân khúc cân bằng giữa doanh số và doanh thu, Altis thậm chí còn bán nhiều hơn cả chiếc xe rẻ hơn là Vios và luôn khiến các đối thủ đau đầu. Honda Civic từng có thời đẩy Altis xuống ngôi thứ hai, nhưng rồi hụt dần ở thế hệ mới và giờ đây không còn khả năng cạnh tranh. Ford Focus, Chevrolet Cruze và Kia K3 cũng ở hoàn cảnh tương tự. Chỉ đủ để "cấu" của Altis một ít thị phần, nhưng không đủ sức tạo nên thế cân bằng.
Điểm yếu lớn nhất của Altis thế hệ cũ là thiên về trung tính, phù hợp với con mắt khách hàng trung lưu 40 tuổi trở lên. Trong khi các đối thủ Kia K3 và Ford Focus trẻ hơn nhiều và lấy lòng người dưới 35. Sau vài năm bị sức ép quá lớn từ các hãng xe Hàn, Toyota thay đổi mình và kết quả Altis thế hệ thứ 11 ra đời với vẻ ngoài không liên quan gì tới thế hệ cũ. Một cuộc cách mạng của thương hiệu nổi tiếng bảo thủ.
Đường nét Altis mới phá cách, nghiêng ngả xiên chéo với những ám chỉ về sức mạnh thể thao. Lưới tản nhiệt cỡ rộng, đèn pha to bản, kéo dài trong khi cụm đèn hậu sắc nét. Đặt cạnh những nét bo tròn mềm mại của Altis cũ, mới thấy cuộc giải phẫu của Toyota táo bạo thế nào. Thậm chí còn mới mẻ và trẻ trung hơn cả đối thủ Civic và Focus. Theo số liệu bán hàng từ Vios, sau khi đổi thiết kế, độ tuổi trung bình khách hàng giảm từ 40-50 xuống còn 35-45. Altis dù chưa có số liệu cụ thể thì việc giảm là điều có thể dự đoán.
Ngoài thiết kế, hãng xe Nhật bắt đầu chịu trang bị những công nghệ mới. Chẳng hạn dàn đèn chiếu gần dạng LED projector và định vị ban ngày LED của bản 2.0. Cũng lần đầu tiên Toyota Việt Nam đưa hệ thống cân bằng điện tử VSC lên Altis 2.0, sau nhiều năm trung thành với lý luận "ở Việt Nam không cần cân bằng điện tử".
Tuy nhiên, đổi mới quá cũng dễ gây sốc và Toyota phải chuẩn bị tinh thần mất một phần khách hàng truyền thống, những người luôn đánh giá cao sự mềm mại. Thêm nữa, vóc dáng quá cá tính và trẻ của Altis có thể không còn phù hợp với quan chức nhà nước.
Về kích thước vật lý, Altis mới dài hơn bản cũ 80 mm ở mức 4.620 mm. Rộng hơn 15 mm, ở mức 1.775 mm và chiều cao thấp hơn 5 mm, ở mức 1.460 mm. Ngoài ra, trục cơ sở cũng kéo dài thêm 100 mm thành 2.700 mm. Mở rộng không gian và thay đổi thiết kế táp-lô dạng đứng cổ điển chứ không uốn lượn như dòng nước nên nội thất thông thoáng vào loại nhất phân khúc.
Bảng điều khiển trung tâm dạng phẳng, với cửa gió điều hòa hoài cổ và đơn giản hết mức có thể. Điều hòa tự động trang bị cho Altis 2.0 và 1.8AT nhưng không có cửa gió sau. Giống thế hệ cũ, dàn âm thanh chẳng liên quan gì tới tổng thể. Thực tế thì đó là thiết bị được Toyota Việt Nam lắp riêng. Trên Altis 2.0 có khởi động bằng nút bấm, 6 loa kết nối USB hoặc iPhone, iPad. Ngoài ra còn kết nối bluetooth và đàm thoại rảnh tay.
Động cơ vẫn là hai phiên bản 1.8 và 2.0 với không nhiều thay đổi. Bản động cơ 1,8 lít 4 xi-lanh VVT-i cho công suất 138 mã lực tại vòng tua máy 6.400 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 173 Nm tại 4.000 vòng/phút. Còn động cơ 2 lít 4 xi-lanh thẳng hàng cho công suất 143 mã lực và mô-men xoắn 187 Nm tại 3.600 vòng/phút. Như vậy Altis không có gì khác về mặt động cơ so với thế hệ cũ.
Thay đổi căn bản nhất là hộp số vô cấp CVT bổ sung thêm cửa xả dầu mới, thay đổi vật liệu, giảm ma sát và viết lại phần mềm. Nhờ đó dải tỷ số truyền đầu-cuối mở rộng hơn. Nếu hộp số CVT cũ trên Altis 1.8AT tạo tiếng hú, yếu và phải chuyển sang bán tự động ở ngay những con dốc Hòn Rơm (Mũi Né) thì trên xe mới, để chế độ D vẫn vượt dốc vịnh Vĩnh Hy (Nha Trang) nhẹ nhàng.
Những khách hàng chịu chơi và cuồng nhiệt Toyota có thể chọn bản Altis 2.0 để cảm nhận thế nào là cảm giác thể thao, dù giá chỉ rẻ hơn Camry 2.0 khoảng 50 triệu đồng. Hãng này kỳ vọng bằng cách đưa mọi thứ lên bản 2.0, sẽ có một tầng lớp khách mới: "Mua Toyota vì thích lái".
Quả thực Altis 2.0 có những thứ không giống Toyota chút nào. Vô-lăng chắc nịch, đầm không khác gì xe Đức, dù độ chính xác thì chưa bằng. Những ai quen lái Toyota sẽ phải ngạc nhiên nhiều vì điều này. Hộp số viết lại phần mềm nên có khả năng thích nghi với thói quen tài xế. Người từ tốn sẽ có cách tăng tốc khác với người thích đạp lút ga.
Ngạc nhiên hơn nữa là chân ga và chân phanh rất mút, tạo cảm giác đàn hồi và chính xác hơn khi đạp. Phản ứng chân ga điềm đạm hơn nhưng khi đã "bắt" tốc thì vọt và thoát hơn. Bộ gảy số tay gắn sau vô-lăng phản ứng nhạy, gần như tức thì so với với chủ ý tài xế, một sự cải tiến rõ ràng hiệu quả của Toyota. Trên bản 2.0 còn có cân bằng điện tử VSC, khởi động bằng nút bấm. Ghế chỉnh điện 10 hướng, bọc da và màn hình trung tâm cảm ứng. Dẫu vậy vẫn có chi tiết "rất Toyota" như đèn chiếu sáng cho gương trang điểm trong xe. Thông thường đèn sẽ tự sáng khi gạt tấm che, nhưng ở Altis 2.0 còn có thêm công tắc tắt-bật.
Những cải tiến táo bạo giúp Altis ngày càng trở thành thế độc tôn. Tổng số đơn hàng sau 25 ngày ra mắt, theo Toyota Việt Nam là 1.400 và hãng này mới giao 400 xe. Phiên bản chạy nhất là Altis 1.8AT với tỷ lệ đặt hàng 70%. Với giá 807 triệu, Altis 1.8AT quả thực cân bằng tốt giữa giá trị và tính năng. Phiên bản 2.0 giá 944 triệu nhận được 20% đơn hàng.
Bất ngờ nhất là bản thấp cấp 1.8MT giá 757 triệu chỉ nhận được 10% đơn hàng. Một trong những lý do là khách hàng Việt Nam ngày càng chuộng xe số tự động và các hợp đồng bán xe theo lô cho cơ quan nhà nước đang chững lại.
TIN KHÁC
Sắp ra mắt nhiều mẫu xe ô tô mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 tại thị trường Việt Nam(15/03/2022)
Bí quyết bảo dưỡng động cơ ô tô xe chạy bằng dầu Diesel(12/08/2021)
Xử lý thế nào khi xe máy có hiện tượng 'ăn xăng'?(26/05/2017)
Lái xe khi gần hết nhiên liệu: Những lưu ý cần biết(04/05/2017)
Đổ nhầm nhiên liệu cho ô tô, xử lý cách nào?(08/04/2016)