Bất chấp 'mưa trừng phạt', doanh thu từ nhiên liệu của Nga tăng gấp đôi
02:13 SA @ Thứ Sáu - 29 Tháng Tư, 2022

Nga đã nhận được tới 62 tỷ Euro, tức tăng gần gấp đôi doanh thu từ việc bán than đá, dầu mỏ và khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi mở chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine.

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi chiến sự bùng nổ, Nga đã có doanh thu "khủng" từ xuất khẩu các nhiên liệu hóa thạch nhờ giá cả tăng vọt, ngay cả khi khối lượng cung ứng cho thị trường EU giảm.


20 nước nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch nhiều nhất từ Nga trong giai đoạn 24/2 - 24/4/2022. Nguồn: CREA

Đối với EU, giá trị nhập khẩu than đá, dầu mỏ và khí đốt từ Nga đạt 44 tỷ Euro trong 2 tháng qua, trong khi cả năm ngoái là khoảng 140 tỷ Euro, tương đương gần 12 tỷ Euro/tháng. Kết quả ám chỉ Nga vẫn tiếp tục hưởng lợi từ việc là nhà cung ứng năng lượng then chốt cho châu Âu, ngay cả khi các chính phủ tìm mọi cách ngăn cản Tổng thống Vladimir Putin sử dụng nhiên liệu như vũ khí kinh tế.

Báo Guardian trích dẫn dữ liệu của CREA cho hay, xuất khẩu dầu thô của Nga giảm 30% trong 3 tuần đầu tháng 4, so với hai tháng đầu năm 2022, thời điểm trước khi chiến sự bùng nổ. Dù cuộc chiến ở Ukraine cùng các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh làm giảm xuất khẩu nhiên liệu của Nga, sự thống trị về nguồn cung khí đốt đồng nghĩa với việc cắt giảm khối lượng xuất khẩu chỉ khiến giá cả ngoài thị trường leo thang. Giá nhiên liệu trước đó đã tăng lên vì nguồn cung bó hẹp giữa lúc các nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi hậu đại dịch Covid-19.

CREA thống kê, nhiều công ty chuyên doanh nhiên liệu hóa thạch, kể cả BP, Shell và ExxonMobil, vẫn tiếp tục giao dịch khối lượng lớn với Nga, viện dẫn động thái tuân theo các thỏa thuận đã ký kết từ trước.

Đức là bạn hàng lớn nhất của Nga trong 2 tháng qua, mặc dù chính phủ nước này nhiều lần tuyên bố hạn chế phụ thuộc vào dầu mỏ Nga là ưu tiên hàng đầu. Berlin đã trả khoảng 9 tỷ Euro cho nhiên liệu nhập khẩu trong thời gian này. Trong khi, Italia và Hà Lan cũng là những nhà nhập khẩu lớn, với chi phí lần lượt khoảng 6,8 tỷ Euro và 5,6 tỷ Euro.


Hơi nước phát tỏa ra từ tháp làm mát của nhà máy điện chạy bằng khí đốt Lichterfelde ở Berlin, Đức. Ảnh: AP.

Hôm 27/4, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga xác nhận ngưng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria khi hai nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp. Đây là lần đầu tiên xứ sở bạch dương dùng biện pháp mạnh về cung ứng nhiên liệu đối với các khách hàng châu Âu kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2, nhằm đáp trả các đòn trừng phạt cứng rắn của phương Tây.

Theo Reuters, đồng Rúp của Nga đang từng bước phục hồi và đã chạm mức cao nhất trong hơn hai năm so với đồng Euro trong giao dịch thương mại ngày 27/4, khi 75,43 Rúp đổi 1 Euro, tăng 1,8% giá trị.

Thực tế khiến doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu, vốn chảy trực tiếp vào ngân sách của chính phủ Nga thông qua các công ty quốc doanh, vẫn tăng lên bất chấp việc phương Tây gia tăng sức ép bằng hàng loạt biện pháp trừng phạt. Moscow do đó đã đẩy EU vào cái bẫy khi các chính phủ càng siết hạn chế, giá nhiên liệu càng leo thang, kéo theo doanh thu của Nga tăng.

Lauri Myllyvirta, nhà phân tích hàng đầu tại CREA nói, cách duy nhất để vô hiệu hóa là EU phải nhanh chóng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. "Tiếp tục nhập khẩu nhiên liệu từ Nga sẽ tạo các lỗ hổng lớn trong những biện pháp trừng phạt Nga", ông Myllyvirta nhấn mạnh.

Nguồn: