Ấn Độ đang bước vào thời kỳ bùng nổ xây dựng nhà máy lọc dầu để đáp ứng cơn khát nhiên liệu ngày càng tăng nhanh khi nền kinh tế tăng trưởng nóng. Đất nước Nam Á dự kiến đầu tư khoảng 60 tỉ đô la Mỹ trong năm năm tới vào ngành công nghiệp lọc dầu.
Ấn Độ đã khởi động kế hoạch xây dựng rầm rộ các nhà máy lọc dầu để mở rộng sản lượng nhiên liệu vận tải truyền thống như xăng và dầu diesel, có thể nâng công suất lên hơn 20% trong 5 năm tới. Theo ước tính của hãng tư vấn Rystad Energy, chi phí đầu tư để tăng thêm công suất ở mức đó là khoảng 60 tỉ đô la.
Ấn Độ trở thành điểm sáng hiếm hoi cho ngành công nghiệp lọc dầu toàn cầu vốn đang trong tình trạng suy thoái ở Mỹ và châu Âu. Tại Trung Quốc, sau nhiều năm tăng trưởng, ngành công nghiệp lọc dầu khổng lồ đang điều chỉnh theo các mục tiêu xanh của Bắc Kinh. Ngược lại, nhu cầu vận tải ngày càng tăng của Ấn Độ và nhu cầu xe điện chậm hơn có nghĩa là nhu cầu cao đối với xăng và dầu diesel cao sẽ duy trì trong thời gian dài hơn.
“Phương Tây không còn khả năng xây thêm nhà máy lọc dầu. Công suất lọc dầu tiếp tục mở rộng ở những khu vực có nhu cầu ngày càng tăng. Ấn Độ là nơi chúng tôi nhận thấy xu hướng tăng trưởng hơn 200.000 thùng dầu/ngày từ nay đến 4 hoặc 5 năm tới”, Giovanni Serio, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty kinh doanh năng lượng và hàng hóa Vitol Group, nhận định.
Tháng trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Rameswar Teli dự báo, công suất lọc dầu của đất nước sẽ tăng thêm 56 triệu tấn vào năm 2028. Con số này sẽ nâng công suất lọc dầu tổng thể của Ấn Độ thêm 22%, tương đương 1,12 triệu thùng/ngày.
Cho đến nay, các công ty lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ đã thông báo tăng công suất thêm tổng cộng khoảng 50 triệu tấn. Trong số đó, các dự án lọc dầu mới, có tổng công suất 37 triệu tấn, dự kiến vận hành từ năm 2024 đến năm 2026.
Dự án bổ sung công suất lớn nhất (10 triệu tấn/năm) diễn ra tại nhà máy lọc dầu Panipat của tập đoàn dầu khí Indian Oil của Bộ Dầu mỏ Ấn Độ ở bang Haryana. Công suất mới sẽ vận hành vào cuối năm tới. Nhà máy lọc dầu Barmer của Hindustan Petroleum, cũng là một công ty nhà nước, ở bang Rajasthan là dự án lớn tiếp theo với công suất 9 triệu tấn. Quá trình xây dựng nhà máy này dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Nhìn chung, các công ty lọc dầu nhà nước sẽ đảm nhận hầu hết công suất tăng thêm. Trong khi đó, Reliance Industries, tập đoàn lọc dầu tư nhân lớn nhất nước, tìm cách chuyển hướng từ sản xuất xăng dầu sang nhiên liệu sạch để tận dụng làn sống chuyển đổi sang năng lượng xanh.
“Trước đây, Ấn Độ chậm bổ sung công suất lọc dầu mới, do vậy, giờ đây phải chạy đua bắt kịp nhu cầu, nếu muốn tự cung tự cấp”, Sushant Gupta, nhà phân tích dầu mỏ tại của hãng tư vấn Wood Mackenzie, nói và cho biết nhu cầu dầu của cầu của Ấn Độ sẽ tăng thêm 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Hiện nay, quốc gia Nam Á này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất khẩu nhiên liệu đến các khu vực khác như châu Âu sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine làm gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là dầu diesel.
Kumod Kumar Jain, Phó chủ tịch của Rystad Energy, nhận định Ấn Độ đang đứng trước cơ hội xuất khẩu nhiên liệu. Ông lưu ý, ở châu Âu, nhiều nhà máy lọc dầu đang đóng cửa, vì vậy, thị trường đang cố gắng nắm bắt nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu từ khu vực này.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Ấn Độ sẽ tăng năng lực lọc dầu thêm 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 năm tới, nâng công suất xử lý lên 6,2 triệu thùng/ngày vào năm 2028, tương đương mức tăng 19%. Trong giai đoạn này, công suất lọc dầu tổng thể dự kiến tăng 8% ở Trung Quốc và 9% ở Trung Đông.
Mặc dù tỷ lệ phần trăm tăng là lớn nhưng công suất ngành lọc dầu của Ấn Độ vẫn thua kém Mỹ và châu Âu. Riêng ngành lọc của Trung Quốc có quy mô lớn gấp ba lần so với Ấn Độ.
Kế hoạch bổ sung của Ấn Độ bao gồm các tổ hợp hóa dầu, nhưng phần lớn công suất sẽ dành cho nhiên liệu vận tải. Theo dữ liệu của chính phủ, công suất lọc dầu tổng thể của Ấn Độ là gần 254 triệu tấn/năm tính đến ngày 1-4-2023.
“Ấn Độ vẫn là một nền kinh tế đang phát triển, nên việc nước này vẫn tập trung đầu tư nhiều vào nhiên liệu truyền thống là điều hợp lý, đồng thời giúp đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh”, Dylan Sim, nhà phân tích dầu mỏ của FGE, nói.
Ấn Độ cũng có kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng và vẫn phụ thuộc nhiều vào than để sản xuất điện. Dù vậy, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đang tìm cách trở thành một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng và đã đặt mục tiêu đưa lượng phát thải ròng carbon về zero vào năm 2070.
TIN KHÁC
Giá dầu thế giới tăng vọt(25/11/2024)
BP chuyển đổi nhà máy lọc dầu thành trung tâm năng lượng bền vững(22/11/2024)
Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh(22/11/2024)
Ba lỗ hổng lớn trong chính sách dầu mỏ của G7 giúp Nga lách lệnh trừng phạt(21/11/2024)
Dự trữ dầu tại Mỹ tăng mạnh kéo giá "vàng đen" đi xuống(21/11/2024)